Chương 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
2.2. Số phận của người lính sau chiến tranh với những chấn thương tinh thần
2.2.2. Người lính lạc thời
Sự đan xen cái cũ, cái mới, cái truyền thống và hiện đại làm cho con người bị xoáy vào những hố đen của đời sống, đẩy không ít người lính rơi vào bi kịch. Đặt người lính vào cuộc sống đời thường, nhà văn đã tinh ý khi nhận ra sự hụt hẫng, lạc lõng của họ. Cuộc sống mưu sinh luôn quẩn quanh bên cơm áo, gạo tiền đối với họ quá đỗi nhọc nhằn. Người con người áo xanh về từ chiến trường đã thành một anh binh nhì ngơ ngác giữa đời thường. Có những người vẫn giữ thói quen như ở chiến trường, trước những khó khăn vụn vặt của cuộc sống họ trở nên lạc lõng. Xây dựng một hình ảnh người lính không hợp thời, Chu Lai đã cho ta thấy sự mặt trái của đời sống: “Thằng ngu, thằng lười thì giàu sang phú quý, thằng giỏi, thằng lao động thì đói rách, nghèo hèn”. Không theo kịp nhịp sống hiện đại, người lính đơn độc, lạc lõng, bơ vơ không còn điểm chung với cuộc sống hiện tại, chẳng thể tìm được hạnh phúc riêng bản thân.
24
Bước qua chiến tranh về với cuộc hiện thực, nhân vật như Hai Hùng may mắn sống sót nhưng bao nhiêu sức lực, tuổi trẻ của anh đã cống hiến vào cuộc chiến tranh. Hành trang mang theo vào cuộc sống thời bình hôm nay là bộ quân phục bạc màu cùng với những kí ức về đồng đội. Anh cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội hiện tại. Do đó, nhân vật này mang bi kịch “đời thừa”, cảm thấy mình thừa thãi giữa cuộc đời và rồi như một lẽ đương nhiên anh tìm về quá khứ như một sự cứu cánh cho linh hồn. Nếu nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao mang bi kịch đời thừa, sống mà như không sống vì anh đã vi phạm lẽ sống tình thương và lẽ sống nghề nghiệp thì Hai Hùng trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng là người anh hùng của thời chiến nhưng giờ đây anh cũng mang một bi kịch đời thừa “kẻ dư thừa bị hất ra khỏi lề đường” [17,tr.6]. Cả cuộc đời binh nghiệp của mình, anh cũng như bao người lính kia chỉ biết đến súng đạn vì thế khi đặt chân tới cuộc sống đời thường, anh hụt hẫng, phải lăn lộn với đời để kiếm sống. Hai Hùng ở tuổi xế chiều vẫn phải bỏ quê xa xứ “tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời”. Cảm thấy bế tắc, ngột ngạt vô cùng trong việc tìm một con đường nuôi sống bản thân, Hai Hùng xuất hiện với thân hình méo mó, tiều tụy đến thảm hại: “Cao một thước bảy nhưng chỉ nặng có bốn mươi nhăm cân, hốc hác, tóc bạc nham nhở, ngực lép, bụng lép, mắt cá chày, da xám ngoét, môi thâm, răng rụng gần một phần ba, ít cười, ít nói, sợ ánh sáng, sợ đô thị, sợ nơi đông người, dấu vết mặc cảm tự ti in hẳn vào từng bước chân đi, từ trong cái nhếch mép rụt rè, nửa cười nửa khổ…” [17,tr.8]. Đó là bức chân dung tự họa của nhân vật, một bức chân dung ốm yếu, “con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời đầy giông bão”. Vẫn là người đó nhưng ít ai ngờ rằng hai mươi năm trước, trong cuộc chiến tranh anh lại là một chàng trai: “Cao một mét bảy ba nặng suýt soát bảy mươi kí, vòng ngực vênh cong như lá rúp, tóc dày côm, mắt xếch, miệng rộng, cười tươi, chân tay xoắn chằng như chão bện, nước ma màu bánh mật…” [17,tr.41]. Một con người ở hai thời điểm lại là một bức tranh hoàn toàn đối lập. Trải qua hơn mười năm trên chiến trường với bao khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, anh vẫn giữ được sự dẻo dai, sức cường tráng, là con người nói đến tên kẻ thù khiếp sợ… Vậy mà giờ đây, sau gần hai mươi năm sống trong hòa bình anh lại trở nên tiều tụy, hốc hác. Khi Hai Hùng gặp lại Tuấn – người đồng chí năm xưa, câu nói của Tuấn: “Anh Hai… Em nghe Ba
25
kể về anh nhưng tuyệt nhiên em không ngờ lại đến nông nỗi này! Hai mươi năm…” [17,tr.272] có chút ngậm ngùi cho thấy hết cái nhếch nhách của người hùng năm xưa. Hai Hùng kinh ngạc trước sự đổi thay chóng mặt của con người nên anh cảm thấy cuộc đời hiện tại toàn những bi kịch cứ thế ùn ùn kéo tới nối tiếp nhau, rồi anh sinh bệnh nể nang: “Tôi bỗng thấy vị nể. Gần đây tôi sinh bệnh nể nang những đứa lắm tiền. Có tiền là có phong độ, có cái uy nằm ở đâu không thể gọi tên trong dáng điệu, cử chỉ, trong mỗi kẽ răng.
Nể lắm! Nể lắm!” [17,tr.18]. Có thể nói trước sức mạnh của đồng tiền khiến tất cả mọi người trong xã hội này đều phải nể phục, cúi đầu. Đứng trước những bi kịch của cuộc đời, Hai Hùng muốn nói “Cuộc chiến tranh vừa đi qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là màn kịch cả” [17,tr. 413].
Hai Hùng bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống, mọi thứ quay lưng lại, đặc biệt là người con gái anh yêu hơn cả bản thân mình. Người con gái ấy không chịu thừa nhận mình là Ba Sương, cô khước từ quá khứ, đồng đội và khước từ cả người mình yêu. Anh quyết định hành trình ngược về quá khứ để kiếm cho bản thân sự an ủi trong tận sau trí óc. Anh tìm đến những đồng đội đã bỏ mạng, tìm đến Ba Thành, Tám Tính, Tuấn xạ thủ… Tất cả họ đều có tổ ấm, có niềm vui riêng. Chỉ riêng anh, một kẻ thất nghiệp không nhà cửa, không gia đình, không vợ, không con. Điều duy nhất anh có là thời gian và một quá khứ vàng son. Sợi dây níu giữ Hai Hùng với cuộc đời hôm nay là quá khứ. Kí ức về một thời đẹp đẽ của đồng đội, tình yêu, hạnh phúc đối lập với hiện tại dài lê thê đầy sự phức tạp. Hai Hùng đã có một sự suy nghiệm sâu sắc về cuộc sống hiện tại: “Cuộc chiến đấu giành giật trong những cánh rừng năm xưa […] những người sống và những người chết” [17,tr.186]. Những người bạn của anh sau khi thoát ra khỏi cuộc chiến họ đã hòa nhập vào guồng quay của cuộc sống, chỉ có Hai Hùng một mình lúc nào cũng sống trong dĩ vãng.
Giống như Hai Hùng, nhân vật Ba Thành từng là chiến sĩ rất xông xáo trên mọi mặt trận chỉ huy đánh giờ lại chịu “làm một lão nông lọm khọm cày cuốc”. Đôi tay của Ba Thành từng cứu đươc biết bao nhiêu đồng đội, được mọi người tín nhiệm, chiến tranh kết thúc, anh ghét bỏ, không đồng tình với gia đình, đoàn thể, mọi người nên anh bỏ nghề về vui thú điền viên với ruộng vườn: “Ba Thành khật khưỡng [...] thỉnh thoảng lại vấp một cái, mặt đen
26
cháy, tóc nửa đen nửa bạc lam nham…” [17,tr.136]. Những con người từng là anh hùng trong chiến tranh, là người có công với đất nước tưởng rằng khi hòa bình sẽ có được cuộc sống yên ổn nhưng họ đang từng ngày từng giờ vật lộn với cuộc sống.
Từ số phận của những con người ấy, Chu Lai còn cho người đọc thấy những cảnh ngộ trớ trêu, nghịch lí trái với lẽ thường.
Với ngòi bút sắc bén, góc cạnh của Chu Lai đã vẽ lên được những số phận bi kịch đầy đau thương của những con người kiên cường trở từ chiến tranh và không thể hòa nhập với cuộc sống thường nhật.