1. Các giải pháp hỗ trợ thực hiện:
1.1. Phương án 1: Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng:
1.1.1. Giải pháp về đầu tư hạ tầng:
- Đối với hạng mục đường giao thông: Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư 100% vốn cho các trục đường chính và cầu. Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư đường vào và các đường nội bộ trong các khâu chức năng.
- Điện: Ngành điện chịu trách nhiệm đầu tư đường dây trung thế vào các khu chức năng. Các nhà đầu tư chịu 100% vốn đầu tư các tuyến hạ thế.
- Cấp nước: Huy động vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư.
- Thoát nước: Ngân sách nhà nước chịu 100% vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống chung. Phần còn lại thuộc trách nhiệm các nhà đầu tư.
- Đối với các công trình hạ tầng do ngân sách nhà nước đầu tư, nguồn vốn dự kiến:
Cân đối ngân sách hàng năm, hoặc tỉnh vay vốn từ các thành phần kinh tế để thực hiện.
Có thể áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng: cấp phép quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư tại hồ Dầu Tiếng. Đổi lại, các nhà đầu tư phải bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng với giá trị đất được cấp phép để sử dụng.
1.1.2. Giải pháp kêu gọi đầu tư:
Thực hiện theo mô hình một nhà quản lý nhiều nhà đầu tư. Xây dựng chủ trương quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Số nhà đầu tư nên được hạn chế theo quy mô đầu tư và cần có nhà đầu tư chủ lực.
- Nếu có một nhà đầu tư: cần thực hiện công tác đánh giá dự án do nhà đầu tư đưa ra, thẩm định năng lực, tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư thông qua các chuyên gia đầu ngành.
- Nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên: cần thực hiện đấu thầu các dự án (kể cả khâu thiết kế) theo các tiêu chí phù hợp với quy hoạch, có tính khả thi cao, các hạng mục đầu tư hấp dẫn; vốn đầu tư lớn, năng lực tài chính và uy tín; thời gian đầu tư ngắn; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh du lịch.
1.1.3. Quy định chế tài:
Các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng đều phải thực hiện theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của hồ và pháp luật của nhà nước. Nhà đầu tư phải thực hiện tất cả các trình tự quy định đầu tư theo luật đầu tư, cam kết thực hiện đúng các nội dung trong dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Các chính sách đãi ngộ dành cho các nhà đầu tư vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng:
Tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được hưởng các chính sách đãi ngộ ngang nhau khi tham gia đầu tư vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng:
Tiền thuê đất: Áp dụng khung giá đất thuộc xã miền núi có mức cho thuê tối thiểu là 0,01 USD/năm và mức tối đa là 0,06 USD/năm. Cụ thể như sau:
- Đơn giá cho thuê đất: 100 USD/ha/năm.
- Đơn giá cho thuê mặt nước: 75 USD/ha/năm (khung 75 – 525USD/ha/năm).
- Riêng đối với công trình kiến trúc xây dựng trên mặt nước, đơn giá cho thuê được áp dụng như cho thuê đất.
- Được miễn tiền thuê đất phải trả trong 10 năm kể từ khi hoàn thành việc xây dựng cơ bản và đưa công trình vào sử dụng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian nhà đầu tư thực hiện dự án.
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi các nhà đầu tư có lãi và 50% trong 4 năm tiếp theo.
1.2. Phương án 2: Thành lập công ty đầu tư hạ tầng:
- Thành lập công ty đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở cho khu du lịch hồ Dầu Tiếng theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển du lịch. Công ty chịu trách nhiệm đầu tư vốn để xây dựng, sau đó quản lý và tính toán cho thuê đất trong đó có tính đến chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng khu chức năng.
- Chính sách thuế áp dụng cho các nhà đầu tư vẫn theo phương án 1.
1.3. Phương án thành lập Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng:
1.3.1. Sự cần thiết phải thành lập Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng:
Qua thực tế quản lý và hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư kinh doanh vào hoạt động du lịch hồ Dầu Tiếng trong thời gian qua, có thể nhận thấy rõ ràng là không mang lại hiệu quả. Nguyên nhân sơ bộ có thể được xác định là do thiếu sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo cũng như thiếu một cơ quan chuyên trách.
Ở đây cũng chưa có được sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp có liên quan trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch to lớn của khu vực hồ. Tuy đã có một số cơ quan đã được giao quản lý một số mảng như: rừng, mặt nước, đất đai nhưng cũng chỉ chú trọng đến từng khía cạnh do mình quản lý.
Công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư chưa được thực hiện đúng mức, có hiệu quả do còn thiếu một cơ quan đầu mối, thiếu quy hoạch chi tiết và các dự án có tính khả thi cao.
Nhiều doanh nghiệp còn rất thiếu thông tin về khu vực này để có thể nghiên cứu, xem xét đi đến quyết định đầu tư.
Đây là khu vực hầu như hoàn toàn mới, chưa có một công trình nào có tính quy mô được đầu tư từ trước đấn nay, hồ Dầu Tiếng vẫn do công ty khai thác thuỷ lợi hồ Dầu
Tiếng (trực thuộc Bộ NN & PTNT) quản lý, vận hành khai thác, cũng đã có một số lượng khách du lịch (hầu như chỉ là khách nội địa) tham quan. Tuy nhiên số lượng ngày càng giảm nhanh do nhiều yếu tố khác nhau.
Mặt khác, quy hoạch phát triển khu du lịch hồ Dầu Tiếng có diện tích khá lớn (27.000 ha), có thể xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch khác nhau trong những phân khu chức năng. Vì vậy cần phải có nhiều nhà đầu tư tham gia vào từng lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, điện,… đòi hỏi nguồn vốn lớn và có thể kéo dài trong nhiều năm.
Một nguyên nhân khác nữa xuất phát từ định hướng phát triển khu du lịch hồ Dầu Tiếng thành khu du lịch sinh thái. Như vậy cần xây dựng và phát triển khu du lịch theo đúng các tôn chỉ về du lịch sinh thái. Thông thường trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các vấn đề về xã hội - bảo vệ môi trường sẽ phát sinh nhưng có thể dự báo và giải quyết được. Tuy nhiên khi đã đi vào hoạt động khai thác, thì các vấn đề xã hội - bảo vệ môi trường càng khó lường và giải quyết cũng phức tạp hơn nếu thiếu đi một cơ quan chuyên trách theo sát tình hình. Hơn nữa các hoạt động khác của một khu du lịch sinh thái như tập huấn, giáo dục môi trường, bảo vệ cảnh quan – tài nguyên du lịch, quản lý các hoạt động du lịch theo định hướng sinh thái bền vững,… đều rất cần đến một hệ thống quản lý chuyên nghiệp, nắm bắt rõ tình hình.
Tất cả các thực tế khách quan nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có một cơ quan quản lý chuyên trách, có nghiệp vụ chuyên môn và nắm bắt rõ tình hình của khu du lịch. Do vậy, sự ra đời của Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng có thể xem là một tất yếu khách quan để giải quyết các vấn đề nêu trên. Như vậy mô hình quản lý theo phương châm “một nhà quản lý, nhiều nhà đầu tư” được xem là thích hợp nhất trong bối cảnh yêu cầu phát triển mới của khu du lịch hồ Dầu Tiếng.
1.3.2. Chức năng nhiệm vụ của Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng:
- Trực tiếp quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất đai trong khu du lịch theo quy định của nhà nước (riêng diện tích mặt nước do phải phục vụ mục đính chính là thuỷ lợi,
nên vẫn phải do công ty khai thác thuỷ lợi quản lý, Ban QLDA có thể thuê lại mặt nước để phục vụ khai thác du lịch).
- Quản lý, giám sát toàn bộ các hoạt động trong khu du lịch, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng của tỉnh kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động du lịch. Quản lý và kiểm tra việc sử dụng đất đai trong khu du lịch theo quy hoạch.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong khu du lịch tuân thủ các quy định về đất đai, xây dựng, bảo vệ tài nguyên môi trường, hoạt động kinh doanh và các quy định khác của pháp luật. Bố trí, sắp xếp hợp lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu du lịch.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng khác trong việc xây dựng các mức phí, lệ phí tại khu du lịch để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành để thu phí, lệ phí trong khu du lịch, đồng thời sử dụng các nguồn thu khác theo đúng quy định.
- Thực hiện các hình thức kêu gọi, xúc tiến thương mại đầu tư, huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế vào mục tiêu phát triển du lịch. Lập các dự án khả thi ở các phân khu chức năng trình phê duyệt để huy động nguồn vốn. Thực hiện các hình thức tuyên truyền quảng bá nhằm thu hút du khách.
- Quản lý điện, chiếu sáng, bãi xe, bến thuyền và các khu dịch vụ công cộng khác được giao.
- Phối hợp kiểm tra và đề xuất xử lý vi phạm hành chính tại khu du lịch theo quy định hiện hành. Tham gia với các ngành chức năng tỉnh, UBND tỉnh Tây Ninh xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm tại khu du lịch.
- Kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhỡ các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ chấp hành tốt các quy định của pháp luật và quy chế của khu du lịch.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giữ gìn trật tự trị an trong khu du lịch, bảo đảm an ninh cho các nhà đầu tư và du khách.
- Thực hiện các báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện quy hoạch, quản lý xây dựng, thực hiện dự án và tình hình hoạt động kinh doanh của khu du lịch với các cơ quan thẩm quyền.
- Phối hợp với các chuyên gia hoặc lập ban chuyên trách về vấn đề giáo dục môi trường để tổ chức các buổi tập huấn về môi trường sinh thái cho người dân, nhân viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch đồng thời cải thiện ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo áp dụng trong khu du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng với sự tham gia của người dân, nhà đầu tư, công ty khai thác thuỷ lợi, đồng thời tuyên truyền các nguyên tắc đó với du khách trong khu du lịch.
- Là cơ quan chuyên trách vấn đề truyền thông, quảng bá hình ảnh của khu du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng với trong nước và quốc tế. Sự quản lý nghiêm minh và tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc du lịch sinh thái sẽ tạo ra được danh tiếng đáng kể trên thị trường du lịch, và sẽ trở thành một mô hình tiêu biểu cho thành công của du lịch sinh thái trên toàn quốc. Với đầy đủ thông tin và quyền hạn, Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn du lịch sinh thái, nhà kinh doanh lữ hành, khách tham quan nhưng thông tin cần thiết khi họ thích đầu tư, tham quan, nghiên cứu.
1.3.3. Mối quan hệ giữa Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng và các Sở Ngành:
Ban QLDA khu du lịch hồ Dầu Tiếng được ra đời trên cơ sở đặc thù về yêu cầu quản lý đối với khu vực này. Do đó, trong quá trình hoạt động cần có mối quan hệ, phối hợp giữa Ban QLDA và các Sở, Ngành chức năng, một mối quan hệ xuyên suốt lâu dài phải là ưu tiên hàng đầu trong tiêu chí tồn tại và hoạt động của Ban QLDA.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hướng dẫn cho Ban QLDA chế độ bảo vệ rừng, bảo vệ đất nông lâm nghiệp, quản lý – khái thác hợp lý mặt nước hồ Dầu Tiếng, khai thác các lợi ích kinh tế từ rừng để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
- Phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ rừng, đất đai và mặt nước hồ.
Đối với Sở Thể Thao Văn hoá và Du lịch:
- Hướng dẫn cho Ban QLDA về các nghiệp vụ chuyên ngành du lịch trong toàn khu. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc triển khai đầu tư theo quy hoạch chung.
- Phối hợp kiểm tra, xử lý các sai phạm trên lĩnh vực du lịch, các tiêu chuẩn về khách sạn,…
Đối với các Sở, Ban ngành chức năng khác:
- Phối hợp, hướng dẫn cho Ban QLDA các hoạt động trên từng lĩnh vực chuyên môn của mình như: địa chính, môi trường, an ninh, thủ tục cấp phép,…
- Kiểm tra, xử lý các sai phạm trên từng lĩnh vực chuyên môn.
CHƯƠNG 9