CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
1.3. Nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của
1.3.2. Các nghiên cứu trong nước
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc quan tâm đến hiệu quả và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết vì hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp sẽ là điều kiện cốt lõi giúp tăng trưởng kinh tế. Hiểu được điều này, rất nhiều các nhân xuất sắc trong nước cũng đã có những nghiên cứu góp phần mở rộng kiến thức cho các doanh nghiệp trong việcquản trị tài chính công ty mình sao cho hiệu quả tài chính là tốt nhất.
Nghiên cứu của Ngô Văn Toàn và Hồ Thủy Tiên (2020), Tác động ngưỡng quy mô trong mối quan hệ nợ và hiệu quả hoạt động các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam [9]. Các tác giả nghiên cứu chủ đề này muốn kiểm định sự tồn tại của hiệu ứng ngưỡng quy mô trong mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động của công ty với yếu tố nợ ở các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các tác giả đã sử dụng số liệu về các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà Thomson
Reuters Datastream thu thập được và công bố trong giai đoạn 2007-2018 để chạy mô hình. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến tính đồng nhất của số liệu, họ sử dụng mô hình ngưỡng bảng hiệu ứng cố định được phát triển bởi Hansen (1999) và IV-GMM. Kỹ thuật này ước tính sự chuyển đổi các miền khi chuyển đổi từ công ty có quy mô nhỏ sang công ty có quy mô lớn hơn. Kết quả cho thấy chỉ số ngưỡng đạt 22,03 (tương đương khoảng 3,6 tỷ đồng). Các ngưỡng quy mô trong miền có tỉ lệ nợ thấp làm từng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và ngược lại. Từ đây, các dự đoán về lý thuyết tăng vốn tuần tự, lý thuyết đánh đổi và lý thuyết tín hiệu được thừa nhận. Kết quả nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp lớn ít chịu tác động từ rủi ro tài chính hơn. Các doanh công ty cần phải dựa vào nguồn vốn trong bản thân công ty (tiếp cận tín dụng) để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của mình. Quá trình này có thể đạt được thông qua việc tối ưu hóa cấu trúc vốn của công ty.
Năm 2015, các tác giả Chu Thị Thu Thủy, Nguyễn Thanh Huyền và Ngô Thị Quyên đã nghiên cứu đề tài Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính: Nghiên cứu điển hình tại các công ty cổ phần phi tài chính niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh [6]. Nghiên cứu này chủ yếu muốn tìm ra các nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của công ty từ đó có thể đưa ra lời khuyên dành cho các nhà quản trị của doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả tài chính của mình ngày một tốt hơn. Để làm được điều này, các tác giả đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 230 công ty cổ phần phi tài chính niêm yết tại sàn HOSE thuộc 14 ngành nghề trong giai đoạn 2011-2013. Kết quả thu được cho thấy tỉ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của các công ty đã và đang chịu những ảnh hưởng vô cùng lớn đến từ quy mô công ty, khả năng thanh toán nhanh, chu kỳ sản xuất kinh doanh, đòn bẩy tài chính, năng lực quản trị công ty, tỉ lệ vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu, các tác giả cũng đã chỉ ra tác động cùng chiều giữa chỉ số ROA với tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Theo bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Trang và Bùi Kim Phương (2020), Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam [12]. Các tác giả đã nghiên cứu tác động của rất nhiều yếu tố đến chất lượng của lợi nhuận, cụ thể như: sự tăng trưởng của công ty, đòn bẩy tài chính, quy mô của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động kinh doanh,… Ngoài ra, nghiên cứu còn
đề xuất mô hình của Dechow và Dichev (2002) – mô hình chất lượng dồn tích để sử dụng trong việc đo lường về chất lượng lợi nhuận của công ty. Các tác giả đã thu thập được 2507 biến quan sát, biến quan sát được hình thành từ dữ liệu trong vòng 6 năm của 474 công ty được niêm yết trên sàn HNX và HSX. Bài nghiên cứu đã thực hiện kiểm định theo mô hình hồi quy OLS, mô hình REM và mô hình FEM và thu được kết quả rằng tuổi đời của các doanh nghiệp, đại diện cho thâm niên và kinh nghiệm của các doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến chất lượng của lợi nhuận.
Tương tự, đòn bẩy tài chính và mức độ thâm hụt vốn cũng có tác động cùng chiều đến chất lượng của lợi nhuận. Ngược lại, tác động của yếu tố tăng trưởng doanh thu trong doanh nghiệp lại mang tác động ngược chiều đến lợi nhuận. Bài nghiên cứu của các tác giả trên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định vì chưa tìm ra được ảnh hưởng của quy mô công ty và hiệu quả hoạt động kinh doanh đến chất lượng lợi nhuận của các công ty.
Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2017) đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng của yếu tố đòn bẩy tài chính đếnlợi nhuận của các công ty ngành du lịch tại Việt Nam thông qua đề tài Tác động của đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận công ty du lịch Việt Nam [14]. Bài nghiên cứu đã thu thập dữ liệu trong vòng 7 năm, từ năm 2009 đến năm 2015 của 12 công ty du lịch niêm yết trên hai sàn chứng khoán là sàn HNX và sàn HSX, cuối cùng thu về 98 quan sát. Sau khi thu thập các dữ liệu, tác giả sử dụng hàm hồi quy để nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố đòn bẩy đến lợi nhuận của doanh nghiệp.Với mức ý nghĩa 99%, kết quả cho thấy đòn bẩy tài chính có tác động ngược chiều đến lợi nhuận doanh nghiệp. Công ty có đòn bẩy tài chính càng thấp thì lợi nhuận càng cao và ngược lại.
Nghiên cứu của Vũ Duy Bảo (2018), Tác động của các nhân tố vĩ mô đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam kể từ sau khi gia nhập WTO [15]. Bài viết nghiên cứu về tác động của các nhân tố vĩ mô nền kinh tế đến lợi nhuận của 20 ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017 – giai đoạn sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích ma trận tương quan (tương quan Pearson) và các phương pháp phân tích dữ liệu bảng truyền thống như hồi quy OLS gộp (Pooled OLS), mô hình các ảnh hưởng cố định (FEM), mô hình các ảnh hưởng ngẫu nhiên
(REM). Trong mối quan hệ đơn biến, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của các ngân hàng thương mại có mối quan hệ tương quan dương có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế; không có mối quan hệ với các biến tăng trưởng GDP, lãi suất liên ngân hàng và chỉ số thị trường chứng khoán.
Trong phân tích mối quan hệ đa biến giữa các biến số, mô hình các ảnh hưởng ngẫu nhiên là mô hình hồi quy phù hợp nhất trong mẫu dữ liệu thu thập. Từ việc phân tích các kết quả từ mô hình các ảnh hưởng ngẫu nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng cung tiền và chỉ số thị trường chứng khoán có tác động dương, trong khi tốc độ tăng trưởng dự trữ ngoại hối có tác động âm đến tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của các ngân hàng thương mại.
Võ Tấn Lộc (2021), Tác động của rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản đến sự ổn định tài chính tại các Ngân hàng Thương mai Việt Nam [16]. Với đề tài này, tác giả nhận định rằng việc quản trị được rủi ro là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược và chính sách hoạt động của các ngân hàng thương mại. Các loại rủi ro về mặt tài chính giống như rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản có ảnh hưởng vô cùng lớn đến hiệu quả hoạt động tài chính của các ngân hàng. Từ dữ liệu thu thập được của 25 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2006-2020, tác giả chạy mô hình hồi quy OLS, FEM và REM dưới dạng bảng và đã tìm thấy được sự ảnh hưởng ngược chiều lẫn nhau giữa hai loại rủi ro tài chính này. Khi rủi ro thanh khoản tăng lên cũng là lúc rủi ro tín dụng giảm xuống và ngược lại. Ngoài ra bài nghiên cứu cũng đã thu thập được kết quả rằng rủi ro thanh khoản có tác động ngược chiều với hiệu quả tài chính của ngân hàng. Trong khi đó rủi ro tín dụng lại không hề có ảnh hưởng gì đến tài chính của ngân hàng.
Bài viết của Nguyễn Thị Mỹ Phương (2021), Các yếu tố tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam [11] đã sử dụng phương pháp phân tích DEA kết hợp cùng với mô hình Tobit và mô hình BMA để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam.
Tác giả đã thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản niêm yết trên TTCKVN trong giai đoạn 2010-2019. Từ kết quả nhận được, bài viết đánh giá rằng các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp này chưa được sử dụng triệt để và hiệu quả. Các nhân tố về rủi ro hệ thống, cấu trúc vốn của doanh nghiệp, lãi suất và
lạm phát có quan hệ ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản này. Trái lại, khả năng sinh lời, vòng quay tổng tài sản, quy mô doanh nghiệp lại có tác động cùng chiều đến hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Quỳnh Nga (2020), Ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2013-2019 [13], đã sử dụng rất nhiều biến nội sinh và ngoại sinh làm biến kiểm soát như: quy mô doanh nghiệp (SIZE), tốc độ tăng trưởng (GROWTH), tỷ lệ thuế trên thu nhập trước thuế và trước lãi vay (TAX), tỷ lệ tài sản hữu hình (TANG), tỷ lệ lạm phát (INFL), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDPR) kết hợp với biến phụ thuộc đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn HOSE là tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), và chỉ số Tobin’s Q, đồng thời còn sử dụng biến tỷ số nợ ngắn hạn trên tổng tài sản (SDR), tỷ số nợ dài hạn trên tổng tài sản (LDR), tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản (DR) làm thước đọ cấu trúc vốn để thực hiện mực tiêu của bài nghiên cứu. Bài viết đo lường ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động bằng cách thu thập số liệu của 204 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn HOSE trong thời gian 2013-2019. Bài luận văn này đã sử dụng kết hợp rất nhiều phương pháp nghiên cứu (Pooled OLS, FEM, REM, FGLS) và mô hình kiểm định khác nhau (F-test, Hausman, Wald, Breusch, Pagan Lagrangian và Wooldridge). Kết quả thu được rằng cấu trúc vốn của doanh nghiệp có quan hệ người chiều với hiệu quả của doanh nghiệp. Tỷ số nợ ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản có ảnh hưởng vô cùng tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty thông qua biến Tobin’s Q. Quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, lạm phát và tốc độ tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Yếu tố tỷ lệ tài sản hữu hình có tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp ở gian đoạn đầu của mô hình nghiên cứu nhưng lại dần dần có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ở giai đoạn về sau.
Ngoài ra, bài luận văn này vẫn còn tồn tại hạn chế vì chưa thực sự tìm ra được tác động của yếu tố tỷ lệ thuế trên thu nhập trước thuế và trước lãi vay đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.