CHƯƠNG 3: HIỆU QUẢ THỰC HIỆN, NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
3.2. Một số vấn đề tồn tại
3.2.2. Chăm sóc người cao tuổi
Trước tình hình tốc độ già hóa tăng nhanh, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều thay đổi về phúc lợi xã hội trong đó có việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhưng vẫn chưa thể đáp ứng với sự gia tăng nhu cầu của người cao tuổi. Trải qua nhiều giai đoạn thay đổi về cấu trúc dân số cũng như tình hình xã hội của Nhật Bản, việc hình thành và phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi cũng có nhiều thay đổi, chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: sự gia tăng số lượng người cao tuổi, cơ chế hỗ trợ phát triển các viện dưỡng lão, thiếu hụt nguồn lao động chăm sóc, tình trạng vượt cầu đối với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, thiếu trang thiết bị, trình độ đội
78
ngũ nhân viên chăm sóc còn tương đối thấp…
Mặc dù, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực để tạo ra môi trường chăm sóc tốt nhất có thể dành cho người cao tuổi ngay từ đầu những năm 1960. Tuy nhiên, thực tế tồn tại tình trạng người cao tuổi phụ thuộc hoàn toàn vào viện dưỡng lão đều khá cao tuổi, thường xuyên đau ốm, khó khăn tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc y tế trong các trường hợp cần thiết... Hơn nữa, các viện dưỡng lão ở Nhật Bản chỉ chăm sóc người cao tuổi ở mức độ vừa phải, tồn tại sự ràng buộc mối quan hệ giữa người cao, tuổi và nhân viên chăm sóc theo những quy định tùy theo từng viện dưỡng lão (Sabine Frühstück, 2002, tr.299)…nên tồn tại hiện trạng nhiều người cao tuổi không muốn vào viện dưỡng lão khi có thể tự lập trong cuộc sống. Thêm vào đó, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi chỉ có thể cố gắng để ngăn ngừa bệnh tật, đối với những trường hợp yêu cầu mức độ chăm sóc điều dưỡng cao hơn đều nằm ngoài tầm kiểm soát và người cao tuổi sẽ buộc phải rời đi khi sức khỏe ngày càng yếu (Eiko Tobita, 2016, tr.28-29). Thêm vào đó, mối quan hệ gia đình đã thay đổi dẫn đến tình trạng người cao tuổi sống một mình ngày càng tăng với nhiều nguy cơ như mất một mình không ai biết, khi bị bệnh không được cấp cứu kịp thời....
Ngoài cơ sở vật chất thì nguồn nhân lực phục vụ công việc chăm sóc người cao tuổi cũng là yếu tố quan trọng không kém. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp để duy trì lực lượng chăm sóc người cao tuổi như cải thiện tiền lương, hỗ trợ kinh phí đào tạo… nhưng hiệu quả vẫn chưa thỏa mãn với mong đợi.
Trong khi đó, chương trình kích cầu để vực dậy nền kinh tế già cỗi của chính sách Abenomics đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tính hấp dẫn của ngành chăm sóc điều dưỡng vốn nhiều áp lực và vất vả dẫn đến tình trạng càng khó thu hút lực lượng lao động trẻ, thiếu hụt nguồn nhân lực chăm sóc một cách nghiêm trọng (Exploring the Feasibility of “The Japan’s Plan for Dynamic Engagement of All Citizens”, 2016, tr.29). Theo tính toán của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, nếu như năm 2013 Nhật Bản mới chỉ cần 1.710.000 nhân viên điều dưỡng phục vụ trong lĩnh vực chăm sóc người già thì đến năm 2025 Nhật Bản sẽ cần khoảng 2.530.000 nhân viên điều dưỡng và để duy trì được chính sách chăm sóc sức khỏe như hiện hành thì Nhật Bản còn
79
thiếu đến 377.000 nhân viên điều dưỡng. (Ngô Hương Lan, 2021)
Hơn nữa, bất cập trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản chính là sự vận hành ở hai cấp độ (cấp độ thống nhất trên toàn quốc và cấp độ được thiết lập bởi các thành phố trực thuộc tại địa phương) nên đã xuất hiện một số vấn đề như:
chênh lệch giữa các khu vực trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc, phát sinh các khiếu nại trong việc quản lý hệ thống và số tiền tài trợ cho các dịch vụ, tình trạng thiếu bác sĩ, kết nối hệ thống giao thông dẫn đến bệnh viện hoặc nơi khám chữa bệnh cho người cao tuổi còn hạn chế ở các vùng nông thôn (Hiroshi Murayama, Atsuko Taguchi, Shuhei Ryu, Satoko Nagata & Sachiyo Murashima, 2011, tr.395-397).
Ngoài ra, việc thăm khám và chữa bệnh cho người cao tuổi, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể, Chính phủ đã triển khai hệ thống bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế đến người dân nhưng ở giai đoạn đầu còn hạn chế về điều kiện đăng ký nên phần lớn người nông dân, công nhân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nội trợ… vẫn không được tham gia. Đến năm 1961, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân của Nhật Bản đã được phổ biến rộng rãi với hình thức bắt buộc tham gia, tiếp cận miễn phí, đồng chi trả thấp, bao phủ bởi phí bảo hiểm và trợ cấp công. Tuy nhiên chỉ khoảng 20% đến 30% người cao tuổi được hưởng chương trình khám bệnh miễn phí và số người cao tuổi còn lại gặp khó khăn với việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh (John Creighton Campbell, 1992, tr.122-123).
Trong bối cảnh đó, chương trình “Bảo hiểm chăm sóc dài hạn” được ra đời (2000), đóng vai trò trọng yếu liên quan đến lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, được nhận định là đã đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc cộng đồng, phản ánh đúng thực trạng của xã hội siêu già ở Nhật Bản (Kimura Rihito, 2002, tr.335-349) nhưng với nguồn chi được tài trợ 50% từ thuế và 50% từ phí bảo hiểm đã dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt nguồn tài chính để duy trì hệ thống chăm sóc dài hạn (Kyoko Sudo, Jun Kobayashi, Shinichiro Noda, Yoshiliharu Fukuda & Kenzo Takahashi, 2018, tr.8-9).
Hơn nữa, việc áp dụng chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho người cao tuổi (1972) cũng bị chỉ trích bởi thói quen thường xuyên đi vào các cơ sở y tế của
80
người cao tuổi (Masao Tao, Nishimura Shuuzou & Fuzita Ayako, 2003, tr.186), buộc Nhật Bản đưa ra quy định về tỷ lệ đồng thanh toán là 30% đối với người trong độ tuổi lao động, 20% với người cao tuổi giai đoạn đầu và 10% đối với người cao tuổi giai đoạn cuối. Tuy nhiên với tỷ lệ đồng thanh toán như vậy, người cao tuổi giai đoạn cuối sẽ coi việc đến bệnh viện như một hoạt động xã hội hoặc tích lũy một lượng lớn thuốc chưa sử dụng (Eiko Tobita, 2016, tr.31-33). Đặc biệt, với tỷ lệ đồng thanh toán của người cao tuổi từ 10%-20% rất khó đảm bảo nguồn thu để duy trì hệ thống bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi (Yamada Tomoaki, 2017, tr.13) và Chính phủ Nhật Bản sẽ rất khó khăn trong việc duy trì nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Kyoko Sudo, Jun Kobayashi, Shinichiro Noda, Yoshiliharu Fukuda & Kenzo Takahashi, 2018, tr.8-9), gây một số khó khăn về thu nhập cho một bộ phận người cao tuổi hạn chế về kinh tế và đã trở thành một trong những vấn đề chính trị cấp bách nhất ở Nhật Bản (Pushkar Singh Raikhola & Yasuhiro Kuroki, 2010, tr.64-66).
Thực tế cho thấy các nguồn thu từ thuế cũng góp phần ổn định và duy trì các quỹ phúc lợi xã hội. Cụ thể, mức thuế suất an sinh xã hội là 13,58% (1990) đã tăng lên 17,12% (2013) nhưng vẫn chưa đủ đảm bảo để duy trì hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi trong giai đoạn siêu già và Chính phủ đã có kế hoạch tiếp tục tăng thuế suất an sinh xã hội thêm 0,354%/năm cho đến năm 2018 (18,3%). Bên cạnh đó thuế suất thuế tiêu dùng cũng liên tục tăng từ 3% (1990) lên 5% (1997) và tiếp tục tăng lên 8% (2014)… (Yamada Tomoaki, 2017, tr.13-15). Có thể nói đây là những tồn tại mà Chính phủ cần có biện pháp kịp thời nhằm giảm bớt áp lực các khoản thuế cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng ở Nhật Bản.
Cụ thể theo thống kê năm 2012, chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện bởi 38,6% chi phí từ nguồn thu chung của Chính phủ và 48,8%
được trả bằng phí bảo hiểm lương hưu đánh vào người sử dụng lao động và người lao động. Nếu như Chính phủ không tìm được nguồn kinh phí phù hợp mà chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ thuế và phí đóng bảo hiểm của người lao động thì rất khó duy trì được việc chăm sóc người cao tuổi khi dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống còn 50% tổng dân số vào năm 2050 (Yamada Tomoaki, 2017, tr.1).
81
Thêm vào đó, quá trình thực hiện chương trình chăm sóc dài hạn vẫn còn tồn tại một số vấn đề như thanh toán không đầy đủ các dịch vụ, tiền đóng góp phí bảo hiểm tăng cao, thời gian đóng góp tương đối dài trong bối cảnh nền kinh tế không mấy khả quan (nạn thất nghiệp, việc làm không ổn định, tình hình giảm phát, giá cả leo thang…) nên có nhiều người đã từ bỏ việc đóng góp của mình (Paul Talcott, 2002, tr.95). Điều này chứng tỏ sự tín nhiệm của người dân đối với dịch vụ này là chưa thực sự triệt để và còn nhiều bất cập chưa thỏa đáng.
Để ứng phó với xã hội siêu già, thủ tướng Abe quyết tâm đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm hẳn số người nghỉ việc để chăm sóc người cao tuổi bằng mũi tên “An sinh xã hội” trong quá trình thực hiện chính sách Abenomic giai đoạn hai. Tuy nhiên, số lượng viện dưỡng lão đã tăng lên trên thực tế nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của người cao tuổi dẫn đến tình trạng “cung không đủ cầu”, còn tồn tại số người nghỉ việc hoặc chuyển việc để chăm sóc thành viên cao tuổi trong gia đình (khoảng 100.000 người/năm) và còn nhiều người cao tuổi đang chờ để được tiếp nhận vào các viện dưỡng lão (năm 2013 có 524.000 người) (Eiko Tobita, 2016, tr.17-22). Đặc biệt, những người lao động ở độ tuổi 40 và 50 rất khó cân bằng giữa công việc và chăm sóc người cao tuổi nên buộc phải nghỉ việc để chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là lao động nữ.
Hơn nữa, khi đề cập đến việc chăm sóc người cao tuổi thì vấn đề đáp ứng nhà ở cũng như đảm bảo điều kiện sống cơ bản cho người cao tuổi cũng là nội dung quan trọng. Theo thực tế, việc đáp ứng vấn đề nhà ở cho người cao tuổi không chỉ hạn chế về số lượng các cơ sở mà còn hạn chế về các dịch vụ chăm sóc công, chỉ phù hợp với người có thu nhập trung bình trở lên với việc thường sử dụng các dịch vụ bên ngoài và không phù hợp với người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, người cao tuổi gặp khó khăn về kinh tế (Exploring the Feasibility of “The Japan’s Plan for Dynamic Engagement of All Citizens”, 2016, tr.28-29).
Bên cạnh đó, các chương trình cũng như chế độ chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản cũng bị chỉ trích thiếu quan tâm hoặc chưa có quy định rõ ràng và phù hợp
82
với thể chất của người cao tuổi. Đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần của người cao tuổi đó là sự cô đơn, cụ thể là người cao tuổi chưa được hỗ trợ nhiều về mặc tinh thần nên dẫn đến hậu quả vẫn còn nhiều người cao tuổi suy nghĩ tiêu cực…. Đó là lo lắng về sự cô đơn, đau đớn vì bệnh tật, đón nhận cái chết, cảm giác tội lỗi, người thừa xã hội…. của người được chăm sóc và áp lực công việc của người chăm sóc (David C.
Kennie, 1993, tr.217-238). Đây cũng là mầm mống làm dấy lên tình trạng lạm dụng hay ngược đãi người cao tuổi, cụ thể trong năm 2012 có 736 vụ từ các viện dưỡng lão (tăng 7,1% so với năm trước) và 23.843 vụ từ những người chăm sóc (giảm 7%
so với năm trước) (Norio Higuchi, 2015, tr.193-194).
Hơn nữa trong bối cảnh gia tăng lao động không thường xuyên, lao động bán thời gian, lao động thời vụ…nên số người chưa đóng bảo hiểm ngày càng tăng gây khó khăn cho việc phổ cập bảo hiểm xã hội toàn dân và ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động này khi họ bước vào giai đoạn cao tuổi (Eiko Tobita, 2016, tr.33). Đây cũng là một trong những nguyên nhân còn tồn tại tình trạng người cao tuổi tự tìm đến cái chết để giải thoát, người cao tuổi sống trong cảnh tạm bợ, nghèo đói muốn tìm đến nhà tù vì lý do kinh tế khó khăn (Kengo Abe, 2019) hay vì lý do cần được chăm sóc y tế khi không còn nơi nương tựa (Bảo Duy, 2018).
Với xã hội siêu già hiện nay, việc triển khai Chương trình chăm sóc phòng ngừa cho người cao tuổi của Chính phủ Nhật Bản được xem là hướng đi đúng nhưng không thể ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần kết hợp xuất hiện bệnh tật phức tạp ở độ tuổi siêu già (Masafumi Kuzuya, 2015, tr.2602-2607). Với xu hướng phát triển nền kinh tế một phần dựa vào lực lượng lao động cao tuổi, nếu như Chính phủ không có biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động cao tuổi không đảm bảo sức khỏe và Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia suy nhược ốm yếu như những căn bệnh kinh niên của người cao tuổi, một thực tế chúng ta đã nhìn thấy là nền kinh tế Nhật Bản đầu thế kỷ 21 liên tục trì trệ kém phát triển.
Mặc dù, chương trình chăm sóc phòng ngừa dành cho người cao tuổi của
83
Chính phủ Nhật Bản được xem là hướng đi đúng nhưng không thể ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần kết hợp xuất hiện bệnh tật phức tạp ở độ tuổi siêu già.
Như vậy vấn đề chăm sóc người cao tuổi đã chuyển từ chức năng gia đình thu nhỏ sang chức năng xã hội nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc duy trì hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như thiếu hụt nguồn lao động, thiếu hụt nguồn kinh phí…