Chương 2. SO SÁNH NHÂN VẬT TRONG THẦN THOẠI VIỆT NAM VÀ THẦN THOẠI HY LẠP
2.2. Khác biệt về nhân vật
2.2.2. Cách thức xây dựng hình tượng nhân vật
Sự khác biệt trong cách thức xây dựng nhân vật thần giữa thần thoại Việt Nam và Hy Lạp thể hiện ở các phương diện chủ yếu sau đây:
a) Thần trong thần thoại Hy Lạp mang đậm bản chất con người
Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại có truyền thống ca ngợi con người và thế giới tự nhiên. Khi xây dựng hình tượng nhân vật, người Hy Lạp luôn tìm mọi cách nhằm thể hiện cái đẹp. Vì vậy, khi xây dựng hình tượng các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, tác giả dân gian rất quan tâm, chú ý đến vẻ đẹp ngoại hình của các thần. Nếu như các thần trong thần thoại Việt Nam có hình dáng kì dị, ăn mặc kín đáo, tế nhị, chỉ chú trọng miêu tả hành động và chức năng của thần thì thần thoại Hy Lạp lại xây dựng hình tượng thần phô ra những đường nét cơ thể giống như con người. Người Hy Lạp lúc bấy giờ đã nhận thấy con người với cơ bắp lực lưỡng, dẻo dai, bộ ngực nở nang là điều đẹp nhất và họ phô ra những đường nét cơ thể. Trong cuốn “Thần thoại Hy Lạp” của Nguyễn Văn Khỏa, tác giả cũng đã vẽ tranh minh họa các thần. Các thần được xây dựng dựa trên hình dáng của con người.
Tuy nhiên, bản chất con người trong việc xây dựng hình tượng nhân vật trong thần thoại Hy Lạp không chỉ thể hiện ở ngoại hình mà nổi bật là nó được thể hiện ở tính cách của các thần. Thần dù có tài giỏi đến đâu, cao siêu đến đâu nhưng vẫn có những nhược điểm giống như người trần mắc phải như:
hẹp hòi, độc ác, nhẫn tâm, kiêu ngạo, nóng giận, có tham vọng lớn…
Thần Arès có tính khi rất hung hăng: “trái tim rắn như sắt, cứng như đồng, chẳng hề mủi lòng xót thương trước bao cảnh sinh linh phải từ giã cuộc đời ấm cúng bên vợ con, cha mẹ”. Đúng ra, đã là “thần chiến tranh” thì thần phải đánh đâu thắng đấy thế nhưng đã đôi lần thần phải nếm mùi vị của kẻ thất trận.
Thần Zeus, vị thần quyền lực nhất có nhiệm vụ cai quản cả thế gian thế nhưng lại có tính lăng nhăng gieo lên bao nhiêu tai họa. Cái tính hiếu sắc, hay lăng nhăng đó của thần Zeus “chẳng đúng với tư cách của một vị thần tối cao cai quản thế giới thần linh và con người”. Tuy là “vị thần tối cao” nhưng thần cũng rất sợ vợ của mình. Những cuộc tình của thần đều phải diễn ra một cách vụng trộm. Có lần, thần Zeus đang vụng trộm với tình nhân thì bị nữ thần Héra phát hiện, thần Zeus đã phải biến tình nhân của mình thành con bò.
Người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng hình tượng các vị thần đậm chất hiện thực. Bên cạnh những vẻ đẹp lí tưởng như trí tuệ, phép thuật,…thì các thần có tại những nhược điểm. Trong mối quan hệ giữa các thần hay giữa thần với con người, các thần vẫn có nhiều tính xấu…Nhân dân Hy Lạp đã xây dựng các vị thần trở nên gần gũi, đời thường.
Các vị thần trong thần thoại Hy Lạp cũng phải chịu những bi kịch của cuộc sống. Tuy được nhân dân sùng bái, tôn kính thế nhưng trong cuộc sống cá nhân các thần cũng không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Thần Zeus có cha, có mẹ thế nhưng cha của thần vì lo sợ các con sẽ cướp ngôi nên nuốt con vào bụng. Thần Zeus may mắn hơn các anh em của mình vì được mẹ cứu giúp. Thế nhưng thần phải sống một tuổi thơ bất hạnh trên đảo Crète, không có cha mẹ chăm sóc. Thần chỉ được làm bạn với dê, uống sữa dê thay sữa mẹ. Zeus cũng không được khóc bởi nếu Zeus khóc thì cha thần sẽ biết mọi chuyện và không để mẹ con thần yên. Cả một tuổi thơ, thần Zeus phải sống trốn cha và xa mẹ.
Héra cũng là một vị thần quyền lực như Zeus. “Héra có thể dồn mây mù, nổi giông tố, sấm sét”. Nữ thần có chức năng bảo vệ cho hạnh phúc lứa đôi thế nhưng hạnh phúc của bản thân mình thì nữ thần chẳng bảo vệ nổi vì thần Zeus quá hiếu sắc và lăng nhăng.
So với các vị thần tối cao trên đỉnh Olympe, thần Thợ rèn Héphaistos có một số phận rất hẩm hiu. Thần Héphaistos là con của thần Héra và thần Zeus.
Vì sự thách đố nhau của cha mẹ mà Héphaistos bị sinh ra thành chân thọt.
Trong các vị thần, có lẽ thần là nhân vật có ngoại hình xấu xí nhất, khuôn mặt chẳng xinh, chân mang dị tật, đi cà nhắc cà nhắc. Đã thế, vợ của Héphaistos là nữ thần Aphrodite lại không chung thủy với Héphaistos, nàng “đi lăng nhăng với thần Chiến tranh Arès” để rồi có lần Héphaistos đã bắt quả tang. Vụ việc này đã gây lên sự phiền hà lớn trong thế giới thần linh.
Có thể thấy, người dân Hy Lạp cổ đại đã xây dựng mỗi vị thần của mình một số phận riêng. Cuộc sống của thần được khắc họa một cách tỉ mỉ, chi tiết.
Người dân Hy Lạp đã quan tâm toàn bộ đến cuộc đời của các vị thần. Thần thoại kể những câu chuyện từ lúc thần sinh ra cho tới khi thần lập gia đình.
Điều này đã khiến cho thần thoại Hy Lạp trở nên phong phú, logic hấp dẫn người đọc.
b) Thần thoại Việt Nam xây dựng những vị thần thần thánh, siêu năng Nếu nhân vật trong truyện truyền thuyết là những con người phi thường, nhân vật trong truyện cổ tích là những con người nhỏ bé thì nhân vật trung tâm trong thần thoại là những lực lượng tự nhiên được thần thánh hóa thành những nhân vật được miêu tả có thân hình to lớn, kỳ vỹ, kỳ dị.
Người dân Việt Nam xây dựng thần có thân hình kỳ vĩ. Đây là do người Việt cổ đã mô phỏng sự to lớn của thiên nhiên thông qua việc xây dựng hình dáng thần. Thần Trụ Trời được miêu tả “thân hình to lớn không biết bao nhiêu mà kê, chân thần bước một bước cứ như bây giờ từ tỉnh này qua tỉnh nọ hay từ ngon núi này sáng ngọn núi kia”. Chính bởi thần có thân mình phi phàm nên thần mới có thể nâng đỡ cả bầu trời.
Người Việt đã xây dựng nhân vật thần dựa trên cảm xúc thẩm mĩ về cái đẹp. Thần được miêu tả theo kích thước của vũ trụ, non sông cho thấy quan niệm người Việt xưa: con người và thiên nhiên được hòa vào làm một khối.
Trong thần thoại Việt Nam kể, nơi Biển cả bao la rộng lớn có vị thần Biển. “Thần Biển là một con rùa”. Con rùa này khác lạ so với những con rùa khác. Thần Biển to tới mức “không thể nào ước lượng được.” Thực chất, đó chính là sự mô phỏng biển cả vĩ đại, bao la.
Được miêu tả với một hình thù kì quặc – không đầu, thần Gió khiến người đọc cảm thấy khiếp sợ khi tưởng tượng. Thần có thể thổi bay mọi thứ trong không trung, có thể đem lại cho thiên hạ những cơn gió mát lạnh, nhưng thần cũng có thể trút giận bằng những cơn lốc xoáy khiến con người sợ hãi.
Qua việc miêu tả hình dáng của thần, người Việt muốn phần nào phản ánh rằng thiên nhiên xung quanh ta rất dữ tợn.
Thần thoại được ra đời trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Vì thế, trình độ sản xuất và sự nhận thức về thế giới tự của con người còn hạn chế. Sông dài, trời rộng, núi non hùng vĩ, mưa giông, gió giật… đối với người nguyên thủy đó là những điều rất sợ và họ không biết từ đâu lại có những thứ đó. Thiên nhiên nhiều lúc hiền hòa nhưng nhiều lúc lại giữ tợn. Họ cũng không biết tại sao lại như vậy. Điều này đã thôi thúc họ giải thích những hiện tượng ấy. Họ đã chọn cách lấy trí tưởng tượng để lí giải những điều bí ẩn, cho nên, trí tưởng tượng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thần thoại Việt Nam và bút pháp phóng đại trong miêu tả ngoại hình là một bút pháp miêu tả dành riêng cho nhân vật thần trong truyện thần thoại.
Sáng tác thần thoại Việt Nam, nhân dân không chú trọng việc miêu tả tính cách của thần. Thần Việt Nam chủ yếu được xây dựng để lí giải hiện tượng tự nhiên nên cốt truyện các câu chuyện rất đơn giản, chỉ chú tâm vào lí giải hiện tượng tự nhiên của đời sống. Để giải thích được các hiện tượng tự
nhiên ấy, người xưa đã xây dựng những vị thần thần thần thánh, siêu năng.
Cuộc sống của thần diễn biến như thế nào, các mỗi quan hệ thần với thần ra sao không được người Việt quan tâm đến.
Nữ thần Lửa là một bà già khó tính, khô khan, hung giữ. Bà có thứ bảo bối là những chiếc lưỡi đỏ lòm được dấu ở trong miệng. Khi liếm một cái, chiếc lưỡi này có thể làm cho ngàn khu rừng, hàng ngàn cánh đồng, hàng ngàn dải núi cháy rụi và làm khô cạn hết nước ao hồ. Con người rất sợ cơn giận dữ của thần Lửa nên chẳng ai dám trêu đùa, bất kính với thần. Như vậy, chức năng của thần Lửa là giữ lửa. Do lửa có thể làm cháy mọi vật nên nhân dân đã thần thánh hóa ngon lửa thành một bà già khó tính, hung giữ. Đồng thời, ngoài thần Lửa ra thì chẳng có ai có thể có quyền giữ lửa.
Thần Mưa “thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sống vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đát được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh trời đi phân phát nước ở các nơi”. Công việc của thần là một công việc hữu ích cho muôn loài. Thực chất, tác giả dân gian khi trông thấy hiện tượng nước ở ao, hồ, sông, ngòi sau những ngày nắng nóng bị cạn kiệt rồi sau đó vài ngày lại xuất hiện những cơn mưa nên đã tưởng tượng có vị thần Mưa xuống hút nước. Không chỉ thần thánh hóa vị thần này mà người xưa còn cho rằng đó là một vị thần siêu năng bởi vai trò của thần rất quan trọng. Nếu thần quên ban mưa cho vùng nào thì cả vùng ấy sẽ cạn khô và thậm chí dẫn tới những vụ
“chết người”.
Như vậy, nếu như thần thoại Hy Lạp tập trung xây dựng những vị thần mang đậm bản chất con người thì người Việt lại thần thánh hóa những vị thần của mình, coi thần là đấng tối cao có năng lực hơn người. Chính điều này đã làm cho những câu chuyện thần thoại Hy Lạp khi xây dựng hình tượng các vị thần thường sử dụng kết hợp đan xen giữa phương thức miêu tả và phương
thức tự sự. Còn trong thần thoại Việt Nam chủ yếu sử dụng phương thức tự sự, rất ít khi người xưa sử dụng phương thức miêu tả.
c) Thần thoại Hy lạp xây dựng hình tượng thần dựa trên sự tôn sùng chủ nghĩa anh hùng
Đất nước Hy Lạp với những con người sống theo lối sống du mục, nay đây mai đó, chuyển chỗ khắp nới, hay phải chiến đấu với quái vật hai chân, bốn chân cùng với nguyên tắc tổ chức cộng đồng trọng võ, trọng sức mạnh, có tham vọng muốn chế ngự tự nhiên cho nên hình tượng thần hay bán thần thường được xây dựng theo hình tượng người anh hùng.
Trong thần thoại Hy Lạp, có nhiều vị thần hay những vị bán thần có tài năng xuất chúng, phẩm chất tuyệt vời. Họ lập nên được nhiều chiến công hiển hách. Họ chính là những người dám chiến đấu vì cộng đồng, vì bộ tộc. Họ hy sinh, không tiếc tính mạng mình để bảo vệ và đem lại cuộc sống hạnh phúc, yên vui cho nhân dân. Con người thời nguyên thủy bấy giờ đã thể hiện ước mơ chiến thắng kẻ thù “hai chân” và kẻ thù “bốn chân” thông qua việc xây dựng vị thần mang sức mạnh, tài năng, trí tuệ.
Người Hy lạp đã xây dựng khá nhiều những vị thần và bán thần vĩ đại mà không chỉ đối với riêng người dân Hy Lạp mà cả người dân trên thế giới cũng đều ngưỡng mộ. Các anh hùng với những câu chuyện khác nhau nhưng đều lập nên những chiến công tuyệt vời.
Prométhée là con trai cuả Titan Japet và Titanide Clymène. Thần đã ra sức giúp đỡ thần Zeus khi thần Xeus phải chiến đấu chống lại các vị thần già và cũng chính thần đã lấy cắp ngon lửa của thần Mặt Trời Hélios trao cho con người trần thế. Prométhée là vị thần tiên đoán, thần biết trước mọi điều vì vậy thần Zeus muốn Prométhée nói cho mình biết đứa con nào sẽ cướp ngôi của thần thế nhưng Prométhée không chịu nói. Dù thần bị trừng phạt, giam ở đỉnh
núi cao. Bị diều hâu ăn nội tạng thì thần vẫn kiên quyết chịu đựng hình phạt ấy.
Persée là con trai của thần Zeus và Danaides. Persée có “vẻ đẹp và sức mạnh hơn người”. Chàng đã tiêu diệt được con ác quỷ Méduse với sự giúp đỡ của thần Hermès và nữ thần Athéna. Hermès cho Persée mượn “đôi dép có cánh” và “thanh kiếm cong”. Nữ thần Athéna cho Persée mượn “cái khiên đồng sáng như gương phản chiếu lại mọi vật”.
Thần Zeus đã từng có cuộc giao chiến long trời nở đất với bọn quỷ thần Gigantos. “Các quỷ thần Gigantos bê những hòn núi đá ném vào đỉnh Olympe”. Thần Zeus lại giáng lại cho chúng “những đòn sét nổ, sấm rền kinh thiên động địa. Bầu trời đen kịt bỗng chốc lại lóe ra những tia sáng loằng ngoằng như những ánh mắt hằn học dữ tợn”. Để chiến thắng lại bọn quỷ, các thần đã phải nhờ tới người anh hùng Héraclès. Héraclès đã dùng sức mạnh của mình xô đẩy lũ quỷ thần. Cùng lúc đó, thần Zeus tiếp tục tấn công chúng.
Cuối cùng, bọn quỷ thần Gigantos “kẻ chết, kẻ bị thương, đứa còn sống sót bỏ chạy tán loạn”.
Thần Apollon sau một năm xa quê, khi thần quay về Hy Lạp thần lập nên chiến công tiêu diệt được con mãng xà Python để báo thù cho mẹ. Python là một con trăn cực kì to lớn và hung dữ thế nhưng vị thần Apollon không hề sợ nó. Thần bước vào hang của Python, đồng thời lúc đó con trăn này cũng đang ra ngoài để tìm kiếm thức ăn. “Thân hình khổng lồ của nó với những vảy cứng, băng qua những tảng đá lởm chởm là đá vỡ ra hoặc bị xô đẩy lăn đi ầm ầm”. “Typhon quăng mình vào chỗ nào là chỗ đó cây cối gãy răng rắc, nhà cửa đổ, đất bằng lún thành hồ ao”. “Typhon vươn chiếc cổ dài ngoẵng ra, quắc mắt lên xanh lè, mồm há hốc với những hàm răng sắc nhọn để phóng ra chiếc lưỡi dài đỏ như lửa” hòng cắn lấy Apollon. Trông thấy vậy mà thần
Apollon vẫn bình tĩnh. Thần liên tiếp bắn những mũi tên vào nó khiến nó đau đớn, bỏ chạy.
Có thể thấy, những vị thần Hy Lạp được xây dựng dựa trên sự tôn sùng chủ nghĩa anh hùng chính là hình tượng tượng trưng cho con người Hy Lạp với những phẩm chất kiên cường, gan dạ, thông minh, nhanh trí. Họ không hề sợ thử thách và nguy hiểm. Họ dám xem thường cái chết. Họ đã chiến đấu và lập nên những chiến công oai hùng.
d) Thần thoại Việt Nam xây dựng hình tượng thần dựa trên sự tôn sùng thần thánh
Cộng đồng người Việt có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với nền văn minh lúa nước. Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên người Việt quanh năm gắn chặt với tự nhiên. Thiên nhiên với những hang động, núi đá, cây cỏ không chỉ là nơi trú ngụ của con người mà còn là nơi cung cấp cho con người nguồn dinh dưỡng để con người có thể sống và tồn tại. Vì điều này, con người bên cạnh việc yêu quý thiên nhiên còn sung bái tự nhiên. Biểu hiện của sự sùng bái tự nhiên chính là tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên của người Việt cổ.
Họ thờ cúng một hòn đá lớn, một gốc cây cổ thụ, một ngọn núi cao,… Với họ, tất cả đều là thần. Người Việt không chỉ thờ một số thần nhất định mà họ theo tín ngưỡng đa thần.
Vì tôn sùng thần thánh nên người Việt cổ xây dựng các thần trong truyện thần thoại đều có tầm vóc và hành động phi thường. Các vị thần trong thần thoại Việt Nam có tầm vóc và hành động phi thường là do người xưa đã sử dụng trí tưởng tượng bay bổng của mình và biện pháp nghệ thuật thần thánh hóa, nhân cách hóa các hiện tượng tự nhiên. Biện pháp nghệ thuật này hoàn toàn biệt lập với những quy luật và những kiến thức khoa học tự nhiên vì thế nó mang tính vô thức một cách thuần khiết. Người Việt cổ tin tất cả mọi sự vật trong thiên nhiên đều có thần, có hồn, có ý thức và có một khả năng phi