Luận giải những vấn đề cần đặt ra nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động của vi sinh vật có ích trong đất và sâu hại chính dưới tác động của bón phân hữu cơ vi sinh và một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên giống chè LDP1 tại Phú Thọ (Luận án tiến sĩ) (Trang 53 - 56)

Giống chè LDP1 hiện là được trồng phổ biến tại nhiều vùng chè khác nhau trên cả nước với diện tích ước đạt 32.000 ha (chiếm khoảng 25% tổng diện tích chè cả nước), trong đó diện tích chè LPD1 tại tỉnh Phú Thọ khoảng 4.000 ha (tổng diện tích chè tỉnh Phú Thọ là 16.000 ha, năm 2015). Nhưng đến nay, các nghiên cứu sâu, rộng, được thực hiện trong thời gian đủ dài để đánh giá một cách toàn diện ảnh hưởng của phân bón hữu cơ vi sinh cũng như một số kĩ thuật canh tác đến môi trường đất trồng chè, đến năng suất, chất lượng và sự phát sinh gây hại của sâu hại trên giống chè này trong giai đoạn sản xuất kinh doanh khi trồng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được tiến hành. Vì vậy, việc nghiên cứu theo hướng này trên giống chè LDP1 tại Phú Thọ là cần thiết.

Từ những vấn đề đặt ra sau khi tổng hợp các kết quả nghiên cứu của tổng quan tài liệu có thể thấy một trong những yêu cầu để làm tăng năng suất, chất lượng chè Việt Nam một cách bền vững là nghiên cứu, xác định các giải pháp kỹ thuật để làm tăng quần thể vi sinh vật có ích trong đất trồng chè và hạn chế được tác hại của sâu

bệnh hại trên chè. Trong đó, những nghiên cứu về sử dụng phân hữu cơ vi sinh, các biện pháp kỹ thuật canh tác chủ yếu sẽ là những nội dung quan trọng cần được chú ý.

Để giải quyết được các mục tiêu đã nêu ra, đề tài sẽ tập trung vào giải quyết những nội dung sau:

Thứ nhất, nghiên cứu về sự biến động của các vi sinh vật có ích trong đất dưới tác động của bón phân hữu cơ vi sinh. Trong đất, vi khuẩn và nấm là những đối tượng vi sinh vật chính được tìm thấy nhiều nhất, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi các nguồn dinh dưỡng của đất. Đề tài nghiên cứu sẽ tập trung cho nhóm vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm sợi và nấm sinh màng nhầy có chức năng phân giải xenlulo, cố định đạm, phân giải phốt phát khó tan.

Thứ hai, các kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả đã chỉ ra thành phần sâu hại trên chè có tới trên 500 loài khác nhau, phần lớn trong số đó có tính đặc trưng cho vùng sinh thái và chỉ khoảng 3% số loài có tính phân bố rộng. Những kết quả nghiên cứu về sâu hại chè tại Việt Nam cũng cho thấy có sự tương đồng về đối tượng gây hại khi so sánh với một số nước vùng cận nhiệt đới như Srilanka, Indonexia, Ấn Độ, Trung Quốc. Trong đó có 4 nhóm đối tượng sâu gây hại chính trên chè cần được quan tâm là rầy xanh, bọ cánh tơ, nhện đỏ và bọ xít muỗi. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã có chưa chỉ ra mối quan hệ giữa bón phân hữu cơ vi sinh và áp dụng một số biện pháp canh tác (hái chè, tủ gốc, trồng cây che bóng) đối với sự biến động về số lượng của 04 nhóm sâu hại chính nêu trên. Đề tài sẽ đưa ra các nội dung nghiên cứu cụ thể để phân tích được mối quan hệ này và đề xuất biện pháp canh tác phù hợp để giảm thiểu tác hại của rầy xanh, nhện đỏ, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ đối với cây chè. Cùng với các nghiên cứu về sâu hại chính trên chè, đề tài cũng phân tích thêm về một số loài thiên địch có ích khi quan sát hệ sinh thái vườn chè nhằm củng cố thêm vai trò của các biện pháp kỹ thuật đang triển khai.

Thứ ba, nghiên cứu về các biện pháp canh tác chè tại Việt Nam và trên thế giới đã được tổ chức thực hiện từ nhiều năm trước. Nhờ có những quy trình kỹ thuật mới được áp dụng năng suất và chất lượng chè của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt qua những năm gần đây, ví dụ như năng suất bình quân chè Việt Nam đã tăng từ 5,0 tấn/ha/năm (năm 2000) lên 6,5 tấn/ha/năm (năm 2010), chất lượng chè tăng giúp

giá chè xuất khẩu bình quân chè Việt Nam đã đạt 1,2USD/kg (năm 2010) so với 0,9USD/kg năm 2000, tuy nhiên, số liệu năng suất và chất lượng chè của Việt Nam nêu trên vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Các nội dung nghiên cứu của đề tài sẽ tập trung đối với nhóm giải pháp kỹ thuật canh tác bao gồm bón phân hữu cơ vi sinh, hái chè, tủ gốc và trồng cây che bóng cho chè theo hướng xác định ảnh hưởng của từng biện pháp kỹ thuật đến biến động các vi sinh vật có ích trong đất, sâu hại chính trên chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện quy trình canh tác chè phù hợp cho một số giống chè đang được trồng phổ biến hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động của vi sinh vật có ích trong đất và sâu hại chính dưới tác động của bón phân hữu cơ vi sinh và một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên giống chè LDP1 tại Phú Thọ (Luận án tiến sĩ) (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)