Cách thức xây dựng hình tượng nhân vật

Một phần của tài liệu Luận văn Thần Thoại Việt Nam Và Thần Thoại Hy Lạp Từ Góc Nhìn So Sánh (Trang 29 - 34)

Chương 2. SO SÁNH NHÂN VẬT TRONG THẦN THOẠI VIỆT NAM VÀ THẦN THOẠI HY LẠP

2.1. Tương đồng về nhân vật

2.1.3. Cách thức xây dựng hình tượng nhân vật

2.1.3.1. Thần thường mang theo bên mình những vũ khí, con vật riêng

Các vị thần trong thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam, thần nào cũng có một chức năng nhất định. Song, để làm tốt chức năng của mình, các thần thường có những thứ vũ khí hỗ trợ hay những con vật. Những thứ này làm nên biểu tượng riêng gắn liền với hình tượng thần.

Đọc thần thoại Hy Lạp, chúng ta bắt gặp hình tượng thần Zeus với những vũ khí hỗ trợ như: chớp do Cyclope Argès sáng tạo, sấm do Brontès sáng tạo, sét thì do Stéropès trao cho thần Zeus. Đây đều là những thứ vũ khí rất lợi hại thể hiện sự quyền uy và sức mạnh to lớn của thần Zues.

Hay như thần Hadès được các Cyclope rèn cho “một chiếc mũ tàng hình”. “Ai đội mũ này thì địch thủ dù có trăm mắt cũng không sao thấy được”.

Hình tượng nữ thần Héra với “đôi mắt bò cái”, thể hiện quan niệm về cái đẹp của người Hy Lạp cổ bởi họ cho rằng bò là loài vật linh thiêng. Đôi ki nữ thần còn còn cầm trong tay một quả táo – biển tượng của tình yêu, hay quả lựu – vật tượng trung của cuộc hôn nhân chính thức, sự mắn đẻ, đông con.

Bên cạnh nữ thần còn có một con chim công luôn xòe đuôi múa, hay có thuyết choc ho là chim cu. Nó đều biểu tượng cho sự yên ấm.

Hay thần Poséidon với cây đinh ba dài và nhọn hoắt giúp thần hô mưa gọi gió. “Chỉ cần thần quay đầu nó lại, phóng một nhát xuống mặt biển, là sóng quẫy lên, rồi lớp lớp dâng cao ngút, sôi réo ầm ầm. Nhưng chỉ cần thần cầm ngang cây đinh ba hay quay ngược nó lại cho mũi nhọn chĩa lên trời là mặt biển lại yên tĩnh đáng yêu” [11;99].

Con vật gắn bó với nữ thần Athena là con cú mèo – tượng trưng cho sự hiểu biết, tri thức, thông minh của nữ thần.

Trong thần thoại Việt Nam cũng vậy, các thần cũng có những vũ khí và con vật hỗ trợ như: thần Sét mang bên mình một cái trống, một cái lưỡi búa đá. Khi nào thần làm nhiệm vụ xét xử, thần thường đánh trống để tạo ra tiếng sấm và dùng búa để bổ vào đầu kẻ có tội, coi đó là hình phạt thích đáng cho kẻ tội nhân; Hay nói về thần Gió, thần thoại Việt Nam kể rằng thần Gió là vị thần có bảo bối là một thứ quạt nhiệm màu. Với cái quạt này, thần Gió có thể làm “gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tùy theo lệnh Ngọc Hoàng” [11;58].

Cái quạt chính là vật tạo ra gió và nó chính là biểu tượng riêng, gắn liền với thần Gió; Hay hình ảnh ba thần Phúc, Lộc, Thọ thường là “cụ già râu tóc bạc phơ”, một tay cụ chống gậy, một tay cụ cầm trái đào tiên. Đi cạnh bên thần thường là con rùa hoặc con cò bởi đây là hai giống vật có thể sống lâu năm.

Chúng tượng trưng cho sự trường thọ.

2.1.3.2. Mỗi vị thần có một chức năng nhất định

Thần thoại là sản phẩm của trí tượng của con người thời mông muội nhằm giải thích thế giới trong điều kiện vật chất và trí tuệ còn thấp kém. Bởi vậy mỗi vị thần mà họ tượng tượng ra là nhằm giải thích cho một sự vật, sự việc, một hiện tượng tự nhiên nào đó trong cuộc sống. Lịch sử phát triển của con người ở bất kì một quốc gia nào cũng trải qua thời kì tiền sử vì vậy họ có cách suy nghĩ tương đối giống nhau. Ở thời kì này, điều kiện vật chất kĩ thuật – khoa học của các dân tộc đều chưa phát triển. Để giải thích các hiện tượng tự nhiên, họ đều xây dựng các nhân vật thần có những chức năng nhất định.

Như vây, nhân vật trong thần thoại thường là nhân vật chức năng.

“Nhân vật chức năng – nhân vật có những đặc điểm, phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu tới cuối, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hoạt đọng của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc

phản ánh đời sống. Nhân vật đồng nhất với vai trò đóng trong tác phẩm”

[12;228].

Trong cả thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam, mỗi một vị thần đều làm một nhiệm vụ nhất định. Đó cũng chính là chức năng của thần. Đọc thần thoại Hy Lạp, chúng ta biết tới nữ thần Héra là “vị nữ thần của hôn nhân và gia đình”. Chức năng của thần là “bảo vệ hạnh phúc cho những cặp đôi gắn bó với nhau bằng lễ kết hôn”. Ngoài ra, thần còn trông nom và chăm sóc đến việc sinh nở con cái. Hay thần Éros – thần tình yêu có nhiệm vụ dùng mũi tên bắn vào những chàng trai, cô gái để họ yêu nhau. Chẳng ai tránh được mũi tên này, kể cả thần Zeus – người có địa vị tối cao. Hay thần Apollon – thần của nghệ thuật và âm nhạc, chỉ huy các nàng Muses. Mỗi Muses lại “cai quản một lĩnh vực khoa học và nghệ thuật của loài người”. (Nàng Calliope cai quản lĩnh vực sử thi, nàng Euterpe cai quản lĩnh vực thơ trữ tình, nàng Érato cai quản lĩnh vực thơ tình dục, nàng Terpsichore cai quản lĩnh vực nghệ thuật ca múa, nàng Polhymnie cai quản lĩnh vực kịch câm, nàng Melpomène cai quản lĩnh vực bi kịch, nàng Thalie cai quản lĩnh vực hài kịch, nàng Clio cai quản lĩnh vực sử học, nàng Uranie cai quản lĩnh vực thiên văn học)… Mỗi một vị thần Hy Lạp có nhiêm vụ trông coi một việc trong tự nhiên hoặc trông coi một việc đối với xã hội loài người. Họ thể hiện rõ chức năng của bản thân và chỉ có thể làm nhiệm vụ đã được định sẵn.

Theo thần thoại Việt Nam, thần Trụ Trời có chức năng phân tách trời và đất. Thần đã đội trời lên đầu để tách đất và trời ra khỏi nhau. Hình ảnh thần Trụ Trời đội trời lên đầu của người Việt rất giống với hình ảnh thần Átlát trong thần thoại Hy Lạp bị thần Zeus phạt phải đỡ vòm trời và đắp cột chống trời. Ngoài ra có thể kể đến rất nhiều vị thần khác như: Thần Biển hít ra thở vào khiến nước biển lên xuống, lúc thần cựa mình thì giông bão sẽ được tạo ra; thần Gió có chức năng tạo gió làm cho “mùa hè mát hơn, mùa thu dịu

dàng hơn, mùa xuân trong lành hơn”, thần mang gió đi khắp thế gian; thần Mưa có chức năng tạo mưa, thần Đất có nhiệm vụ cai quản đất đai “đối với kẻ nào phạm vào việc thay đổi đất đai thuộc khu vực của mình mà không xin phép, thần nhất định trừng trị” [10;34], thần Núi cai quản những dãy núi…

Hay trong văn hóa dân gian người Việt vẫn còn có câu hát hiện nay vẫn lưu hành nói lên chức năng của một số vị thần: “Nhất ông đếm cát/Nhì ông tát biển/Ba ông kể sao/Bốn ông đào sông/Năm ông trồng cây/Sáu ông xây rú/Bảy ông trụ trời,…”.

Thần trong truyện thần thoại được nhân dân xây dựng để làm một nhiệm vụ nhất định. Thần Lúa cai quản lúa, thần Gió tạo ra gió, thần Đất trông coi Đất… Các thần xuất hiện khi cần thiết rồi sau đó lại biến mất. Người xưa xây dựng nhân vật thần tập trung thể hiển chức năng của thần để nhằm lí giải thế giới tự nhiên, ít quan tâm tới tâm lí, tính cách của thần. Đặc điểm này vừa thể hiện trình độ tư duy của con người thời đại, vừa tạo nên đặc trưng riêng cho thể loại.

2.1.3.3. Thần có tính cách như con người

Tuy nói nhân vật thần trong truyện thần thoại là nhân vật chức năng, thần chỉ hành động theo chức năng nhưng thực chất những câu chuyện thần thoại không đơn giản như vậy. Thần thoại không chỉ nói về thần Mưa tạo ra mưa, thần Gió tạo ra gió mà các vị thần đều được nhân dân xây dựng là nhân vật có tính cách như con người. Tuy là thần, nhưng thần cũng có cảm xúc riêng. Thần cũng biết vui, biết buồn, biết giận, biết ghen tuông, tương tư...

Chính nhờ điều này các câu chuyện trở nên hấp dẫn người đọc hơn. Người đọc nhận thấy, cuộc sống của thần rất gần gũi với cuộc sống của con người.

Nữ thần Rhéa – mẹ của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp từng rất tức giận chồng của mình là Cronos bởi sau khi lật đổ Ouranos để giành lấy quyền cai quản thế gian, thần Ouranos lo sợ số phận của mình giống như cha mình,

“nghĩa là có một ngày nào đó, những đứa con do Ouranos này dứt ruột đẻ ra sẽ truất ngôi của bố nó”. Cronos đã nuốt chửng những đứa con vào bụng ngay sau khi những lần nữ thần Rhéa hạ sinh. Đến lần hạ sinh thứ năm, nữ thần đã lừa chồng để bảo vệ con. “Rhéa lấy một hòn đá dài quấn tã lót nom y hệt một đứa bé rồi trao cho chồng, không nghi ngờ gì, Cronos nuốt luôn đứa bé hòn đá vào bụng”. Nữ thần Rhéa và thần Cronos đã thể hiển những tính cách rất giống con người. Hành động của Rhéa đã thể hiện đức tính của một người mẹ yêu thương con hết mực luôn muốn ở bên cạnh con, một người vợ nghe lời chồng, biết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Còn thần Cronos, điều thần lo lắng sợ bị cưới ngôi đã phản ánh được tình hình cuộc sống của người nguyên thủy. Họ sống theo bầy đàn, bộ tộc, luôn có một người tộc trưởng lãnh đạo và câu chuyện về thần Cronos đã phản ánh sự lo sợ bị cướp ngôi của cộng đồng người lúc bấy giờ.

Khi nói tới tính cách nóng nảy, người ta thường nghĩ ngay tới thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp. Thần rất hay nổi cơn thịnh nộ. Khi bực tức, thần

“chỉ chau mày vung tay một cái là mây đen ùn ùn kéo đến, sấm động, chớp giật và sét nổ rách bầu trời, lửa cháy bừng bừng, khói mù khét lẹt”. Tính thần Zeus “nóng như lửa. Mỗi khi nổi nóng chẳng ai dám can ngăn”. Bên cạnh đó, thần Zeus còn có tính hiếu sắc, hay lăng nhăng, không chung thủy với vợ,

“chẳng đúng với tư cách của một vị thần tối cao cai quản thế giới thần linh và loài người”.

Nữ thần Héra, vợ của vị thần tối cao có tính cách nóng nảy Zeus thì có tính hay ghen. Mỗi lần thần Zeus ngoại tình, Héra đều trút giận xuống những đứa con riêng hoặc tình nhân của Zeus. Sự ghen tuông của Héra đã phản ánh đúng tâm lý cũng như cuộc sống của phụ nữ thời đó nên dù những cuộc trả thù của Héra đối với kẻ tình nhân của Zeus có lúc hơi tàn bạo nhưng nhìn một

cách khác quan thì vị nữ thần này vẫn được tôn trọng bởi thần là “vị thần bảo vệ cho hạnh phúc của những đôi lứa gắn bó với nhau bằng lễ kết hôn”.

Cũng giống như thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, thần Sét trong thần thoại của người Việt cũng có tính khí cực kì nóng nảy. “Thần Sét là một vị hung dữ, mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội, mình mẩy đen thui”. Theo truyện thần thoại kể lại, thần Sét vì tính khí nóng nảy nên có nhiều lúc đã đánh nhầm người “làm cho người, vật chết oan”. Chính vì điều này, nhiều lần thần Sét bị ông Trời trị tội, phạt bắt nằm im không được cựa quậy. “Con gà thần của Trời thỉnh thoảng lại đến mổ một cái đau điếng mà thần Sét đành phỉa nằm im. Cho nên sau này khi được tha rồi, thần có thói quen hễ nghe thấy tiếng gà là giật mình” [10;41]. Ngoài thần Sấm, thần Diêm Vương, thần Lửa, thần Lúa… cũng rất khó tính và hay nóng giận.

Thực chất, người nguyên thủy quan niệm đem bản thân mình với các sự vật, sự việc, hiện tượng, các lực lượng trong tự nhiên hợp thành một. Người nguyên thủy đem suy nghĩ, cảm xúc của họ dán cho tự nhiên, chim thú, dán cho cả những vật vô tri vô giác. Chính vì thế các hiện tượng tự nhiên hay chính là các thần đều có tính cách như con người. Có thể thấy, trong thần thoại Việt Nam và thần thoại Hy Lạp đều miêu tả tính cách của các vị thần.

Song thần thoại Hy Lạp có sự miêu tả hấp dẫn, cụ thể hơn, phản ánh được nhiều tính cách đa đạng của con người còn thần thoại Việt tập trung miêu tả tính cách nóng nảy của các thần hay đó chính là sự sợ hãi của con người nguyên thủy trước hiện tượng tự nhiên mà con người chưa thể lí giải.

Một phần của tài liệu Luận văn Thần Thoại Việt Nam Và Thần Thoại Hy Lạp Từ Góc Nhìn So Sánh (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)