CHƯƠNG 3 PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN BI KỊCH CON NGƯỜI CÁ NHÂN
3.3. Giọng điệu trần thuật
3.3.1. Giọng giễu nhại, mỉa mai
Có thể nói giọng điệu giễu nhại, mỉa mai là một trong những chất giọng được Lê Lựu thể hiện đậm nét trong tác phẩm của mình. Mỉa mai là lối “giễu cợt bằng cách nói cạnh khóe hoặc nói ngược lại điều ai cũng thấy rõ”. Chính chất giọng đó đã giúp nhà văn đưa những yếu tố của văn học trào tiếu dân gian vào tác phẩm khiến tác phẩm của ông gần gũi hơn với bạn đọc.
Cuộc hôn nhân giữa Sài và Tuyết là cảnh bồng bồng cõng chồng đi chơi..., bởi vậy nó đã có bao điều bất ổn. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ con Sài - Tuyết là chuỗi dài những nụ cười, nước mắt, những bi, hài kịch. Lúc nhỏ, khái niệm vợ với Sài chỉ là “người quét cái sân và cái ngõ dài thăm thẳm”, là những phản kháng, ấm ức trẻ con đến nực cười: không đi cùng, không ngồi cùng phía, không nhờ xới cơm, không chấm cùng bát... Giọng điệu đó bật ra từ những lời nói, hành động, cử chỉ của một anh chồng trẻ con: “Bố mày đến đây thì đếch sợ, ông huých cho chó nó cắn lồi mắt bố mày ra”, “làm xong việc nó chạy òa như con gà, con ngan vừa bị nhốt ra khỏi lồng” [9, tr. 120] Lớn lên, Tuyết đã trở thành nỗi ám ảnh với Sài, khiến anh luôn tìm cách lẩn tránh, thậm chí trở thành một trong những nguyên nhân khiến anh quyết chí đi bộ đội,... đi bất cứ nơi đâu miễn là không nhìn thấy Tuyết Sài không những không yêu mà còn ghét Tuyết.
Trong con mắt Sài, Tuyết luôn hiện lên xấu xí, thô kệch, thậm chí... ngu đần!
Thực ra Tuyết không xấu đến mức như vây. Cô cũng là một cô gái khỏe mạnh, có duyên và hoàn toàn có thể có được hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống chung với Sài từ những ngày còn bé tí có lẽ đã khiến Tuyết mất ý thức về bản thân mình, khiến cô trở nên khổ sở, tự ti. Và cô tìm cách làm đẹp mình, để được chồng yêu. Nhưng khốn khổ thay, những gì cô làm lại trở nên phản cảm, bởi sự kệch cỡm, lố bịch, thiếu sự cân đối, hài hòa. Lê Lựu đã mô tả sự trái khoáy ấy bằng đoạn văn tả chân dung của Tuyết trong lần đi thăm chồng. Ông dựng lên trước mắt người đọc một bức chân dung trọn vẹn, hoàn chỉnh về diện mạo, trang phục, hành động, cử chỉ, lời nói... cụ thể đến mức chi tiết, sinh động.
Đó là chân dung cô gái quê Hạ Vị với “một cái áo sơ mi nõn chuối, một cái áo lót đông xuân màu hồng mặc phía trong” với “đầu chải bêxăngtin nhếnh nháng lật ngược và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải toan nhuộm màu nâu non còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai” [9, tr.150]. Cách tiếp cận đối tượng từ khoảng cách gần cùng với lối so sánh ví von độc đáo, gần như phóng đại khiến người đọc bật cười trước sự tương phản cực mạnh giữa tỉnh - quê, mốt - lạc hậu, đẹp - xấu... Dường như để bức chân dung kia thêm hoàn hảo, Lê Lựu đã đưa những nét vẽ cuối cùng với những mảng màu thừa được
trộn hổ lốn: “Chiếc quần súng sính dài quét gót, nhưng lại xắn vận vào cạp, kéo ống lên ngang cổ chân để lộ đôi bàn chân to bè bè, chi chít từng vệt gai cào. Nó căng lên nứt nẻ bởi những quai dép cao su chằng cả phía trước và phía sau” rồi
“cả áo trong, áo ngoài kéo lên để lộ từng mảng lưng đen lằn từng múi thịt” [9, tr.157]. Sự thô kệch của Tuyết khiến người đọc lo lắng thay cho cô: cô sẽ khiến chồng yêu mình thế nào đây, trong khi Sài đối với cô đã có quá nhiều ác cảm?
Lời văn của Lê Lựu giản dị, tự nhiên, lôi cuốn, sinh động và hài hước. Miêu tả hành động, cử chỉ của Tuyết, nhà văn sử dụng hàng loạt từ ngữ khôi hài: chuỗi động từ, từ láy tượng hình... cô reo lên, cười toe toét, son són đi trước, bạch bạch ra ngoài, nói cười hớn hở, lại bạch bạch về, lại nói cười hổn hển, huyên thuyên táo tợn... để người đọc thấy sự vô duyên đến nực cười của Tuyết. Khai thác mối quan hệ giữa đôi vợ chồng Sài - Tuyết, Lê Lựu đã cho thấy những bất ổn, những khập khiễng trong cuộc sống của họ và từ đó, tiếng cười cất lên như một sự cảm thông cho những hành động lạc điệu. Đằng sau tiếng cười ấy là sự xót xa, chua chát của một trái tim giàu lòng nhân ái và mẫn cảm với cuộc đời.
Giọng điệu giễu nhại, mỉa mai thể hiện qua cách miêu tả bữa ăn, sau khi đời sống nông thôn làng Hạ Vị được đổi mới, nhà văn đã lột tả được tính sĩ diện, chạy theo thành tích “Ai cũng vội vàng, hối hả, chạy lên chạy xuống, hò hét con cái, tưởng là phải mổ trâu, mổ bò, hóa ra bữa cơm nhà nào cũng chỉ có nồi bánh đúc bằng bột ngô xay với khoai lang cạo vỏ, sắt từng khúc như miếng dồi (…). Chỉ có thế nhưng nhà nào cũng sôi nổi đầy khí thế” [9, tr. 112]. Trào lộng trong cách ăn bánh đúc bột ngô của người dân. Họ ăn theo kiểu “quành một vòng trên miệng bát thuần thục nhanh nhẹn như nhà họa sĩ, nhà toán học vẽ các vòng tròn” [9, tr. 112]. Sự đi lên của làng Hạ Vị thật mỉa mai “Giữa cái khí thế năm nào cũng đi lên của toàn xã, thực ra cũng có năm thất bát huyện phải
“dựng nó” nhưng trong báo cáo của xã không năm nào chịu “đi xuống”,” [9, tr. 113].
Không chỉ phê phán bằng mỉa mai, Lê Lựu còn giễu nhại mặt trái của cuộc sống. Đó là cách biến thành trò cười tất cả những gì có cái vỏ bề ngoài nghiêm túc bằng cách tô đậm tính lố bịch, vô nghĩa, lỗi thời của nó.
Miêu tả cảnh đám tang ông đồ, nhà văn giễu nhại thứ quan hệ giả dối của lũ người xu nịnh, cơ hội: "Nhưng cũng còn cơ man nào là người không biết từ huyện xã nào ngơ ngác và thậm thụt, cung kính và cười cợt, nghênh ngang và khúm núm, họ là vô số người chưa biết cụ đồ là ai, cũng không phải vì lòng ngưỡng mộ một gia đình cách mạng, một cuộc sống mẫu mực hoặc vì sự yêu mến thân thiết người em, người con cụ (…). Họ phải liếc mắt xem thắp hương và khấn vào lúc nào, đứng ở đâu để ông Hà hoặc anh Tính chứng kiến nỗi lòng đau khổ, cung kính của họ: "Con là Trần Văn Đật phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi thôn Thượng, xã Hồng Thuỷ kính viếng linh hồn cụ đồ sống khôn chết thiêng chút lòng thành nhỏ mọn của con...". Với "Tút Tam Thanh và chục bó hương dâng lên trước mặt, anh khấn rồi quỳ sụp xuống lễ ba lễ: đứng dậy, hai mắt đỏ hoe anh lẩy bẩy đặt lên bàn thờ chỗ đã chồng chất hương hoa... vẫn cúi đầu vẻ đau đớn nhưng trong bụng đã có thể chắc chắn về cái đơn xin hai nghìn ngói đang nằm chỗ Tính ... và nếu cần, anh sẽ " khấn" lại tên tuổi của anh để Tính khỏi quên” [9, tr. 198 - 199]. Giọng giễu nhại của nhà văn Lê Lựu nhiều khi cay đắng và nghiệt ngã. Nó cho thấy thái độ căm ghét sự giả dối, sáo rỗng, cái lỗi thời đẩy con người vào bi kịch đau đớn.
Lê Lựu giễu nhại những quan điểm giáo điều, xơ cứng. Ông đã phanh phui ra những cái đáng cười của cơ chế kiểm tra, khen thưởng: “Ai lại ở một cơ quan chính trị mà chỉ xem anh nào tốt anh nào xấu, cuối năm có được biểu dương khen thưởng hay không là ở chỗ có tích cực tăng gia hay không. Có khi sự tích cực ấy không đem lại kết quả gì vẫn còn hơn anh thức suốt đêm anh thức cả tháng để viết một vở chèo. Cũng có lúc chẳng cần biết anh có tăng gia hay tăng gia được cái gì chỉ cần thấy anh tỉ mẩn buộc từng bó tre ngâm mang theo đi diễn tập, cái bật lửa dùi lắp luồn dây dù qua rồi gài gài kim băng vào túi quần và không bao giờ hỏi ai xin tăm mà anh lại không sẵn cái ống đựng Appêrin bằng nhôm trắng đầy tăm, chiếc nào cũng tròn, nhẵn đều tăm tắp. Người như thế có thể kết luận là chịu khó tăng gia, tăng gia nhất định giỏi” [9, tr. 105 - 106].
Có thể nói, qua giọng điệu giễu nhại, mỉa mai trong Thời xa vắng, Lê Lựu đã thể hiện một cái nhìn phi thành kính, thậm chí nhiều khi cay đắng, tàn nhẫn trước những cái xấu, cái lỗi thời. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy chân dung của một nhà văn rất cá tính và giàu tâm huyết với cuộc đời.