Những nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Điều tra tăng trưởng làm cơ sở xây dựng biểu sản lượng rừng keo lai trồng tại huyện hòa an, tỉnh cao bằng (Trang 21 - 26)

Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

1.1.3. Những nghiên cứu ở Việt Nam

1.1.3.1. Những nghiên cứu về giống Keo Lai

Ở nước ta, Keo lai xuất hiện lác đác ở một số nơi ở Nam Bộ như Tân Tạo, Trảng Bom, Sông Mây và Ba Vì (Hà Tây), Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang …(Lê Đình Khả, 1999)[10]. Những nghiên cứu cây Keo lai này đã xuất hiện trong rừng Keo tai tượng với những tỷ lệ khác nhau. Ở các tỉnh miền Nam là 3-4%, còn ở Ba Vì là 4-5%. Riêng giống lai tự nhiên tại Ba Vì được xác định là Acacia Manggium (xuất xứ Daitree thuộc bang Queensland) với Acacia Auriculiformis (xuất xứ Darwin thuộc bang Northern Terrtoria) của Australia.

Keo lai được phát hiện và khảo nghiệm đợt 1 từ năm 1993-1995, đến năm 1996 Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đã phối hợp với các đơn vị khác tiếp tục nghiên cứu về Keo lai. Các nghiên cứu này là chọn lọc thêm các cây trội Keo lai tự nhiên, xây dựng khảo nghiệm các dòng vô tính, tiến hành đánh giá tiềm năng bột giấy của Keo lai cũng như tiến hành khảo nghiệm các dòng Keo lai được lựa chọn ở các vùng sinh thái khác nhau (Lê Đình Khả, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thảo và các cộng sự, 1999; Lê Đình Khả, 1999)[10].

Kết quả cho thấy Keo lai có ưu thế lai rõ rệt về sinh trưởng so với Keo tai tượng và Keo lá tràm, có nhiều đặc điểm hình thái trung gian giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm.

Khi cắt cây để tạo chồi thì Keo lai cho rất nhiều chồi (trung bình 289 hom/01 gốc). Các hom này có tỷ lệ ra rễ trung bình 47%, trong đó có 11 dòng cho ra rễ từ 57-85%. Sai khác giữa các dòng về sinh trưởng khá rõ. Một số dòng vô tính sinh trưởng rất nhanh nhưng các chỉ tiêu chất lượng không đạt yêu cầu, một số dòng vừa sinh trưởng nhanh vừa có các chỉ tiêu chất lượng tốt có thể nhân giống nhanh và số lượng nhiều đưa vào sản xuất như các dòng BV5, BV10, BV16, BV29, BV32. Nghiên cứu của Lê Đình Khả và các cộng sự năm 1997[9], cho thấy không nên dùng hạt của Keo lai để trồng rừng mới.

Cây lai đời F1 có hình thái trung gian giữa hai loài bố, mẹ và đồng nhất tương đối về hình thái. Song khi sinh sản bằng hạt để cho thế hệ thứ hai (F2) lại bị phân ly hình thái và bị thoái hóa, vì vậy khi trồng rừng bằng cây con mọc từ hạt của cây F1 cây trồng sẽ bị phân hóa về sinh trưởng và hình thái, đồng thời ưu thế lai cũng bị giảm xuống. Chính vì vậy, việc nhân giống bằng hom hoặc nuôi cấy mô là phương pháp bảo đảm nhất để ưu thế lai đời F1.

1.1.3.2. Nghiên cứu về cấu trúc rừng

Trong thời gian qua, nghiên cứu về cấu trúc rừng là một trong những nội dung quan trọng nhằm đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Tuy nhiên, cấu trúc rừng là một vấn đề có nội dung phong phú và đa dạng, cho nên chỉ những đặc trưng cấu trúc có liên quan đến đề tài mới được đề cập đến.

Những đặc điểm cấu trúc của các thảm thực vật rừng miền Bắc Việt Nam trên cơ sở kết quả điều tra tổng quát về tình hình rừng miền Bắc Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1965 đã được chỉ ra bởi Trần Ngũ Phương (1970)[14].

Nhân tố cấu trúc đầu tiên được nghiên cứu là tổ thành và thông qua đó một số quy luật phát triển của các hệ sinh thái rừng được phát hiện và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Trong thời gian qua, việc nghiên cứu cấu trúc rừng ở nước ta đã có những

bước phát triển nhanh chóng và có nhiều đóng góp nhằm nâng cao hiểu biết về rừng, nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu cũng như sản xuất kinh doanh rừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về cấu trúc rừng gần đây thường thiên về việc mô hình hoá các quy luật kết cấu lâm phần và việc đề xuất các biện pháp kỹ thuật tác động vào rừng thường thiếu yếu tố sinh thái nên chưa thực sự đáp ứng mục tiêu kinh doanh rừng ổn định lâu dài. Bản chất của các biện pháp kỹ thuật lâm sinh là giải quyết những mâu thuẫn sinh thái phát sinh trong quá trình sống giữa các cây rừng và giữa cây rừng với môi trường. Vì vậy, để đề xuất được các biện pháp kỹ thuật lâm sinh chính xác, đòi hỏi phải nghiên cứu cấu trúc rừng một cách đầy đủ và phải đứng trên quan điểm tổng hợp về sinh thái học, lâm học và sản lượng.

1.1.3.3. Nghiên cứu về sinh trưởng

Nghiên cứu của Đoàn Ngọc Giao (2003)[4] cho thấy khảo nghiệm tại Ba Vì (Hà Tây) ở phương thức thâm canh Keo lai 78 tháng tuổi chiều cao vút ngọn trung bình 15m, đường kính trung bình D1,3 là 14,3 cm, thể tích thân cây Keo lai đạt 172,2dm3/cây, gấp 1,42-1,48 lần Keo tai tượng và gấp 5,6-10,5 lần thể tích thân cây Keo lá tràm. Khảo nghiệm tại Bình Thanh (Hòa Bình) ở công thức thâm canh 7 tuổi, chiều cao trung bình cây Keo lai là 22,3m, đường kính trung bình D1,3 là 20,7 cm, thể tích thân cây Keo lai đạt 383,1 dm3/cây, ở công thức quảng canh Keo lai có chiều cao 22,9 m, đường kính D1,3 là 19,3cm, thể tích thân cây là 344,2 dm3/cây. Khảo nghiệm tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) ở đất đồi lateritic nghèo dinh dưỡng, có mùa đông lạnh, sau 6 năm tuổi ở công thức thâm canh Hvn trung bình đạt 15,5m, D1,3 trung bình 11,7cm, thể tích thân cây đạt 86,2 dm3/cây, trong đó thân cây Keo tai tượng là 16,2-31,3dm3/cây.

Khảo nghiệm tại Đông Hà (Quảng Trị) cho thấy 5,5 tuổi Hvn Keo lai là 16,7m, D1,3 trung bình 17,2cm, thể tích thân cây là 202dm3/cây.

Nghiên cứu so sánh tại rừng trồng ở Ba Vì đã cho thấy lúc 2,5 tuổi Keo lai có chiều cao trung bình 4,5m, đường kính ngang ngực trung bình từ 5,21cm,

trong khi Keo tai tượng có chiều cao là 2,77 m và đường kính ngang ngực là 2,63m (Lê Đình Khả, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Đình Hải, 1993)[7].

So sánh cây Keo tai tượng với cây Keo lai, thì Keo lai có tỷ trọng gỗ lớn hơn 13,2 - 23,5% trong lúc thể thể tích của nó lại lớn hơn Keo tai tượng rất nhiều nên khối lượng gỗ lại càng lớn hơn Keo tai tượng. Còn so với Keo lá tràm tại Đông Nam bộ thì tỷ trọng gỗ tuy kém (15,9%) song thể tích lại lớn hơn nhiều nên khối lượng gỗ của nó vẫn lớn hơn hẳn Keo lá tràm, theo Lê Đình Khả và cộng sự (1997)[12].

Một số nghiên cứu về khả năng sinh trưởng, tính thích nghi của Keo lai và tính chất gỗ, tác dụng cải tạo độ phì của đất cho thấy với chu kỳ kinh doanh ngắn (7-8 năm) Keo lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao về giá trị kinh tế và sinh thái môi trường. Năng suất bình quân năm đạt từ 20-25 m3/ha/năm, cao gấp hơn 3 lần so với Bạch đàn Uro, Keo tai tượng năng suất bình quân chỉ đạt 6-8 m3/ha/năm. Hiện nay đã có trên 25 tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang trồng Keo lai với diện tích hàng chục ngàn ha. Nghiên cứu củaViên Ngọc Nam, Hồng Nhật (2005)[13] về sinh khối cây Keo lai trồng tại một số tỉnh phía Nam nước ta cho thấy sinh khối Keo lai trồng đạt 46,69-52,11 tấn/ha ở tuổi 5, sinh khối tăng trung bình hàng năm là 9,34 tấn/ha/năm và 82,22-19,68 tấn/ha/năm đối với rừng 7 tuổi, lượng sinh khối tăng trung bình hàng năm 16,44 tấn/ha/năm. Nghiên cứu này đã sử dụng hàm tuyến tính có dạng log (W) = log(a) + log(D1,3) để mô tả tương quan sinh khối các bộ phận của cây với đường kính (D1,3).

Năm 1995, Trần Cự, Nguyễn Đình Hải đã công bố kết quả chọn lọc cây trội Keo lai và giâm hom trên thông tin khoa học kĩ thuật và kinh tế lâm nghiệp. Cũng trong thời gian này Nguyễn Văn Chiến, Lưu Bá Thịnh... đã tiến hành nhân hom từ chồi gốc của cây trội cho Keo lai đã thu được kết quả khá cao. Nếu hom được xử lí bằng IBA thì tỉ lệ ra rễ đạt từ 80-90% Ứng dụng kết quả nghiên cứu này, trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Nam Bộ

đã sản xuất được hơn 2000 cây Keo lai, dẫn theo Nguyễn Thanh Vân (2003)[22]. Năm 1997 Phạm Văn Tuấn đã nghiên cứu và công bố kết quả cây trội và nhân giống hom Keo lai. Theo tác giả thì hom được lấy từ chồi gốc ở giai đoạn 2 tháng tuổi có tỷ lệ ra rễ khá cao (90%) nếu hom được xử lí bằng IBA dạng bột hoặc dạng dung dịch, dẫn theo Nguyễn Thanh Vân (2003)[22].

1.1.3.4. Nghiên cứu về lập địa và kỹ thuật trồng

Nghiên cứu của Đỗ Đình Sâm và cộng sự (2001)[17], kết quả cho thấy để nâng cao năng suất rừng Keo lai, việc bón phân khoáng với phân vi sinh cho thể tích cây tăng so với đối chứng, sau đó là kết hợp bón supe lân với phân vi sinh hoặc NPK với than bùn.

Nghiên cứu Nguyễn Huy Sơn (2004), thực hiện cùng thời gian với nghiên cứu trên nhưng thực hiện tại Cam Lộ, Quảng trị cho thấy mật độ cây trồng Keo lai trong khoảng 1.330-2.550 cây/ha thì mật độ 1.660cây/ha là khá hơn sau 1 năm trồng. Việc bón lót phân NPK kết hợp với phân vi sinh đã cho sinh trưởng Keo lai tốt hơn, trong khi việc tỉa cành ở giai đoạn cây còn nhỏ 1 năm tuổi không mang lại kết quả mong đợi. Theo Phạm Thế Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Ngô Văn Ngọc (2005)[3] từ kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng của rừng Keo lai 3 tuổi cho thấy nếu trồng rừng Keo lai làm nguyên liệu giấy thì mật độ 1.428 cây/ha là thích hợp, nhưng nếu trồng vừa để lấy gỗ lớn vừa để lấy gỗ nhỏ thì mật độ 1.111 cây/ha là thích hợp.

Phạm Thế Dũng và công sự (2005) chỉ ra rằng mặc dù áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh như nhau, nhưng trên đất nâu đỏ Keo lai sinh trưởng tốt hơn trên đất xám phù sa cổ. Nguyễn Huy Sơn và cộng sự (2004) có nhận xét về năng suất rừng trồng Bạch đàn U6 trên ba loại đất khác nhau ở khu vực Tây Nguyên là trên đất xám Granit ở An Khê, K’Bang rừng trồng Bạch đàn U6 từ 4 đến 5 năm tuổi đạt 20-24 m3/ha/năm, nhưng trên đất nâu đỏ phát triển trên đá Macma acid ở Mang Yang 6 năm tuổi đạt 12 m3/ha/năm, trên đất đỏ Bazan

thoái hóa ở Pleicu 4 năm tuổi cũng chỉ đạt 11 m3/ha/năm, dẫn theo Trần Công Quân (2011)[15].

Đến thời điểm hiện nay còn nhiều nghiên cứu khác nữa xong các nghiên cứu đã chứng tỏ một điều là xác định điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng là một khâu quan trọng trong trồng rừng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng.

Một phần của tài liệu Điều tra tăng trưởng làm cơ sở xây dựng biểu sản lượng rừng keo lai trồng tại huyện hòa an, tỉnh cao bằng (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)