CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.4. Phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế hộ nuôi tôm
a. Mức độ giải thích của mô hình
Mô hình có R2 hiệu chỉnh (Ajusted R Square) là 0,933, như vậy 93,3% thay đổi của năng suất tôm thẻ chân trắng của các hộ nuôi tôm được giải thích bởi các biến: (1) số ngày công lao động, (2) số lượng con giống, (3) số lượng thức ăn, (4) số lượng thuốc - hóa chất, (5) số lượng yếu tố xăng - dầu, (6) số lượng điện sử dụng, (7) mô hình nuôi, (8) tập huấn, (9) diện tích nuôi, (10) mực nước ao nuôi, (11) thời gian nuôi, (12) sử dụng ao lắng, (13) dịch bệnh, (14) kiểm tra chất lượng con giống và (15) ương con giống; còn lại 6,7% chưa giải thích được do các biến chưa nhận dạng được để đưa vào mô hình.
b. Về mức độ phù hợp của mô hình
Kết quả hồi quy: F = 120,026 và sig. = 0,000 < 0,01; kết luận mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế hay các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc (năng suất vụ nuôi), mô hình hồi quy có ý nghĩa ở mức 1% hay độ tin cậy 99%.
c. Kết quả phân tích các kiểm định
Kiểm định đa cộng tuyến, qua kiểm tra tương quan Pearson Correlation (Phụ lục 3.4.1), Tolerance và độ phóng đại phương sai của các biến đều nhỏ hơn 10 (Phụ lục 3.5.1), kết luận: chưa phát hiện hiện tượng đa cộng tuyến; mô hình thỏa mãn điều kiện của mô hình OLS, nên được đưa vào phân tích.
d. Giải thích ý nghĩa các biến Mô hình được viết lại như sau:
Năng suất vụ nuôi (kg/1.000m2) = -53,202 – 0,422*Số ngày công lao động + 0,001*Số lượng con giống + 0,685*Số lượng thức ăn + 0,048*Số lượng thuốc và hóa chất - 0,008*Số lượng yếu tố xăng, dầu - 0,004*Số lượng điện sử dụng – 2,443*Mô hình nuôi + 1,44*Tập huấn – 12,968*Diện tích ao nuôi + 23,581*Mực nước ao nuôi + 0,578*Thời gian nuôi + 6,376*Sử dụng ao lắng – 15,992*Dịch bệnh + 1,343*Kiểm tra chất lượng con giống - 2,591*Ương con giống.
Giải thích các biến có ý nghĩa thống kê:
(1) Số lượng con giống: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng thêm 1.000 con giống/1.000m2 sẽ làm năng suất vụ nuôi tăng thêm 1 kg tôm/1.000m2 (mức ý nghĩa 5%, Sig. = 0,027). Kết quả này cho thấy việc gia tăng sử dụng con giống dù có ý nghĩa giúp tăng năng suất vụ nuôi nhưng mức độ tăng năng suất khi gia tăng sử dụng con giống khá thấp.
(2) Số lượng thức ăn: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng sử dụng thêm 1kg thức ăn sẽ làm năng suất tăng thêm 0,685 kg tôm (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,000); nghiên cứu cho kết quả tương tự với nghiên cứu của Lê Thanh Liêm (2011), Đặng Hoàng Xuân Nghi và Võ Đình Quyết (2009), Nguyễn Thị Phương Nga (2004).
Thức ăn là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình nuôi tôm và ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ lên năng suất vụ nuôi; kết quả nghiên cứu cho thấy tăng 1 kg thức ăn giúp năng suất tăng thêm 0,685 kg nên để tăng năng suất vụ nuôi cần thiết phải tăng lượng
thức ăn; tuy nhiên tăng đến giới hạn nhất định nào cần có những nghiên cứu thêm để tránh lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường nước và hiệu quả nuôi.
(3) Số lượng thuốc và hóa chất: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng sử dụng thêm đơn vị thuốc và hóa chất thì năng suất tăng thêm 0,048 kg tôm (mức ý nghĩa 10%, Sig. = 0,071; tuy nhiên tăng đến giới hạn nhất định nào cần có những nghiên cứu thêm để tránh lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường nước và hiệu quả nuôi.
(4) Diện tích ao nuôi: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng thêm 1.000m2 đất canh tác làm năng suất vụ nuôi giảm 12,968 kg tôm (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,000). Kết quả này khác với nghiên cứu của Lê Thanh Liêm (2011), Dương Vĩnh Hảo (2009), khi xác định diện tích tỷ lệ thuận với năng suất vụ nuôi.
(5) Mực nước ao nuôi: khi các yếu tố khác không đổi nếu mực nước ao tôm của hộ nuôi tôm tăng thêm 1 m thì năng suất vụ nuôi sẽ tăng 23,581 kg tôm (mức ý nghĩa 5%, Sig. = 0,044).
(6) Thời gian nuôi: khi các yếu tố khác không đổi thì nếu hộ nuôi tôm tăng thêm 1 ngày nuôi sẽ làm năng suất tăng thêm 0,578 kg (mức ý nghĩa 10%, Sig. = 0,072); kết quả nghiên cứu tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Phương và ctg (2008).
(7) Dịch bệnh: khi các yếu tố khác không đổi nếu hộ nuôi tôm có xảy ra dịch bệnh sẽ khiến năng suất vụ nuôi giảm 15,992 kg/1.000m2/vụ nuôi (mức ý nghĩa 5%, Sig. = 0,021); kết quả nghiên cứu này tưong tự kết quả nghiên cứu của Lê Văn Thu (2015).
4.4.2. Các nhân tố tác động đến lợi nhuận hộ nuôi tôm thẻ chân trắng Kết quả các nhân tố tác động đến lợi nhuận được trình bày tại Phụ lục 3.5.2.
a. Mức độ giải thích của mô hình
Mô hình có R2 hiệu chỉnh (Ajusted R Square) là 0,896, như vậy 89,6% thay đổi của lợi nhuận hộ nuôi tôm thẻ chân trắng được giải thích bởi các biến: (1) giá lao động, (2) giá con giống, (3) giá thức ăn, (4) giá thuốc - hóa chất, (5) giá xăng - dầu, (6) giá điện, (7) kinh nghiệm, (8) mô hình nuôi, (9) tập huấn, (10) sử dụng ao lắng, (11) dịch bệnh, (12) ương con giống, (13) giá bán, (14) sử dụng vốn vay; còn lại 10,4% chưa giải thích được do các biến chưa nhận dạng được để đưa vào mô hình.
b. Về mức độ phù hợp của mô hình
Kết quả hồi quy: F = 79,536 và sig. = 0,000 < 0,01; kết luận mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế hay các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc (lợi nhuận vụ nuôi) với mức ý nghĩa 1%.
c. Kết quả phân tích các kiểm định
Kiểm định đa cộng tuyến, qua kiểm tra tương quan Pearson Correlation (Phục lục 3.4.2), Tolerance và độ phóng đại phương sai của các biến đều nhỏ hơn 10 (Phụ lục 3.5.2), kết
luận: chưa phát hiện hiện tượng đa cộng tuyến; mô hình thỏa mãn điều kiện của mô hình OLS, nên được đưa vào phân tích.
d. Giải thích ý nghĩa các biến
Mô hình lợi nhuận được viết lại như sau:
Lợi nhuận vụ nuôi (đồng/1.000m2) = -63.653.065 + 46,402*Giá lao động + 63.459*Giá con giống – 804*Giá thức ăn + 130*Giá thuốc và hóa chất – 77*Giá xăng, dầu + 20.910*Giá điện + 19.793*Kinh nghiệm + 4.175.102*Mô hình nuôi – 1.131.940*Tập huấn - 56.698*Sử dụng ao lắng – 1.974.766*Dịch bệnh – 10.462*Ương con giống + 345,2*Giá bán - 441.974*Sử dụng vốn vay.
Giải thích các biến có ý nghĩa thống kê:
(1) Giá lao động: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng giá lao động thêm 1.000/ngày công thì lợi nhuận của hộ nuôi tôm sẽ tăng 46.402 đồng/1.000m2 (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,007).
(2) Giá con giống: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm tăng giá con giống thêm 1 đồng/con sẽ làm lợi nhuận tăng thêm 63.459 đồng/1.000m2 (mức ý nghĩa 5%, Sig. = 0,048); kết quả nghiên cứu phù hợp với kết quả nghiên cứu của Đặng Hoàng Xuân Huy và Võ Đình Quyết (2009), Ngô Văn Thạo (2006). Kết quả này cho thấy việc sử dụng con giống có giá cao hơn sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc gia tăng lợi nhuận, có thể xuất phát từ nguyên nhân con giống có đơn giá cao phần lớn có chất lượng tốt hơn sẽ đảm bảo vụ nuôi thành công.
(3) Giá thức ăn: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm sử dụng thức ăn có giá tăng thêm 1.000 đồng/kg sẽ làm lợi nhuận giảm 804.000 đồng (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,000).
(4) Giá điện: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm sử dụng điện có giá tăng thêm 1 đồng/Kw sẽ làm lợi nhuận tăng 20.910 đồng (mức ý nghĩa 10%, Sig. = 0,068); kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Đặng Hoàng Xuân Huy và ctg (2009), Ngô Văn Thạo (2006).
(5) Mô hình nuôi: khi các yếu tố khác không đổi thì hộ nuôi tôm nuôi theo hình thức thâm canh thì lợi nhuận của hộ nuôi tôm trong mô hình sẽ tăng thêm 4.175.102 đồng/1.000m2 so với hình thức bán thâm canh (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,000).
(6) Dịch bệnh: khi các yếu tố khác không đổi nếu hộ nuôi tôm xảy ra dịch bệnh sẽ làm giảm lợi nhuận của hộ nuôi 1.974.766 đồng/1.000m2 (mức ý nghĩa 10%, Sig. = 0,093).
(7) Giá bán: khi các yếu tố khác không đổi nếu giá bán của hộ nuôi tôm tăng 1.000 đồng/kg sẽ làm tăng lợi nhuận của hộ nuôi tôm thêm 345.200 đồng/1.000m2 (mức ý nghĩa 1%, Sig. = 0,000); kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi
và ctg (2010), Đặng Hoàng Xuân Huy và Võ Đình Quyết (2009), Ngô Văn Thạo (2006).
Tóm tắt Chương 4:
Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Long An có độ tuổi trẻ, kinh nghiệm ít nhưng trình độ học vấn tương đối cao. Các hộ chọn nuôi tôm bởi lợi nhuận cao hơn các đối tượng khác, chọn tôm thẻ chân trắng chủ yếu vì lợi nhuận cao hơn các loại tôm khác; thể hiện các hộ xác định lợi nhuận là yếu tố quan trọng nhất khi ra quyết định canh tác. Do diện tích nuôi của hộ rất hạn chế nên lượng lao động sử dụng cũng hạn chế; các hộ nuôi có đánh giá ngày càng bi quan về môi trường nước khi mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Tỷ lệ tham gia tập huấn, sử dụng vốn vay, sử dụng ao lắng, kiểm tra chất lượng con giống đều rất thấp, dù hiệu quả sử dụng ao lắng và chất lượng con giống sau ương được các hộ đánh giá tích cực; dịch bệnh xảy ra nhiều; chất lượng con giống không được đánh giá cao. Phần lớn các hộ thu hoạch trên 1 lần và hình thức bán đa dạng do gần thị trường tiêu thụ lớn.
Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của Nhà nước là 2 yếu tố thuận lợi nhất; thiếu vốn đầu tư và dịch bệnh là 2 yếu tố khó khăn nhất đối với các hộ khi nuôi tôm thẻ. Giá bán cao và địa bàn nuôi gần thị trường tiêu thụ là 2 yếu tố thuận lợi nhất; hệ thống giao thông, hạ tầng kém và thiếu thông tin về thị trường là 2 yếu tố khó khăn nhất khi tiêu thụ tôm thẻ.
Chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí vụ nuôi.
Thông qua phân tích phương sai Anova, kết luận: Chi phí thức ăn, chi phí thuốc - hóa chất, năng suất, tổng chi phí, tổng doanh thu và lợi nhuận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với địa bàn khảo sát. Chi phí thức ăn, chi phí thuốc - hóa chất, tổng chi phí, tổng doanh thu và lợi nhuận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với nguồn gốc con giống. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về lợi nhuận với hình thức bán của hộ nuôi tôm.
Thông qua kiểm định trung bình tổng thể T - Test, kết luận: Năng suất có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với: (1) mô hình nuôi, (2) tham gia tập huấn, (3) sử dụng vốn vay, (4) sử dụng ao lắng, (5) tình hình dịch bệnh, (6) ương con giống trước khi nuôi. Lợi nhuận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với: (1) tham gia tập huấn, (2) sử dụng vốn vay, (3) tình hình dịch bệnh, (4) sử dụng ao lắng.
Các yếu tố: (1) số lượng con giống, (2) số lượng thức ăn, (3) số lượng thuốc - hóa chất, (4) mực nước ao nuôi, (5) thời gian nuôi có mối tương quan đồng biến với năng suất vụ nuôi;
các yếu tố: (1) diện tích ao nuôi, (2) dịch bệnh có mối tương quan nghịch biến với năng suất vụ nuôi.
Các yếu tố: (1) giá lao động, (2) giá con giống, (3) giá điện, (4) mô hình nuôi, (5) giá bán có mối tương quan đồng biến với lợi nhuận; các yếu tố: (1) giá thức ăn, (2) dịch bệnh có mối tương quan nghịch biến với lợi nhuận.