CHƯƠNG 3: HIỆU QUẢ THỰC HIỆN, NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
3.3. Một số giải pháp được đề xuất để điều chỉnh Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Nhật Bản cho đến hiện nay
3.3.3. Việc làm cho người cao tuổi
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi khỏe mạnh cao kết hợp với những khó khăn trong cuộc sống buộc người cao tuổi phải tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu bằng chính khả năng và kinh nghiệm của mình. Vì vậy, việc tạo ra môi trường làm việc phù hợp cho người cao tuổi là rất cần thiết để người cao tuổi tiếp tục đóng vai trò tích cực trong xã hội siêu già hiện nay.
Cụ thể từ năm 2004, Chính phủ đã có những điều chỉnh về Luật ổn định việc làm cho người cao tuổi, buộc các công ty phải thực hiện biện pháp đảm bảo việc làm cho người cao tuổi, giới thiệu hệ thống việc làm liên tục, hỗ trợ tài chính để kéo dài tuổi nghỉ hưu, trợ cấp duy trì môi trường làm việc, tăng cường mở lớp tư vấn việc làm cho người cao tuổi, trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục tái sử dụng lao động cao tuổi, tích cực tạo việc làm trong lĩnh vực mới và phù hợp với người cao
95
tuổi, các biện pháp ưu đãi về thuế đối với các cơ sở kinh doanh phục vụ cho người cao tuổi… (Masao Tao, Nishimura Shuuzou & Fuzita Ayako, 2003, tr.191). Hơn nữa trong những năm gần đây, dự án “Công ty nơi bạn có thể làm việc cho đến 70 tuổi”
được xúc tiến mạnh mẽ và mong muốn làm việc cho đến 70 tuổi hoặc lâu hơn của người cao tuổi có thể sẽ trở thành hiện thực (Norio Higuchi, 2015, tr.205-206).
Đặc biệt, một số quốc gia tiên tiến trên thế giới cố gắng không tiếp nhận lao động cao tuổi để giải quyết nạn thất nghiệp cho thế hệ thanh niên, chẳng hạn như Hoa Kỳ đã loại bỏ các rào cản pháp lý đối với lao động cao tuổi nhưng vẫn hạn chế sử dụng đối tượng lao động này. Ngược lại, Nhật Bản đang cố gắng khai thác lao động cao tuổi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, tích cực đào tạo nghề cho người cao tuổi thất nghiệp, cố gắng thay đổi dần để thích ứng với xã hội siêu cao tuổi, xây dựng mô hình “Nhật Bản thế kỷ 21” theo kiểu mọi thế hệ đều được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc và loại bỏ suy nghĩ là gánh nặng của xã hội. Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục làm việc với phương châm “càng nhiều năm càng tốt”, cụ thể trong trận động đất kinh hoàng năm 2011 thế hệ cao tuổi đã góp phần tích cực trong việc tái thiết những khu vực bị hại với sự nỗ lực và cố gắng của mình (Naoko Muramatsu & Hiroko Akiyama, 2011, tr.429-431).
Dựa trên những kết quả đạt được từ việc thúc đẩy việc làm cho người cao tuổi ở khu vực thành thị, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giới thiệu việc làm cho người cao tuổi ở nông thôn. Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ (2012), khoảng 75% người lao động đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc muốn tiếp tục làm việc để tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo tương đối ở người cao tuổi xuống mức dưới là 20% (Randall S. Jones & Haruki Seitani, 2019, tr.6-8).
Bên cạnh phát triển một số ngành nghề sử dụng nguồn lao động cao tuổi, Nhật Bản cần phát triển các dịch vụ để phục vụ cho người cao tuổi (Trần Thọ Đạt, 2019), kết hợp phát triển theo xu hướng tiêu dùng của người cao tuổi để tái thiết nền kinh tế và xã hội của Nhật Bản theo hướng mới. Nhật Bản đang trong xu hướng “cao tuổi
96
hóa tích cực” nên việc nghỉ hưu không còn là quyền lợi và người cao tuổi không mong đợi sẽ kết thúc sự nghiệp bằng hình thức nghỉ hưu mà chỉ xem việc nghỉ hưu là thời điểm “giải trí”. Người ta tin rằng nếu quy định tuổi nghỉ hưu bị bãi bỏ ở Nhật Bản, người cao tuổi có thể sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi 80 hoặc 90 tuổi (Ayako Fujita, 2007, tr.175-180).
Hơn nữa, với hình thức tuyển dụng linh hoạt của chính sách Abenomics (dựa vào năng suất của người lao động thay vì độ tuổi), tích cực giải quyết chênh lệch về chế độ giữa nhân viên chính thức và nhân viên không chính thức… sẽ phát huy nguồn nhân lực cao tuổi nhiều kinh nghiệm và tay nghề, góp phần tạo điều kiện xây dựng và hoàn thiện môi trường làm việc phi tuổi tác, tăng cơ hội việc làm cho người cao tuổi (Võ Thị Xuân Trâm & Nguyễn Thị Hoài Châu, 2022, tr.458).
Nhật Bản đang hướng đến hiện thực hóa sự tham gia năng động của mọi công dân, mọi người đều có thể đóng vai trò tích cực trong xã hội siêu già dựa trên “Kế hoạch của Nhật Bản về sự tham gia năng động của mọi công dân” (2016) và “Kế hoạch hành động thực hiện cải cách phong cách làm việc” (2017). Trong đó nhấn mạnh, người cao tuổi có thể lựa chọn phong cách làm việc đa dạng, linh hoạt theo ý muốn phù hợp với mục tiêu, khả năng và hoàn cảnh của mình (Annual report on the Ageing society, 2018, 93). Đặc biệt, Thủ tướng Abe đã khẳng định “xã hội siêu già là phần thưởng dành cho người dân Nhật Bản”, không phải là quả bóng trách nhiệm cho thế hệ trẻ và kêu gọi mọi người cùng nỗ lực nhận lấy phần thưởng này; đưa ra các biện pháp thúc đẩy sự năng động của xã hội và thành lập hội đồng thiết kế “Xã hội sống 100 tuổi” (Randall S. Jones & Haruki Seitani, 2019, tr.8).
Cùng với việc chính bản thân người cao tuổi tích cực tìm kiếm việc làm dựa vào các mối quan hệ để thay đổi công việc như mong muốn là một hình thức phù hợp.
Chính phủ đẩy mạnh việc phát triển các phương tiện truyền thông để tạo cầu nối giữa các công ty tuyển dụng với lao động cao tuổi, hướng đến những sàn giao dịch việc làm minh bạch và tích cực để cả nhà tuyển dụng và người cao tuổi điều đạt được mục đích của mình. Hơn nữa, các vấn đề như minh bạch về mức lương, giảm số ngày và
97
số giờ làm việc sẽ kéo tỷ lệ người cao tuổi tiếp tục làm việc có thể tăng lên. Cụ thể, nếu giảm số giờ làm việc trung bình hàng tháng xuống một giờ có thể làm tăng tỷ lệ làm việc của người cao tuổi lên 0,15 %, nếu số giờ làm việc trung bình hàng tháng giảm đi 20 giờ thì tỷ lệ người cao tuổi tiếp tục làm việc sẽ tăng khoảng 3% (Yosuke Yasui, 2018, tr.6-11).
Thực tế độ tuổi khỏe mạnh của người cao tuổi ở Nhật Bản ngày càng tăng nên hầu hết mọi người đều muốn làm việc càng lâu càng tốt; vì vậy Chính phủ cần tiến hành các biện pháp để thúc đẩy tạo việc làm cho người cao tuổi, khuyến khích các công ty sử dụng người cao tuổi (Sách Trắng, 2016, tr.7) và có thể hình dung rằng tăng cường việc làm liên tục sẽ tác động tích cực đến sự sẵn sàng làm việc của những người lao động hiện tại (Ohta Soichi, 2012, tr.60-61)
Tóm lại, Chính phủ và cả bản thân người cao tuổi ở Nhật Bản hiện nay đều đang cố gắng để đẩy mạnh tỉ lệ tham gia lực lượng lao động, một mặt góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, góp phần cải thiện thêm thu nhập và giúp người cao tuổi ổn định cuộc sống; khẳng định sự tích cực năng động của người cao tuổi Nhật Bản là sự thật và sẵn sàng để xây dựng Nhật Bản bền vững trong giai đoạn siêu già thậm chí là siêu siêu già trong tương lai.