CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KẾ TOÁN VỐN BẰNG TIỀN VÀ CÁC KHOẢN PHẢI THU CỦA KH TẠI CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VIỆT NAM
2.3. Đánh giá về công tác kế toán vốn bằng tiền và các khoản phải thu của KH tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bền Vững Việt Nam
2.3.1. Ưu điểm
Về tổ chức bộ máy quản lý:
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bền Vững Việt Nam có cơ cấu tổ chức quản lý từ cấp trên xuống cấp dưới một cách chặt chẽ và hợp lý. Giám đốc là người quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của công ty, giám sát chung hoạt động của các bộ phận, chủ trì xây dựng kế hoạch HĐKD và chiến lược hoạt động, phát triển của công ty. Cấp dưới và các phòng ban thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên và những công việc phòng ban của mình. Cơ cấu tổ chức phù hợp, mọi công tác thực hiện, giám sát đều dễ theo sát và dễ quản lý.
Về tổ chức công tác kế toán:
Bộ máy kế toán của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bền vững Việt Nam được tổ chức một cách đơn giản và tương đối hợp lý. Mọi hoạt động đều được tiến hành dưới sự chỉ đạo và giám sát của Kế toán trưởng. Kế toán trưởng - người có bề dày kinh nghiệm, công tác nhiều năm trong nghề. Các nhân viên đều có trình độ Đại học, có kĩ năng và kiến thức kế toán tốt. Các nhân viên luôn được học tập, trau đồi kiến thức, tham gia những lớp tập huấn, đào tạo để cập nhật những quy định mới trong pháp luật về kế toán.
Về hình thức và chế độ kế toán:
Công ty đang sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT - BTC ban hành vào ngày 26/08/2016. Bên cạnh đó, công ty sử dụng sổ Nhật ký chung tiện cho việc ghi chép lại các nghiệp vụ kế toán, vì từng nghiệp vụ đều ghi tuần tự theo từng ngày trên Sổ Nhật ký chung .
Về chứng từ kế toán:
Các chứng từ sử dụng đều theo mẫu quy định của BTC. Các chứng từ kế toán cũng như các tài khoản kế toán của công ty được áp dụng một cách thống nhất.
Việc luân chuyển chứng từ và sử dụng tài khoản kế toán luôn được thực hiện theo đúng quy định được ban hành.
Về kế toán tiền mặt:
Hàng ngày, công ty phát sinh các nghiệp vụ luân chuyển tiền mặt, nghiệp vụ thu, chi lớn cho thấy đơn vị đã đảm bảo được vốn kinh doanh được hoạt động liên tục. Đặc biệt trong HĐKD của công ty không có hiện tượng khan hiếm tiền mặt, luôn tìm cách cho đồng tiền được sinh lãi, đem lại hiệu quả ngày càng lớn.
Về kế toán TGNH:
Công ty đã quản lý khá chặt chẽ việc nhận tiền hay xuất tiền tại tài khoản NH của công ty. Tiền gửi tại ngân hàng của công ty lớn sẽ là điều kiện thuận tiện giúp công ty tiến hành việc thanh toán số tiền vay mượn đã đến hạn thanh toán để tránh tình trạng trả lãi vay quá hạn và số tiền trong ngân hàng còn có thể sử dụng để chi trả các công việc quan trọng khác. Nhìn chung công ty đã ghi chép khá đầy đủ, rành mạch và trình bày có khoa học giúp dễ dàng theo dõi và thuận tiện trong việc kiểm tra. Đây là điều kiện thuận tiện giúp lãnh đạo điều khiển mọi công việc.
Về kế toán các khoản phải thu:
Công tác tổ chức kế toán của công ty là khá phù hợp, đội ngũ kế toán phối hợp làm việc nhịp nhàng giúp cho việc thực hiện những nhiệm vụ có thể tiến hành nhanh và có sự thống nhất cao. Để dễ dàng cho việc theo dõi những khoản thu chi, công ty đã thành lập sổ theo dõi những khoản công nợ cần thu. Việc theo dõi kịp thời giúp công tác kế toán thuận lợi và nhanh chóng cho việc đối chiếu và kiểm soát những số liệu lúc cần và có số liệu hoàn toàn chính xác nhằm đề ra các quyết sách phù hợp.
2.3.2. Nhược điểm
* Về kế toán tiền mặt:
- Hạn mức tiền mặt tồn quỹ của công ty vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng. Chưa có mức quy định về hạn mức cụ thể nên có thời điểm tồn quỹ tiền rất lớn nhưng cũng có thời điểm tồn quỹ lại không còn nhiều.
- Việc quản lý quỹ tiền mặt vẫn chưa được DN thực hiện chặt chẽ và nghiêm ngặt. Việc kiểm đếm số tiền mặt tồn quỹ, so sánh với sổ kế toán tiền mặt đôi khi thủ quỹ chưa thực hiện theo như quy định. Việc kiểm kê quỹ chưa được thực hiện
thường xuyên hoặc theo định kỳ và vẫn còn xảy ra sai sót. Việc không sâu sát trong quản lý quỹ sẽ gia tăng rủi ro và gây tổn cho DN. Việc quản lý quỹ tiền mặt là việc quan trọng cần được tiến hành nhằm ngăn ngừa nguy cơ có hại cho DN.
* Về kế toán TGNH:
Qua việc tìm hiểu về TGNH của công ty cho thấy lượng phát sinh trong tháng của công ty khá lớn và số dư cuối tháng còn nhiều chứng tỏ công ty chưa sử dụng hiệu quả lượng TGNH nhàn rỗi. Nhiều khoản thanh toán lớn hơn 20 triệu đồng chưa được công ty thanh toán qua ngân hàng mà vẫn sử dụng tiền mặt. Điều này dễ gây ra nhầm lẫn và soi sót, mất nhiều thời gian và nhân lực khi kiểm đếm số tiền.
* Về kế toán các khoản phải thu KH:
- Nói chung việc kế toán những khoản phải thu của KH đã có hiệu quả nhưng nhìn chung chất lượng cũng như tỷ lệ thu hồi nợ phải thu của KH vẫn không cao. Dư âm của đại dịch Covid -19 đã để lại thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế trong nước nói chung và cho Việt Nam nói riêng. Nhiều DN lớn nhỏ lâm vào cảnh phá sản vì không có tiền trả nợ. Chính vì thế, công ty có một số khoản nợ phải thu đang tồn đọng. Công ty không có nhân viên phụ trách việc thu hồi nợ trực tiếp mà hầu hết chỉ là nhân viên kế toán thực hiện và với nghiệp vụ tài chính kế toán không tốt công việc thu hồi sẽ bị gián đoạn.
- Những khoản phải thu KH công ty chưa mở sổ theo dõi theo từng KH cụ thể nên chưa thể hiện được số dư chi tiết của từng đối tượng KH. Những khoản nợ cũng không được công ty theo dõi theo tuổi nợ. Chính vì thế mà công ty không thể nắm được khoản nợ một cách dễ dàng và gặp trở ngại trong việc đôn đốc thu hồi nợ của KH.
- Công ty chưa có biên bản đối chiếu công nợ với KH. Việc đối chiếu công nợ với KH là điều quan trọng trong công tác thu hồi công nợ phải thu mà công ty cần thực hiện. Nó là căn cứ để kiểm tra tình trạng KH trả nợ và giúp kế toán dễ dàng kiểm soát số công nợ cần thu. Đặc biệt với các công trình XDCB là thu hồi vốn rất chậm, nếu không theo dõi rất dễ dẫn đến việc không khớp giữa hai bên, điều đó sẽ làm chậm cho việc thanh toán hơn nữa.
- Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bền Vững Việt Nam chưa tiến hành trích lập DP các khoản nợ quá hạn. Nếu xảy ra rủi ro đáng tiếc, công ty không thể bù đắp
được phần thiệt hại do không thu hồi được nợ từ KH.
- Công ty chưa có những chính sách chiết khấu thanh toán vì thế chưa khuyến khích KH thanh toán sớm, trước hạn, chưa hạn chế việc nguồn vốn của công ty bị chiếm dụng lâu dài. Công ty cũng chưa có chính sách chiết khấu thương mại với những KH mua dịch vụ lớn.
* Một số vấn đề khác:
Về việc tập hợp chứng từ đôi khi cũng bị chậm. Chứng từ là căn cứ xác định HĐKD cụ thể và là cơ sở giúp kế toán xác định doanh thu và lập sổ sách kế toán nên việc tập hợp chứng từ đầy đủ là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ở đây có nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài khiến chứng từ luân chuyển không kịp dẫn tới làm việc tập trung dồn vào cuối tháng.
Các sổ Quỹ, sổ Chi tiết tài khoản, sổ Nhật ký chung, sổ Cái tài khoản của công ty chưa được thực hiện theo mẫu của Thông tư 133 do BTC ban hành mà đang sử dụng mẫu ban hành theo quyết định số 48/2006/QĐ-BTC.
Do địa bàn HĐKD rộng, mọi công việc kế toán đều tập trung về phòng tài chính, nhân viên kế toán của công ty còn ít về số lượng mà công việc thì nhiều nên mỗi nhân viên phải giữ trọng trách nhiều công việc. Chính vì thế gây khó khăn trong việc tập hợp chứng tờ, làm sổ sách, dẫn đến việc lập báo cáo kế toán định kỳ gặp nhiều khó khăn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2:
Tại chương 2, nghiên cứu đã chỉ ra được những đặc điểm khái quát nhất về Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bền vững Việt Nam. Những đặc điểm đó bao gồm sự hình thành và phát triển, đặc điểm về tổ chức bộ máy quản lý cũng như đặc điểm về tổ chức quản lý kinh doanh của công ty. Không những thế, bài nghiên cứu còn giúp ta thấy được thực trạng trong công tác kế toán vốn bằng tiền và các khoản phải thu của KH, đưa ra được những điểm mạnh và điểm yếu còn tồn tại của công ty.
Qua những kiến thức tích luỹ vốn có và quá trình tìm tòi nghiên cứu của bản thân kết hợp với thực tiễn công ty, em xin được đề xuất những ý kiến riêng của bản thân nhằm đưa ra những giải pháp giúp hoàn thiện công tác kế toán vốn bằng tiền cùng các khoản phải thu của KH trong chương 3.