Qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT GIỐNG VÀ ẢNH HƯỞNG PHÂN KALI ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG DƯA HẤU KHÔNG HẠT (Citrillus lanantus) TRỒNG TẠI HUYỆN THỦ THỪA, LONG AN (Trang 33 - 39)

Dưa hấu rất nhạy cảm với điều kiện ngoại cảnh và các biệp pháp kỹ thuật canh tác cũng ảnh hưởng đến chất lượng dưa hấu không hạt.

2.9.1 Thời vụ trồng

Các vụ chính ở ĐBSCL như sau (Trần Thị Ba, 2008):

- Dưa Noel: gieo trồng 20 tháng 9 đến 1 tháng 10;

- Dưa tết: gieo 15 – 25 tháng 10 âm lịch;

- Dưa lạc hậu: gieo từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch;

- Dưa hè thu: gieo trồng trong suốt mùa mưa.

Vụ chính ở miền Bắc: gieo tháng 1 và tháng 3

Vụ chính ở miền Trung: từ vụ dưa tết kéo dài đến tháng 7 2.9.2 Gieo hạt, ươm cây

Làm bầu: bầu làm bằng lá chuối, bịch nylon hoặc khay ươm, kích thước bầu 3 x 5 cm, đặt bầu nơi thoát nước tốt sau 24 giờ mới gieo hạt. Nên làm thêm khoảng 10

% bầu để dự phòng.

Hỗn hợp giá thể: gồm xơ dừa và tro trấu đã được đốt trộn với tỉ lệ 1:1, trộn thêm khoảng 0,5 kg Basudin 10H cho 500 bầu để giết kiến và các loại côn trùng khác.

Gieo hạt: hạt được gieo trực tiếp vào bầu, mỗi bầu gieo 1 hạt, sâu 2,5 – 3,0 cm, đặt mép hạt hướng lên trên 1 góc 45 – 900 để giảm vỏ hạt dính vào lá mầm phủ hạt lại bằng tro trấu (Hodges, 2007).

Tưới nước: do hạt giống dưa hấu không hạt rất mẫm cảm với ẩm độ cao nên sau khi gieo hạt chỉ cần tưới ướt 1 lần, lấy bao bố tủ kín bầu lai để hạt nhanh nảy mầm hơn, sau khoảng 36 giờ hạt nảy mầm đều mới dỡ bao bố ra rồi tưới lại nếu dỡ bao bố trễ cây sẽ bị vóng, tưới mỗi ngày một lần vào buổi sáng sau khi gieo 4 – 5 ngày, giai đoạn này cây có 2 lá mầm đem trồng ngoài đồng.

Lưu ý: đối với dưa không hạt nhiệt độ nảy mầm tốt nhất từ 26 – 300 và rất mẫn cảm với nước nên không ngâm ủ như các loại dưa hấu khác. Do đó nên ươm trong bầu để dễ dàng kiểm soát nhiệt độ và ẩm độ (Hodges, 2007).

Làm mái che: để tránh mưa, nắng.

2.9.3 Chuẩn bị đất trồng

Chọn đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, không nhiễm phèn nặng, dễ thoát nước hoặc những loại đất cát pha chứa nhiều hữu cơ, đất có độ pH 6 – 7 là thích hợp nhất, đất trồng dưa hấu nên luân canh với các loại cây lúa, bắp hoặc họ đậu, đất phải được cày bừa tơi xốp (Trần Thị Ba, 2008).

Làm liếp: lên liếp cao 30 - 40 cm tùy mùa vụ, rộng 1 m, mặt liếp phải làm bằng phẳng để rễ dễ phát triển, nên làm giữa liếp cao hơn 2 đầu liếp để nước khỏi ứ đọng trên liếp. Đào mương rộng 30 - 50 cm, khoảng cách giữa 2 tim mương 4,0- 4,5 m.

- Bón lót: bón toàn bộ vôi khoảng 500 kg/ha, phân chuồng 20 – 30 m3/ha và 1/3 tổng lượng phân hóa học 500 kg/ha, trộn phân và rãi đều trên liếp.

- Phủ màng phủ nông nghiệp: dùng màng phủ khổ rộng 1,0 – 1,6 m, diện tích màng phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao, chiều dài mỗi cuộn màng phủ 400 m. Tưới nước ướt trước khi đậy màng phủ, dùng que tre ghim mép màng phủ và lấy đất đắp lên hai bên mép màng phủ để tránh gió tốc, sau đó đục lỗ màng phủ đường kính 10 cm, lỗ cách lỗ 35 – 40 cm.

- Xử lí mầm bệnh: phun thuốc validacin (20 cc/10 lít nước) để ngừa bệnh.

2.9.4 Mật độ, khoảng cách trồng

Tùy thuộc mùa vụ mà khoảng cách trồng khác nhau:

- Cây cách cây: 35 – 40 cm

- Hàng cách hàng: 2,5 – 3,0 m hoặc 5 m Mật độ trồng: 10.000 – 11.000 cây/ha.

2.9.5 Bón phân

Lượng phân cho tính cho 1.000 m2 (Trần Văn Hai và Trần Thị Ba, 2008): 50 - 80 kg vôi + 1 - 2 tấn phân chuồng (hoặc 50 - 100 kg phân hữu cơ vi sinh) + 5 - 7 kg urea + 80 - 100 kg phân hỗn hợp NPK 16-16-8 + 5 - 7 kg kali nitrate được chia cho các lần bón:

- Bón lót: toàn bộ vôi, phân chuồng và khoảng 1/3 tổng lượng phân hoá học.

- Tưới phân vào gốc: 5 - 7 kg urea 2 lần trước và sau rãi phân vào đất lần thứ nhất (18 - 20 NSG); 5 - 7 kg kali nitrate ở 48 và 55 NSG.

- Rãi phân vào đất: 2 lần

+ 18 - 20 NSG: rãi 1/3 tổng lượng phân NPK 16-16-8 phía dây dưa bò, vén màng phủ cách gốc 20 cm đến bìa liếp, tưới nước đậy màng phủ lại.

+ 35 - 40 NSG: rãi 1/3 tổng lượng phân NPK 16-16-8 phía ngược lại (phía không có dây dưa bò), cũng tưới nước cho ướt phân rồi đậy màng phủ.

2.9.6 Chăm sóc khác

Tưới nước: mỗi ngày tưới 1 – 2 lần tùy vào điều kiện thời tiết, cây dưa hấu cần nhiều nước, nhất vào giai đoạn ra hoa, đậu trái nếu thiếu nước ở giai đoạn này trái sẽ bị tóp đầu (hồ lô) (Maynard, 2006), để chất lượng dưa hấu không hạt ngọt hơn và ruột chắc có màu đẹp thì giảm lượng nước tưới vào giai đoạn sắp thu hoạch và ngưng không tưới trước khi thu hoạch 5 ngày.

Ngắt ngọn: khi cây được 5 – 6 lá thật, tức khoảng 15 – 18 NST, tiến hành ngắt ngọn, để lại hai nhánh phụ. Tỉa bỏ tất cả các nhánh phụ, nhánh thứ cấp khác nhằm làm giảm sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng để nuôi trái. Sau khi chọn trái xong tiếp tục cắt tất cả ngọn cây dưa cách vị trí trái 6 – 7 lá.

Thụ phấn: do dưa hấu không hạt 3N không tự tạo ra hạt phấn được nên phải thụ phấn, phấn được lấy từ hoa đực của cây dưa hấu có hạt úp vào nhụy hoa cái của dưa hấu không hạt. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 6 – 9 giờ sáng, do đó phải trồng thêm từ 15 – 20 % dưa hấu có hạt để lấy phấn.

Chọn trái: chọn trái thứ 2 hoặc thứ 3 tức là vị trí trái từ lá thứ 11 – lá thứ 19 để hình dạng trái đẹp, độ đồng đều trái cao và cho năng suất, chất lượng cao.

2.9.7 Một số sâu bệnh hại chính trên dưa hấu 2.9.7.1 Sâu hại chính

* Bọ trĩ (Thrips palmi): bọ trĩ gây hại nặng ở những vùng chuyên canh dễ gây thành dịch trong mùa nắng. Bọ trĩ nhỏ có thể thấy bằng mắt thường, ấu trùng màu trắng hơi vàng, thành trùng có màu nâu. Bọ trĩ sống và chích hút tập trung quanh lá non và đọt non làm chùn và khô ngọn, khi mật số cao chích hút làm nhựa chảy ra ngoài như phủ một lớp dầu bóng.

* Sâu ăn tạp (Spodoptera litura): thành trùng là 1 loại ngài làm thành ổ dưới mặt lá.

Sâu non nở sống tập trung và gây hại mặt dưới lá chỉ còn lại lớp biểu bì, khi lớn sống phân tán và phá hoại vỏ trái. Chúng thường sống trong đất và làm nhộng dưới đất.

* Ruồi đục lá (Liriomyza trifoii) : thành trùng là ruồi nhỏ màu đen, cánh màng dài, đẻ trứng trên lá, ấu trùng nở đục vào biểu bì tạo thành những đường ngoằn ngoèo trên lá làm lá khô và giảm diện tích quang hợp, đồng thời tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.

* Sâu ăn lá (Diaphamia indica): thành trùng là loại ngài, đẻ trứng rời rạc trên đọt non, ấu trùng màu xanh nhạt có sọc trắng trên lưng, chúng kéo tơ cắn phá lá non và hoa cái, cạp vỏ trái khi trái lớn.

* Bọ dưa (Aulacophora similis): thành trùng thuộc bọ cánh cứng, màu vàng cam có kích thước nhỏ, đẻ trứng dưới đất quanh gốc dưa, hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát, cắn phá lá non thành vòng tròn trên lá. Bọ dưa gây hại làm giảm diện tích lá, gây hại nặng khi dưa còn nhỏ. Khi dưa ra hoa kết trái ấu trùng dưới đất có thể đục vào gốc làm cho cây héo chết.

* Rầy mềm (Aphis gossipii và Myzus persicae): rầy nhỏ, dài nhỏ hơn 2 mm, màu vàng đến xanh đen, có cánh hay không cánh, tập trung chích hút đọt non hoặc lá non làm cho phiến lá nhăn nheo và phủ một lớp muội đen.

2.9.7.2 Bệnh hại chính

* Bệnh thán thư (Collectotrichum lagenarium): bệnh gây hại trên lá, thân, trái. Trên lá thì vết bệnh có hình tròn đồng tâm, viền ngoài màu nâu, trên thân vết bệnh màu xám nâu, trên trái vết bệnh tròn, lõm sâu và nâu sậm, bệnh gây thối trái, nhũn nước.

* Bệnh héo cây có 2 tác nhân gây bệnh

- Bệnh do nấm Fusarium oxysporium gây ra làm cho dưa héo từng phần sau đó chết cả cây.

- Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas sp. gây chết cả cây, lá non còn tươi 2 – 3 ngày cây mới héo hoàn toàn.

* Bệnh sương mai (Phytophthora melonis): bệnh phát sinh ở những lá gần nơi mang trái và lá nơi mang trái. Lá cháy từ rìa vào, vết bệnh nhũn nước khi ẩm ướt, khô giòn khi khô, bệnh lây lan mạnh khi ẩm độ không khí cao.

* Bệnh nứt thân, chảy mủ (Mycosphaerella melonis): đầu tiên trên thân có vết bệnh hình bầu dục, hơi lõm, có màu vàng nhạt, khi bị nặng làm thân nứt thành vệt dài, chảy nhựa rất nhiều, bệnh làm cây bị chùn ngọn, trái không phát triển.

* Bệnh khảm do virus Cucumber mosaic (CMV) gây ra làm cây sinh trưởng kém, lóng ngắn, lá đọt nhỏ, xoắn lại hoặc có màu xanh loang lổ. Bệnh nặng cây không cho trái hay trái không lớn, sần sùi.

* Bệnh chết rạp cây con bệnh gây hại do nấm trong đất tấn công như nấm Rhizoctonia sp., Pythium sp. Bệnh làm thối rễ, teo tóp thân cây con, lá mầm và lá thật héo, bệnh có thể làm chết hàng loạt cây con trong vườn ươm.

* Bệnh đốm phấn (do nấm Pseudoperonospora cubensis): Vết bệnh có hình đa giác có góc cạnh rất rõ, có màu vàng nhạt sau chuyển thành nâu, sáng sớm quan sát kỹ mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng, vết bệnh lúc già rất dòn và dễ vỡ. Bệnh thường xuất hiện từ lá già dưới gốc đi lên lá non, bệnh phát triển mạnh vào điều kiện thời tiết ẩm độ cao.

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT GIỐNG VÀ ẢNH HƯỞNG PHÂN KALI ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG DƯA HẤU KHÔNG HẠT (Citrillus lanantus) TRỒNG TẠI HUYỆN THỦ THỪA, LONG AN (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)