2.1. Thực trạng pháp luật về kỷ luật lao động
2.1.1. Thực trạng pháp luật về việc ban hành và thực hiện nội quy lao động
Để tránh trường hợp vì mục đích lợi nhuận của mình mà NSDLĐ có hiệu tượng lạm quyền, đặt ra các quy định quá khắt khe đối với NLĐ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, pháp luật đã quy định NSDLĐ khi ban hành nội quy lao động phải tuân theo các quy định về nội dung nội quy lao động. Nội quy lao động là văn bản do NSDLĐ ban hành, quy định về các quy tắc xử sự mà NLĐ có trách nhiệm bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động, quy định về các hành vi kỷ luật lao động, cách thức xử lý và trách nhiệm vật chất. Nội quy lao động không chỉ cần thiết cho đơn vị sử dụng lao động mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính bản thân NLĐ. Khi biết rõ nhiệm vụ của mình và cả những chế tài dự liệu, NLĐ sẽ hạn chế được những vi phạm, góp phần nâng cao năng suất lao động. Quy định về nội quy lao động có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý lao động và xử lý kỷ
luật lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ khi tham gia quan hệ lao động.
Hiện nay, Khoản 1 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản”. Từ đây, có thể hiểu rằng đối với những đơn vị sử dụng dưới 10 NLĐ thì không bắt buộc phải có nội quy lao động bằng văn bản. Nếu không ban hành nội quy, trong quá trình giao kết hợp đồng lao động, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận về các vấn đề về kỷ luật lao động là các điều khoản trong hợp đồng lao động. Do đó, nếu NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ không ban hành nội quy lao động thì có thể xử lý kỷ luật NLĐ theo căn cứ là hợp đồng lao động khi NLĐ có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ cũng có quyền ban hành nội quy lao động nếu có nhu cầu.
22
Về những nội dung chủ yếu trong nội quy lao động, Khoản 2 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2018 NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
Một là, nội quy lao động quy định cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Nội quy lao động quy định về biểu thời giờ làm việc của NLĐ như thời giờ bắt đầu cũng như thời giờ kết thúc công việc trong ngày, tuần, tháng. Đó là các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, thời gian nghỉ giải lao giữa các buổi làm việc; quy định về việc tăng ca, làm thêm giờ; ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ phép năm, nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương…
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định cụ thể, chi tiết tại Khoản 1 Điều 27 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau: Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ ngắn ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương. Việc quy định thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động không chỉ có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của NLĐ mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng một môi trường lao động có trật tự, kỷ cương, nề nếp và văn minh.
Hai là, nội quy lao động quy định về vấn đề trật tự tại nơi làm việc.
Theo Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này các quy định về trật tự tại nơi làm việc bao gồm: Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động (trừ
trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình). Điều này có ý nghĩa thiết thực trong một môi trường lao động ổn định, đảm bảo trật tự, kỷ cương, nề nếp. Tùy thuộc vào những đặc thù khác nhau của từng ngành nghề, từng công việc mà các quy định về giữ trật tự tại nơi làm việc có những điểm khác nhau. Căn cứ vào từng
23
đặc điểm và tính chất công việc mà NSDLĐ ban hành các quy định về trật tự tại nơi làm việc cho phù hợp.
Ba là, nội quy lao động quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Khoản 3 Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định 148/2018 NĐ-CP quy định về “An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc khử trùng tại nơi làm việc“. Như vậy tại các doanh nghiệp thì NSDLĐ và NLĐ đều phải nắm vững các quy định về an toàn vệ sinh lao động, để đảm bảo thực hiện được điều này thì pháp luật lao động đã đưa vào quy định cụ thể hóa chi tiết trong nội quy của các doanh nghiệp để đảm bảo tất cả mọi NLĐ và NSDLĐ đều được biết và thực hiện được tại nơi làm việc. Vì thực tiễn trong những năm gần đây, các vụ tai nạn lao động xảy ra tương đối nhiều tại các công trình xây dựng, nhà máy, công xưởng…mà nguyên nhân của các vụ tai nạn này là do chưa tuân thủ kỷ luật lao động về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Chính vì vậy, vấn đề tuân thủ kỷ luật lao động về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là vô cùng cần thiết và phải được quy định cụ thể trong nội quy lao động để buộc NSDLĐ và NLĐ phải nghiêm chỉnh thực hiện.
Bốn là, nội quy lao động quy định về việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ.
Trong quá trình NLĐ tham gia vào quan hệ lao động sẽ được NSDLĐ cung cấp các công cụ, phương tiện hỗ trợ có liên quan vị trí công việc để thực hiện nhiệm vụ được giao theo hợp đồng lao động. Mặt khác, trong các lĩnh vực đặc thù hoặc ở những vị trí quan trọng như quản lý, tổ trưởng NLĐ còn có thể được NSDLĐ hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến bí mật kinh doanh, công nghệ của cơ quan,
24
doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và sở hữu trí tuệ của NSDLĐ là nghĩa vụ quan trọng, bắt buộc của NLĐ khi quan hệ lao động được thiết lập. Đồng thời, trong nội quy lao động cần phải quy định cụ thể về những bí mật kinh doanh, công nghệ, sở hữu trí tuệ của đơn vị mình để NLĐ biết và thực hiện. Theo Khoản 4 Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP về nội dung nội quy lao động liên quan đến trách nhiệm bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ bao gồm các danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao của NLĐ nhằm giúp cho NSDLĐ được bảo vệ các quyền đối với tài sản của mình.
Năm là, nội quy lao động quy định các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ và các hình thức xử lý kỷ
luật lao động, trách nhiệm vật chất là một nội dung rất quan trọng, cần thiết phải được quy định trong nội quy lao động. Đây là căn cứ pháp lý để NSDLĐ xử lý kỷ
luật khi NLĐ có hành vi vi phạm. Nội quy lao động phải cụ thể hóa từng loại hành vi vi phạm cũng như mức độ vi phạm tương ứng; các hình thức kỷ luật lao động;
xác định các loại trách nhiệm vật chất, phương thức bồi thường sao cho phù hợp, thích ứng với đặc điểm của từng đơn vị mà không trái với các quy định của pháp luật.
Từ đó có thể thấy, nội quy lao động đóng một vai trò quan trọng đối với NLĐ cũng như doanh nghiệp. Nội quy lao động trở thành bản quy phạm nội bộ quan trọng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Nó tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các biện pháp xử lý đối với những người không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ được giao. Nội quy lao động còn là hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi, hoạt động, quá trình thực hiện công việc, quá trình công tác của NLĐ, giúp cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định, nề nếp, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
25
Xét về tầm quan trọng, nội quy lao động góp phần chuẩn hóa các hành vi, quan hệ ứng xử trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất đối với những NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Chỉ được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động. Để xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động đúng quy định của pháp luật lao động. NSDLĐ phải xây dựng nội quy lao động. Nội quy lao động chỉ có giá trị pháp lý khi đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ
ngày cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, trừ trường hợp nội quy đó bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung.