LÝ LUẬN TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 23 - 28)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI

1.2 LÝ LUẬN TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

1.2.1 Các khái niệm

1.2.1.1 Khái niệm tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 29/6/2010, hoạt động cấp tín dụng được thực hiện thông qua các nghiệp vụ: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. (mục 14, Điều 4, Chương 1).

Như vậy, tín dụng ngân hàng đối với DNNVV có thể được hiểu là việc thỏa thuận giữa ngân hàng và DNNVV, theo đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho DNNVV sử dụng theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Theo đó, nguồn tiền dùng để ngân hàng cấp tín dụng cho DNNVV đến từ hai nguồn gồm: vốn tự có của ngân hàng và nhận tiền gửi của khách hàng. Cụ thể:

- Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của NHNN Việt Nam.

- Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

1.2.1.2 Khái niệm về tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trương Quang Thông, (2010) cho rằng “Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV là những hoạt động gia tăng tín dụng của ngân hàng dành cho các DNNVV nhằm thỏa mãn hơn nữa những nhu cầu của đối tượng khách hàng này.”

Do đặc điểm và vai trò quan trọng của DNNVV đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, các ngân hàng đang dần coi DNNVV là đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho DNNVV về doanh số, dư nợ và sản phẩm tín dụng cũng được các ngân hàng tại mỗi quốc gia đặc biệt quan tâm

1.2.2 Phân loại tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với sự phát triển nhanh của các DNNVV, các NHTM luôn đưa ra các hình thức tín dụng khác nhau và đa dạng tùy theo từng cách tiếp cận sau:

1.2.2.1 Căn cứ vào thời hạn tín dụng.

- Tín dụng ngắn hạn là loại hình tín dụng có thời hạn không quá 12 tháng được sử dụng để cho vay bổ sung vốn lưu động và các nhu cầu thiếu hụt vốn tạm thời của các DNNVV.

- Tín dụng trung hạn là loại hình tín dụng có thời hạn từ trên 1 năm đến 5 năm được sử dụng để cho vay mua sắm tài sản cố định, sửa chữa, cải tạo tài sản cố định…có thời gian hoàn vốn trên 1 năm.

- Tín dụng dài hạn là loại hình tín dụng có thời hạn từ trên 5 năm được sử dụng để cho vay các nhu cầu mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản… có thời gian thu hồi vốn trên 5 năm.

1.2.2.2 Căn cứ theo phương thức cho vay

Theo tiêu thức này, tín dụng ngân hàng có thể chia thành các loại như sau:

- Cho vay

+ Cho vay từng lần: Là hình thức cấp tín dụng cho khách hàng một lần trên mỗi hợp đồng vay vốn của khách hàng với lãi suất, thời hạn trả nợ và số tiền vay xác định.

+ Cho vay theo hạn mức tín dụng: Là hình thức cấp tín dụng cho KH, khi KH có nhu cầu vay vốn chỉ cần làm một bộ hồ sơ duy nhất để vay trong một kỳ nhất định với mức tín dụng mà KH và NH đã thỏa thuận. Ngân hàng sẽ cấp cho KH một hạn mức, chỉ giới hạn dư nợ, không giới hạn doanh số. Hình thức này chỉ áp dụng đối với KH thường xuyên, mục đích sử dụng vốn rõ ràng và có tín nhiệm với NH. Hình thức cho vay này hiện không được phổ biến ở Việt Nam.

- Chiết khấu: Ngân hàng thương mại được chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác đối với tổ chức, cá nhân và có thể tái chiết khấu các thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác đối với tổ chức tín dụng khác.

- Cho thuê tài chính: Ngân hàng thương mại được hoạt động cho thuê tài chính nhưng phải thành lập công ty cho thuê tài chính riêng. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính thực hiện theo Nghị định của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính.

- Bảo lãnh: Ngân hàng thương mại được bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đấu thầu và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác bằng uy tín hay bằng khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh.

1.2.2.3 Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn.

Với tiêu thức này, tín dụng ngân hàng có thể phân chia thành các loại sau:

- Tín dụng bất động sản: là loại tín dụng liên quan đến việc mua sắm và xây dựng bất động sản nhà ở, đất đai, bất động sản trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

- Tín dụng công nghiệp và thương mại: là loại tín dụng ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

- Tín dụng nông nghiệp: là loại tín dụng để trang trải các chi phí sản xuất như: phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, thức ăn gia súc, lao động, nhiên liệu.

- Tín dụng tiêu dùng: là loại tín dụng đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của cá nhân như mua sắm các vật dụng đắt tiền, cho vay trang trải các chi phí của đời sống…

- Tín dụng khác: cho vay các tổ chức kinh tế khác, Cho vay trường học, cho vay ủy ban,…

1.2.2.4 Căn cứ vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng.

- Tín dụng có bảo đảm bằng tài sản: là loại hình tín dụng mà khoản vay được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của chủ thể vay vốn, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản thế chấp của bên thứ ba.

- Tín dụng không có bảo đảm bằng tài sản: là loại hình tín dụng không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh. Loại hình cho vay này do tổ chức tín dụng lựa chọn căn cứ trên phương án vay vốn hiệu quả và khả thi đồng thời khách hàng có mức độ tín nhiệm, uy tín trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

1.2.3 Vai trò tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tín dụng ngân hàng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy hàng hóa lưu thông, phát triển:

Trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, để quá trình này được diễn ra liên tục đòi hỏi nguồn vốn của DN phải tồn tại đồng thời ở cả ba giai đoạn: dự trữ - sản xuất – lưu thông hàng hóa. Vì thế, các hiện tượng thừa vốn và khát vốn tạm thời luôn xảy ra ở các DN. Tuy vậy, nhờ có tín dụng, các DN có thể sử dụng nguồn vốn vay nhàn rỗi của NH để trang trải vào việc mua sắm nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất…để giúp cho quá trình hoạt động kinh doanh được diễn ra liên tục. Do đó, tín dụng có khả năng giúp bù đắp kịp thời các chi phí đã bỏ ra trong quá trình tái sản xuất. Và qua chức năng phân phối lại, tín dụng đã góp phần làm tăng nhanh vòng quay vốn lưu động, tốc độ lưu chuyển vật tư, hàng hóa, rút ngắn phần nào thời gian sản xuất lưu thông, nâng cao hiệu quả sản xuất cho DN.

Tín dụng ngân hàng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh DNNVV:

Các DNNVV đang phát triển với số lượng rất lớn trong nền kinh tế, nên tính cạnh tranh giữa các DNVVN diễn ra rất quyết liệt. Đặc biệt hơn, các DNNVV còn phải đối

phó với các loại hình DN khác với quy mô lớn, khả năng tài chính mạnh, ngành nghề hoạt động đa dạng… Vì thế, nguồn tín dụng mà các DNNVV có được sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới giúp cho các DN có thể nâng cao, đổi mới trong cạnh tranh, tìm chỗ đứng cho thương hiệu trên thị trường.

Tín dụng ngân hàng giúp ổn định giá cả: Trong quá trình hoạt động của mình, khi thực hiện chức năng tập trung và phân phối lại tiền tệ, tín dụng đã góp phần giảm đi một khối lượng tiền lưu thông trong thị trường kinh tế và trong đời sống người dân, góp phần làm giảm áp lực lạm phát, giúp ổn định được tiền tệ.

Mặt khác, do nhiệm vụ chính của tín dụng là cung ứng nguồn vốn cho các DN, tổ chức kinh tế để tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Chính vì vậy, tín dụng có tác dụng góp phần ổn định giá cả trong nước.

Tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro:

Trong kinh doanh, rủi ro là điều chúng ta không thể tránh khỏi, ta không thể loại bỏ chúng hoàn toàn mà chỉ có thể hạn chế được phần nào rủi ro. Rủi ro phát sinh từ trong quá trình hoạt động kinh doanh. Việc sử dụng nguồn tài trợ nợ một cách đúng đắn có thể giúp DN hạn chế rủi ro. Sử dụng vốn vào việc tìm hiểu diễn biến thị trường, nắm bắt thông tin, siết chặt việc tăng thu- giảm chi… Như vậy, nguồn vốn tín dụng sẽ rất hữu ích cho việc hạn chế rủi ro, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển của DNNVV.

Tín dụng ngân hàng góp phần hình thành cấu trúc vốn tối ưu cho DNNVV: Cấu trúc vốn là sự kết hợp giữa các nguồn tài trợ nợ ngắn hạn thường xuyên, nợ dài hạn và vốn cổ phần thường, được dùng để tài trợ cho quyết định đầu tư của DN. Sử dụng đúng đắn nguồn tài trợ tín dụng của NH sẽ giúp cho DN đạt được các yếu tố sau đây:

- Tối thiểu hóa rủi ro.

- Tối thiếu hóa chi phí sử dụng vốn.

- Tối đa hóa lợi nhuận.

Đạt được ba yếu tố trên nghĩa là DN đã hướng đến được mục tiêu là xây dựng một cấu trúc vốn tối ưu. Vì cấu trúc vốn tối ưu thường là cấu trúc vốn có nợ.

1.2.4 Sự cần thiết của tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, nền kinh tế ngày càng phát triển lên một cấp độ mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các chủ thể kinh doanh của nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức mới. Đó là làm thế nào để tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh

gay gắt. Trong bối cảnh như vậy hoạt động tín dụng ngân hàng nổi lên như một mắt xích trọng yếu, tín dụng ngân hàng có một vai trò cực kỳ quan trọng, với vị trí là trung gian tài chính của nền kinh tế, thông qua các nguồn lực xã hội được phân bổ và sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, tín dụng đang có những biểu hiện không bình thường vì bên canh việc các Ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc cấp tín dụng do lãi suất vay tăng cao thì nợ quá hạn, nợ tín dụng khó đòi đang có chiều hướng gia tăng, chưa kể đến những vụ đổ bể tín dụng, xí nghiệp, Công ty phá sản, các con nợ chạy trốn và những vụ cố ý chiếm đoạt tài sản Nhà nước, nhân dân. Do đó việc tăng trưởng tín dụng đặc biệt là tín dụng đối với DNNVV là hết sức cần thiết bởi việc này sẽ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng không chỉ là vấn đề quan tâm của nhà nước mà còn là quan tâm chung của xã hội bởi chất lượng tín dụng Ngân hàng có lành mạnh sẽ có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 23 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)