Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và môi trường cảnh quan sinh thái của khu vực dự án sẽ luôn phải chịu những tác động của các hoạt động du lịch ở đây khi chúng được đưa vào khai thác. Những tác động này có thể sẽ là tích cực, song cũng có thể có nhiều các tác động tiêu cực đối với trạng thái tài nguyên môi trường và cảnh quan nếu như không có sự tính toán và các giải pháp, phương án phù hợp hoặc không quản lý chặt chẽ đúng theo các định hướng phát triển du lịch đã được đề ra từ đầu.
Hoạt động của ngành kinh tế du lịch là hoạt động khai thác các tiềm năng phục vụ du lịch gồm: Tiềm năng tự nhiên, tiềm năng kinh tế - xã hội. Vì vậy hoạt động du lịch có tác động đến hầu hết các dạng tài nguyên và môi trường cũng giống như nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên hoạt động du lịch còn mang tính đặc thù là tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân tạo, hình thành các môi trường du lịch do con người điều khiển hoàn toàn.
Tác động của các hoạt động du lịch đến cảnh quan sinh thái và kinh tế - xã hội theo hai mặt:
Một là, mặt tác động tích cực tạo ra hiệu quả tốt đối với việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phục hồi cảnh quan, đồng thời tạo ra cơ sở cho sự phát triển môi trường bền vững.
Hai là, mặt tác động tiêu cực gây nên thiệt hại về tài nguyên và suy thoái môi trường, cảnh quan.
1. Tổng quan:
1.1. Khái niệm về du lịch sinh thái bền vững:
1.1.1. Cơ sở của phát triển bền vững trong du lịch sinh thái:
Giảm đến mức thấp nhất khả năng làm khánh kiệt môi trường: đất, nước ngọt, các thuỷ vực, khoáng sản,… đảm bảo sử dụng lâu dài các dạng tài nguyên không thể tái tạo lại được bằng cách tái chế, tránh lãng phí, sử dụng ít hơn và dần tiến tới thay thế hoàn toàn các dạng tài nguyên này. Như vậy, cần phải sử dụng các dạng tài nguyên theo nguyên tắc “nhu cầu sử dụng chúng không vượt quá khả năng bù đắp (tái tạo) tài nguyên đó”.
Bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn tính di truyền của các loài động thực vật nuôi trồng cũng như hoang dã. Đảm bảo việc sử dụng lâu bền bằng cách quản lý phương thức và mức độ sử dụng, làm cho các nguồn tài nguyên đó vẫn còn có khả năng hồi phục.
Duy trì các hệ sinh thái thiết yếu, đảm bảo cho cuộc sống cộng đồng và nên nhớ rằng khả năng chịu đựng của các hệ sinh thái trên trái đất là có giới hạn.
Nếu có điều kiện thì nên duy trì các hệ sinh thái tự nhiên. Hoạt động trong khả năng chịu đựng của trái đất. Phục hồi lại môi trường đã bị suy thoái, gìn giữ sự cân bằng của các hệ sinh thái.
1.1.2. Du lịch sinh thái bền vững:
Khái niệm phát triển bền vững (Sustainable Development) ra đời khá muộn màng, lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo “Tương lai của chúng ta” của Uỷ ban môi trường và phát triển của Ngân hàng thế giới (WB) là năm 1987.
Trong phát triển bền vững, điều cần chú ý nhất là thoả mãn các nhu cầu hiện tại và không làm tổn hại đến sự thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai, đảm bảo sử dụng đúng mức và ổn định các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Như vậy, phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội một cách bền vững nhờ khoa học công nghệ tiên tiến mà còn phải đảm bảo những điều kiện môi trường thiết yếu cho con người đang tồn tại và cho các thế hệ sẽ tồn tại (những người đang sống và những người sẽ sống).
“Du lịch sinh thái bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi đó vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên và phát triển du lịch trong tương lai”. Du lịch bền vững đưa ra kế hoạch quản lí các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội và thẩm mỹ của con người, mặt khác vẫn duy trì được sự trọn vẹn về mặt xã hội, sự đa dạng về sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho con người.
Phát triển du lịch sinh thái bền vững không những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững mà còn làm giảm tối thiểu các tác động của khách du lịch đến văn hoá và môi trường, đảm bảo cho địa phương được hưởng nguồn lợi tài nguyên do du lịch mang lại và cần chú trọng đến những đóng góp tài chính cho việc bảo tồn thiên nhiên. Phát triển du lịch sinh thái bền vững cần có sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường trong khuôn khổ các nguyên tắc và các giá trị đạo đức (Allen K., 1993).
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, muốn cho ngành du lịch thật sự có thể phát triển bền vững, cần phải dựa vào 3 yếu tố:
- Thứ nhất là, thị trường thế giới về những điểm du lịch mới và các sản phẩm du lịch ngày càng gia tăng;
- Thứ hai là, phát triển phải chú trọng việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên;
- Thứ 3 là, du lịch trực tiếp mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và cải thiện điều kiện phục lợi cho các cộng đồng.
Trong nền công nghiệp du lịch đương đại, cả ba nhân tố trên gắn bó chặt chẽ với nhau, để cho người ta nhận biết như một ngành du lịch sinh thái, bảo đảm môi trường và cảnh quan cho mọi điểm du lịch. Chính vì vậy, các chuyên gia du lịch đã khẳng định
“cần chú ý sự tập trung vào du lịch bền vững cùng với vai trò của nó trong sự phát triển cộng đồng và bảo tồn là vô cùng quan trọng”. Vì nếu chỉ phát triển riêng du lịch không thôi thì không phải là sự phát triển bền vững, vấn đề đặt ra là sự phát triển bền vững ấy như thế nào và phát triển cho ai?
Như chúng ta đã biết, du lịch dựa trên cơ sở khai thác các lợi thế từ tự nhiên là hình thức phát triển nhanh nhất thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, những quốc gia nào kết hợp giữa phát triển du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng địa phương sẽ là những quốc gia thu được nhiều lợi nhuận nhất từ các hoạt động du lịch. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá và nền văn hoá dân tộc đa dạng, hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch; song song với quá trình phát triển thì cần phải luôn luôn đề cao, nhấn mạnh đến yếu tố bền vững theo nguyên tắc phù hợp với du lịch sinh thái, tức là phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh việc gìn giữ môi trường tự nhiên với đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư trong vùng.
1.2. Các nguyên tắc du lịch sinh thái bền vững:
1.2.1. Cơ sở của các nguyên tắc du lịch sinh thái:
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của du khách, giảm thiểu các tác động lên môi trường sinh thái và đem lại phúc lợi (sinh thái, kinh tế, xã hội) cho cộng đồng địa phương, du lịch sinh thái lấy một số cơ sở sau để phát triển:
o Tìm hiểu và bảo vệ các giá trị thiên nhiên, văn hoá;
o Giáo dục môi trường;
o Phải có tổ chức về nghiệp vụ du lịch, hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại đối với môi trường.
o Phải hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường.
1.2.2. Nguyên tắc du lịch sinh thái bền vững:
Du lịch sinh thái nên khởi đầu với sự giúp đỡ của những thông tin cơ bản nhưng đa dạng của cộng đồng và cộng đồng nên duy trì việc kiểm soát sự phát triển của du lịch.
Sử dụng và bảo vệ tài nguyên một cách bền vững: bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, xã hội, văn hoá. Việc sử dụng bền vững tài nguyên là nền tảng cơ bản nhất của việc phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Chương trình giáo dục, huấn luyện để cải thiện, quản lý di sản và các tài nguyên thiên nhiên nên được thành lập và duy trì. Giảm tiêu thụ, giảm chất thải một cách triệt để nhằm năng cao chất lượng môi trường.
Duy trì tính đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá,… (chủng loài thực vật, động vật, bản sắc văn hoá dân tộc,…).
Lồng ghép các chiến lược phát triển du lịch của địa phương với quốc gia.
Phải hỗ trợ về kinh tế cho địa phương, tránh gây thiệt hại cho các hệ sinh thái ở đây.
Phải thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho môi trường sinh thái mà còn nhằm tăng cường khả năng đáp ứng các thị hiếu cho du khách.
Phải biết tư vấn các nhóm quyền lợi của công chúng. Tư vấn giữa công nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan nhằm đảm bảo cho sự hợp tác lâu dài cũng như giải quyết các xung đột có thể nảy sinh.
Đào tạo cán bộ, nhân viên phục vụ cho các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Nghiên cứu hỗ trợ cho du lịch. Phải cung cấp cho du khách những thông tin đầy đủ và có trách nhiệm nhằm nâng cao sự tôn trọng của du khách đối với môi trường tự nhiên, xã hội và văn hoá du lịch, qua đó góp phần thoả mãn các nhu cầu của du khách.
2. Tác động đến kinh tế - xã hội:
2.1. Tác động tích cực:
Làm tăng giá trị đất đai: do thay đổi mục đích sử dụng đất. Khi kinh tế địa phương phát triển, ngành du lịch - dịch vụ phát triển kéo theo nhu cầu về các loại lương thực, cây cảnh,… Từ cầu dẫn đấn cung, các hoạt động khai thác sử dụng đất thay đổi theo hướng tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường khiến cho giá trị của đất tăng lên.
Thay đổi cơ cấu hạ tầng: thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển.
Tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao trình độ lao động: xuất phát từ nhu cầu lao động tại các khu du lịch mới mở, đồng thời từ các hoạt động đào tạo - phần không thể thiếu trong một khu du lịch sinh thái. Các hoạt động này giúp cho địa phương thay đổi dần về nhận thức xã hội, trình độ nhân lực, nhận thức bảo vệ môi trường.
Phát triển và giao lưu văn hoá: du lịch vừa bảo tồn nền văn hoá truyền thống trong khi lại có điều kiện cho người dân tiếp xúc với du khách để cho cả hai cùng trao đổi, hiểu biết về văn hoá, âm nhạc, nghệ thuật và ẩm thực, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Từ đó các rào cản về văn hoá, âm nhạc, ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc,…dần bị xoá bỏ.
Tạo ra những khả năng mới, tiếp xúc những tư tưởng mới, lối sống của các nền văn hoá mới.
Cải thiện chất lượng y tế: việc thiết kế vận hành hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong khu du lịch sẽ giúp ích cho địa phương thêm nhiều kinh nghiệm để phát triển hệ thống này trong các cộng đồng dân cư. Sự sạch sẽ trong đời sống hàng ngày sẽ tạo ra môi trường tốt, đồng thời giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh.
Giáo dục và bảo tồn thiên nhiên: thông qua quá trình hoạt động, sẽ có nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo về nghiệp vụ du lịch, về bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường cảnh quan. Các hoạt đồng này mang lại luồng tư tưởng mới và phù hợp hơn với xu thế phát triển. Đem lại những hiệu quả tốt đối với các cộng đồng dân cư quanh hồ Dầu Tiếng.
Tăng mức thu nhập cho người dân từ các nguồn thu nhập: tham gia phục vụ du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và các nguồn khác từ sự phát triển này.
Gián tiếp giúp phát triển kinh tế, xã hội của các vùng khác trong tỉnh.
2.2. Tác động tiêu cực:
Gia tăng mật độ dân cư: hoạt động phát triển du lịch sẽ ảnh hưởng đến không gian sống của các cộng đồng địa phương. Sự phát triển của du lịch có tác dụng di chuyển và di cư lực lượng lao động. Nhập cư là hiện tượng phổ biến tại các khu du lịch.
Phân hoá xã hội: làm tăng sự phân hoá xã hội trong cộng đồng về thu nhập, một số người sẽ có thu nhập cao vượt trội. Sự gắn bó cộng đồng bị thay đổi và sự ràng buộc trong nội bộ cộng đồng bị rạn nứt, có thể dẫn đến nảy sinh các vấn đề trong xã hội.
Tác động lên nếp sinh hoạt truyền thống: các loại hình hoạt động du lịch có thể gây ra sức ép lên các sinh hoạt truyền thống của địa phương. Các tác động tiêu cực còn có thể nhìn thấy qua việc thay đổi các hệ thống giá trị trong xã hội, lối sống và quan hệ gia đình. Các lễ nghi truyền thống, các hành vi đạo đức, tổ chức cộng đồng có thể bị mất dần sự thiêng liêng và bị thương mại hoá. Sự thay đổi kiến trúc truyền thống để thu hút du khách qua việc tạo “nền văn hoá tiêu biểu” và một trong số trường hợp có thể biến các lễ hội thành các buổi trình diễn cho du khách xem.
Hoạt động du lịch có tác động làm sống lại những nghề thủ công, nhưng cũng có thể khuyến khích người thợ thủ công trong quá trình khuếch trương mở rộng sản xuất, làm thay đổi kiểu cách mẫu mã, phương thức sản xuất truyền thống nhằm đáp ứng du khách.
Giao thông quá tải: vào các mùa du lịch trọng điểm có thể sẽ gây tắc nghẽn giao thông, gây tiếng ồn, ô nhiễm không khí, quá tải các dịch vụ giao thông.
Tăng sức ép lên tài nguyên: ảnh hưởng nhiều mặt của các ngành dịch vụ, vận tải, ăn uống, nhu cầu nguyên nhiên liệu của các ngành làm gia tăng sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
3. Tác động đến môi trường sinh thái cảnh quan:
3.1. Tác động tích cực:
- Mang lại một diện mạo mới cho khu vực hồ Dầu Tiếng: gia tăng danh tiếng cho hồ Dầu Tiếng, quảng bá hình ảnh du lịch cho hồ Dầu Tiếng nói riêng và quần thể các khu du lịch của tỉnh Tây Ninh nói chung trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
- Cảnh quan thiên nhiên sẽ được lưu tâm và quản lý tốt hơn để phục vụ các hoạt động phát triển du lịch vì lợi ích chung của cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư.
- Có không gian tốt với đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động văn hoá – xã hội của tỉnh Tây Ninh.
- Là mô hình điển hình về xây dựng và phát triển khu sinh thái hồ.
3.2. Tác động tiêu cực:
- Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật sẽ thải vào môi trường một lượng lớn chất thải từ vật liệu xây dựng, đất đá, chất phát sinh từ nạo vét, khí thải ô tô phục vụ các hoạt đông vận tải – thi công,… tất cả các hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo mọi việc xảy ra đều nằm trong tầm kiểm soát để tránh gây ô nhiễm nguồn nước hồ.
- Làm xoá mòn đất đai: từ quá trình xây dựng, nếu không được tổ chức, quản lý chặt chẽ theo các nguyên tắc quy hoạch và hoạt động, sẽ dễ gây ra hiện tượng xoá mòn cục bộ, đây thật sự là một vấn đề cần được lưu ý và quản lý nghiêm ngặt.
- Mất tài nguyên rừng: sẽ có một số diện tích rừng bị mất do việc phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khách sạn và các công trình phục vụ du lịch. Cần phải hết sức thận trọng trong việc quy hoạch mặt bằng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra đối với diện tích rừng - đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.
- Ô nhiễm môi trường phát sinh từ chất thải ở các nơi chứa: việc phát triển du lịch kéo dài có thể làm gia tăng lượng chất thải phát sinh ở đây, chủ yếu là chất thải sinh hoạt từ các nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan. Do đó, ngay từ đầu khi quy hoạch và khi chất thuận cho phép các nhà đầu tư xây dựng phải yêu cầu đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, nước thải, các hoạt động thu gom, đồng thời phải thường xuyên giám sát trong suốt quá trình hoạt động.