Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán thuế TNDN

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong các doanh nghiệp tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 40 - 44)

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Dona L.Street, Sidney J.Gays (2002), Fatma Zehria, Jamel Chouaibib (2013), Trần Đình Khôi Nguyên (2011) và Nguyễn Công Phương (2013), đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu định tính thông qua việc

phỏng vấn các chuyên gia, giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, kế toán trưởng, kế toán viên có nhiều năm kinh nghiệm và cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực thuế, tác giả có thể khái quát 06 nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán thuế TNDN trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai như sau:

1.6.1. Chuẩn mực kế toán thuế TNDN

Chuẩn mực kế toán thuế TNDN (VAS 17) được ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2006 về cơ bản đã làm thay đổi bản chất của thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong công tác kế toán thuế TNDN, việc vận dụng VAS 17 đã không còn xa lạ đối với người làm kế toán. Tuy nhiên, việc vận dụng vào thực tiễn nhiều ý kiến cho rằng: nội dung của chuẩn mực còn quá nhiều khái niệm, thuật ngữ khó hiểu. Kế toán viên chỉ am hiểu và vận dụng trên cơ sở các thông tư hướng dẫn chi tiết trong công tác kế toán. Bên cạnh đó, việc tồn tại song song giữa chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán hiện nay sẽ phát sinh những xung khắc vì mục đích, bản chất của chuẩn mực và chế độ kế toán có nhiều sự khác biệt (Nguyễn Công Phương, 2013). Vận dụng chuẩn mục kế toán nói chung và VAS 17 nói riêng vào thực tế sẽ gặp những khó khăn nhất định do bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau (Thanh Đoàn, 2009). Do đó, nhân tố chuẩn mực kế toán thuế TNDN được tác giả đưa vào để khảo sát nghiên cứu nhằm hoàn thiện công tác kế toán thuế TNDN tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

1.6.2. Chế độ kế toán và việc thực hiện chế độ kế toán liên quan đến thuế TNDN

Cùng với sự hội nhập kinh tế thế giới, hệ thống kế toán Việt Nam cũng không ngừng đổi mới, hoàn thiện và cải tiến. Đánh dấu cho bước phát triển này là việc ban hành Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 và Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016 đã rút ngắn khoảng cách giữa kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư vẫn còn hạn chế và cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu đánh giá cụ thể tình hình triển khai và thực hiện chế độ kế toán này tại các doanh nghiệp. Tác giả đưa nhân tố này nhằm khảo sát, nghiên cứu về khía cạnh chế độ kế toán và việc thực hiện chế độ kế toán liên quan đến thuế TNDN để từ đó đưa ra biện pháp nhằm hoàn thiện kế toán thuế TNDN trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.

1.6.3. Người làm kế toán

Theo Street (2002), Joshi, P.L và Cộng sự (2002), Harun & Haryono (2012) thì sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên viên kế toán và chính sách tuyển dụng và đào tạo nhân viên kế toán có tác động rất lớn đến vận dụng và cải cách chính sách kế toán. Do đó, ý thức và trình độ của người làm kế toán ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện công tác kế toán thuế TNDN tại các doanh nghiệp. Trong thực tế nhiều kế toán viên chỉ vận dụng chính sách kế toán theo thói quen và rập khuôn, luôn dựa vào những qui định chính sách văn bản hướng dẫn mang tính chất cụ thể từng nội dung, nghiệp vụ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà chưa vận dụng một cách linh hoạt các nội dung trong chuẩn mực. Việc người làm kế toán đã độc lập ý kiến về kế toán, thuế đối với chủ doanh nghiệp hay chưa? cũng đang vấn đề thực tế cần giải quyết. Chính vì thế, tác giả đưa nhân tố người làm kế toán vào đề tài nghiên cứu để khảo sát và đưa ra ý kiến nhằm hoàn thiện công tác kế toán thuế TNDN.

1.6.4. Báo cáo thuế TNDN

Theo nghiên cứu của Trần Đình Khôi Nguyên (2010), đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi mà theo đó trong cơ chế kế hoạch hóa, công tác kế toán phục vụ chủ yếu cho việc quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Công việc ghi nhận và đo lường kế toán thường được dựa trên cơ sở qui định của thuế nói chung và báo cáo thuế TNDN nói riêng. Mặc dù hiện nay đã có những cải cách về công tác báo cáo thuế TNDN, các biểu mẫu cũng được đơn giản hóa tuy nhiên người làm kế toán vẫn còn gặp không ít khó khăn trong kê khai, nộp thuế TNDN. Việc đưa nhân tố này vào công tác hoàn thiện kế toán thuế TNDN tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Biên Hòa là cần thiết.

1.6.5. Kiểm soát nội bộ đối với thuế TNDN

Theo ISA 315 (2012): “KSNB là một quá trình do bộ máy quản lý, Ban Giám đốc và các nhân viên của đơn vị chi phối, được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm thực hiện ba mục tiêu BCTC đáng tin cậy, pháp luật và các qui định được tuân thủ, hoạt động hữu hiệu và hiệu quả”. Để thực hiện tốt công tác kế

toán thuế TNDN việc thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ là điều cần thiết.

Thông thường, hệ thống này sẽ được hoàn thiện cùng với sự phát triển của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Chính vì thế, tác giả đã đưa ra nhân tố kiểm soát nội bộ đối với thuế TNDN để khảo sát nghiên cứu nhằm hoàn thiện kế toán thuế TNDN cho đề tài nghiên cứu của mình.

1.6.6. Công tác thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế

Theo giáo trình nghiệp vụ thuế của Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (2014): “Kiểm tra thuế là hoạt động của cơ quan thuế nhằm xem xét tình hình thực tế của đối tượng kiểm tra, từ đó đối chiếu với chức năng nhiệm vụ yêu cầu đặt ra đối với đối tượng kiểm tra để có nhận xét đánh giá”. Theo giáo sư Michel Bouier (2005), tác giả cuốn “Nhập môn về thuế đại cương và lý thuyết thuế”, kiểm tra thuế là “hoạt động nhằm xem xét tính trung thực, tính chính xác của cơ sở thuế mà người nộp thuế đã kê khai”. Vì vậy, để công tác kế toán thuế TNDN được thực hiện đúng theo qui định thì công tác thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế cần phải được đẩy mạnh và thực hiện một cách đúng đắn. Đó là lý do tác giả đưa nhân tố công tác thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế vào đề tài nghiên cứu của mình.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong các doanh nghiệp tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)