Ảnh hưởng của phương thức hái chè đến diễn biến sâu hại chính

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động của vi sinh vật có ích trong đất và sâu hại chính dưới tác động của bón phân hữu cơ vi sinh và một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên giống chè LDP1 tại Phú Thọ (Luận án tiến sĩ) (Trang 107 - 112)

3.3. Ảnh hưởng của phương thức hái đến sự biến động của sinh vật hại chè và năng suất, chất lượng chè

3.3.1. Ảnh hưởng của phương thức hái chè đến diễn biến sâu hại chính

Búp chè và lá non là những bộ phận thu hoạch chính của cây chè, đồng thời cũng là nguồn thức ăn của nhiều loại sâu hại khác nhau như rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ,... Khi những loại sâu hại này phát triển mạnh, tạo thành dịch hại sẽ làm giảm năng suất, chất lượng chè nguyên liệu cũng như chất lượng chè thành phẩm. Việc thu hái búp chè sẽ loại ra khỏi nương chè một lượng lớn sâu hại (gồm cả trứng, ấu trùng và sâu trưởng thành). Vì vậy, nghiên cứu này cũng đánh giá ảnh hưởng của phương thức hái đến một số loại sâu hại trên chè. Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng 3.24.

Bảng 3.24: Ảnh hưởng của các kỹ thuật hái đến sâu hại chính trên chè

Công thức

Mật độ sâu hại chính Rầy xanh

(con/khay)

Bọ trĩ (con/búp)

Nhện đỏ (con/lá)

Bọ xít muỗi (% búp bị hại)

Hái san trật 7,69a 1,99a 2,38a 6,73a

Hái kỹ 6,61b 1,41b 2,35a 4,61b

Hái máy 5,81c 1,06b 1,49b 2,93c

Ghi chú:Số liệu là giá trị trung bình ±sai số của ba lần lặp lại trong mỗi công thức. Sự khác nhau có ý nghĩa thống kê được tính toán bằng kiểm tra Tukey HSD, phần mềm R. Các chữ cái chỉ ra sự khác nhau có ý nghĩa giữa các công thức với độ tin cậy P < 0,05.

Kết quả ở bảng 3.24 cho thấy:

* Đối với rầy xanh hại: Trên các công thức hái khác nhau thì mức độ mật độ rầy xanh hại cũng khác nhau, có sự sai khác có ý nghĩa tất cả các công thức với mức độ tin cậy 95%. Khi thực hiện hái theo tiêu chuẩn 10TCVN446-2001 (hái san trật) thì mật độ rầy xanh hại trên nương chè là cao nhất, trung bình đạt 7,69 con/khay.

Thực hiện hái máy với chế độ hái 37-45 ngày/lứa, mật độ rầy xanh hại thấp nhất trong các công thức thí nghiệm, mật độ trung bình trong thời gian theo dõi đạt 5,81 con/khay. Khi thực hiện hái bằng tay và hái kỹ, hái hết các búp theo đợt sinh trưởng thời gian thực hiện 1 lứa hái từ 20-28 ngày có mật độ rầy xanh đạt trung bình 6,61 con/khay, cao hơn so với mật độ rầy xanh ở công thức hái máy nhưng vẫn thấp hơn so với mật độ rầy xanh ở công thức hái san trật.

Diễn biến mật độ rầy xanh theo tháng khi áp dụng các công thức hái khác nhau cũng được theo dõi và thể hiện ở hình 3.5.

Hình 3.5: Diễn biến mật độ rầy xanh theo tháng ở các công thức hái khác nhau Hình 3.5 cho thấy thời điểm rầy xanh xuất hiện nhiều từ tháng 6 đến tháng 9 là thời gian vụ chè chính, sau đó mật độ giảm đến cuối vụ. Diến biến rầy xanh khá

giống nhau ở tất cả các công thức hái chè khác nhau. Tuy nhiên, mật độ rầy xanh ở công thức hái máy thấp hơn so với hái kỹ bằng tay theo lứa và hái san trật ở tất cả các tháng theo dõi.

* Đối với bọ trĩ hại chè: kết quả tương tự như đối với rầy xanh. Các công thức hái khác nhau có mật độ bọ trĩ khác nhau và mật độ bọ trĩ ở các công thức hái tay cao hơn so với mật độ bọ trĩ ở công thức hái máy. Ở công thức hái san trật mật độ bọ trĩ hại búp chè có mật độ lớn nhất đạt 1,99 con/búp, tiếp đến là công thức hái kỹ bằng tay với mật độ trung bình đạt 1,41 con/búp, và thấp nhất là công thức hái bằng máy với 1,06 con/búp. Diễn biến mật độ bọ trĩ hại chè qua các tháng cũng được theo dõi và kết quả được thể hiện ở hình 3.6.

Hình 3.6: Diễn biến mật độ bọ trĩ theo tháng

Đặc điểm diễn biến bọ trĩ hại chè tại các công thức hái khác nhau cũng khác nhau. Về cơ bản bọ trĩ cũng hại từ tháng 6 đến hết tháng 9. Mật độ bọ trĩ hại chè ở công thức hái tay cao hơn công thức hái máy ở tất cả các tháng theo dõi. Với công thức hái san trật mật độ bọ trĩ nhiều hơn 2 con/búp (2,05-2,42 (ngoại trừ tháng 11)), và ở công thức hái kỹ theo lứa mật độ bọ trĩ dao động từ 0,91-1,96 con/búp, trong khi đó mật độ bọ trĩ ở công thức hái máy thấp hơn, chỉ từ 0,71 đến 1,36 con/búp.

* Đối với bọ xít muỗi: kết quả thí nghiệm cho thấy mức độ búp chè bị hại bởi bọ xít muỗi ở các công thức cũng có sự khác nhau, với mức độ chè bị hại nặng nhất ở công thức hái san trật và nhẹ nhất ở công thức hái máy. Mức độ hại trung bình tại công thức hái san trật là 6,73% số búp trong thời kỳ điều tra và số búp bị hại tại công thức hái tay, hái kỹ là 4,44%, trong khi ở công thức hái máy số búp bị hại trung bình đạt 2,93%.

Hình 3.7: Diễn biến tỷ lệ búp chè bị hại bởi bọ xít muỗi theo tháng

Hình 3.7 cho thấy diễn biến tỉ lệ búp chè bị hại do bọ xít muỗi trong các tháng từ tháng 6 đến tháng 11. Kết quả theo dõi cho thấy bọ xít muỗi hại trên giống LDP1 không lớn trong năm thí nghiệm và gây hại chủ yếu từ tháng 10 trở đi với tỷ lệ búp bị hại trên 8%. Thời điểm tháng 11 tỷ lệ búp chè bị hại do bọ xít muỗi tăng so với tháng 11 và tỷ lệ búp bị hại ở công thức hái bằng tay cao hơn so với công thức hái máy. Cụ thể, ở công thức hái san trật tỷ lệ búp chè bị hại cao nhất 20,89%, thấp nhất là công thức hái máy với 7,78%, và ở công thức hái kỹ theo lứa tỷ lệ này là 11,78%.

* Đối với nhện đỏ: Khi thực hiện hái san trật hay hái kỹ bằng tay kết quả không có sự khác biệt rõ rệt (ở mức độ tin cậy 95%), tuy nhiên có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các công thức hái bằng tay với công thức hái bằng máy. Mật độ nhện đỏ gây hại ở công thức hái bằng máy đạt 1,49 con/lá thấp hơn mật độ nhện đỏ hại ở công thức hái san trật (2,38 con/lá) và hái kỹ (2,35 con/lá). Diễn biến mật độ nhện đỏ hại chủ yếu từ tháng 9 cho đến tháng 11, mật độ nhện đỏ ở các công thức dao động từ 1,37 - 4,82 con/lá (hình 3.8).

Hình 3.8: Diễn biến mật độ nhện đỏ theo tháng

Các kết quả trên cho thấy, khi hái theo lứa, hái kỹ và hái máy mật độ sâu hại chính (rầy xanh, bọ trĩ, và bọ xít muỗi) hại chè đều thấp hơn so với hái san trật. Có thể lý giải nguyên nhân của các kết quả trên do:

- Khi thực hiện hái kỹ, hay hái theo lứa tạo ra sự ngắt quãng về nguồn thức ăn trong một thời gian nhất định (vì rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muỗi hại phần non là chủ yếu) sẽ làm giảm sự tồn tại mật độ ở mức cao liên tục của những loại sâu hại này.

- Khi thực hiện hái bằng máy, một lượng sâu hại chính ở cả giai đoạn trưởng thành và giai đoạn sâu non sẽ bị hút theo phần thu hái, vì vậy đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hái máy làm giảm mật độ sâu hại hơn so với hái bằng tay.

- Khi hái bằng máy, hay hái kỹ làm cho môi trường sinh sản của sâu hại chè chính bị ảnh hưởng nhất định trong một thời gian (rầy xanh, bọ trĩ và bọ xít muỗi đẻ trứng vào phần non của cây). Điều này sẽ tạo cho sâu hại tạo lứa rõ rệt (hái bằng tay theo truyền thống sẽ gây ra sự gối lứa), tạo điều kiện cho quá trình phòng chống dich hại tốt hơn.

Như vậy, các kết quả trong nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của các tác giả Nguyễn Văn Hùng [20] và Nguyễn Văn Thiệp [42]. Các tác giả này đều khẳng định trên nương chè hái san trật có mật độ và tỷ lệ rầy xanh, bọ trĩ cao hơn ở nương chè hái kĩ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của tác giả Đỗ Văn Ngọc [32] cũng cho thấy mật độ sâu hại như nhện đỏ, bọ cánh tơ thấp hơn ở công thức hái chè bằng máy so với công thức hái chè bằng tay (hái san trật). Điều này được giải

thích rằng khi áp dụng kĩ thuật hái bằng máy, phần lá non làm thức ăn của sâu được thu hái hết, nên môi trường để sâu hại cư trú và sinh trưởng bị hạn chế. Mặt khác, mỗi khi tiến hành hái bằng máy, hầu hết sâu hại trên tán chè bị hút và túi đựng chè nhờ quạt gió công suất lớn, dẫn đến giảm mật độ sâu hại.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động của vi sinh vật có ích trong đất và sâu hại chính dưới tác động của bón phân hữu cơ vi sinh và một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên giống chè LDP1 tại Phú Thọ (Luận án tiến sĩ) (Trang 107 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)