Chương 2: TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP TẠI QUẬN HOÀNG MAI
2.2. Tình hình thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ở quận Hoàng Mai
2.2.1. Thực trạng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở quận Hoàng Mai
Hoàng Mai cùng với quận Thanh Xuân, quận Hà Đông, trong những năm gần đây đang có tốc độ phát triển rất nhanh chóng. Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Thành phố, Hoàng Mai đã và đang trở thành nơi thu hút khá nhiều lao động nhập cư từ mọi nơi, với đủ ngành nghề, độ tuổi và trình độ khác nhau. Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, tính đến năm 2017, dân số của quận Hoàng Mai là 384,9 nghìn người, đứng thứ 3 về quy mô dân số (sau quận Đống Đa và huyện Đông Anh) ở Hà Nội. Trong tương quan dân số giữa 14 phường của quận Hoàng Mai, phường Hoàng Liệt tập trung đông dân nhất với khoảng 6 vạn người, tương đương 1,54 vạn hộ trong khi diện tích chỉ có 485,05 ha, trong đó dân cư tập trung phần lớn ở khu đô thị Linh Đàm với ước chừng 4 vạn người. Trong số 6 vạn dân của phường Hoàng Liệt thì có 4,6 vạn là người nhập cư ngoại tỉnh, chiếm tỷ lệ 76,7%. Hơn nữa, trong những năm gần đây, Hoàng Mai là một trong những nơi có tốc độ tăng dân số nhanh nhất ở Hà Nội với 8.000 người nhập cư mới (theo số liệu năm 2017). Với cơ cấu và tốc độ tăng dân số như vậy, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp luôn là vấn đề cấp thiết cần ưu tiên giải quyết đối với chính quyền quận nói riêng và chính quyền thành phố Hà Nội nói chung trong những năm qua.
Theo ghi nhận của UBND quận Hoàng Mai, năm 2012 có 7.578 doanh nghiệp hoạt động xung quanh quận Hoàng Mai thì tính đến 12/2017, con số này đã tăng lên đến 13.415 doanh nghiệp, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp này khoảng 11vạn năm 2012 và 21 vạn năm 2017. Bên cạnh đó, còn một số lượng không nhỏ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn.
Dù trong thời điểm nào thì nhu cầu thuê mua nhà ở lâu dài của người lao động
39
cũng luôn chiếm tỷ lệ lớn - khoảng trên 80%; trong khi đó, hầu hết các công ty đều không có nhà ở cho người lao động. Một số công ty trong Khu công nghiệp Hoàng Mai có xây dựng nhà tạm cho công nhân nhưng chỉ giải quyết được nhu cầu rất nhỏ. Phần lớn người lao động thuê nhà trọ của các hộ cá nhân xây dựng với giá thuê phổ biến trong khoảng 1 - 2 triệu đồng/phòng/tháng. Khoảng 94,2% nhà trọ cho người lao động thuê trên địa bàn quận là do cá nhân hộ dân tự xây dựng. Trong đó, khoảng 60% nhà trọ không có giấy tờ hợp lệ hoặc chưa xin phép xây dựng; hơn 70% nhà trọ không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy và hơn 78% nhà trọ không đảm bảo tiện nghi sử dụng như: quạt, tủ, giường... Do quỹ đất còn đang khó khăn, giá đất đắt đỏ, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, chưa kể nguồn vốn xây dựng nhà cũng khá lớn, lâu thu hồi vốn nên các doanh nghiệp còn e dè trong việc xây nhà lưu trú cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hoàng Mai có định hướng xây nhà giá rẻ cho công nhân thuê để họ yên tâm làm việc nhưng còn gặp nhiều vướng mắc bởi nhiều yếu tố khách quan nên công tác thực hiện còn chậm trễ. Từ năm 2010 đến nay, hạ tầng giao thông khu vực quận Hoàng Mai liên tục được đầu tư xây dựng với nhiều dự án BT (hình thức hợp tác công tư - đổi đất lấy hạ tầng) trọng điểm: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens; dự án đường Tam Trinh nối dài từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 3 được thi công mở rộng gấp đôi so với trước đây; dự án mở rộng đường vành đai 2.5 sẽ giúp người dân sống tại quận Hoàng Mai rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm Thủ đô; dự án tuyến đường nối từ Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên kết nối đường Minh Khai với Vành đai 2.5,... Điều này góp phần làm cho giao thông quận Hoàng Mai ngày càng trở nên đồng bộ, giải quyết tình trạng tắc nghẽn đang xảy ra.
Trước sự chuyển mình của hệ thống hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản tại xung quanh quận Hoàng Mai ngày càng trở nên sôi động với
40
nhiều dự án đã và đang xin cấp phép triển khai trong năm 2017 - 2018: Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, dự án Green Park, dự án Gelexia Riverside,... Nếu trước năm 2013, các dự án nhà ở trên địa bàn quận đều là nhà ở thương mại, với giá bán trên 20 triệu đồng/m2 chủ yếu chỉ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho các hộ có điều kiện trung bình khá trở lên thì việc khởi công xây dựng khu nhà ở Xã hội Tây Nam Linh Đàm ngày ngày 28/05/2013 đã đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong thị trường nhà ở tại quận Hoàng Mai. Dự án do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội HUD Việt Nam tiến hành bàn giao nhà vào tháng 4/2016 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên triển khai và có quy mô lớn nhất tính đến hiện tại trên địa bàn quận. Dự án có tổng số 06 khối nhà với 09 tòa chung cư, chiều cao từ 9 đến 18 tầng với tổng diện tích xây dựng khoảng 75.815m2, cung cấp 1.037 căn hộ đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho gần 5.000 người dân. Giá bán căn hộ tính tới thời điểm tháng 12/2016 chỉ khoảng 11 triệu/m2, tức chỉ bằng một nửa so với giá của căn hộ nhà ở thương mại tương đương tại thời điểm đó. Tuy vậy, sự ra đời của dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm cũng mới chỉ giải quyết được 3% nhu cầu nhà ở của người lao động trên địa bàn tại thời điểm đó. Mặc dù sau đó các dự án nhà ở xã hội tại khu Đồng Mô, phường Đại Kim, dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ và dự án nhà ở xã hội Tam Trinh - phường Yên Sở cũng đã được hoàn thành và bàn giao 1.882 căn hộ cho người thu nhập thấp nhưng cùng với tốc độ tăng dân số thuộc hàng cao nhất trong các quận nội thành Hà Nội, số lượng khoảng 10.000 người có được nhà ở xã hội thì cũng mới chỉ đáp ứng 5% tổng nhu cầu nhà ở trên địa bàn quận. Như vậy, với tổng số 200.000 người thu nhập thấp có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, quận cần thêm tối thiểu khoảng 1,6 triệu m2 diện tích sàn xây dựng để đáp ứng nhu cầu này,tức 25 m2/căn hộ cho 3 người.
41
Bảng 2.2: Nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp năm 2015 Đối tượng Số người cần được hỗ trợ về nhà ở
Cán bộ, công chức nhà nước 1.642
Lao động tại các KCN 65.000
Các đối tượng thu nhập thấp khác 133.258
Tổng 200.000
Nguồn: Báo cáo tình hình dân số và nhà ở quận Hoàng Mai tháng 01 năm 2016 Nhu cầu về nhà ở của đối tượng người nhập cư rất cao. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 2/2012 của công ty VietRess (Vietnam Real Estate co.,ltd), công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường và tư vấn bất động sản tại Việt Nam, trên địa bàn quận Hoàng Mai có tới 917 trong tổng số 995 người được hỏi (92%) chưa có điều kiện ổn định về nhà ở, muốn chuyển đổi, xây dựng hoặc thuê nhà mới cho phù hợp với khả năng, điều kiện ăn ở, công tác. Trong đó, có 41,8% muốn mua quyền sử dụng đất và xây nhà trả góp theo quy hoạch của nhà nước, 38,1% muốn thuê nhà tập thể của Nhà nước. Tháng 8/2018, Trung tâm nghiên cứu nhà ở thuộc Bộ Xây dựng cũng làm cuộc khảo sát tương tự cho 1.000 người, kết quả đạt được có khả quan hơn với 845 người (84,5%) có nhu cầu chuyển đổi, xây dựng hoặc thuê nhà mới; trong đó 53% muốn mua quyền sử dụng đất và xây nhà trả góp, 31% muốn thuê nhà tập thể. So với năm 2012 thì năm 2018 số lượng người có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn quận đã giảm 7,5% và tỷ lệ nhu cầu mua nhà cũng cao hơn so với nhu cầu thuê nhà. Có được điều đó là nhờ sự hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội (Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm, nhà ở xã hội Tam Trinh Yên Sở, nhà ở xã hội Đại Kim) trong giai đoạn 2012 - 2018 trên địa bàn quận đã giải quyết phần nào vấn đề chỗ ở cho người dân cũng như nền kinh tế giai đoạn này có bước phục hồi tốt, thu nhập và tích lũy của người dân cũng tăng hơn giai đoạn trước nên nhu cầu “có nhà” lớn hơn nhu cầu
42
“thuê nhà”. Tuy vậy, mặc dù nhu cầu nhà ở của người dân đã được giảm bớt nhưng vẫn còn rất cao tính đến năm 2017 (84,5%).
Tính từ năm 2010 tới tháng 12/2017, dân số của Hoàng Mai tăng 55,9 nghìn người. Dân số tăng theo từng năm, nhu cầu nhà ở cũng vì thế tăng theo trong khi quỹ nhà ở hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu về nhà ở vẫn đang tăng qua từng năm. Trên toàn quận hiện có 106.738 hộ nhưng quỹ nhà tính đến cuối năm 2018 chỉ có 44.438 (tức khoảng 41,5% số hộ có nhà) [22, tr.42]. Trong đó, nhu cầu nhà ở cấp thiết hơn cả vẫn tập trung ở các phường Hoàng Liệt, Định Công, Vĩnh Hưng, Hoàng Văn Thụ.