Một số hạn chế của mô hình Z-score và điều kiện để ứng dụng mô hình Z-

Một phần của tài liệu Nghiên cứu dự báo khả năng phá sản các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam bằng mô hình z score (Trang 52 - 56)

2.7.1. Một số hạn chế của mô hình Z-score

Thứ nhất, mô hình Z-score đưa ra các hệ số cố định đối với các chỉ số tài chính trong công thức tính Z. Điều này có thể dẫn đến không phù hợp với việc phân tích, đánh giá các doanh nghiệp ở những môi trường khác nhau bởi tính chất của các chỉ số tài chính trong mỗi môi trường khác nhau cũng có thể khác nhau.

Thứ hai, mô hình Z-score chỉ xác định được doanh nghiệp nằm trong vùng an toàn, vùng cảnh báo hoặc vùng có nguy cơ cao. Với các doanh nghiệp được xác định nằm trong cùng một vùng rủi ro thì việc so sánh sự tương quan giữa các doanh nghiệp phải kết hợp với nhiều phương pháp xếp hạng khác.

Thứ ba, ngoài những yếu tố trong chỉ số tài chính, còn có những yếu tố phi tài chính thực sự có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như, những rủi ro trong hoạt động kinh doanh có thể tăng cao do các nguyên nhân khách quan như sự thay đổi về chính sách, khủng hoảng kinh tế, khả năng quản trị doanh nghiệp...

47

Thứ tư, mô hình Z-score được tạo dựng dựa trên phương pháp nghiên cứu phân tích thống kê. Vì vậy, mô hình Z-score rất có thể bị sai lệch khi mẫu không hoàn toàn đại diện một cách đầy đủ cho toàn bộ các cá thể tồn tại.

Cuối cùng, việc dự đoán của mô hình dựa trên phần lớn là số liệu kế toán, do đó không thể loại trừ khả năng gian lận kế toán, làm đẹp báo cáo tài chính. Điều đó có thể dẫn đến một sai sót trong dự báo rằng doanh nghiệp có thể nằm trong vùng an toàn trong nghiên cứu nhưng thực tế lại ẩn chứa rủi ro phá sản cao.

2.7.2. Điều kiện để ứng dụng mô hình Z-score trong môi trường Việt Nam Để khai thác được hết tính ưu việt của mô hình Z-score trong việc dự báo rủi ro phá sản của các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết phải đáp ứng được điều kiện quan trọng và cần thiết nhất là tính minh bạch và công khai của cơ sở dữ liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu của các cam kết khi hội nhập, hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước được công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, thiếu tính tập trung, nằm rải rác trong các báo cáo của các bộ, ngành và cơ quan thống kê, hoặc một số báo cáo nghiên cứu, điều tra, khảo sát. Các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chưa được xây dựng bài bản, chưa có tính liên tục, đa dạng, đa chiều để có thể khai thác hiệu quả. Điều này dẫn tới đánh giá về doanh nghiệp chỉ mới dừng ở một số khía cạnh, góc độ nhất định mà chưa có cái nhìn tổng thể, toàn diện và chỉ phù hợp với phương pháp phân tích truyền thống.

Để khắc phục điều này, cần phải xây dựng có lộ trình một hệ thống cơ sở dữ liệu, hoàn thiện cơ sở pháp lý về công khai thông tin của doanh nghiệp, hướng đến thống nhất một đầu mối quản lý và cung cấp số liệu chính thống, có độ chính xác và tin cậy cao, trên nguyên tắc cung cấp đầy đủ các chỉ tiêu, thông tin doanh nghiệp và được phân loại theo số lượng, quy mô, loại hình doanh nghiệp, địa phương, hình thức sở hữu, ngành, lĩnh vực... Đây là một điều kiện quan trọng

48

không chỉ để đáp ứng cho việc sử dụng mô hình Z-score mà còn là nền tảng để ứng dụng nhiều công cụ đo lường hữu ích khác trong tương lai (như mô hình hồi quy Logit, mô hình Black-Scholes-Merton…) vào việc phân tích, đánh giá và dự báo tình trạng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những nghiên cứu cụ thể hơn để đưa ra mô hình điều chỉnh với những chỉ tiêu phù hợp với tình hình, đặc điểm và thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, để khắc phục những hạn chế nội tại của mô hình Z-score, nên tận dụng các ưu điểm của các phương pháp khác thông qua cách thức sử dụng kết hợp các phương pháp trong phân tích, đánh giá.

Mặc dù mô hình còn tồn tại một số hạn chế, nhưng thông qua việc mô hình Z-score đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong một thời gian dài ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như kết quả nghiên cứu phân tích thực nghiệm ứng dụng ở Việt Nam cho thấy, mô hình Z-score vẫn chứng tỏ được tính ưu việt trong phân tích, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, phân loại vùng rủi ro, xếp hạng tín dụng, đánh giá mức độ phá sản của doanh nghiệp. Do đó, nhóm chúng tôi sẽ sử dụng mô hình điểm Z làm cơ sở nghiên cứu để đưa ra dự báo về nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

49

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, chúng tôi chủ yếu đi sâu vào lý thuyết về phá sản và rủi ro phá sản nhằm trả lời cho câu hỏi nghiên cứu thứ nhất: “Đặc điểm, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng phá sản doanh nghiệp” đồng thời chỉ ra tầm quan trọng trong việc cần phải có một mô hình dự báo rủi ro phá sản phù hợp với doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Việc phân tích và hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp là quan trọng trong vấn đề dự báo cũng như đưa ra các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa về sau. Không những thế, doanh nghiệp phá sản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những chủ thể liên quan đến nói, mà còn gây tác động đến tổng thể nền kinh tế nói chung. Vì vậy, phần lý thuyết này không thể thiếu trong việc phân tích những vấn đề liên quan đến phá sản.

Ngoài ra, chương 2 còn phân tích cơ sở lý thuyết mô hình Altman Z-score cũng như phương pháp biệt số bội MDA. Trong phần phân tích này, chúng tôi đã tìm hiểu và phân tích các bước tiến hành để tạo nên mô hình dự báo phá sản đa biệt thức Altman Z-score, thực nghiên cứu các kiểm nghiệm của Altman từ đó đưa ra những kết luận về phần trăm dự báo chính xác của mô hình trong việc dự báo phá sản nhằm chỉ ra rằng mô hình điểm Z là mô hình tối ưu trong phân tích và dự báo phá sản, chính là cơ sở cho phương pháp nghiên cứu mà chúng tôi sẽ sử dụng. Tuy nhiên, do nhận thấy mô hình điểm Z được lập tại Mỹ - môi trường kinh doanh khác với Việt Nam, do đó đã tiến hành phân tích hạn chế của mô hình cũng như một vài điều kiện để ứng dụng mô hình tại Việt Nam, góp phần củng cố thêm cơ sở lý thuyết nghiên cứu cho những nghiên cứu sau về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu dự báo khả năng phá sản các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam bằng mô hình z score (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)