Chương 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
2.1. Hiện thực chiến trường
2.1.1. Hiện thực chiến trường tàn khốc, hủy diệt
Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Đá ơi từng viết:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại
Dù với mục đích nào, chiến tranh cũng đều đưa đến một sự thật: đổ máu, bi kịch. Với sự hiếu chiến của kẻ thù, chiến tranh đã gây ra nỗi đau quá lớn cho nhân dân ta. Nó không chỉ hiện hữu trên những trang sử hùng hồn của dân tộc, trong những thước phim tài liệu đầy chân thực mà nó còn hiện hữu trên những con chữ của Chu Lai. Chiến tranh là hi sinh, chết chóc, tổn thất nặng nề… Chu Lai đã từng nếm trải những ngày tháng oanh liệt nhưng không kém phần khốc liệt của cuộc chiến nên trong các tác phẩm của ông, đề tài luôn giữ vị trí đặc biệt là chiến tranh. Nhà văn viết: “Chiến tranh là một siêu đề tài. Càng khám phá càng thấy những độ rung không mòn nhẵn miến là người viết biết tìm ra một lối đi riêng. Và người lính cũng là một thứ siêu nhân vật, miễn là biết tìm ra trong tâm hồn họ những khía cạnh sâu xa nhất. Ở họ tất cả đã được lèn chặt, được kìm nén đến ngột ngạt. Nếu biết dùng ngòi bút tháo bung ra thì đấy là đối tượng văn học vĩnh cửu nhất” [19]. Với ông, chiến tranh và những mảnh đời luôn đi liền với nhau. Chiến tranh và những con người áo xanh trong mỗi trang viết của Chu Lai được thể hiện ở nhiều gam màu, góc cạnh khác nhau.
Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội nhà văn, 1997 ), Phan Cự Đệ đã trích lời của Chu Lai: “Tôi có mười năm cầm súng, kiệt sức và mệt mỏi tưởng đã là tận cùng gian khổ. Nhưng hòa bình, còn sống, bắt tay vào viết mới thấy cái lao động cầm bút cũng gian nan, vật vã chẳng kém gì nếu như không nói có lúc ngàn lần mệt mỏi hơn… Tôi từng nghĩ, viết về chiến tranh có thể đẩy ngòi bút đến tận cùng bi thảm nhưng không thể bỏ quên đằng sau là cái nền bi tráng; cũng vậy, viết về đời thường, đừng ngại, hãy đẩy số phận con người đến tận cùng ngang trái, thậm chí bất công, nhưng nên nhớ
17
phía sau còn có cái nền dịu ngọt của cõi sống, của con người” [7,tr.360].
Trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, hiện thực chiến trường được lột tả với vẻ khốc liệt, tàn bạo nhất.
Là người đã đi qua bao bom đạn nên trong những trang viết của Chu Lai, chiến tranh được tái hiện với đầy đủ hình hài của nó. Ông đã có định nghĩa về chiến tranh một cách tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa đau thương ngút ngàn: “Chiến tranh là ngày nào cũng thấy người chết nhưng lại chưa tới phiên mình” [17,tr.125]. “Chiến trường không phải là mảnh đất bằng phẳng trồng toàn hoa” mà là “nơi xác người sấp ngửa, xác muôn thú cháy thui”. Không còn là sự ngợi ca , hiện thực chiến tranh ở tác phẩm Ăn mày dĩ vãng hiện ra với tất cả sự khốc liệt, bi thảm, ghê rợn. Sự hủy diệt của chiến tranh được tái hiện qua cái nhìn của nhân vật Hai Hùng một cách chân thực, sắc nét đến từng chi tiết: “Cả khu chốt bỗng chốc bị san thành bình địa như nơi đây hàng ngàn năm chưa hề có dấu chân người qua lại [...] Bầu trời trên cao cũng đỏ lòm, những áng mây phản sắc máu chung chiêng dừng lại…”
[17,tr.177]. Những dòng văn của Chu Lai làm cho người đọc cảm thấy không thôi ám ảnh khi đọc xong. Tác giả đau trước sự hi sinh quá lớn của những con người áo xanh và càng đau đớn hơn khi chết thân thể của họ không được nguyên vẹn. Trong giai đoạn 1945 – 1975, đây là những vùng cấm kị, tránh nói tới thì sau năm 1975 rất nhiều tác giả đã viết về đề tài này và trong tiểu thuyết Chu Lai nói riêng lại xuất hiện với mật độ dày đặc, làm sống dậy giá trị của những hy sinh, cống hiến của thế hệ trước cho những gì có được hôm nay.
Trong tác phẩm, sự ác liệt của chiến tranh còn trở thành sự ám ảnh mạnh mẽ bởi mức độ tàn phá của bom đạn: “Hầu như không một căn hầm nào không bị chà nát, không một thân cây nào không bị xích sắt nghiến gục.
Rừng đã biến thành bãi đất trống… lần trong cái tan hoang tơi tả, ngập ngụa khói xanh, khói vàng… là thân người cả bên này lẫn bên kia nằm hỗn độn chồng đè lên nhau”. Trong cảnh tượng chết chóc ấy, những số phận của những người lính đang cận kề cái chết. Sức phá hủy của bom đạn đã gây ra biết bao tình cảnh éo le, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết. Sự ác liệt ấy luôn trực chờ, săm tìm và đẩy con người vào hoàn cảnh nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh. Tính
18
mạng của Hai Hùng đã nhiều lần bị đe dọa, đặc biệt là trong một lần căn hầm của anh bị bom đánh trúng: “vừa kịp thụt đầu vào, anh đã thấy tất cả tối sầm, đất đá rùng rùng chảy về lèn chặt, bóp nghiến lấy hai bên sọ não…”
[17,tr.161]. Nếu không có bàn tay của Sương và Tuấn không ngừng đào bới đất đá thì có lẽ giờ phút ấy anh đã nằm trong lòng đất vĩnh viễn.
Không còn những âm vang của sự hào hùng và cảm hứng ngợi ca như trước , hiện thực của chiến tranh trong Ăn mày dĩ vãng hiện ra với tất cả sự bi thảm, ghê rợn như nó đã diễn ra. Chiến tranh không còn vẻ cao cả như trước đó người ta vẫn nghĩ hoặc buộc phải nghĩ. Chiến tranh thực chất là “luật chơi tàn bạo”, là cuộc đọ sức, giành giật sự sống từng ngày, từng giờ, từng phút thậm chí là từng giây. Cái chết lặp lại nhiều lần qua dòng hồi tưởng của Hai Hùng “Còn đơn vị tôi không biết đã bị xóa phiên hiệu đi, xóa lại đến lần thứ mấy nữa? […] Mỗi lần bị xóa là mỗi lần mấy đứa còn lại lủi thủi theo giao liên ngược lên rừng già nhận thêm quân ở ngoài kia mới vào” [17,tr.210].
Chiến tranh cướp đi tuổi trẻ của biết bao con người, những người đã nằm xuống mãi mãi ở độ tuổi lí tưởng nhất của cuộc đời để đổi lại hòa bình cho dân tộc. Dường như trong tác phẩm này, màu đỏ của máu là gam màu nổi trội như muốn nhuộm đỏ những trang văn, cuộc đời của người lính.
Với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, tác giả cho người đọc thấy chiến tranh không chỉ có sự khốc liệt, tàn bạo mà chiến tranh còn liền kề với đói khổ và cả sự thiếu thốn đủ điều “Mấy anh ngoài đấy vô đây sao cực quá! Ăn vậy sao mà sống”. Sự thiếu thốn ấy của Hai Hùng và đồng đội của anh trong suốt cuộc chiến tranh được nhà văn miêu tả qua chi tiết: “Cả chục năm... luôn luôn đói ăn, đói muối, luôn luôn chỉ vận độc một chiếc quần xà lỏn đánh hết trận này qua trận khác, hết mùa mưa qua mùa khô, hết ngày tạnh sang ngày ướt…”. Cái đói đeo bám đã dẫn đến một bi kịch: “một chiến sĩ gan dạ đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì đã tự tiện ăn hết phần gạo quy định bởi gạo lúc đó là máu, là danh dự, là sống còn, xà xẻo vào gạo là xúc phạm đến tất cả”. Thậm chí, ngay cả Hai Hùng cũng đã “lợi dụng bóng tối bò sang lán thương binh móc bồng ăn cắp một hộp sữa. Sữa còn quý hơn gạo. Không dao, không kéo, chỉ bằng hai hàm răng anh đã cạp thủng nắp hộp và mút một hơi đến đáy”
[17,tr.158]. Trong tình cảnh này, với chức vụ là người thủ trưởng vậy mà Hai Hùng lại làm chuyện trái với lương tâm của mình. Có thể nói, cái đói đã làm
19
cho người lính mất hết lòng tự trọng, sự gào réo của dạ dày đã khiến họ hành động như chẳng cần suy nghĩ cho dù biết rằng hành động đó là sai, là đáng trách.
Trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã dùng tài năng, tậm huyết của mình để viết về bức tranh hiện thực mà trước kia được coi là vùng cấm kị, tránh nói tới.
2.1.2.Hiện thực chiến trường mất mát, đau thương
Qua tác phẩm Ăn mày dĩ vãng, tác giả cho ta nhìn thấy được sự thật của chiến tranh nó tàn khốc đến như nào. Tôi còn nhớ cách đây vài năm khi tôi sang nhà ông ngoại chơi, ông tôi bật nhạc cách mạng lên và bắt đầu ngắm nghía những kỉ vật chiến tranh mình còn giữ lại được. Sau những phút lặng yên tôi thấy khóe mắt ông bắt đàu lăn dài những giọt nước mắt rồi tôi chạy lại ông tôi đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều về chiến tranh. Điều khiến tôi ám ảnh nhất là sự ra đi anh dũng của những con người không tên mà chính ở tác phẩm cũng đã được đề cập đến “mặt mày đã bầm tím, sưng tấy, mồm miệng nhoe nhét những dãi dớt trộn máu, trộn đất”. Đó còn là cái chết đầy thương cảm, oan uổng của Bảo. Anh ra đi mãi mãi chẳng phải vì súng đạn mà địch rải xuống nước ta mà anh chết do sự bất cẩn ở Tuấn- đã cướp cò súng B41 trong khi súng đang được lau. Một cái chết đầy ám ảnh đối với người trong cuộc lẫn độc giả: “Bảo vẫn chưa chết, cái miệng vẫn há ra ngáp ngáp, để lộ cả hàm răng nhuộm máu. Máu đang phì bọt ở đằng mũi, máu ướt đầm hai vạt áo, máu chảy xuống đùi. Máu… cùng với máu và những cục phân vàng là mấy con giun đũa màu trắng đục, nhẫy nhụa, đang chuyển động loằng ngoằng…”
[17,tr.101]. Ai cũng cảm nhận được cái chết đau đớn của Bảo, nó cho thấy tuổi trẻ, khát vọng và lí tưởng của người chiến sĩ mười tám tuổi này đều ngập ngụa trong máu. Quả là một sự thật trần trụi được tái hiện đến từng chi tiết, giống như một sự vật được nhìn dưới kính hiển vi.
Ở tác phẩm này, tác giả đã miêu tả chân thực về hiện thực chiến tranh. Sự ra đi anh dũng của chị Sứ ở tác phẩm Hòn Đất được tác giả Anh Đức nhìn với cảm hứng sử thi, bút pháp lãng mạn qua hình ảnh: “Thằng Xăm rút soạt lưỡi
“cúp cúp” sáng loáng, xông tới như một con thú […] Đây chính bởi lưỡi dao chạm phải một suối tóc tươi tốt nhất, suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái” [9,tr.456]. Trong tiếu thuyết này, Chu Lai đã gạt bỏ “lớp men trữ tình” để
20
nhìn hiện thực một cách trần trụi. Cái chết của Thu - cô giao liên trẻ tuổi cũng không kém phần đau xót: “Thu chỉ còn là một cái xác lõa lồ, chân tay dẹo dọ nằm trong một tư thế kỳ dị… Máu đỏ như son nhểu xuống tận bắp chân, bắn từng giọt lên bụng, lên gò ngực vẫn no tròn cái sự sống mới nhất, tạo thành những cánh bằng lăng ma quái vừa ở đâu đó trên cao rụng xuống” [17,tr.179].
Chu Lai đã cho mọi người đau cùng nỗi đau của nhân vật. Sự đau đớn đọng lại trong lòng người đọc không chỉ ở cái chết, sự hi sinh mà nó còn vang vọng ở lời hứa về một hạnh phúc vợ chồng không bao giờ thực hiện được của Tuấn và Thu.
Qua sự hồi tưởng của Hai Hùng, chiến tranh được bóc trần với tất cả sự bi thương, thảm thiết: “Chiến tranh là cái mất này nối liền cái mất khác, là sự thành bại không ngớt đuổi theo nhau” [17,tr.90]. Trong trận đột ấp đầu tiên, tuy giành được thắng lợi nhưng đã nó cướp đi tính mạng của một chàng trai dũng cảm. Thanh xuân, tính mạng của một chiến sĩ, một đồng đội đổi lấy được mười chín bồng gạo. Đó là sự đánh đổi quá lớn: “Mười chín bồng gạo đổi lấy một người mười chín tuổi! Đau quá! Vô nghĩa quá! Nhưng dẫu sao cũng còn đổi lại được. Trong những cánh rừng và trên những dòng sông này, có biết bao những cái chết ngớ ngẩn, hoàn toàn vô nghĩa khác mà phải đành chịu” [17,tr.50]. Chiến tranh không chỉ là sự hy sinh, ngã xuống của mỗi một con người mà còn là sự hi sinh cả tập thể, đồng đội: “Mười sáu thằng còn lại năm thằng! Năm thằng được bổ sung lên hai mươi nhăm cho hợp tình thế mới. Sau Tết, nhìn tới nhìn lui, lại chỉ còn không đầy một chục” [17,tr.113].
Cái chết đến với họ nhanh quá, chỉ trong một thời gian ngắn những con người ưu tú liên tục ngã xuống để bảo vệ nền hòa bình cho dân tộc “Chao! Ngày hôm nay, mới chỉ là khúc dạo đầu của bản nhạc tử thần mà đã hụt đi ba thằng.
Hai chết, một bị thương. Ngày mai, ngày mai nữa?... Thêm thằng nào?”
[17,tr.160]. Anh cảm thấy đau đớn và sợ hãi trước tình thế của cuộc chiến.
Sau mỗi trận đánh, quân số lại vơi đi rất nhiều, chỉ một vài ngày mà đơn vị của Hai Hùng lại “mất thêm gần một phần ba quân số”. Hiện thực tàn khốc, khắc nghiệt của chiến tranh đã để lại sự tàn phá, đau thương vô cùng cho dân tộc Việt Nam.
Những người tham gia chiến tranh hiểu thấu gian khổ, tận mắt thấy những sự thực mất mát, đau thương nên đôi khi họ nản lòng. Trong tác phẩm, Hai Hùng
21
là thủ trưởng của một đội trinh sát, người có tài chỉ huy, tài đánh giặc nhưng ít ai ngờ rằng chính anh cũng có lúc hoài nghi về cuộc chiến đấu bảo vệ sự độc lập của đất nước: “Chiến tranh mờ mịt, bạn bè chết hết lớp này đến lớp khác, ngày kết thúc đang còn nằm trong vô vọng” [17,tr.155]. Anh đã từng muốn chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh bằng mọi cách. Trước những khung cảnh khủng khiếp của cuộc chiến ở hai đầu chiến tuyến, Hai Hùng muốn tìm đến cái chết để chấm dứt cái cảm giác kinh hoàng đeo đẳng: “Chúng sẽ bắn ra vài tràng… Chết thì thôi. Không chết sáng ra sẽ được chúng nhặt về, băng bó đánh đập theo đúng thủ tục chơi rồi sau đó sẽ đầy ra Côn Đảo, Phú Quốc…
Đâu cũng được, bao lâu không thành vấn đề, miễn là không chết. Vậy mà vẫn không xong. Sự may mắn hay nói cách khác là cái què cụt vẫn không đậu vào vai anh. Nó còn muốn hành anh” [17,tr.157]. Nhân vật Tuấn cũng vậy, trước sự khốc liệt của chiến tranh cũng tự làm mình bị thương để được ra tuyến sau chữa bệnh. Chết chóc, sự tàn khốc của chiến tranh luôn luôn quanh quẩn, trực chờ để đẩy con người vào tình thế nguy hiểm. Vì vậy, trong hoàn cảnh này những người chiến sĩ dù kiên cường, dũng cảm đến mấy cũng phải có phút yếu lòng. Người muốn tìm đến cái chết để khỏi phải nhìn thấy cảnh hi sinh, đau đớn của những con người tuy không cùng dòng máu nhưng như anh em trong một nhà, còn có những người muốn tìm sự què cụt để được chuyển về tuyến sau mong cơ hội được sống dù có là cuộc sống tật nguyền, không vợ, không con… Chính điều này đã giải thích cho người đọc về sự yếu mềm và nhỏ mọn trong con người của Hai Hùng. Trong khung cảnh khốc liệt ấy, mấy ai có đủ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Tóm lại với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã mang đến góc nhìn mới mẻ, chân thực về hiện thực chiến tranh được đào sâu ở những góc khuất, những mảng tối. Với tác giả: “Những năm tháng chiến tranh dài dặc và khốc liệt đã in đậm trong nếp nghĩ, trong tâm tưởng và tình cảm mỗi con người đâu dễ lãng quên, dứt ra cho được”. Ông đã thổi “điều không dễ lãng quên ấy” vào những trang văn nóng hổi hơi thở của hiện thực thàn khốc của chiến tranh. Với cái nhìn nhiều chiều, ông muốn gửi tới mọi người lời nhắn nhủ: Hãy quan tâm thêm nữa về quá khứ và đừng thờ ơ với nó. Chính vì thế mà những tác phẩm của Chu Lai đã gây được tiếng vang lớn với người đọc.