1.2. Nội dung cơ bản của pháp luật về dịch vụ thanh toán do ngân hàng thương mại thực hiện
1.2.2. Đặc điểm, vai trò của việc cung ứng dịch vụ thanh toán do ngân hàng thương mại thực hiện
a. Đặc điểm
Dịch vụ thanh toán trong ngân hàng phát sinh khi có lệnh yêu cầu từ phía khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức, yêu cầu ngân hàng trích nợ từ tài khoản của chính mình hoặc nộp tiền mặt trực tiếp vào ngân hàng để thanh toán cho đối tác dựa trên những chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật hoặc các dịch vụ thanh toán mà ngân hàng cung ứng. Dịch vụ thanh toán trong ngân hàng có những đặc điểm sau:
Thứ nhất: Dịch vụ thanh toán trong ngân hàng mang đặc điểm trừu tượng vì nó được thực hiện thông qua các kênh thanh toán giữa các ngân hàng với nhau mà khách hàng không thể nhìn thấy được như các dịch vụ khác, khách hàng chỉ có thể nhìn thấy được kết quả của việc sử dụng dịch vụ đó là việc thanh toán của khách hàng đã được thực hiện mà thôi.
Thứ hai: Dịch vụ thanh toán trong ngân hàng được thực hiện không đi liền với việc trao đổi hàng hóa, tức là sự vận động của tiền tệ trong ngân hàng tách biệt với sự vận động của hàng hóa. Dịch vụ thanh toán trong ngân hàng được thực hiện có thể trước hoặc sau khi việc trao đổi hàng hóa giữa các chủ thể được thực hiện, điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các khách hàng với nhau. Đây là đặc điểm dễ nhận thấy và khác biệt nhất so với các dịch vụ khác trong nền kinh tế. Thứ ba:
Dịch vụ thanh toán qua ngân hàng không bị bó hẹp bởi không gian (khoảng cách địa lý) và thời gian. Một khách hàng có thể ở nhà mà vẫn có thể mua được hàng hóa trong nước cũng như ở nước ngoài.
Thứ tư: Trong dịch vụ thanh toán qua ngân hàng không xuất hiện các loại đồng tiền thật của các loại tiền tệ mà chỉ là những đồng tiền ghi sổ, tức là những đồng tiền được hạch toán trên sổ sách chứng từ kế toán.
Thứ năm: Chứng từ sử dụng trong thanh toán có thể là chứng từ giấy hoặc
chứng từ điện tử. Trong đó chứng từ giấy là chứng từ thanh toán được thể hiện bằng giấy như giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi. ủy nhiệm thu, Séc... chứng từ điện tử là những chứng từ thanh toán được thể hiện bằng dữ liệu thông tin trên vật mang tin (như các loại thẻ thanh toán, băng từ, đĩa từ, dữ liệu qua các chương trình thanh toán điện tử...)
Thứ sáu: Chủ thể tham gia trong quan hệ thanh toán trong ngân hàng ngoài người thụ hưởng, người chi trả còn có ngân hàng, các tổ chức tài chính trung gian khác đóng vai trò làm trung gian thanh toán.
b. Vai trò
Ngày nay có thể nói dịch vụ thanh toán chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động của NHTM, nó tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ ngân hàng phát triển trong nền kinh tế. Việc thực hiện tốt dịch vụ thanh toán trong ngân hàng sẽ đưa lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, nó có thể được coi như một hệ thống “mạch máu” để chuyển tải luồng vốn từ khu vực này sang khu vực khác.
Đối với ngân hàng
Một ngân hàng có dịch vụ thanh toán tốt sẽ thu hút được nhiều khách hàng mở tài khoản tiền gửi thanh toán, trên mỗi tài khoản đó phải có số dư nhất định để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Nhờ đó ngân hàng huy động được lượng lớn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế của cá nhân và tổ chức, đây là nguồn vốn có chi phí huy động rất thấp. Ngân hàng có thể tính toán để sử dụng lượng vốn nhàn rỗi nhất định từ các tài khoản này phục vụ vào hoạt động cho vay hoặc đầu tư tiền gửi để thu lợi nhuận cao.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong kết quả kinh doanh của NHTM, trong đó dịch vụ thanh toán đem lại nguồn thu lớn trong tổng thu phí dịch vụ của ngân hàng, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
NHTM và các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán thực hiện kinh doanh dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế. Nhưng với tiềm lực tài chính lớn, đồng thời do tính cạnh tranh cao ở khu vực ngân hàng, trong cơ chế thị trường, các chủ thể sử dụng
dịch vụ thanh toán đều có quyền lựa chọn cách thức thanh toán, ngân hàng phục vụ thanh toán cho mình, do đó đòi hỏi các NHTM không ngừng hoàn thiện dịch vụ thanh toán của mình để cung cấp dịch vụ thanh toán tốt nhất đến cho khách hàng, qua đó cũng khẳng định uy tín, đẳng cấp của ngân hàng đối với bạn hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện mở rộng và tăng cường cho ngân hàng kiểm soát được một phần lượng tiền trong nền kinh tế khi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng. Qua việc kiểm tra giám sát các khách hàng chấp hành tốt kỷ luật thanh toán và các nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước, từ đó đề ra các chính sách thanh toán thích hợp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, tăng sức mua của đồng tiền.
Đối với các nhà quản lý vĩ mô của Nhà nước, ngân hàng là công cụ kinh tế quan trọng thông qua đó các chính sách của Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và thanh toán được thực hiện. Vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước qua Ngân hàng chỉ thực sự phát huy đầy đủ tác dụng khi phần lớn khối lượng thanh toán được tập trung qua các ngân hàng. Nếu thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng tăng lên, lượng tiền ngoài lưu thông giảm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, ổn định các mục tiêu kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, tỷ giá, công ăn việc làm... giúp Ngân hàng Trung ương, các nhà hoạch định có biện pháp, chính sách kịp thời nhằm thực hiện tốt chức năng kiểm soát tiền tệ.
Đối với khách hàng
Thực hiện thanh toán qua ngân hàng giảm thiểu các rủi ro trong thanh toán cho khách hàng. Các rủi ro trong thanh toán, bảo quản và vận chuyển tiền mặt của các tổ chức, cá nhân luôn tiềm ẩn, nguy cơ bị trộm cướp tài sản lớn, bên cạnh đó là rủi ro về kiểm đếm tiền thật, giả.
Các hình thức thanh toán qua ngân hàng đa dạng, phong phú đáp ứng một cách nhanh chóng, thuận tiện và cho phép khách hàng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
Dịch vụ thanh toán qua ngân hàng không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy sự phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hoá. Thanh toán vừa là khâu mở đầu và cũng vừa là khâu kết thúc của một chu kỳ sản xuất kinh doanh. Do đó nếu tổ chức tốt trong khâu thanh toán thì sẽ tăng tốc độ chu chuyển vốn của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tái sản xuất của doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.
Việc mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng tạo cho doanh nghiệp có thêm nguồn thu nhập do được hưởng lãi suất tiền gửi trên tài khoản thanh toán.
Đối với nền kinh tế
Trước khi ngân hàng xuất hiện, mọi quan hệ thanh toán đều được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Quan hệ thanh toán trực tiếp này có rất nhiều hạn chế như chi phí vận chuyển lớn, việc quản lý tiền mặt và hiện vật không an toàn, thời gian thanh toán chậm.
Ngân hàng ra đời, cung cấp dịch vụ quản lý vốn cho khách hàng, làm trung gian thực hiện thanh toán hộ các giao dịch cho cả hai bên mua và bán một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn, nhờ đó quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá, dịch vụ được tiến hành thuận tiện. Nền kinh tế càng phát triển thì quy mô thanh toán càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, ngân hàng trở thành trung tâm thanh toán của nền kinh tế.
Việc tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ làm giảm khối lượng tiền lưu thông, góp phần tiết kiệm chi phí lưu thông, chi phí in ấn, phát hành. Việc thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng giúp các cơ quan quản lý tăng cường giám sát các hành vi gian lận, tham nhũng, trốn thuế, nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng hoặc các chủ nợ khác. Bên cạnh đó, khi tiền mặt được sử dụng phổ biến trong thanh toán sẽ là môi trường thuận lợi cho tội phạm lưu hành tiền giả - một loại tội phạm hết sức phức tạp hoạt động, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân và tình hình an ninh quốc gia. Từ giác độ chi tiêu ngân sách nhà nước, việc sử dụng
các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt còn có ý nghĩa rất lớn. Tỷ lệ chi tiêu ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng thu nhập quốc dân. Việc quản lý chi tiêu ngân sách thông qua việc sử dụng các phương tiện thanh toán qua ngân hàng không chỉ giúp quản lý chi tiêu một cách hữu hiệu mà còn tạo ra một nguồn lợi lớn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia. Để điều hành chính sách tiền tệ gián tiếp có hiệu quả, NHNN phải có khả năng kiểm soát được vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng, dự báo được sự biến động của vốn khả dụng, có khả năng can thiệp thị trường tiền tệ một cách nhanh chóng hữu hiệu. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có một hệ thống thanh toán tin cậy, an toàn và hiệu quả.