CHƯƠNG 3: HIỆU QUẢ THỰC HIỆN, NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
3.1. Hiệu quả triển khai Chính sách an sinh đối với người cao tuổi
3.1.2. Chăm sóc người cao tuổi
Chăm sóc người cao tuổi chính là một trong những vấn đề nổi bật trong Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, bao gồm một số hoạt động cụ thể như:
khám chữa bệnh, chăm sóc hàng ngày, hỗ trợ nhà ở, bảo vệ …người cao tuổi. Trước giai đoạn già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi được nhấn mạnh ở khía cạnh hỗ trợ khám chữa bệnh cho người cao tuổi mà cụ thể là triển khai chương trình khám chữa bệnh miễn phí còn việc chăm sóc điều dưỡng được mặc định là nhiệm vụ chính của gia đình mà cụ thể là do phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm.
Đến giai đoạn già hóa dân số, Chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh miễn phí và sau đó là một khoản đồng thanh toán nhỏ dành cho người cao tuổi, kết hợp với tăng cường các dịch vụ y tế, giúp cho người cao tuổi cải thiện tình hình sức khỏe và kiểm soát bệnh tật (Kế hoạch vàng). Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản ở giai đoạn này có sự thay đổi đáng kể về số lượng người cao tuổi tăng nhanh và sự giảm sút của gia đình mở rộng nên vấn đề chăm sóc người cao tuổi dần được chuyển thành trách nhiệm xã hội và đã trở thành vấn đề chung của xã hội.
Cụ thể dựa vào các những cải cách của Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, Chính phủ thúc đẩy xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi, kết quả là hình thành các trung tâm phúc lợi cộng đồng, viện dưỡng lão… giúp người cao tuổi có thể hòa nhập vào cộng đồng, tự lập trong một số hoạt động chăm sóc bản thân, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống tuổi già. Những cơ sở này được ví như
“trường đại học dành cho người cao tuổi” và hiện nay các khóa học về kỹ năng sống dành cho người cao tuổi được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần ở hầu hết các địa phương (Daisaku Maeda, 2000, tr.38).
Bắt đầu từ thập niên 80 trở đi, Chính phủ tập trung mở rộng các dịch vụ phúc
68
lợi tại nhà (Noriko Kawashima, tr.226-227) vừa giảm áp lực cho các viện dưỡng lão vừa tạo cơ hội cho người cao tuổi được gần gũi với người thân nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc của xã hội. Cùng với việc thúc đẩy các dịch vụ phúc lợi tại nhà, Chính phủ thành lập các cơ sở chăm sóc lão khoa, tăng cường hợp tác giữa chăm sóc y tế và phúc lợi, cung cấp các dịch vụ lưu trú trong ngày và ngắn ngày dựa trên tiền đề của một “xã hội phúc lợi kiểu Nhật Bản” mà người phụ nữ đảm nhận chủ yếu công việc chăm sóc người cao tuổi. Chính phủ tiếp tục cải thiện và xây dựng các viện dưỡng lão đặc biệt phục vụ cho các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt, chăm sóc lâu dài… giúp họ quên cảm giác bị xa lánh hoặc gây phiền hà cho người khác. Hơn nữa trong bối cảnh người cao tuổi tăng nhanh, Chính phủ đã thúc đẩy phát triển thêm các dịch vụ chăm sóc tư nhân và mô hình “dịch vụ bạc” để đáp ứng nhu cầu của xã hội và là sự chuyển hướng phù hợp trước những thay đổi đáng kể của xã hội cao tuổi.
Đặc biệt từ thời điểm Nhật Bản chuyển sang cấu trúc dân số già với chức năng chăm sóc người cao tuổi của gia đình càng thu hẹp lại, Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò trong việc điều phối công tác chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể, chương trình
“Chăm sóc dài hạn” (2000) được xem như một chương trình hỗ trợ toàn diện, xã hội hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nhưng vẫn hướng đến sự kết hợp chăm sóc từ gia đình cùng với việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc dài hạn (Shimoebisu Miyuki, 2003, tr.36-37). Hơn nữa, chương trình này đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi bao gồm cả dịch vụ tư nhân và phi lợi nhuận, là điểm nhấn ấn tượng của Nhật Bản trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Bên cạnh đó, tại Điều 1 của Đạo luật bảo hiểm chăm sóc dài hạn đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ phẩm giá cũng như hỗ trợ cho người cao tuổi có thể sống cuộc sống độc lập hàng ngày bằng các khả năng của chính mình (Đạo luật chăm sóc dài hạn).
Và thực tế, chương trình chăm sóc dài hạn đã hỗ trợ và phát huy tính độc lập của người cao tuổi như: thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (tắm rửa, mặc quần áo, nấu ăn…) kết hợp với các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi như chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội…. (Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội, 2021).
69
Hơn nữa, hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn còn mang tính đặc trưng của hình thức bảo hiểm xã hội kết hợp với chăm sóc điều dưỡng, đã giảm bớt sự lo lắng của thế hệ trẻ đối với người cao tuổi. Vì vậy, hình thức chăm sóc kiểu này được xem là sự lựa chọn phù hợp dành cho người cao tuổi trên cơ sở chuyển từ quan niệm truyền thống hiếu thảo trong gia đình (chăm sóc của gia đình) thành chức năng xã hội nhưng vẫn củng cố các giá trị truyền thống của Nhật Bản trong việc chăm sóc người cao tuổi (Pushkar Singh Raikhola & Yasuhiro Kuroki, 2010, tr.58-62). Bởi lẽ, thế hệ con cháu mặc dù vẫn mong muốn được chăm sóc đấng sinh thành nhưng trong điều kiện thực tế khó cho phép họ thực hiện một cách trọn vẹn nên mô hình chăm sóc kiểu này được xem là hợp thời nhất lúc bấy giờ. Hơn nữa, người cao tuổi vẫn có thể có độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo năng lực bản thân trong chính ngôi nhà của mình, vừa cải thiện tính bền vững của hệ thống chăm sóc người cao tuổi, vừa hạn chế sự gia tăng gánh nặng chi phí khám chữa bệnh và chăm sóc cho người cao tuổi.
Hiện nay, chương trình chăm sóc dài hạn bên cạnh thiết kế để hỗ trợ cuộc sống độc lập cho người cao tuổi còn hướng đến việc tu sửa và cải tạo một số cơ sở chăm sóc phục vụ cho người cao tuổi cần chăm sóc đặc biệt; độ bao phủ dành cho người cao tuổi đã được mở rộng với hình thức đăng ký tham gia cũng đơn giản hơn so với hệ thống phúc lợi đã được thiết lập trước đó (Paul Talcott, 2002, tr.105-108).
Có thể khẳng định, các chương trình chăm sóc dài hạn của Chính phủ đã hỗ trợ một cách thiết thực đối với người cao tuổi, giúp cho người cao tuổi có thể sống tự lập, an tâm hòa nhập trong cộng đồng; góp phần chia sẻ gánh nặng chăm sóc người cao tuổi với gia đình và đã đáp ứng nhu cầu cần chăm sóc của xã hội siêu già hiện nay (Eiko Tobita, 2016, tr.17-18). Ngoài ra, hệ thống chăm sóc này còn thể hiện sự linh hoạt vốn có của nó, hướng đến tất cả người cao tuổi có nhu cầu cần chăm sóc trong đó có cả người cao tuổi đặc biệt.
Tiếp nối những thành công của chương trình chăm sóc dài hạn, chương trình bảo hiểm chăm sóc dài hạn sửa đổi và chăm sóc định hướng phòng ngừa cũng được thực hiện, đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc phòng ngừa cho những người cao tuổi
70
khỏe mạnh nhằm kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh, giảm bớt các chi phí khám chữa bệnh sau này và khắc phục hạn chế của các chương trình chăm sóc người cao tuổi trước đó. Cụ thể với bốn mục tiêu của chương trình chăm sóc người cao tuổi: cho phép người cao tuổi bị suy yếu kinh niên lựa chọn các dịch vụ chăm sóc dài hạn, cung cấp gói dịch vụ chăm sóc dài hạn toàn diện, có nhiều cách để nhận các dịch vụ chăm sóc dài hạn và giảm nhập viện khi không cần thiết (Pushkar Singh Raikhola & Yasuhiro Kuroki, 2010, tr.58-59) cũng đã tạo điều kiện cho những người cao tuổi không sống cùng với gia đình được sớm hòa nhập vào cộng đồng và nhận được sự chăm sóc của xã hội.
Trước tình trạng giảm thiểu dân số ngày càng nghiêm trọng, vấn đề bảo vệ và giám hộ người cao tuổi bắt đầu được Chính phủ đề cập thông qua hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, hỗ trợ quản lý tài sản cho người cao tuổi.. (Sách Trắng, 1997). Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Luật chống ngược đãi người cao tuổi (2006), không cho phép thế hệ trẻ có sự xúc phạm đối với thế hệ cha ông bởi vì truyền thống hiếu thảo, tôn trọng người cao tuổi đã hằn sâu trong tâm thức và cả chức năng chăm sóc truyền thống của gia đình Nhật Bản. Đây được xem là tấm bình phong để che chắn cho người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi bị sa sút trí tuệ trước sự phức tạp của xã hội (Florian Coulmas, 2007, tr.131).
Ngoài ra, trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi còn gắn liền việc đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người cao tuổi, Nhật Bản vừa tiến hành bảo trì các viện dưỡng lão đặc biệt vừa chuyển đổi một phần nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nơi ở cho người cao tuổi. Cụ thể theo số liệu năm 2003, Nhật Bản có khoảng 8.579 viện dưỡng lão ( viện dưỡng lão thông thường, viện dưỡng lão đặc biệt, viện dưỡng lão chi phí thấp….) (Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội) nhưng đến năm 2016 cả nước có khoảng 15.000 viện dưỡng lão đang hoạt động bao gồm cả viện dưỡng lão có trả phí và viện dưỡng lão kèm các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (Công ty tư vấn Anshin)…..Việc kết hợp các loại hình viện dưỡng lão như vậy đã góp phần rút ngắn khoảng cách cung cầu về nơi ở, người cao tuổi được dễ dàng tiếp nhận vào các viện dưỡng lão hơn trước và đặc biệt chú trọng đến người cao tuổi có thu nhập thấp hoặc
71
không có người thân chăm sóc…. Ngoài ra, Chính phủ còn có hình thức ưu đãi về thuế cho vay mua nhà đối với người cao tuổi và các thành viên chăm sóc người cao tuổi, được coi là sự bù đắp của Chính phủ và giúp cho người cao tuổi có cơ hội được sở hữu nhà ở hoặc được sống cùng với gia đình đến cuối đời (John Creighton Campbell, 1992, tr.19-20).
Hiện nay, vấn đề tạo ra môi trường giải trí và sinh hoạt cộng đồng để người cao tuổi tham gia vào các hoạt động công ích xã hội như mô hình các nhóm thiện nguyện, trung tâm nguồn nhân lực bạc là rất quan trọng, giúp họ dần thoát khỏi cảm giác bị cô lập và cảm nhận được sự hữu ích đối với xã hội. Ngoài ra, một số Luật liên quan đến việc bảo vệ người cao tuổi của Chính phủ như “Đạo luật thúc đẩy hệ thống giám hộ người cao tuổi” (2016), “Kế hoạch cơ bản để thúc đẩy hệ thống giám hộ người cao tuổi” (2017)… cũng được xem như tấm lá chắn để người cao tuổi an tâm tiếp tục bước ra ngoài xã hội.
Tóm lại, liên quan đến chăm sóc người cao tuổi là gắn liền với việc chăm sóc sức khỏe y tế, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, bảo vệ người cao tuổi… đã góp phần nâng cao sức khỏe, hỗ trợ người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội và đặc biệt là việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi của xã hội đã thay thế và hỗ trợ cho chức năng của gia đình đang ngày càng giảm. Trong xã hội siêu già hiện nay, việc kết hợp các biện pháp chống lại sự suy giảm dân số với các hoạt động chăm sóc người cao tuổi đã phần nào tạo được niềm tin đối với các hoạt động chăm sóc xã hội. Đặc biệt chính sách Abenomics đã tạo một nét khác biệt chưa từng có trong suốt quá trình cải cách các biện pháp liên quan đến chăm sóc người cao tuổi, cụ thể với mũi tên “An sinh xã hội dẫn đến sự an tâm” Chính phủ đã hạn chế tình trạng bỏ việc hoặc thay đổi công việc vì chăm sóc người cao tuổi, cho phép người lao động tiếp tục làm việc kết hợp với chăm sóc điều dưỡng bằng hình thức nghỉ phép linh hoạt… Điều này sẽ đóng góp rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ lao động và là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.