CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUY TRÌNH GIAO NHẬN HÀNG NGUYÊN CONTAINER XUẤT KHẨU BẰNG ĐƯỜNG BIỂN
1.3. Khái quát chung về hoạt động giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển
1.3.1. Khái niệm, đặc điểm giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển Khái niệm
Nghiệp vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển là một phương thức vận chuyển ra đời sớm nhất. Đây là một phương thức giao nhận mà việc chuyên chở hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới đường biển nhằm đưa hàng hóa từ nơi gửi hàng đến nơi nhận hàng tại các quốc gia trên thế giới.
Đặc điểm
Đây là loại hình giao nhận được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Giao hàng xuất khẩu bằng đường biển có rất nhiều đặc điểm. Tuy nhiên có thể nêu ra một số đặc điểm cơ bản nhất như sau:
- Vận tải đường biển thích hợp với tất cả các loại hàng hóa trong thương mại quốc tế. Giá cước vận tải bằng đường biển thường rất thấp, chỉ cao hơn đường sắt một chút nên vận tải đường biển thường thích hợp trên cự ly dài và khối lượng chuyên chở cực lớn.
- Các tuyến đường trên biển hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên (trừ các kênh đào…) Do đó không đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tiền vốn, nguyên vặt liệu, sức lao động để xây dựng và bảo trì các tuyến đường vận tải đường biển. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá thành vận tải đường biển thấp hơn so với các phương tiện khác.
12
- Năng lực chuyên chở của vận tải đường biển là rất lớn. Nhìn chung năng lực chuyên chở của công cụ vận tải đường biển (tàu biển) không bị hạn chế như các công cụ khác.
- Thường sử dụng các thiết bị đặc trưng: container, xe đầu kéo, rơ mooc,... để đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Nơi diễn ra hoạt động giao hàng thường là các cảng biển.
- Giao hàng xuất khẩu bằng đường biển đòi hỏi nhiều loại chứng từ khác nhau.
Tuy nhiên, vận tải đường biển cũng có những hạn chế nhất định:
- Đi qua nhiều khu vực chính trị, xã hội khác nhau, do đó chịu chi phối bởi các luật lệ, tập quán của các nước, các khu vực khác nhau.
- Quy trình tổ chức chuyên chở khá phức tạp, tốc độ chậm
- Vận tải đường biển không thích hợp với chuyên chở hàng hóa đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh do quá trình chuyên chở bằng đường biển thường gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm (phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu,…)
1.3.2. Khái quát về dịch vụ giao nhận và người giao nhận
Dịch vụ giao nhận
Giao nhận là một hoạt động gắn liền với hoạt động thương mại quốc tế, là một khâu trong thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương.
Theo Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) thì “Dịch vụ giao nhận là bất kỳ loại dịch vụ nào liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, bốc xếp, đóng gói hay phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ tư vấn có liên quan đến các dịch vụ trên, kể cả các vấn đề về hải quan, tài chính, mua bảo hiểm, thanh toán, thu thập chứng từ liên quan đến hàng hóa”.
Theo điều 233 của Luật Thương mại Việt Nam năm 2019 định nghĩa “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách
13
hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô- gi-stíc.”
Có nhiều phương thức giao nhận vận tải, căn cứ vào nhu cầu của khách hàng, tính chất hàng hóa mà lựa chọn hình thức giao nhận phù hợp. Thị trường giao nhận vận tải Việt Nam chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ, giao nhận đường biển/thủy nội địa, đường hàng không.
Tóm lại có thể hiểu khái niệm dịch vụ giao nhận là dịch vụ về vận tải bao gồm tất cả các nghiệp vụ liên quan đến quá trình chuyên chở hàng hóa nhằm mục đích đưa hàng hóa từ nơi xuất khẩu đến nơi nhập khẩu.
Người giao nhận
Người giao nhận là người thực hiện các dịch vụ giao nhận theo sự uỷ thác của khách hàng hoặc người chuyên chở. Nói cách khác, người kinh doanh các dịch vụ giao nhận gọi là người giao nhận. Người giao nhận có thể là chủ hàng, là chủ tàu công ty xếp dỡ hay kho hàng hoặc người giao nhận chuyên nghiệp hay bất kỳ một người nào khác thực hiện dịch vụ đó.
Theo Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội giao nhận FIATA: “Người giao nhận là người lo toan để hàng hoá được chuyên chở theo hợp đồng uỷ thác và hành động vì lợi ích của người uỷ thác mà bản thân anh ta không phải là người chuyên chở. Người giao nhận cũng đảm nhận thực hiện mọi công việc liên quan đến hợp đồng giao nhận như bảo quản, lưu kho, làm thủ tục hải quan, kiểm hoá ...”
1.3.3. Phạm vi các dịch vụ giao nhận
Dịch vụ thay mặt người xuất khẩu
Người giao nhận với những thoả thuận cụ thể sẽ giúp khách hàng của mình (người xuất khẩu) những công việc sau:
- Lựa chọn tuyến đường vận tải.
- Ðặt/ thuê địa điểm để đóng hàng theo yêu cầu của người vận tải.
- Giao hàng hoá và cấp các chứng từ liên quan.
14
- Nghiên cứu các điều kiện của thư tín dụng (L/C) và các văn bản luật pháp của chính phủ liên quan đến vận chuyển hàng hoá của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu, kể cả các quốc gia chuyển tải (transit) hàng hoá, cũng như chuẩn bị các chứng từ cần thiết.
- Ðóng gói hàng hoá.
- Tư vấn cho người xuất khẩu về tầm quan trọng của bảo hiểm hàng hoá.
- Vận chuyển hàng hoá đến cảng, thực hiện các thủ tục về lệ phí ở khu vực giám sát hải quan, cảng vụ, và giao hàng hoá cho người vận tải.
- Nhận B/L từ người vận tải, sau đó giao cho người xuất khẩu.
- Theo dõi quá trình vận chuyển hàng hoá đến cảng đích bằng cách liên hệ với người vận tải hoặc đại lý của người giao nhận ở nước ngoài.
- Ghi chú về những mất mát, tổn thất đối với hàng hoá.
Dịch vụ thay mặt người nhập khẩu
Theo dõi quá trình vận chuyển hàng hoá trong trường hợp người nhập khẩu chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển.
- Nhận và kiểm tra tất cả các chứng từ liên quan đến quá trình vận chuyển hàng.
- Nhận hàng từ người vận tải.
- Chuẩn bị các chứng từ và nộp các lệ phí giám sát hải quan.
- Chuẩn bị kho hàng chuyển tải.
- Giao hàng hoá cho người nhập khẩu.
- Giúp người nhập khẩu trong việc khiếu nại đối với những tổn thất, mất mát của hàng hoá.
Các dịch vụ khác
Ngoài các dịch vụ kể trên, người giao nhận còn cung cấp các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách hàng như dịch vụ gom hàng, tư vấn cho khách hàng về thị trường mới, chiến lược xuất khẩu, các điều kiện giao hàng phù hợp, v.v...
15
1.3.4. Cơ sở pháp lý và nguyên tắc giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu
Cơ sở pháp lý
Nguồn luật quốc tế
- Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là Công ước CISG – United Nations Convention on Contracts for the International Sales of Good) được kí ngày 11/4/1980 tại Viên.
- Công ước Lahay ngày 15/6/1955 về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
- Công ước Rome ngày 19/6/1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
- Nghị định thư sửa đổi Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển (Nghị định thư Visby 1968).
Nguồn luật quốc gia
- Luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015 - Luật Thương mại 2019
- Luật Hải quan ngày 23 tháng 06 năm 2014, số 54/2014/QH13 - Luật Doanh nghiệp 2020
- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 04 năm 2016
- Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 1 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- Nghị định 187/2013/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý - mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
- Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
16
- Quyết định về việc ban hành quy định thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu số 1996/QĐ - TCHQ
- Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu thương mại.
- Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính Quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Tập quán quốc tế
- Incoterms (International Commercial Terms) do phòng Thương mại quốc tế ICC ban hành năm 1936.
- Quy tắc chung về tập quán và thực hành tín dụng chứng từ (UCP 600).
Nguyên tắc
Các văn bản này quy định những nguyên tắc của việc giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu về phương thức giao nhận, các thủ tục chứng từ cần thiết khi giao nhận hàng; quy định về sự ủy thác; quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, các bên tham gia vào quy trình để quy trình được tiến hành thống nhất với nhau.
1.4. Khái quát chung về hoạt động giao nhận hàng nguyên container Khái niệm
FCL là xếp hàng nguyên container, người gửi hàng có khối lượng hàng đồng nhất đủ để chứa đầy một container hoặc nhiều container, khi đó một hoặc nhiều container sẽ được sắp xếp để đóng và gửi hàng.
Những thủ tục chuyên chở hàng FCL:
− Container do người chuyên chở cung cấp hoặc chủ hàng thuê của công ty cho thuê container được chủ hàng đóng tại kho của mình hoặc ở những địa điểm nội địa khác, sau đó đưa container đến Hải quan kiểm tra và kẹp chì.
17
− Chủ hàng hoặc người giao nhận đưa các container đó về bãi container CY được người chuyên chở chi định để bốc hàng lên tàu.
− Tiến hành bốc xếp container lên tàu.
− Tại cảng đích người chuyên chở sẽ lo liệu việc dỡ và vận chuyển container xuống bãi container của mình hoặc của cảng.
− Người giao nhận hoặc người nhận hàng tiến hành làm thủ tục hải quan và đưa container về bãi container của mình và dỡ hàng.
Theo cách gửi FCL/FCL trách nhiệm được phân chia như sau:
Trách nhiệm của người gửi hàng
− Thuê và vận chuyển container rỗng về kho hoặc nơi chứa hàng của mình để đóng hàng.
− Tiến hành đóng hàng vào container.
− Thực hiện đánh mã ký hiệu hàng và ký hiệu chuyên chở.
− Làm thủ tục hải quan và niêm phong kẹp chì theo quy chế xuất khẩu.
− Vận chuyển và giao container cho người chuyên chở tại bãi container (CY).
− Nhận vận đơn do người chuyên chở cấp.
− Chịu các chi phí liên quan đến các thao tác nói trên.
Trách nhiệm của người chuyên chở
− Phát hành vận đơn cho người gửi hàng.
− Quản lý, bảo vệ, giữ hàng hóa chất xếp trong container từ khi nhận container tại bãi container ở cảng gửi cho đến khi tiến hành giao hàng cho người nhận.