CHƯƠNG 3: HIỆU QUẢ THỰC HIỆN, NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
3.2. Một số vấn đề tồn tại
3.2.3. Việc làm cho người cao tuổi
Trong các giai đoạn trước khi Nhật Bản trở thành quốc gia siêu già, vấn đề liên quan đến người cao tuổi được chú ý ở khía cạnh như chăm sóc người cao tuổi vì sự thay đổi của chức năng gia đình, sự thiếu hụt nguồn lao động…; hay lương hưu được xem là nguồn thu nhập chính của người cao tuổi. Trong xã hội siêu già hiện nay, vấn đề việc làm cho người cao tuổi đã trở nên cấp thiết nhất và trở thành một trong những nội dung quan trọng của Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi.
Thực tế chính các yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến vấn đề việc làm của người cao tuổi như: thể trạng người cao tuổi đã được cải thiện, tình hình kinh tế trì trệ và đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nên vấn đề việc làm của người cao tuổi đã trở thành nội dung được nhấn mạnh. Cụ thể, người cao tuổi ở Nhật Bản được đánh giá có tuổi thọ khỏe mạnh cao (đối với nam giới là 72,3 tuổi và nữ giới là 77,7 tuổi) (Hiroshi Murayama, Atsuko Taguchi, Shuhei Ryu, Satoko Nagata
& Sachiyo Murashima, 2011, tr.395-397), sức khỏe của người cao tuổi đã được cải thiện rất nhiều so với trước nên họ muốn sống tự lập, không muốn phụ thuộc nhiều vào con cháu. Vả lại, tình hình kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn dân số siêu già cũng không mấy khả quan, cuộc sống tương đối khó khăn nên người cao tuổi không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ con cháu. Vì vậy, người cao tuổi ở Nhật Bản buộc phải tiếp tục làm việc là điều tất yếu và cần thiết để duy trì xã hội Nhật Bản siêu già cũng như ổn định thu nhập cho bản thân (Naoko Muramatsu & Hiroko Akiyama, 2011, tr.429).
Tuy nhiên trên thực tế, việc làm cho người cao tuổi cũng còn nhiều hạn chế chưa được như mong đợi, tồn tại sự phân biệt đối xử theo độ tuổi lao động tại các
84
công ty, khó khăn với việc thích nghi công việc mới, chi phí đào tạo lại cao, khoản lương chi trả cho lao động cao tuổi không thực sự hấp dẫn và dễ bị cắt giảm khi tình hình kinh doanh của công ty gặp bất ổn…( Masao Tao, Nishimura Shuuzou & Fuzita Ayako, 2004, tr.38-42).
Tính đến năm 2001, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người từ 65 tuổi trở lên là 32,9% đối với nam và 13,8% đối với nữ thì trong đó có 41,9% đối với nam và 20,4% đối với nữ từ 65-74 tuổi; 16,0% đối với nam và 5,9% đối với nữ từ 75 tuổi trở lên (Masao Tao, Nishimura Shuuzou & Fuzita Ayako, 2003, tr.158-160). Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ lớn người cao tuổi muốn đi làm nhưng không có việc làm hoặc công việc không phù hợp, chủ yếu mang tính thời vụ và sự xuất hiện của các trung tâm nguồn nhân lực bạc chẳng qua chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời.
Mặc dù tuổi nghỉ hưu đã được trì hoãn nhưng nhiều công ty vẫn áp dụng hình thức cho người lao động nghỉ hưu từ 60 tuổi – 65 tuổi và có khoảng 70% số người lao động phải tạm dừng cuộc sống làm việc và chờ đợi đến tuổi nhận lương hưu, gây khó khăn thu nhập cho người cao tuổi. Về phía quản lý tầm vĩ mô, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tăng cường tuyển dụng lao động cao tuổi, tái sử dụng lao động cao tuổi…tuy nhiên lượng cung về việc làm phù hợp dành cho người cao tuổi còn hạn chế nên còn tình trạng nhiều người cao tuổi khỏe mạnh không có việc làm hoặc chỉ làm công việc tạm thời không phù hợp với năng lực thực sự, không được phụ cấp hay ưu đãi như nhân viên chính thức.
Hơn nữa, hệ thống lương hưu hiện tại được cho là một trở ngại đối với việc tiếp tục tham gia của lao động cao tuổi, cụ thể trợ cấp lương hưu đã có tác động đáng kể đến tinh thần sẵn sàng làm việc của người cao tuổi vì số tiền trợ cấp lương hưu sẽ bị giảm khi thu nhập từ việc làm kết hợp với lương hưu của người cao tuổi vượt quá mức quy định và người cao tuổi nếu tiếp tục làm việc thì sẽ bị cắt giảm một phần các lợi ích trên, khiến cho họ ít có động lực làm việc sau khi nghỉ hưu (Atsushi, S., 2015).
Theo thực tế, ngưỡng giảm trợ cấp lương hưu đối với những người từ 65 tuổi trở lên là tổng số tiền lương hàng tháng và số tiền lương hưu vượt quá là 460.000 yên (ví dụ
85
lương hưu là 100.000 yên thì tiền lương hàng tháng là 360.000 yên) và người cao tuổi sẽ không nhận trợ cấp hưu trí khi tiền lương hàng tháng là 560.000 yên (Yosuke Yasui, 2018, tr.11-12). Hay chi phí bảo hiểm hưu trí của người lao động phải đóng cho đến năm 69 tuổi, người lao động làm việc từ 3/4 số giờ làm việc theo quy định trở lên của nhân viên toàn thời gian sẽ được hưởng lương hưu của nhân viên và sẽ phải trả 18,3% phí bảo hiểm lương hưu của nhân viên (Nishizawa Kazuhiko, 2018, tr.8). Vì vậy, gánh nặng phí bảo hiểm đối với người cao tuổi cao như vậy sẽ dẫn đến thu nhập khả dụng của họ giảm nếu vẫn tiếp tục làm việc, điều này sẽ làm giảm sự sẵn sàng làm việc của người cao tuổi (Yosuke Yasui, 2018, tr.11-12).
Bên cạnh đó, quá trình triển khai các chương trình liên quan đến việc làm của người cao tuổi cũng gặp những trở ngại từ phía lao động cao tuổi và nhà tuyển dụng.
Trước hết, đó là sự kém hiệu quả trong việc kết hợp giữa công ty tuyển dụng và đối tượng lao động cao tuổi, trong khi công ty không thể tìm được nguồn lao động cao tuổi có kỹ năng và lao người cao tuổi khó tìm được công việc phù hợp với khả năng của mình. Thêm vào đó, người cao tuổi thiếu cơ hội được giáo dục thường xuyên để tích lũy thêm những kỹ năng mới bên cạnh những kỹ năng đã có từ trước hay sự thụ động tìm kiếm việc làm của người cao tuổi, chủ yếu dựa vào các mối quan hệ mà họ đã xây dựng trong quá khứ để tìm việc làm và bỏ lỡ các cơ hội việc làm khác trên các phương tiện truyền thông. Tiếp theo, sự chậm trễ trong phong cách làm việc cũng cản trở động lực làm việc của người cao tuổi. Một phần vì những hạn chế trong giai đoạn cao tuổi, một phần phải chăm sóc người thân cao tuổi, nếu yêu cầu khắt khe về thời gian làm việc họ có thể ngừng làm việc. Hơn nữa nếu tích lũy được một khoản tài chính lớn trong giai đoạn tuổi trẻ cũng sẽ cản trở sự tiếp tục làm việc lúc về hưu (Yosuke Yasui, 2018, tr.6-10)
Đặc biệt, nền kinh tế Nhật Bản giai đoạn siêu già phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng, xuất hiện nhiều công việc bán thời gian, công việc cần tuyển nhân viên không chính thức, theo thời vụ…được xem là phù hợp với người cao tuổi. Hơn nữa, chính sách Abenomics được xem như cơn mưa rào làm sống dậy nền kinh tế và góp phần kích hoạt lực lượng lao động cao tuổi. Bên cạnh những
86
thành công nhất định, chính sách Abenomics cũng xuất hiện những tồn tại liên quan đến việc làm người cao tuổi. Cụ thể, với các gói tài chính kích thích phát triển kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ nhưng cũng đẩy lực lượng lao động cao tuổi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Hiện nay, việc tuyển dụng lao động cao tuổi chủ yếu ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đảm nhận trong khi đó tại các công ty lớn là cực kỳ hiếm (khoảng 2,3% (Chieko Kambayashi, 2008, tr.70-73)
Tóm lại, những tồn tại liên quan đến việc làm của người cao tuổi như công việc phù hợp cho người cao tuổi, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, các quy định của việc trợ cấp lương hưu… đã thực sự ảnh hưởng đến việc mở rộng việc làm cho người cao tuổi, thậm chí dẫn đến tình trạng làm việc không ổn định của người cao tuổi tại Nhật.
3.3. Một số giải pháp được đề xuất để điều chỉnh Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Nhật Bản cho đến hiện nay
Trong bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu (giảm số lượng trẻ em và tăng số lượng người cao tuổi) như đã phân tích ở trên, Nhật Bản đã phải đối mặt những khó khăn trong quá trình phát triển đất nước và đang cố gắng tìm ra hướng đi mới. Người cao tuổi luôn được xem là đối tượng phụ thuộc, kéo theo hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thế hệ trẻ buộc phải chấp nhận và đối mặt với những thách thức đó. Như vậy để thích ứng với xã hội siêu già thì chúng ta phải thay đổi từ cách nhìn nhận một cách tiêu cực về người cao tuổi chuyển hướng sang chấp nhận người cao tuổi và xem đây là tiền đề để Nhật Bản hướng đến “xã hội một trăm triệu người năng động” hay “xã hội không tuổi” trong tương lai. Với vai trò định hướng và hỗ trợ xã hội, các chính sách, chế độ hỗ trợ người cao tuổi đang được yêu cầu cấp bách để có thể khắc phục những vấn đề, chủ động đối mặt với xã hội siêu già tại Nhật Bản hiện nay. Đối với vấn đề này, các nhà lập pháp và các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều chính sách đa dạng từ nhiều góc độ khác nhau.