Chương 3. SO SÁNH CỐT TRUYỆN CỦA THẦN THOẠI VIỆT NAM VÀ THẦN THOẠI HY LẠP
3.2. Khác biệt về cốt truyện
3.2.2. Chiến công của người anh hùng trong thần thoại lập nước
Thần thoại lập nước của người Việt chủ yếu viết về chiến công chống lại giặc “hai chân”. “Khảo sát Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập I, Thần thoại – Truyền thuyết có 136 câu chuyện về người anh hùng, trong số đó đề cập tới chiến công của người anh hùng với lực lượng siêu nhiên và quái vật chỉ có 6 truyện, còn lại là số truyện nói về chiến công của người anh hùng với kẻ thù hai chân” [8;52].
Phong phú hơn thần thoại việt Nam, người dân Hy Lạp sáng tạo nên những vị thần với nhiều chiến công chống lại kẻ thù “bốn chân”. Để chống lại kẻ thù “bốn chân” thì những người anh hùng phải mưu trí, dũng cảm. Thiên nhiên rất dữ dằn nên họ phải có sức chiến đấu bề bỉ mới có thể thắng được thiên nhiên.
Do điều kiện văn hóa, địa lí mỗi vùng nên người Việt Nam và người Hy Hạp cổ đại có sự khác nhau về kẻ thù. Người Việt Nam sống ở vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, là khu vực có cả núi cao và biển lớn nên kẻ thù “bốn chân” của người Việt có cả ở trên rừng, dưới biển và đất liền. Hơn thế, do đất nước ta khá màu mỡ, láng giềng lại là đất nước Trung Hoa rộng lớn thế nên người Việt sớm đã phải đọ sức với những cuộc xâm chiếm của giặc ngoại xâm. Từ lí do tất yêu này mà người Việt quan tâm nhiều hơn tới kẻ thù “hai chân”. Có thể nói, ngay từ buổi đầu khai thiên lập đia, người Việt đã biết đánh giặc bảo
vệ đất nước. Chính điều này đã tạo nên truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm cho người Việt và truyền thống đó được lưu mãi tới tận ngày nay.
Khác với người Việt cổ, người Hy Lạp với quan niệm phải chinh phục chế ngự tự nhiên, chiến thắng tự nhiên nên họ có nhiều câu chuyện kể về cuộc đấu tranh với kẻ thù “bốn chân”. Tất cả những câu chuyện ấy đều rất lôi cuốn người đọc bởi những con quái vật rât hung dữ, con người thì mưu trí, dũng cảm. Hai bên ngang tài ngang sức khó có thể phân tranh.
Hai dân tộc với hai điều kiện xã hội - lịch sử khác nhau nên suy nghĩ của con người hai nước về một vấn đề ắt hẳn có điểm khác nhau. Vì vậy, dựa trên đặc điểm hoàn cảnh sống của mỗi dân tộc mà tác giả dân gian quan tâm tới vấn đề nào hơn vấn đề nào. Chủ đề chinh phục tự nhiên được coi là chủ đề chính của thể loại thần thoại. Cả người dân Hy Lạp và người dân Việt Nam đều chú trọng tới chủ đề này khi sáng tác thần thoại. Song, do chữ viết của người Việt ra đời muộn, thời gian bị xâm lăng lâu, quá trình lưu truyền bằng miệng dài nên so với thần thoại Hy Lạp, số lượng truyện viết về người anh hùng chống lại kẻ thù “hai chân” trong truyện thần thoại lập nước của người Việt có sự phong phú hơn. Đôi khi thần thoại về lập nước của người Việt còn có sự pha trộn với truyền thuyết. Còn với người Hy Lạp, theo Nguyễn Đổng Chi trong cuốn “Lược khảo về thần thoại Việt Nam” cho rằng “đây là dân tộc duy nhất trên thế giới sớm tách thần thoại và lịch sử thành hai con đường. Vì vậy không có trường hợp lịch sử thần thoại”. Cho nên thần thoại thần thoại Hy Lạp đã tập trung thể hiện chủ đề của thể loại.
Mặc dù thần thoại về lập nước của người Việt Nam có sự phong phú hơn về truyện người anh hùng chống đối thủ “hai chân” so với thần thoại Hy Lạp.
Song, người Việt khi sáng tác thần thoại vẫn chú trọng tới chủ đề chinh phục tự nhiên. Chính nhờ điều này đã làm cho truyện thần thoại Việt Nam phản
ánh đúng quy luật nhận thức của người nguyên thủy, góp phần tạo nên những nội dung chung của thể loại thần thoại trên thế giới.
Tiểu kết:
Như vậy, khi so sánh thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam, ta không chỉ thấy nét giống và khác nhau ở phương diện nhân vật mà ta còn thấy trên phương diện cốt truyện, truyện thần thoại của hai đất nước cũng có nét tương đồng và khác biệt với nhau. Sự giống nhau về cốt truyện của truyện thần thoại hai nước khá phong phú. Nó được thể hiện ở những truyện thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc tộc người, những truyện thần thoại về hiện tượng tự nhiên và truyện thần thoại về lập nước. Thế nhưng do điều kiện sống và nét văn hóa của hai nước nhau nên bên cạnh những điểm tương đồng về cốt truyện, cốt truyện trong thần thoại hai nước còn có sự khác biệt trong về cuộc giao tranh mở đầu cho sự sáng tạo ra thế gian và chiến công của người anh hùng trong thần thoại lập nước. Dù cốt truyện trong truyện thần thoại hai nước có nét khác biệt nhưng nó đã đều thể hiện sự cố gắng lí giải tự nhiên của con người buổi đầu lịch sử. Đây là điều rất đáng khen ngợi.
KẾT LUẬN
Dân tộc nào cũng tự hào về kho tàng thần thoại của đất nước mình bởi trong đó chứa đựng hàng ngàn năm văn hóa của dân tộc. Có lẽ, đồ sộ nhất trong kho tàng thần thoại thế giới chính là thần thoại của đất nước Hy Lạp.
Thần thoại Hy Lạp chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của văn hóa phương Tây. Nó là nguồn suối đầy màu mỡ nuôi dưỡng cho các ngành nghệ thuật. Nó tạo nên các điển tích điển cố cho nền văn học thế giới. Giống như thần thoại Hy Lạp, thần thoại Việt Nam cũng chính là kho tư liệu không bao giờ cạn để người Việt khai thác. Thần thoại Việt Nam cũng là nguồn suối nuôi dưỡng cảm hứng thi ca và các ngành nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa,… cho người Việt.
Vì đều là thể thoại thần thoại thế nên thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng ở việc xây dựng hình tượng thần và xây dựng cốt truyện. Ở cả thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam, nhân vật trung tâm trong thần thoại đều là thần. Các thần đều được xây dựng có tính cách như con người, có chức năng nhất định và có vật thần kì bên cạnh. Vũ trụ này dù ở nơi đâu cũng như nhau nên không gian hoạt động của các thần cũng như nhau. Thần yêu thương con người thì con người sẽ quý trọng các thần. Còn nếu con người khinh thường các thần, con người sẽ phải chịu hậu quả đắt giá. Người xưa không chỉ sáng tác truyện có sự trùng lặp sự xây dựng hình tượng người anh hùng mà còn có sự trùng lặp trong ý tưởng xây dựng cốt truyện. Họ không thể tìm ra các lí giải nào khác ngoài suy nghĩ cho rằng vũ trụ được hình thành từ một đám hỗn độn, loài người là do thần thánh tạo ra và con người có chung nguồn gốc từ một tộc người nào đó, con người muốn tồn tại thì phải chiến đấu với kẻ thù “hai chân” và kẻ thù “bốn chân”… bởi
nhận thức con người thời đó còn mông muội. Họ thấy thế giới xung quanh thế nào thì họ giải thích như thế ấy chứ chưa có những cơ sở vật chất khoa học để tìm hiểu và chứng minh.
Thế nhưng, hai đất nước, với hai nền văn hóa, hai vùng khí hậu khác biệt ắt hẳn không thể xây dựng những truyện giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, bên cạnh điểm trùng lặp thì thần thoại Việt Nam và thần thoại Hy Lạp có nhiều điểm khác biệt, mang những nét độc đáo riêng của từng xứ sở. Trong thần thoại Việt Nam, các thần không được xây dựng thành một hệ thống đồ sộ thì thần thoại lại xây dựng được một gia phả thần. Trong khi người Hy Lạp xây dựng hình tượng các vị thần mang bản chất con người thì người Việt cổ lại thần thánh hóa, lí tưởng hóa các vị thần của dân tộc. Thần trong thần thoại Hy Lạp được xây dựng theo sự tôn sùng chủ nghĩa anh hùng với những chiến công chinh phục được tự nhiên những vẫn có những điểm yếu, những bất hạnh cuộc sống và ở thần hiện lên những nét đẹp hình thể giống với con người thì thần trong thần thoại Việt Nam lại được xây dựng với hình dáng kì dị, có năng lực hơn người. Những vị thần Việt hiện lên dựa trên sự tôn sùng chủ nghĩa thần thánh của người Việt. Ngoài ra, thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam còn có sự khác biệt về cốt truyện. Đó là sự khác biệt về cuộc giao tranh mở đầu cho sự sáng tạo ra thế gian và vhiến công của người anh hùng trong thần thoại lập nước.
Người Hy Lạp cổ đại và người dân Việt Nam xưa bằng nhận thức và trí tuệ non nớt đã sáng tạo những truyện thần thoại độc đáo, hấp dẫn. Nó không chỉ phản ánh thế giới quan, không chỉ góp phần làm phong phú kho tàng thần thoại thế giới mà nó còn thể hiện khát vọng được nhận thức, được khám phá của con người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (biên soạn, 1999), 150 thuật ngữ văn học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Linh Chi (2011), Giáo trình Văn học phương Tây. Nxb Giáo dục Việt Nam.
3. Nguyễn Đổng Chi (1956), Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Ban nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, Hà Nội.
4. Chu Xuân Diên (1984), Từ điển Văn học tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Cao Huy Đỉnh (1974), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
6. E.M.Meletinxki (chủ biên, 1991), Từ điển thần thoại, NXB Bách khoa Xô Viết (Bùi Mạnh Nhị dịch)
7. E.M.Meletinxki (2007), “Thần thoại cổ đại dưới ánh sáng so sánh” (In trong Huyền thoại và văn học, Tủ sách Những vấn đề ngữ văn, Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga - 1971), Nxb ĐHQG TP.
Hồ Chí Minh.
8. Phạm Thị Hằng (2017), Khóa luận So sánh hình tượng người anh hùng trong thần thoại Hy Lạp và hình tượng người anh hùng trong truyện kể dân gian Việt Nam, Đại hoạc Sư phạm Hà Nội 2.
9. Đinh Gia Khánh (chủ biên, 1998),Văn học dân gian Việt Nam (tái bản lần thứ 3), Nxb Giáo dục.
10. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế (2006), Kho tàng thần thoại Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
11. Nguyễn Văn Khỏa (biên soạn, 2017), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học Đông A.