Các nghiên cứu nước ngoài

Một phần của tài liệu Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của ctck niêm yết trên ttck việt nam – góc nhìn từ hoạt động môi giới (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP

1.3. Nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của

1.3.1. Các nghiên cứu nước ngoài

Trong quá khứ đã có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng đến HQTC của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Tác giả ở các quốc gia khác cũng quan tâm rất nhiều đến vấn đề nâng cao hiệu quả tài chính cho các doanh nghiệp ở đất nước mình. Cụ thể:

Nghiên cứu của Ibhagui và Olokoyo (2018), Leverage and firm performance: New evidence on the role of firm size [3]. Bài nghiên cứu này dựa trên mô hình hồi quy của Hansen (1999) để xem xét mối quan hệ giữa đòn bẩy và hiệu quả doanh nghiệp thông qua yếu tố quy mô của doanh nghiệp. Họ đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có tồn tại một công ty đạt đến quy mô mà đòn bẩy không còn có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty đó hay không. Để làm được điều này, họ thu thập dữ liệu của 101 công ty niêm yết ở Nigeria từ năm 2003 đến năm 2007 và khám phá tác động của đòn bẩy vào hoạt động kinh doanh của công ty có phụ thuộc vào quy mô của công ty đó không. Theo đó, kết quả mà họ thu được cho thấy rằng đối với các công ty nhỏ thì đòn bẩy dễ có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ tới

hoạt động của doanh nghiệp, và ảnh hưởng tiêu cực này giảm dần khi doanh nghiệp dần phát triển hơn và biến mất khi doanh nghiệp vượt một ngưỡng quy mô tài sản nhất định. Họ đã thử thay đổi các tỷ lệ nợ khác nhau và vẫn nhận được những kết quả giống nhau. Từ đó họ đã đưa ra kết luận rằng đòn bẩy sẽ có tác động tích cực hơn đối với hoạt động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó có quy mô tài sản càng lớn.

Zeitun và Tian (2007), Capital structure and corporate performance:

evidence from Jordan [5]. Bài nghiên cứu này xem xét tác động của cấu trúc vốn đối với hiệu quả hoạt động của các công ty ở Jordan bằng cách sử dụng một mẫu dữ liệu bảng đại diện cho 167 công ty ở Jordan giai đoạn 1989-2003. Đồng thời bài viết còn nghiên cứu cả tác động của các yếu tố vĩ mô đến hiệu quả kinh doanh của các công ty như cuộc ảnh hưởng của chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra vào năm 1990- 1991 ở khu vực Trung Đông và ảnh hưởng của thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu của Jordan sang các nước lân cận. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các giả thuyết và hồi quy theo mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (REM). Các biến độc lập liên quan đến cấu trúc vốn được chỉ ra bao gồm tỷ lệ nợ trên tổng tài sản (TDTA), tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (TDTE), tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng tài sản (STDTA) và tỷ lệ nợ dài hạn trên tổng tài sản (LTDTA). Ngoài ra còn các biến liên quan đến tăng trưởng doanh thu (GROWTH), biến quy mô tài sản (SIZE), biến tỷ lệ tài sản dài hạn trên tổng tài sản (TANG), biến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (TAX)…Còn biến phụ thuộc được đại diện bởi ROA. Kết quả nghiên cứu bằng phần mềm Stata đã chỉ ra rằng: biến tăng trưởng, quy mô, thuế và các biến liên quan đến cấu trúc vốn bao gồm TDTA, TDTE, STDTA, LTDTA đều có ảnh hưởng đáng kể và ảnh hưởng tích cực đến ROA, riêng biến TANG có tác động tiêu cực và đáng kể lên ROA. Ngoài ra, những thay đổi lớn đối với tổng thể môi trường kinh tế cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của các công ty ở Jordan.

IIyukhin (2015) đã nghiên cứu về đề tài The impact of financial leverage on firm performance: Evidence from Russia [2], nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đòn bẩy tài chính có thể đem lại ảnh hưởng tích cực đến công ty vì đòn bẩy tài chính cũng có thể được coi là một công cụ để quản lý kỷ luật. Do đó, mối quan hệ tích cực giữa đòn bẩy tài

chínhvà hiệu quả hoạt động của công ty được mong đợi dựa trên lý thuyết chi phí đại lý. Tuy nhiên, lý thuyết này không phải lúc nào cũng áp dụng được cho các công ty có tỷ lệ nợ quá cao. Bởi việc sử dụng vốn từ nợ quá nhiều sẽ dẫn đến những hạn chế đáng kể về tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của công ty. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp được sử dụng làm thước đo đòn bẩy tài chính trong khi tỷ suất sinh lợi trên tài sản, tỷ suật lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận hoạt động được sử dụng làm thước đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu trên một số lượng lớn công ty ở Nga trong giai đoạn 2004-2013, tác giả đã đưa ra kết luận rằng tác động của đòn bẩy tài chính tới hoạt động của các công ty ở Nga là tiêu cực. Điều này có thể giải thích bởi sự hoạt động thiếu hiệu quả của các công ty trên thị trường ở Nga, họ khó thu hút nợ, tiềm năng tăng trưởng cao và lãi suất tài trợ thông qua vay nợ cao.

Matar cùng với các cộng sự (2018), Factors affecting the corporate performance: Panel data analysis for listed firms in Jordan [4], bài báo này dành riêng để nghiên cứu tác động do các yếu tố kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội bộ trong công ty gây ra đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Để thực hiện cuộc đánh giá, các tác giả đã sử dụng dữ liệu của các công ty công nghiệp và dịch vụ ở Jordan trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Các yếu tố vĩ mô được sử dụng để nghiên cứu là: Tổng sản phẩm quốc nội ( GDP), tỷ lệ lạm phát (INF) và lãi suất (IR) tương ứng. Bên cạnh đó, các yếu tố nội sinh được sử dụng là: quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, tính thanh khoản, kết quả đầu tư, tăng trưởng về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Theo đó, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp có thể được đo lường thông qua tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và giá trị thị trường của doanh nghiệp trên sổ sách (MBV). Khi xem xét mức độ mối quan hệ giữa các yếu tố nói trên đối với hiệu quả hoạt động của công ty dựa trên các dữ liệu đã thu thập, các tác giả thu được kết quả rằng GDP và INF có tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, còn IR lại có ít ảnh hưởng hơn. Trong khi đó, các yếu tố nội sinh chỉ có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty khi chỉ số ROA được tính dựa trên phương pháp kế toán. Những phát hiện này đã củng cố kiến thức về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức của các doanh nghiệp được niêm yết tại Jordan.

Phát hiện này sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đưa ra được các chiến lược nhằm hoàn thành và tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế.

Tương tự, Ejike và Agha (2018) đã nghiên cứu đề tài Impact of operating liquidity on profitability of pharmaceutical firms in Nigeria [1] về tác động của tính thanh khoản đến lợi nhuận của các công ty dược tại Nigeria. Khả năng thanh khoản của doanh nghiệp dựa vào những tài sản có tính thanh khoản cao như hàng tồn kho, tiền và các khoản tương đương tiền, công nợ thương mại và các khoản phải thu khác. Hầu hết các công ty không đảm bảo được tính thanh khoản đạt mức tối ưu và điều này trở thành một trở ngại lớn đến tổng lợi nhuận của họ. Nghiên cứu này đã xem xét tác động của tính thanh khoản đến lợi nhuận của các công ty dược tại Nigeria dựa trên dữ liệu thu thập được của 5 công ty dược phẩm trong vòng 10 năm (2002-2011) và sử dụng hàm hồi quy OLS. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hoạt động thanh khoản (thu hồi các khoản phải thu, quản lý các khoản phải trả) có tác động đáng kể đến lợi nhuận của các công ty dược phẩm niêm yết ở Nigeria. Do đó, các nhà quản trị công ty nên có kế hoạch để thu hồi các khoản phải thu càng sớm càng tốt để có được dòng tiền vào sớm hơn và đồng thời trì hoãn việc thanh toán cho các chủ nợ nhằm đầu tư tiền vào chứng khoán trong ngắn hạn để có mức sinh lời ngắn hạn.

Một phần của tài liệu Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của ctck niêm yết trên ttck việt nam – góc nhìn từ hoạt động môi giới (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)