Hệ thống nhân vật

Một phần của tài liệu Luận văn Thần Thoại Việt Nam Và Thần Thoại Hy Lạp Từ Góc Nhìn So Sánh (Trang 39 - 42)

Chương 2. SO SÁNH NHÂN VẬT TRONG THẦN THOẠI VIỆT NAM VÀ THẦN THOẠI HY LẠP

2.2. Khác biệt về nhân vật

2.2.1. Hệ thống nhân vật

Nét khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa thần thoại Hy Lạp và thần thoại Việt Nam chính là phương diện hệ thống nhân vật. Trong khi người dân Hy Lạp xây dựng một hệ thống nhân vật thần đồ sộ, khoảng hơn 2000 vị thần và

giữa các thần có mối quan hệ họ hàng phức tạp với nhau thì người Việt Nam lại xây dựng các vị thần riêng lẻ, tách rời, không có mối quan hệ họ hàng, không tạo thành một hệ thống.

Với số lượng nhân vật đồ sộ, thần thoại Hy Lạp cuốn hút người đọc vào những mối quan hệ phức tạp trong truyện. Hơn thế, những câu chuyện thần thoại này lại được xây dựng ở thời kì mẫu hệ, những câu chuyện về thần nhưng thực chất là nói về đời sống của những con người trong bộ tộc nên mối quan hệ họ hàng càng phức tạp. Mẹ có thể lấy con, anh em lấy nhau như: Gaia sinh ra Ouranos, nhưng đồng thời Gaia cũng lấy Ouranos và đẻ ra một số người con. Những người con trai của họ được gọi là Titan, còn những người con gái được gọi là Titanide. Sau đó, các Titan lại lấy các Titanide… Chính chi tiết này đã làm cho mối quan hệ giữa các thần trong thần thoại Hy Lạp hết sức phức tạp.

Cũng chính vì thần thoại Hy Lạp có khối lượng nhân vật thần đồ sộ và mối quan hệ phức tạp giữa các thần nên người đọc khó nhớ hết hoặc nhầm lẫn nhân vật, mối quan hệ và những câu chuyện xoay quanh các vị thần trong truyện. Trong cuốn sách “Thần thoại Hy Lạp” của Nguyễn Văn Khỏa, tác giả đã phải lập nên sơ đồ chú thích mối quan hệ họ hàng trước khi kể về thế giới Olympe và mười hai vị thần tối cao. Tác giả cũng tổng kết lại danh sách các thần trên đỉnh Olympe sau khi hết phần này, ngoài ra còn rất nhiều những sơ đồ khác nhằm khái quát lại cho người đọc nội dung truyện.

Thần thoại Việt Nam mở đầu bằng câu chuyện về ông Trời và khẳng định đây “là vị thần tối cao” có nhiệm vụ cai quản cả thế gian. Hết câu chuyện ấy, tác giả tiếp tục viết về một vị thần khác như: thần Trụ Trời, thần Biển, Mười hai bà mụ, thần Lúa… giữa các thần không hề có một mối quan hệ logic nào. Số lượng các vị thần Việt rất ít so với thần thoại Hy Lạp.

Nếu như mở đầu các câu chuyện thần thoại của người Hy Lạp tác giả dân gian thường lí giải thần có cha là ai, có mẹ là ai thì với thần thoại Việt Nam chi tiết này không có. Thần thoại Việt Nam không phản ánh mối quan hệ họ hàng giữa các thần mà chỉ tập trung vào việc lí giải các hiện tượng tự nhiên, xây dựng các thần có chức năng nhất định. Sau khi thế gian được sáng tạo, trời và đất được tách ra riêng biệt, ông Trời và các vị thần khác đã xuất đã xuất hiện. “Không hiểu sau đó rồi vị thần ấy chết hay sống, hay là thành Ngọc Hoàng. Việc đó cũng không thấy dân gian kể đến. Nhưng chắc rằng cũng cách khoảng thời gian ấy không lâu một vị thần có tên là Ngọc Hoàng hay ông Trời quản lãnh cả mọi việc trên trời dưới đất. Sau thần Trụ Trời phân khai trời đất, một số thần khác được phân công hoặc lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục công việc kiến thiết ra thế giới. Nào thần làm sao, nào thần đào sông, nào thần tát biển, thần nghiền cát nghiền sỏi, thần trồng cây…” [10;25]. Người đọc không hề biết nguồn gốc của các vị thần.

Trong khi thần thoại Hy Lạp rất cuốn hút, rất hấp dẫn, đòi hỏi người đọc phải biết huy động trí tuệ và có sự tập trung cao độ thì thần thoại Việt Nam khá đơn giản. Bởi thần thoại Việt Nam không xây dựng được số lượng thần đồ sộ và giữa các thần không có mối quan hệ phức tạp cho nên các chi tiết, sự kiện trong truyện về các vị thần không bị hòa lẫn vào nhau làm cho thần thoại Việt Nam rất dễ nhớ dễ thuộc.

Như vậy, nếu người Việt Nam xây dựng hệ thống các thần bằng cách đi vào làm rõ chức năng của từng vị thần thì người dân Hy Lạp lại xây dựng hệ thống các thần theo cây gia phả của “họ nhà thần”. Thần thoại Hy Lạp phản ánh được mối liên hệ nội hàm logic chặt chẽ. Còn thần thoại Việt Nam thể hiện nét nguyên thủy bản địa hằn sâu.

Một phần của tài liệu Luận văn Thần Thoại Việt Nam Và Thần Thoại Hy Lạp Từ Góc Nhìn So Sánh (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)