Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1. Thực trạng về phát triển du lịch sinh thái huyện Củ Chi
4.1.1 Giới thiệu về huyện Củ Chi
4.1.1.1 Lịch sử
Theo dân gian thì vùng Củ Chi xưa có rất nhiều cây Củ Chi (tên ngày nay tthường gọi là cây Mã Tiền) cho nên những cư dân đầu tiên đã đặt tên cho vùng đất này là Củ Chi. Củ Chi là vùng đất được người Việt khai phá trong những năm đi mở cõi vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII thuộc tỉnh Gia Định, bao gồm toàn bộ phần đất của hai tổng Long Tuy Hạ và Long Tuy Trung, một phần của hai tổng Long Tuy Thương và Bình Thạnh Trung của huyện Hóc Môn ngày nay.
Ngày 29/4/1957, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 138-BNV-HC- NĐ, theo Nghị định này, địa bàn các tổng Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung và Long Tuy Hạ được tách khỏi tỉnh Gia Định để thành lập quận Củ Chi thuộc tỉnh Bình Dương. Năm 1963 Củ Chi bị chia thành 2 quận: quận Củ Chi nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập và quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương. Trong chiến tranh chống Mỹ, tuy Củ Chi là chiến trường ác liệt phía Bắc Sài Gòn -Gia Định nhưng người dân quyết bám trụ giữ làng, địa đạo Củ Chi cũng được bắt nguồn từ đây.
Chính từ những cống hiến, hy sinh trong kháng chiến Củ Chi được Đảng và Nhà nước phong tặng huân chương Thành Đồng, danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” từ năm 1967 và Huyện “Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động”
trong thời kỳ đổi mới; có 2 đơn vị Lực lượng võ trang và 16/21 xã, thị trấn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 29 cá nhân anh hùng, 772 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa IV đổi tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Sài Gòn-Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh thì quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương trở thành huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
4.1.1.2 Điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý:
Huyện Củ Chi có tọa độ địa lý từ 10053’00” đến 10010’00” vĩ độ Bắc và từ 106022’00” đến 106040’00” kinh độ Đông, nằm ở phía Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh, gồm 20 xã và một thị trấn với diện tích 43.450,2 ha, bằng 20,74% diện tích toàn Thành phố. (Bản đồ giao thông du lịch huyện Củ Chi, Phụ lục 4)
ã Phớa Bắc giỏp tỉnh Tõy Ninh.
ã Phớa Đụng giỏp tỉnh Bỡnh Dương.
ã Phớa Nam giỏp huyện Húc Mụn, ã Phớa Tõy giỏp tỉnh Long An.
Thị trấn Củ Chi là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện, cách trung tâm Thành phố 50Km về phía Tây Bắc theo đường xuyên Á. Củ Chi có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi (cả đường bộ và đường thủy), có tiềm năng về tài nguyên, di tích lịch sử, văn hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và vườn cây ăn trái thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại địa phương cũng như gắn kết du lịch với các tỉnh lân cận.
b. Địa hình, địa mạo:
Địa hình huyện Củ Chi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam bộ và miền sụt Đông Nam bộ, với độ cao giảm dần theo 2 hướng Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam. Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 8m – 10m.
Ngoài ra địa bàn huyện có tương đối nhiều ruộng, đất đai thuận lợi để phát triển nông nghiệp so với các huyện trong Thành phố.
c. Khí hậu:
Huyện Củ Chi nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất cận xích đạo. Khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, với đặc trưng chủ yếu là: Nhiệt độ tương đối ổn định, cao đều trong năm và ít thay đổi, trung bình năm khoảng 26,60 C. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28.80C (tháng 4), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 24,80C (tháng 12). Tuy nhiên biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, vào mùa khô có trị số 80 – 100C.
Lượng mưa trung bình năm từ 1.300 mm – 1770 mm, tăng dần lên phía Bắc theo chiều cao địa hình, mưa phân bổ không đều giữa các tháng trong năm, mưa tập trung vào tháng 7,8,9; vào tháng 12,tháng 1 lượng mưa không đáng kể. Độ ẩm không khí trung bình năm khá cao 79,5% cao nhất vào tháng 7,8,9 là 80 – 90%, thấp nhất vào tháng 12,1 là 70%. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm là 2.100 – 2920 giờ.
Huyện nằm trong vùng chịu ảnh hưởng gió mùa Tín phong hướng Đông Nam hoặc Nam từ tháng 2 đến tháng 5, gió Tây – Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 9 và gió Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
d. Thủy văn:
Huyện Củ Chi có hệ thống sông, kênh, rạch khá đa dạng, với đặc điểm chính là sông Sài Gòn chịu chế độ ảnh hưởng dao động bán nhật triều, với mực nước triều bình quân thấp nhất là 1,2m và cao nhất là 2,0 m. Các hệ thống kênh rạch tự nhiên khác, đa số chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Sài Gòn như Rạch Tra, Rạch Sơn, Bến Mương … Riêng chỉ có kênh Thầy Cai chịu ảnh hưởng chế độ thủy văn của sông Vàm Cỏ Đông. Nhìn chung hệ thống sông, kênh, rạch trực tiếp chi phối chế độ thủy văn của huyện và nét nổi bật của dòng chảy và sự tác động của thủy triều theo chế độ bán nhật triều. .(Huỳnh Thị Loan Phương, 2014).
4.1.1.3 Điều kiện xã hội
Dân số Củ Chi hiện ước trên 411 ngàn người, trung tâm hành chính là thị trấn Củ Chi, cách Thành phố 50km theo trục đường xuyên Á và 20 xã là Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Thái Mỹ, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông và Phước Vĩnh An. Toàn huyện Củ Chi có 13 dân tộc sinh sống. trong đó người Kinh chiếm đa số: với tỷ lệ 99,36% tổng số dân. Kế đến là người Hoa chiếm 0,58%, người Khơ-me chiếm 0,04%. Các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, H’mông, Dao…chiếm tỉ lệ không đáng kể. (Đề án xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, 2017)
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, là địa bàn tiếp giáp với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều hệ thống kênh rạch, thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy, bộ phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đa số người dân sống bằng nghề nông và nghề tiểu thủ công nghiệp như : ép đậu phộng lấy dầu, xay xát gạo, làm bánh tráng, đan lát đồ tre trúc.
4.1.1.4 Đặc điểm tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Củ Chi là 43.450,2ha và căn cứ nguồn gốc phát sinh có 3 nhóm đất chính sau:
Nhóm đất phù sa là một loại đất thích hợp trồng cây trong nông nghiệp sản xuất lúa nước 2 - 3 vụ và sử dụng một phần diện tích nhỏ cho việc trồng cây ăn trái.
Nhóm đất xám dễ thoát nước, thuận lợi cho cơ giới hóa và thích hợp với các loại cây công nghiệp hàng năm như cao su, điều, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, đậu vì khả năng bảo vệ và cải tạo đất tốt.
Nhóm đất đỏ vàng hình thành trên sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ và mẫu chất khác nhau. Đặc điểm của nhóm đất này là chua, độ no bazơ thấp,khả năng hấp thụ không cao, khoáng sét phổ biến là Kaolinit, axit mùn chủ yếu là fuvic, chất hòa tan dễ bị rửa trôi rất khó trồng trọt và tốn nhiều công sức cải tạo.
b. Tài nguyên nước: Nguồn nước của huyện chủ yếu là nước ở các sông, kênh, rạch, hồ, ao. Tuy nhiên, phân bố không đều tập trung ở phía Đông của Huyện (sông Sài Gòn) và trên các vùng trũng phía Nam và Tây Nam với chiều dài gần 300 km cả hệ thống, đa số chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều. Theo các kết quả điều tra khảo sát về nước ngầm trên địa bàn huyện Củ Chi cho thấy, nguồn nước ngầm khá dồi dào và đang giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
c. Tài nguyên rừng :
Theo số liệu thống kê, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của huyện khá hạn chế khoảng 319,24 ha chiếm 0,7% tổng diện tích toàn huyện, trong đó rừng tự nhiên 139,27 ha, chiếm tỷ lệ 43,63% và rừng trồng là 179,97 ha, chiếm tỷ lệ 56,37% so với diện tích đất có rừng. Rừng tự nhiên chủ yếu ở các khu bảo tồn, khu di tích lịch
sử nên trữ lượng không nhiều, đây cũng là hạn chế về phát triển DLST dựa trên tài nguyên rừng của Huyện so với nơi khác. (Huỳnh Thị Loan Phương, 2014).
4.1.1.5. Tình hình kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 13,24%
so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ tăng 13,40% so với cùng kỳ. Hiện nay, toàn huyện đã có 10 khu, cụm công nghiệp, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 50 nghìn lao động nông thôn. Nhờ mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất trên 1ha của bà con nông dân Củ Chi đạt 258 triệu đồng mỗi năm (tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước), tổng đàn trâu bò hơn 96.000 con, trong đó bò sữa gần 74.000 con đã giúp thu nhập bình quân đầu người dân tăng lên từ 40 triệu đồng/năm (năm 2015) lên gần 46,188 triệu đồng năm 2016.
Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hoa lan, bò sữa, heo hiện còn khó khăn; việc xây dựng đề án nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, môi trường, tình hình phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều vấn đề cần bàn.Trong giai đoạn 2016-2017, Huyện có 3.153 hộ nghèo (chiếm 2,99%), 5.356 hộ cận nghèo (chiếm 5,09%) và 2/20 xã còn trong nhóm tiêu chí hộ nghèo (Đề án xây dựng nông thôn mới huyên Củ Chi, 2017).