Về chủ thể có thẩm quyền tuyên bố và thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu ở Việt Nam (Trang 48 - 51)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU Ở VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH

2.2 Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng lao động vô hiệu

2.2.2 Về chủ thể có thẩm quyền tuyên bố và thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

2.2.2.1 Chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu Tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác định tính hiệu lực của hợp đồng và là cơ sở để xử lý hậu quả phát sinh từ hợp đồng lao động vô hiệu.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 516 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung Điều 51 Bộ luật lao động năm 2012, tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Tuy nhiên, trước khi quy định trên có hiệu lực, ngoài tòa án nhân dân, thanh tra lao động cũng là một chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Sở dĩ pháp luật hiện nay đã loại bỏ thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động và chỉ giữ lại quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của tòa án là vì các lý do sau:

Thứ nhất, xét về mặt lý luận và chức năng của mỗi cơ quan: Hiến pháp 2013 đã quy định, tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Cụ thể hóa chức năng trên của tòa án, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đã nêu rõ: “Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Có thể thấy, tòa án là cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất, có quyền xem xét, đánh giá và tuyên bố tính hiệu lực của các giao dịch trong tất cả các lĩnh

vực của đời sống pháp luật. Đặc biệt, bản án, quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng, có hiệu lực pháp luật, nhân danh nhà nước để ban hành nên buộc các bên phải tôn trọng và nghiêm túc thực hiện.

Điểm đáng ghi nhận trong Bộ luật lao động năm 2012 khi không quy định thanh tra lao động có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu bởi lẽ thanh tra lao động là cơ quan thanh tra chuyên ngành về lao động. Theo quy định tại Điều 237 Bộ luật lao động năm 2012, thanh tra lao động có các chức năng chính như: kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động; hướng dẫn các bên trong quan hệ lao động áp dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn thực hiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động; xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật lao động phát hiện trong khi thực hiện hoạt động thanh tra; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lao động.... Từ những chức năng trên, quy định thanh tra lao động không có chức năng phán xét, đánh giá và tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là hoàn toàn phù hợp với chức năng của thanh tra lao động.

Thứ hai, xét về thực trạng pháp luật hiện hành về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu: Trước thời điểm Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành, thanh tra lao động có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu trong quá trình thanh tra. Nhưng nếu không đồng ý với quyết định của thanh tra lao động, các bên vẫn có quyền khởi kiện đề nghị tòa án xem xét. Cụ thể, điều 12 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định: “Trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên vố hợp đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành khởi kiện tại tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra không có giá trị cuối cùng. Tòa án có thể tiếp tục xem xét và tuyên bố tính hiệu lực của hợp đồng dựa theo yêu cầu của một trong các bên ngay khi hợp đồng lao động đã bị thanh tra lao động tuyên vô hiệu. Như vậy, một vụ việc có thể có sự tham gia

đánh giá của cả hai cơ quan nên dễ dẫn đến hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền và làm giảm tính pháp lý đối với quyết định của thanh tra lao động.

Thứ ba, xét về hậu quả xử lý hợp đồng lao động vô hiệu: Hợp đồng lao động vô hiệu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ đối với các bên trong quan hệ lao động mà còn đối với Nhà nước, cộng đồng xã hội. Vì vậy, việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu cần phải trải qua một quá trình thu thập, xác minh, kiểm tra, đánh giá vô cùng cẩn thận, kỹ lưỡng và yêu cầu chủ thể tuyên bố phải có trình độ chuyên môn cao, thái độ xét xử công minh. Chỉ tòa án là cơ quan có chức năng, trình độ chuyên môn chuyên sâu mới có thể thực hiện được.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, hiện nay pháp luật chỉ cho phép tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Thanh tra lao động không được quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như thời kỳ pháp luật trước.

2.2.2.2 Thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nói chung tại tòa án nhân dân được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

Chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nộp đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi giao kết hoặc nơi thực hiện hợp đồng (Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Trường hợp đơn yêu cầu hợp lệ và người yêu cầu đã nộp tạm ứng phí, tòa án tiến hành thụ lý đơn và gửi thông báo thụ lý cho các chủ thể có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, tòa án tiến hành xem xét, đánh giá hiệu lực của hợp đồng lao động và chuẩn bị hồ sơ tài liệu liên quan. Hết thời hạn nêu trên và người yêu cầu không rút đơn yêu cầu, tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 05 ngày

làm việc, kể từ ngày quyết định mở phiên họp, tòa án tiến hành mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Khi xét đơn yêu cầu, thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Trường hợp chấp nhận, thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Trong quyết định này, tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu có giá trị bắt buộc thi hành.

Như vậy, trình tự thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu được đánh giá là tương đối đầy đủ và hoàn thiện. Hệ thống quy định hiện hành đã đảm bảo căn cứ pháp lý vững chắc để các bên tham gia hợp đồng, tòa án có thẩm quyền cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu ở Việt Nam (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)