Chương 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Những nghiên cứu về mối quan hệ hoạt động từ thiện của tôn giáo và phúc lợi, dịch vụ xã hội
Trên thế giới, đóng góp cho hoạt động từ thiện xã hội đã được nhìn nhận với mối quan hệ phúc lợi xã hội. Thích Nguyên Hiệp (dịch): “Đóng góp của Phật giáo và phúc lợi xã hội ở Úc” đã cho thấy những kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000 về những đóng góp của các tổ chức Phật giáo vào phúc lợi xã hội Úc. Đóng góp phúc lợi xã hội của Phật giáo ở Úc là bao quát và được phân thành các lĩnh vực sau: Giáo dục cho người lớn trong cộng đồng, giáo dục trẻ em, hỗ trợ người bệnh trong các bệnh viện và các bệnh viện dành cho người hấp hối, hỗ trợ bệnh nhân và người sắp qua đời ở trong cộng đồng và chăm sóc bệnh nhân nan y, thăm hỏi tù nhân, hỗ trợ người nghiện ma túy, gây quỹ cho người nghèo khó (ở Úc và hải ngoại), diễn thuyết về nhân quyền và chống áp bức, tiến hành những hoạt động từ bi dành cho các loài động, thực vật.
Các ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo dành cho tín đồ mà còn được xem là nơi có khả năng cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội chính thức và phi chính thức [Canda and Furman, 2010]. Ở một số quốc gia, các tự viện Phật giáo đã trở thành một tổ chức phi chính phủ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng. Chẳng hạn ở Thái Lan, ngôi chùa Phật giáo (wat) được xem là một tổ chức phi chính phủ quan trọng “là trung tâm giáo dục, phúc lợi địa phương và các hoạt động cộng đồng” [Gerald W. Fry, Gayla S. Nieminen, 2013, tr. 276]. Trong mấy thập kỷ gần đây, các tổ chức Phật giáo trên thế giới cũng đang có những đóng góp tích cực cho các dịch vụ phúc lợi xã hội ở cả những quốc gia mà Phật giáo không có nhiều ảnh hưởng.
Du nhập vào Úc cùng với dòng người nhập cư từ Trung Quốc, tới năm 2000 Phật giáo đã có 319 tổ chức tham gia cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội như giáo dục, chăm sóc người bệnh, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời, thăm hỏi tù nhân, trợ giúp người nghiện ma túy, giúp đỡ người nghèo,…[Sherwood,
31
2001]. Tương tự ở Mỹ, nghiên cứu của [Canda and Phaobtong, 1992] cho thấy những những ngôi chùa của người Lào và Khmer đang cung cấp các dịch vụ xã hội, tâm lý và tinh thần cho những người nhập cư Đông Nam Á ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Garces-Foley (2003) cũng nhận thấy việc gắn kết giữa Phật giáo và phong trào chăm sóc cuối đời ở Mỹ là cách mà Phật giáo ảnh hưởng tới cách người Mỹ quan niệm về cái chết. Như vậy, dù sự phát triển của công tác xã hội đầu tiên không gắn liền với Phật giáo nhưng hiện nay sự gắn kết giữa Phật giáo với công tác xã hội đã trở thành một xu hướng phát triển của Phật giáo hiện đại, là phương thức để Phật giáo có thể lan tỏa sự ảnh hưởng của mình tới cộng đồng [Hoàng Thu Hương, 2017].
Tại Việt Nam, hoạt động từ thiện ra đời sớm và được truyền bá rộng xuất phát từ nhà thờ và ban đầu có tính chất tôn giáo. Hoạt động từ thiện đầu tiên có xuất xứ tôn giáo. Các nhà thờ, nhà chùa lấy hoạt động từ thiện để răn dạy con chiên, phật tử của mình sống nhân đức [Mạc Văn Tiến, 1996]. Các nghiên cứu cũng đã cho thấy tổ chức tôn giáo là một trong những kênh đóng góp từ thiện phi chính thức của người dân [Sidel, 1997; Đặng Nguyên Anh và các cộng sự, 2011; ISSE, 2015].
Những nghiên cứu hoạt động từ thiện của tôn giáo được đề cập đến tại Việt Nam cũng cho thấy sự nhìn ra chiều cạnh gắn kết của đạo Phật và CTXH [Hoàng Thu Hương, 2012; Nguyễn Ngọc Hường, 2012; Nguyễn Hồi Loan, 2012; Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thu Trang và Yusuke Fujimori, 2012]. Tuy cùng đề cập đến vấn đề TTXH của Phật giáo và CTXH song các tác giả có những nhìn nhận khác nhau. Hoàng Thu Hương đi tìm mối quan hệ giữa hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo và CTXH. Nguyễn Hồi Loan mở ra một hướng tiếp cận mới trong CTXH đó chính là cách tiếp cận Phật giáo trong CTXH. Dưới góc nhìn so sánh, Hoàng Thu Hương đã chỉ ra rằng, đối tượng hưởng thụ của những hoạt động TTXH của Phật giáo và đối tượng hưởng thụ
32
của CTXH là tương đồng nhau. Xét dưới góc độ tâm lý học thì Phật giáo và CTXH đều có nét tương đồng với nhau. Thực chất những hoạt động xã hội mang tính thế tục của các ngôi chùa hiện nay đang thể hiện những mức độ khác nhau về chức năng của một trung tâm CTXH, hỗ trợ và phát triển cộng đồng, tư vấn và vận động chính sách [Nguyễn Hồi Loan, 2012]. Những triết lý cơ bản của CTXH được thể hiện qua các hoạt động nhân đạo, hỗ trợ con người của các nhà chùa hiện nay đó chính là đề cao giá trị con người, đề cao giá trị xã hội.
Theo nền tảng triết lý của mình thì CTXH theo đuổi 6 giá trị cơ bản, những giá trị này là những yếu tố nền tảng xác định nghề CTXH, đây là cơ sở để xem xét mối quan hệ giữa CTXH và Phật giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đây là quan điểm của nhóm tác giả Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thu Trang và Yusuke Fujimori. Tiếp tục phân tích mối quan hệ này, Hoàng Thu Hương nhấn mạnh, từ thiện xã hội hướng tới giải quyết vấn đề một cách kịp thời tại một thời điểm trong khi công tác xã hội hướng tới giải quyết vấn đề một cách lâu dài trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu, khả năng của đối tượng. Và bất cứ ai cũng có thể làm TTXH, song chỉ có những người được đào tạo bài bản mới thực hiện được CTXH. Những kết quả ban đầu của hướng nghiên cứu về CTXH và từ thiện của Phật giáo đều chỉ ra rằng có một mô hình để kết nối giữa Phật giáo và CTXH là rất khả quan.
Nhìn chung, các tác giả đều cho thấy có một sự khá gần gũi giữa CTXH và các hoạt động từ thiện mà Phật giáo hiện nay đang thực hiện. Tuy nhiên, chủ yếu mới dừng lại ở những bài viết mang tính gợi mở vấn đề mà chưa có những nghiên cứu sâu tìm hiểu về vấn đề này.
Đối với Việt Nam, những hoạt động từ thiện xã hội vốn là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi được gắn với tinh thần từ bi của đạo Phật nó càng có sức sống trong lòng xã hội. Không chỉ khi kinh tế được phát triển mà những hoạt cho lợi ích cộng đồng mới được quan tâm mà điều này đã được thực hiện
33
ngay từ trong quá khứ với truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Ba lĩnh vực nhận được nhiều đóng góp nhân đạo, từ thiện nhất là: giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn (chẳng hạn các cựu chiến binh, trẻ mồ côi, v.v...); cứu trợ thiên tai; và xoá đói giảm nghèo [Thích Nguyên Thành, 2013]. Các lĩnh vực được Phật giáo quan tâm đến trong hoạt động từ thiện xã hội: Lĩnh vực y tế - Xây dựng Tuệ Tĩnh đường; Lĩnh vực giáo dục; Lĩnh vực bảo trợ an sinh xã hội; Chăm sóc bệnh nhân có HIV và người có hoàn cảnh khó khăn [Chử Thị Kim Phương, 2012; Dương Hoàng Lộc, 2013; Trương Văn Chung, 2013; Nguyễn Tài Đông, 2013]. Tỷ lệ người trả lời nói rằng trong năm 2012 họ đã đóng góp từ thiện cho người nghèo là (80%), cho người vừa chịu thiên tai là (67%), cho người bị khuyết tật là (26%). Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp cho các mục đích khác như bảo vệ môi trường, hiến máu nhân đạo, hay hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí đều rất thấp (lần lượt là 11%, 7%, và 4%) [ISSE, 2015].
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, các hình thức đóng góp cho hoạt động từ thiện rất phong phú, tuy nhiên có thể thấy sự khác biệt trong hoạt động từ thiện ở trên thế giới và Việt Nam. Đối với các nước trên thế giới, hoạt động từ thiện được được tập trung vào những hoạt động mang tính khá bền vững và giải quyết các vấn đề tận gốc như vấn đề nhân quyền, áp bức, bảo vệ môi trường,…
trong khi ở Việt Nam, các hoạt động đóng góp nhân đạo, từ thiện chủ yếu theo hình thức truyền thống dựa trên vụ việc và hầu như không được đầu tư thời gian để tìm ra các cách làm mới hướng đến sự bền vững lâu dài.
Qua những phân tích trên có thể thấy, rõ ràng không chỉ ở trên thế giới mà ở Việt Nam, tôn giáo đang có một mối liên hệ với từ thiện xã hội, song chưa có nhiều nghiên cứu có những phân tích và đo lường cụ thể về mối quan hệ này.
34