CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ THANH TOÁN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP
2.3.3. Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều bất cập
Cơ cấu khách hàng không cân đối, dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng ở Việt Nam chưa tạo thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho các khách hàng thuộc các
28 Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax - viết tắt là VAT)
thành phần khác nhau trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Số người sử dụng dịch vụ ngân hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, lao động ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhân viên công sở có thu nhập cao và ổn định. Đại đa số lao động là công nhân, nông dân chưa tiếp cận với các phương tiện và dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung phát triển tại các đô thị lớn, thành phố lớn. Thiếu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động mang tính chuyên nghiệp, phục vụ cho một số đối tượng ở vùng sâu, vùng nông thôn và các địa phương có nền kinh tế kém phát triển. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi phát hành và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ưu tiên phát triển cho những vùng nông thôn, về đối tượng sử dụng cần quan tâm đến những tầng lớp công nhân, nông dân và có những chương trình hoạt động được thiết kế dành riêng cho các đối tượng ở các khu vực nông thôn và lựa chọn áp dụng mô hình thanh toán phù hợp với Việt Nam để xây dựng nền tảng, tạo bước phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề chi trả trợ cấp ưu đãi xã hội và trợ cấp xã hội qua tài khoản thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Đề án chi trả trợ cấp ưu đãi xã hội và trợ cấp xã hội qua tài khoản do phần lớn các đối tượng này hầu hết là người cao tuổi, thương binh, bệnh binh đi lại gặp nhiều khó khăn, là những người có công với cách mạng nhiều ở khắp các thôn bản, xã, phường trong cả nước; mặt khác nhiều đối tượng là dân tộc thiểu số và có những trường hợp không biết chữ nên việc tự giao dịch qua tài khoản không thực hiện được; bên cạnh đó, các ngân hàng chỉ có các chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hầu như chưa có tại cấp xã nên việc chi trả cũng không đáp ứng được yêu cầu. Trước mắt vẫn thực hiện chi trả theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện trả lương qua tài khoản vẫn phải rút tiền mặt từ tài khoản mà chưa phát triển thanh toán không dùng
tiền mặt qua tài khoản. Có lộ trình ban đầu triển khai thí điểm tại các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sau đó triển khai trên diện rộng. Vì vậy, đối với đối tượng này cần triển khai thận trọng và có lộ trình cụ thể, phù hợp với cơ sở hạ tầng cho phép.
Do thói quen, tập quán tiêu dùng và nhận thức của người dân khi tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán của Hiệp hội thẻ ngân hàng Việt Nam, lượng tiền mặt được rút ra qua ATM mỗi năm khoảng 550.000 tỷ đồng. Dẫn đến việc thanh toán qua ngân hàng trong dân cư còn nhiều hạn chế. Ngay cả khi ở các thành thị, nơi có điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như tại các siêu thị, trung tâm mua sắm… việc sử dụng tiền mặt vẫn là chủ yếu do thói quen tâm lý sử dụng tiền mặt của một bộ phận tổ chức và cá nhân còn phổ biến. Cũng một phần do công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, đầy đủ và kịp thời. Những mục tiêu chiến lược, định hướng và các chính sách lớn để phát triển hoạt động thanh toán chưa được công bố đầy đủ cho công chúng. Vì vậy, không chỉ người dân mà thậm chí nhiều doanh nghiệp còn rất ít hiểu biết hoặc hiểu biết mơ hồ về các dịch vụ thanh toán và phương tiện thanh toán qua ngân hàng. Do đó, để người dân hiểu và tin tưởng hơn về những phương thức thanh toán thì Ngân hàng Nhà nước nên kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài… thực hiện các chương trình tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt để nâng cao ý thức của cộng đồng, giúp in đậm nó trong tiềm thức của từng người dân. Đồng thời, bản thân từng ngân hàng chú ý và tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tạo các diễn đàn trao đổi thông tin… để khách hàng tiềm năng có thể thấy được những tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động
thanh toán, ngay từ việc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng để củng cố vị thế pháp lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Cần có các khung pháp lý rõ ràng để củng cố vị thế pháp lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và sự giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống thanh toán cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống thanh toán quốc gia.
Tội phạm trong lĩnh vực thanh toán gia tăng: Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với gian lận thẻ giả. Gần đây, thị trường xuất hiện rủi ro cực kỳ nguy hiểm là hiện tượng kẻ xấu đập phá máy ATM để lấy tiền29. Ngành ngân hàng cần chủ động và tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; thiết lập các kênh trao đổi thông tin để kịp thời phối hợp, xử lý nhiều vụ việc gian lận, lừa đảo trong thanh toán thẻ, góp phần giảm bớt rủi ro trong thanh toán, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thanh toán.
Một số đề án thành phần về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được triển khai như: đề án hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán của nền kinh tế; đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực doanh nghiệp; nhóm đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư, nhóm đề án phát triển các hệ thống thanh toán, gồm một số tiểu đề án như xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch bán lẻ; xây dựng trung tâm chuyển mạch
29 Theo thống kê của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, trong năm 2010 đã xảy ra 12 vụ, trong đó có 5 vụ bọn trộm đã lấy tiền thành công
thẻ thống nhất; kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia. Vì vậy, căn cứ Khoản 3 Điều 2 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện hành quy định: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”, với vai trò là 3 trung tâm: trung tâm tiền tệ, trung tâm tín dụng và trung tâm thanh toán trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh các đề án thành phần còn lại, trước hết đề án hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán của nền kinh tế, đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực doanh nghiệp; nhóm đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư, có như vậy Đề án thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ giao đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Các đề án thành phần đều là những vấn đề mới, phức tạp nên ý kiến của các đơn vị cũng còn rất khác nhau; cách tiếp cận và xử lý vấn đề cũng khác nhau. Điển hình là thị trường thẻ - một lĩnh vực được đánh giá là có bước phát triển vượt bậc thời gian qua nhưng vẫn mang tính rời rạc do có sự khác biệt trong quan điểm giữa các mạng lưới liên minh thẻ. Cần thống nhất về việc chỉnh sửa, kết nối về kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thanh toán thẻ để triển khai nhanh chóng, có hiệu quả Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Với việc tập trung thực hiện và hoàn thành sớm Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch ngân hàng bán lẻ, tạo lập nền tảng kỹ thuật cơ bản cho phát triển thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg với mục tiêu là phát huy ưu điểm và kinh nghiệm, khắc phục những mặt hạn chế và xử lý tốt vướng mắc
trong thời gian qua, tiếp tục triển khai, mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phù hợp với khả năng của cơ sở hạ tầng thanh toán; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và các dịch vụ đi kèm. Đồng thời vận động, khuyến khích cán bộ, công chức thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy rút tiền tự động, sử dụng thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ, sử dụng các dịch vụ thanh toán mới khác) và mở rộng ứng dụng đối với các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước như công nhân hay các đối tượng ở những nơi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng. Ngoài việc thực hiện tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà còn phải triển khai mở rộng đến các đối tượng là sở, ban, ngành, các cấp chính quyền huyện, xã trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý chi tiêu công của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.
Các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử… mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hẹp, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Và, với sự phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông, nhiều dịch vụ thanh toán mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập. Nên hoàn thiện quy định các văn bản dưới luật liên quan đến các phương tiện, hình thức thanh toán hiện đại như thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến qua Internet, điện thoại di động…. để đảm bảo tính ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán.
Chất lượng, tiện ích mới trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng còn hạn chế, các tiện ích thiết thực và phổ biến (như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp…) chưa được triển khai mạnh trên thực tế. Nên có kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng dân cư, bằng cách tập trung triển khai phổ biến các giao dịch thanh toán định kỳ qua tài khoản như
thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ công cộng khác... Đồng thời phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng hay thu học phí… Hay khuyến khích các ngân hàng phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội…). Phát triển và ứng dụng các sản phẩm thẻ phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Thương mại điện tử còn nhiều rào cản: do thói quen mua sắm của người tiêu dùng và khâu thanh toán khiến thương mại điện tử Việt Nam chậm phát triển; người mua và người bán vẫn thực hiện theo phương thức trả tiền mặt vì người tiêu dùng lo ngại mua phải sản phẩm có chất lượng không đạt như mong muốn. Hệ thống pháp lý bảo vệ thông tin cá nhân vẫn còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về bảo vệ đối tượng sử dụng thương mại điện tử. Nhìn chung, việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện còn mang tính tự phát, đầu tư cho thương mại điện tử ở mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào tầm nhìn, quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp thành lập những website thương mại điện tử (website phục vụ việc cung cấp thông tin, website rao vặt, siêu thị điện tử...) để giành vị thế tiên phong, tuy nhiên, tình hình chung là các website này chưa thực sự được marketing tốt và phát triển tốt để mang lại lợi nhuận kinh tế đáng kể. Đây là phương thức thanh toán trực tuyến, giải pháp đầu tiên quan trọng đó là mở rộng thương mại điện tử. Tuy nhiên các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng của hàng hoá, dịch vụ như đã quảng bá. Việc bảo mật trong khi thanh toán qua mạng là vấn đề chiến lược và là trọng tâm hàng đầu trong thương mại điện tử. Cần có những quy định, chế tài cụ thể trong hệ thống pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như thông tin về tài chính về bảo vệ đối tượng sử dụng thương mại điện tử. Ngoài ra, trong việc thanh toán qua mạng, cần phải áp dụng công nghệ bảo mật, kỹ thuật bảo mật và được thiết lập để bảo mật những thông tin về cá nhân cũng như thông tin về tài chính trong quá trình mua bán và giao dịch trên mạng của khách hàng.
Trình độ cán bộ phục vụ cho hoạt động thanh toán còn nhiều hạn chế, chủ yếu do công tác đào tạo cơ bản cũng như chuyên sâu trong lĩnh vực thanh toán chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần phải xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo tăng cường công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh toán trong ngành ngân hàng, ưu tiên nguồn kinh phí cho việc đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thanh toán.