1.2. Thế giới nghệ thuật và những nhân vật cùng khổ của Nguyên Hồng
1.2.1. Con đường nghệ thuật nhất quán của Nguyên Hồng
Nguyên Hồng là người say mê văn chương và đến với văn chương từ rất sớm. Ông cũng là người có sức viết bền bỉ, liên tục và đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Ngay cả ở thời điểm phải đột ngột từ giã cõi đời này, bút lực của Nguyên Hồng vẫn tỏ ra dồi dào, sung mãn. Tìm hiểu con đường nghệ thuật của Nguyên Hồng, ta thấy hai đặc điểm nổi bật ít thấy ở những nhà văn hiện thực khác. Thứ nhất: ông là nhà văn đã chọn đúng ngay từ đầu con đường nghệ thuật
30
của mình. Thứ hai: ông cũng là người có sự nhất quán về tư tưởng và nghệ thuật trong suốt cuộc đời cầm bút. Nghiên cứu, đánh giá về sự nghiệp văn chương của Nguyên Hồng, hầu như không có những ý kiến trái ngược nhau như đối với một vài nhà văn khác. Người ta đều coi ông là nhà văn chân chính của những người khốn khổ.
Đối tượng nhận thức và nội dung của văn chương là cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong đó chủ yếu là cuộc sống của con người, là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người.
Nhưng trong số vô vàn những biểu hiện phong phú, phức tạp của cuộc sống con người ấy, nhà văn sẽ hướng ngòi bút của mình về đâu, viết cái gì và viết như thế nào để có thể khẳng định được mình mà không lặp lại những điều mà người khác đã viết, đó là những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết đối với người cầm bút, nhất là những cây bút trẻ mới bước vào nghề.
Đó cũng là đòi hỏi của công chúng đối với những ai muốn trở thành nghệ sĩ ngôn từ thật sự.
L. Tônxtôi cho rằng: "Khi ta đọc hoặc quan sát một tác phẩm nghệ thuật của một tác giả mới, thì câu hỏi chủ yếu nảy ra trong lòng chúng ta bao giờ cũng là nhƣ sau: Nào, anh ta là con người thế nào đây nhỉ? Anh ta có gì khác với tất cả những người mà tôi đã biết và anh ta có thể nói cho tôi thêm một điều gì mới mẻ về việc cần phải nhìn cuộc sống của chúng ta nhƣ thế nào" [119:304].
Câu hỏi trên đặt ra với Nguyên Hồng quả có phần nghiệt ngã. Khi ông xuất hiện với tư cách nhà văn, thì văn học Việt Nam đang tồn tại nhiều xu hướng văn học và đã xuất hiện nhiều tên tuổi đáng kính nể trên văn đàn.
Bấy giờ, chiếm địa vị ƣu thế trên văn đàn là văn học lãng mạn với hai hiện tƣợng tiêu biểu là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới.
Ba cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hƣng, Hoàng Đạo đi sâu vào việc khẳng định, đề cao con người cá nhân trong mối xung đột giữa con người cá nhân với gia đình truyền thống và tìm sự giải thoát cho con người cá
31
nhân bằng tình yêu tự do đối lập với lễ giáo phong kiến hà khắc hoặc bằng những giấc mơ về cải cách xã hội trên lập trường cải lương tư sản.
Trên lĩnh vực thơ ca, phong trào Thơ mới ra đời từ năm 1932 và đã phát triển thành một "cuộc cách mệnh về thi ca" (Hoài Thanh) có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng độc giả. Cùng với những cách tân quan trọng về nghệ thuật biểu hiện, Thơ mới đã mang đến cho thi đàn Việt Nam một nội dung trữ tình mới.
Cũng ở thời điểm Nguyên Hồng bước chân vào làng văn thì xu hướng văn học hiện thực phê phán đã phát triển với những tài năng đƣợc khẳng định. Nguyễn Công Hoan đã nổi tiếng với những truyện ngắn trào phúng. Vũ Trọng Phụng đã trở thành "ông vua phóng sự" và một cây viết tiểu thuyết già dặn thể hiện một bút lực phi thường cùng một niềm căm uất không nguôi đối với cái xã hội nhố nhăng đồi bại, rởm đời. Tam Lang đã trình làng những thiên phóng sự tả chân đến nghiệt ngã về tình trạng bần cùng và tha hóa của những người lao động ở thành thị.
Nhìn chung, các cây bút hiện thực phê phán bây giờ thường khai thác những xung động "nghịch chiều" của cuộc sống để làm nhiệm vụ tố cáo, phủ nhận xã hội thực dân phong kiến đương thời. Chẳng hạn: ở Nguyễn Công Hoan là tiếng cười châm biếm thói ức hiếp dân lành, lòng tham vô độ và sự sa đọa về đạo đức của bọn thực dân, quan lại, tƣ sản, địa chủ, cường hào, cai lệ, lính tráng, ở Vũ Trọng Phụng là những tệ nạn xã hội, là những thủ đoạn áp bức, bóc lột và những tính cách dâm ô, đểu cáng của giai cấp địa chủ, tƣ sản qua ống kính phóng sự sắc sảo và ngòi bút tiểu thuyết già dặn. Còn Tam Lang, tố cáo thủ đoạn bóc lột của bọn chủ xe và phản ánh sự bần cùng, tha hóa của những người phu xe.
Bước chân vào làng văn trong bối cảnh văn học công khai, hợp pháp đã có những thành tựu như vậy, nếu không phải là người có tài năng, bản lĩnh chắc Nguyên Hồng khó lòng chen chân tìm đƣợc một chỗ đứng trên văn đàn đã tề tựu
32
anh tài khi ấy. Hơn nữa, việc chọn cho mình một hướng đi, một cách viết thật phù hợp với sở trường vốn không phải chuyện dễ dàng. Nguyễn Công Hoan trước khi trở thành một cây bút truyện ngắn hiện thực trào phúng kỳ tài đã viết tiểu thuyết Tắt lửa lòng theo xu hướng lãng mạn. Vũ Trọng Phụng viết Dứt tình. Nam Cao làm thơ tình lãng mạn về tình yêu mơ mộng và những nỗi buồn vơ vẩn trước khi chiếm lĩnh chủ nghĩa hiện thực bằng kiệt tác Chí Phèo.
Xin nói ngay rằng, ở đây, vấn đề không phải là nhà văn theo chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác, bởi chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa hiện thực đều có thể tạo ra những kiệt tác.
Chúng khác nhau chứ không đối lập nhau, loại trừ nhau. Mỗi nhà văn thường chọn nguyên tắc sáng tác phù hợp với sở trường của mình. Nguyên Hồng là người đã chọn đúng kiểu viết phù hợp với mình ngay từ tác phẩm đầu tay.
Theo hồi ký Bước đường viết văn, Nguyên Hồng đã viết hai truyện ngắn đầu tiên gửi đăng báo vào năm 1936 là Cát bụi lầm và Linh hồn. Truyện Cất bụi lầm viết về một bà cụ già nhà quê tên là bà Vỷ. Không biết vì bà can án gì mà phải đi tù và chết thê thảm ở trong tù.
Cái chết của bà cụ ấy đã gieo vào trong linh hồn trẻ dại của nhà văn một niềm cảm thương tê tái và những ấn tượng thật bi thiết: "Cỗ ván nhà thương vừa nhỏ, vừa mỏng, xác bà như một đứa bé còm cõi lên sáu, lên bảy, tôi kéo xe bò chở ra nhà thương chôn, chỉ một tay cầm càng mà vẫn thấy nhẹ. Tôi vừa đi vừa nghĩ và càng nghĩ càng không thể tưởng tượng được sao lại một người như thế mà đã sống được. Và một người như thế thì còn sức đâu mà hãm hại ai, để phạm tội mà chịu tù đày?" (Tiếc rằng truyện ngắn này chƣa kịp đăng báo thì mất bản thảo).
[76:49].
Truyện Linh hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 125 ngày 17-10-1936 kể về một người phụ nữ nông dân nghèo khổ, theo đạo Thiên Chúa, giữa lúc bụng mang dạ chửa phải đi tù thay chồng vì "tội" làm muối lậu. Trong tù, người phụ nữ
33
này bị một tên cai tù hãm hiếp đến chết cùng với đứa con chƣa kịp khóc chào đời.
Cả hai truyện ngắn đầu tay của Nguyên Hồng đều viết về người phụ nữ, một già, một trẻ; cả hai người phụ nữ đều nghèo khổ, phải đi tù và chết oan chết ức ở trong tù. Có lẽ đây trước hết là sản phẩm của vốn sống tự nhiên của nhà văn trong những ngày ông bị tù khi đang còn ở tuổi vị thành niên. Nhưng sâu xa hơn, đây là xu hướng tiếp cận hiện thực, lựa chọn đề tài do cảm hứng chủ đạo của nhà văn chi phối.
Như vậy, ngay từ đầu, Nguyên Hồng đã xác định đúng con đường nghệ thuật của mình, đó là con đường của một nhà văn hiện thực chân chính vì những người lao động nghèo khổ mà cất lên tiếng nói tin yêu tha thiết bằng ngôn ngữ của văn chương nghệ thuật và ông đã tin tưởng một cách hồn nhiên, mãnh liệt vào sự lựa chọn đó của mình. "Ngay từ khi tôi mới viết những truyện ngắn đầu tiên và chỉ là những truyện còn nằm trong những tập bản thảo, tôi đã tin với một sức mạnh thật lạ lùng. Tôi tin những sáng tác của tôi sẽ vƣợt lên trên tất cả những sáng tác thời thượng lúc bấy giờ. Và nó sẽ sống. Vì những cái tôi viết là những thương yêu nhất của tôi. Vì những cái tôi viết đều cố gắng hết sức bắt nguồn vào những cảnh sống của con người, hướng về con người. Những cảnh sống và những con người lao khổ" [76:14].
Cả đời văn của mình, Nguyên Hồng đã viết hào hứng và say mê về số phận của những người lao động nghèo khổ, nhất là phụ nữ và trẻ em. Nhìn từ góc độ đề tài, phạm vi chiếm lĩnh hiện thực của ngòi bút Nguyên Hồng, ta thấy một sự nhất quán, xuyên suốt hành trình nghệ thuật của nhà văn. Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ, nhà văn của thành phố Hải Phòng phồn tạp, lầm than nhƣng cũng đầy sức sống của một thành phố cách mạng trung dũng, kiên cường trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược dưới lá cờ của Đảng.
34
Sự nhất quán ở con đường nghệ thuật của Nguyên Hồng còn biểu hiện ở chủ đề và tư tưởng trong những sáng tác của ông. Nguyên Hồng đến với văn chương bằng một niềm say mê mãnh liệt, nhưng không nhằm mục đích làm văn chương thuần túy mà trước hết là để nói lên những nỗi thống khổ không cùng của loài người. Đó là nhu cầu thôi thúc bên trong của nhà văn:
"Đăng báo hay in sách, đó là việc thứ yếu, gần nhƣ không cần lắm! Cần thiết đối với tôi là phải viết, viết ra thành chữ tất cả những gì chứa đựng, nung nấu quằn quại, đau xót, bay bổng và bát ngát của tâm hồn, của suy nghĩ. Viết để mình đọc trước nhất! Viết cho mình đọc trước nhất!" [76:28].
Thương cảm những kiếp người cùng khổ là chủ đề lớn bao trùm mọi tác phẩm của ông. Nhưng Nguyên Hồng không chỉ có thương cảm mà còn khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tinh thần cao quý của những người cùng khổ tiềm ẩn qua cái vẻ hình thức bề ngoài thường là lam lũ, thô kệch. Vì thế, những nhân vật của Nguyên Hồng, mặc dù phải gánh trên vai bao nhiêu nỗi đau khổ chồng chất, nhưng vẫn giữ được thiện căn bền vững của người lao động, vẫn tỏa sáng những phẩm chất tinh thần cao quý, vẫn khát khao hướng tới một cuộc sống lương thiện, trong sạch, tốt đẹp mang giá trị nhân văn cao cả như những mầm cây căng nhựa sống cứ xuyên qua những lớp bùn đất để vươn lên đón ánh sáng mặt trời. Đó là mụ Mão (Người mẹ không con), mẹ La (Cửa biển) nhƣ hiện thân của những nỗi đau khổ chồng chất dưới chế độ cũ. Nhưng ở những con người này vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, những đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là tinh thần cần cù lao động, là đức tính vị tha đƣợc biểu hiện bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, một tinh thần chịu đựng nhẫn nại, gan góc và một tấm lòng nhân hậu bao la. Ở mẹ La còn có một khả năng cách mạng tiềm tàng. Ngay cả những người do hoàn cảnh xô đẩy, bị ném vào một môi trường sống nhơ nhớp, xấu xa như Tám
35
Bính (Bỉ vỏ), nhưng tự đáy lòng vẫn ánh lên khát vọng được sống một cuộc đời lương thiện, trong sạch.
Nói chung, những nhân vật của Nguyên Hồng dù phải sống quằn quại trong đau khổ nhưng vẫn khát khao vươn lên một cuộc sống với ý nghĩa nhân văn đích thực. Điều đó đem đến cho những sáng tác của ông ngay từ trước Cách mạng tháng Tám một màu sắc lãng mạn tích cực, một âm hưởng lạc quan khiến người đọc thêm tin yêu cuộc sống và con người. Sau này đi theo Cách mạng, những phẩm chất này trong sáng tác của ông càng đƣợc bổ sung và nâng cao dưới ánh sáng của lý tưởng Cộng sản.
Nguyên Hồng được mệnh danh là nhà văn của những người khốn khổ không phải chỉ vì ông viết nhiều về những người cùng khổ mà chủ yếu là vì ông đã dành cho họ những tình cảm yêu thương tha thiết, nóng bỏng và một thái độ nâng niu, trân trọng hiếm có. Điều đó làm bật nổi trong sáng tác của ông tư tưởng nhân đạo mà nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận.
Tinh thương ấy khiến ngòi bút ông cứ xoáy sâu khai thác đề tài về cuộc sống của những con người bé nhỏ, "dưới đáy " và thể hiện một chủ đề bao trùm là nỗi khổ đau, bất hạnh của con người trong xã hội cũ. Điều đó chẳng phải vì nhà văn say sưa với chủ nghĩa cùng khổ mà từ đáy sâu của tâm khảm, ông muốn bày tỏ tình thương yêu vô hạn những người cùng khổ với nỗi đồng cảm sâu xa và xúc động chân thành. Nguyễn Minh Châu [131:192] gọi ông là nhà văn của thập loại chúng sinh là rất có lý.
Nguyên Hồng thường rất nhạy cảm với những gì là khổ đau, bất hạnh của con người và ông muốn dùng ngòi bút của mình để tát cho vơi đi cái bể khổ của loài người. Điều đó đem lại cho tác phẩm của ông một giá trị nhân đạo chủ nghĩa vƣợt trội bao hàm hai khía cạnh nổi bật, đó là một tình thương như không có giới hạn và một niềm tin không bao giờ lụi tắt ở phẩm giá con người. Nội dung ấy như một dòng suối tuôn chảy dào dạt từ Linh hồn, Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu cho đến
36
bộ tiểu thuyết Cửa biển, trọn vẹn cuộc đời cầm bút vừa đúng 46 năm liên tục của ông. Từ chiều sâu tác phẩm của Nguyên Hồng toát lên niềm mơ ƣớc, khát khao đến cháy lòng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no trong tình thân ái và bình đẳng cho những người lao động cùng khổ. Đó là tất cả những gì cơ bản nhất trong nội dung tư tưởng nghệ thuật của Nguyên Hồng đƣợc biểu hiện bằng một thứ tình cảm mãnh liệt, say đắm và một nhiệt hứng khẳng định nồng nàn của chính nhà văn trong suốt cuộc đời cầm bút. Dĩ nhiên, tình thương ấy, niềm tin ấy của Nguyên Hồng có sự bồi đắp, phát triển và nâng cao gắn liền với quá trình trưởng thành về tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn trong một thời đại văn học mới.
Con đường nghệ thuật của Nguyên Hồng như vậy là nhất quán và liền mạch, nhất quán ở đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm; liền mạch ở chỗ thời kỳ sau nối tiếp thời kỳ trước một cách tự nhiên trong một quá trình vận động từ một nhà văn hiện thực trở thành một nhà văn chiến sĩ. Ở Nguyên Hồng không có hiện tƣợng sám hối, phản tỉnh về những đứa con tinh thần của mình như một vài nhà văn khác cùng thời đại với ông. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng đều viết về nhân dân mình và vì nhân dân mình mà viết. Do vậy ông đã để lại một di sản văn chương nóng bỏng tình nhân ái, sáng chói niềm tin ở con người, trước hết là những người lao động cùng khổ ở thành phố Hải Phòng ngày trước. Nói như nhà thơ Xuân Diệu: "Nguyên Hồng mất đi, nhƣng cái nhà văn của anh ấy vẫn còn rên rỉ"
[131:47].