B. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
XII. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH HÀNG CHỦ LỰC
+ Hiện trạng về quy mô ngành hàng: Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2015, tổng diện tích gieo trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh là 57.608 ha, tăng 17.518 ha so với năm 2010; năng suất bình quân 32,43 tấn/ha tăng 3,73 tấn/ha so với năm 2010; sản lượng 1.868.305 tấn, tăng 717.607 tấn so với năm 2010.
+ Hiện trạng về phân bố ngành hàng:
Bảng 19: Phân bố diện tích gieo trồng khoai mì theo các đơn vị hành chính
Huyện Diện tích
(ha)
Tỷ lệ
(%) Huyện Diện tích
(ha)
Tỷ lệ (%)
Huyện Tân Châu 19.904 34,55 Huyện Hòa Thành 1.700 2,95
Huyện Tân Biên 12.967 22,51 Huyện Bến Cầu 1.084 1,88
Huyện Châu Thành 10.757 18,67 Huyện Gò Dầu 433,5 0,75
Huyện Dương Minh Châu 8.463 14,69 Huyện Trảng Bàng 481,5 0,84
Thành phố Tây Ninh 1.819 3,16 Cộng 57.608 100
Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT
Qua khảo sát thực địa, có thể phân diện tích trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh thành 4 vùng tập trung như sau:
1. Vùng trồng mì tập trung huyện Tân Châu khoảng 15 ngàn ha, phân bố ở các xã:
Tân Hưng (2.091 ha), Tân Hà (1.795 ha), Thạnh Đông (1.685 ha), Tân Phú (1.680 ha), Tân Đông (1.660 ha), Suối Ngô (1.549 ha), Tân Hội (1.465 ha), Tân Hòa (1.070 ha).
2. Vùng trồng mì tập trung huyện Tân Biên, khoảng 12 ngàn ha, phân bố ở các xã: Tân Phong (2.386 ha), Tân Lập (1.948 ha), Thạnh Bình (1.382 ha), Mỏ Công (1.064 ha), Thạnh Tây (1.031 ha) và các xã Tân Bình, Thạnh Bắc (600 – 800 ha).
3. Vùng trồng mì tập trung huyện Châu Thành khoảng 10 ngàn ha, phân bố ở các xã: Phước Vinh (2.542 ha), An Cơ (1.432 ha), Thành Long (1.373 ha), Hảo Đước
(893 ha), Hòa Thạnh (668 ha), Đồng khởi (562 ha), Các xã Thái Bình, Biên Giới, An Bình, Hòa Hội… (300 – 400 ha).
4. Vùng trồng mì tập trung huyện Dương Minh Châu khoảng 7 ngàn ha, tập trung ở các xã: Phước Ninh (1.800 ha), Suối Đá (1.606 ha), xã Phan (1.342 ha), Chà Là (900 ha).
+ Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao được ứng dụng trong sản xuất khoai mì: Về công tác giống: Công tác nghiên cứu, chọn các bộ giống khoai mì mới, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh, cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống nông nghiệp, các Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố Tây Ninh tích cực thực hiện. Công tác chuyển đổi giống cho chế biến công nghiệp như:
KM60, KM94, KM95, SM937-26,... hiện nay một số giống trồng chính phổ biến ở Tây Ninh gồm các giống: KM94, KM419, KM140-2, KM98-5, KM98-1,... (chiếm 80%) đồng thời cũng đã xác định cơ cấu giống ngắn ngày và dài ngày phù hợp cho từng vùng; Ngoài ra còn có một số giống mới đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệp Nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm giống khoai mì HLS11 cho năng suất đạt 55 tấn/ha, chữ bột đạt 29%, và giống HLS505 cho năng suất 40 tấn/ha, hàm lượng bột 33%. Về kỹ thuật trồng: Cây khoai mì được trồng và thu hoạch hầu như quanh năm nhưng tập trung vào 2 vụ chính là đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, hàm lượng bột, duy trì độ phì của đất,... được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên chuyển giao đến người sản xuất. Về cơ giới hóa: Trong sản xuất cây khoai mì cơ giới hóa tập trung ở khâu làm đất (98%). Khâu trồng, chăm sóc (làm cỏ) và thu hoạch phần lớn làm thủ công; Hiện nay, huyện Tân Châu đang thực hiện đề tài chế tạo máy trồng, thu hoạch khoai mì, đối với thiết bị trồng khoai mì đã có kết quả bước đầu. Về kỹ thuật tưới: Do Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng nên giải pháp tưới giúp cho cây khoai mì phát triển nhanh, năng suất và chữ bột cao, thu hoạch sớm, tăng vụ, hiện nay kỹ thuật tưới cho cây khoai mì gồm tưới phun sương;
tưới bằng súng tự động; diện tích khoai mì được tưới của tỉnh đạt 26% (khoảng gần 15.000 ha). Về phòng trừ sâu bệnh: Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với trường Đại học Nông Lâm khảo nghiệm về phòng chống sâu bệnh gây hại trên cây khoai mì, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các loại bệnh gây hại trên cây khoai mì. Bệnh hại trên cây khoai mì bao gồm một số loại bệnh như: bệnh đốm lá, bệnh cháy lá, bệnh chổi rồng, bệnh rệp sáp bột hồng,…
Trong năm 2014, tổng diện tích nhiễm dịch hại là 3.352 ha, đã được xử lý kịp thời.
Các đối tượng sâu bệnh gây hại gồm: rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bệnh cháy lá và xì mủ thân cây. Ngoài ra còn một số dịch hại khác như: chổi rồng, thối củ, đốm lá phát sinh gây hại cục bộ,… Nhằm phòng trừ bệnh gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã nhân nuôi ong ký sinh và một số loại thuốc phòng trừ bệnh khác.
+ Hiện trạng về công nghiệp chế biến khoai mì: Hiện nay toàn tỉnh có 75 nhà máy chế biến khoai mì đang hoạt động với tổng công suất hoạt động khoảng 5.500 tấn bột/ngày (có 50 công ty, doanh nghiệp có công suất từ 50 đến 300 tấn bột/ngày và 15 cơ sở với công suất dưới 50 tấn bột/ngày). Sản lượng củ khoai mì đưa vào chế biến:
4.771.508 tấn củ (trong đó, khoai mì sản xuất trong tỉnh: 1.603.373 tấn củ; khoai mì ngoài tỉnh và Campuchia: 3.158.135 tấn). Lượng bột chế biến được: 1.192.877 tấn. Giá thu mua củ khoai mì dao động từ 2.050 đến 2.300 đồng/kg 30 chữ bột. Giá bán bột
khoai mì khoảng 8.300 – 8.400 đ/kg. Các sản phẩm chế biến sau tinh bột khoai mì của các Nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là: Bột biến tính (loại biến tính), Mạch Nha, Đường Fructo... Tuy nhiên sản lượng chưa nhiều, vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Phụ phẩm chủ yếu từ chế biến khoai mì là xác mì, được sấy hoặc phơi khô, sau đó cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, đây cũng là một trong những nguồn thu nhập khá của các Nhà máy chế biến khoai mì. Đại diện các DN chế biến khoai mì ở Tây Ninh cho biết, các nhà máy chế biến khoai mì ở Tây Ninh hiện nay nhiều nhưng đều có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu và hoạt động chủ yếu dưới dạng thủ công. Để tăng năng suất và tăng giá trị cho sản phẩm sau khi chế biến, các nhà máy cần được hợp tác đầu tư về cơ sở và có sự hỗ trợ về “đầu ra”
cho sản phẩm.
+ Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng khoai mì:
Về hình thức tiêu thụ: phổ biến nhất là thương lái đến mua củ khoai mì tươi tại ruộng; thương lái có thể 1 cấp hoặc nhiều cấp (các cấp lớn hơn được gọi là đại lý). Có thể hình dung sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng khoai mì hiện tại như sau:
Hình 1: Sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng khoai mì
Như vậy, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng khoai mì gồm có: nhà cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc trừ sâu…thường là các cửa hàng hoặc đại lý vật tư nông nghiệp, bán cho nông dân theo giá thị trường, không thông qua hợp đồng) nông dân thực hiện các công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai mì; sản phẩm củ mì tươi bán cho thương lái; thương lái thu mua và vận chuyển sản phẩm bán cho các cơ sở chế biến; các cơ sở chế biến tinh bột và bán sản phẩm cho các đại lý trung gian và sau đó xuất khẩu sản phẩm chính, sản phẩm phụ bán cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Căn cứ kết quả điều tra, chúng tôi tính toán tỷ lệ lợi nhuận của các chủ thể tham gia trong chuỗi như sau:
Theo bản tin thị trường nông sản Tây Ninh, tại thời điểm tháng 12/2015, giá bán 1 kg tinh bột khoai mì là 7.600 đồng, giá bán 1 kg củ khoai mì loại 30 độ là 1.500 đồng/kg; theo đó, căn cứ kết quả điều tra kinh tế nông hộ và tính toán chi phí đầu vào đầu ra của từng ngành hàng, chúng tôi tính toán các khoản mục như sau: tổng lợi nhuận thu được là 4.800 đồng/kg; trong đó, nhà cung ứng vật tư nông nghiệp hưởng 22 đồng (4,58%), tỷ lệ lãi/chi phí 20,18%; người trồng mì hưởng 2.040 đồng (42,5%), tỷ lệ lãi/chi phí 51,52%; thương lái (người thu gom) hưởng 700 đồng (14,58%), tỷ lệ lãi/chi phí 10,92% và nhà chế biến tinh bột khoai mì hưởng 1.840 đồng (38,33%), tỷ lệ lãi/chi phí 31,94%. Chi tiết như sau:
Bảng 20: Chi phí, doanh thu lợi nhuận và cơ cấu lợi nhuận của từng chủ thể tham gia ngành hàng khoai mì (tính cho 01 kg tinh bột)
Chủ thể Chi phí
(1000 đồng) Doanh thu
(1000 đồng) Lợi nhuận
(1000 đồng) Tỷ lệ
(%) Tỷ lệ B/C (%)
Nhà cung ứng vật tư 1,09 1,31 0,22 4,58 20,18
Nông dân 3,96 6,00 2,04 42,50 51,52
Thương lái 1 6,41 7,11 0,70 14,58 10,92
Cơ sở chế biến 5,76 7,60 1,84 38,33 31,94
Với tỷ lệ này, người trồng khai mì đang có tỷ lệ lợi nhuận cao, điều này giải thích lý do diện tích khoai mì trên địa bàn tỉnh trong mấy năm gần đây tăng nhanh.
Ở thời điểm hiện tại, thương lái là một bộ phận không thể thiếu, họ giúp người trồng khoai mì không mất chi phí và thời gian cho việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, người nông dân tin tưởng giao phó việc tiêu thụ sản phẩm cho bộ phận thương lái để họ chuyên tâm vào việc chăm lo sản xuất khoai mì đạt năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, nhược điểm chính của hình thức này là người sản xuất không chủ động được số lượng, thời điểm, đặc biệt là giá cả, nên khó đảm bảo tính bình đẳng trong thương thảo. Nhược điểm nữa là thương lái thu mua của nhiều hộ nông dân, không có hợp đồng ứng trước, không theo dõi quy trình sản xuất; nên rất khó đảm bảo tính đồng đều của sản phẩm; hơn nữa, để củ khoai mì đến được cơ sở chế biến phải qua nhiều đoạn thương thảo, rất dễ xảy ra tình trạng ép giá và gian lận thương mại.
+ Phân tích sức cạnh tranh của ngành hàng khoai mì:
Các điểm mạnh của ngành hàng
- Các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế: Căn cứ kết quả điều tra kinh tế nông hộ (đợt tháng 12 năm 2015) chúng tôi tính toán các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế đối với 1 ha trồng khoai mì như sau:
Bảng 21: Một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính đối với 1 ha khoai mì
STT HẠNG MỤC ĐVT Đơn giá
(1.000đ) Số lượng Thành tiền (1.000đ)
A TỔNG CHI PHÍ SẢN XUẤT 30.374,50
I CHI PHÍ VẬT CHẤT 15.795,00
1 Phân bón 10.095,00
2 Thuốc bảo vệ thực vật 1000đ 700,00
3 Chi khác 1000đ 5.000,00
II CÔNG LAO ĐỘNG Công 150,0 85 12.750,00
III CHI KHÁC 1.829,50
1 Vật rẻ tiền mau hỏng 1000đ 250,00
2 Lãi vay vốn ngân hàng 1000đ 1.579,50
B HIỆU QUẢ
1 Năng suất bình quân Kg/ha 2,00 31.700,00 63.400,00
2 Giá thành Ngàn/kg 1,0
3 Lãi 33.183,45
4 Thu nhập (lãi + công gia đình) 42.183,45
So với các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh, cây khoai mì hơn hẳn các loại cây trồng như cao su, mía, điều, chuyên lúa, bắp… và chỉ thua một số loại cơ cấu cây trồng như mãng cầu, chuyên rau, lúa luân canh rau màu. Mặt khác, vì năng suất cao, lại nằm trong vùng có các cơ sở chế biến hiện đại nên so với các vùng trồng khoai mì trong cả nước cây khoai mì ở Tây Ninh luôn tỏ ra có sức cạnh tranh cao hơn hẳn.
- Về quy mô sản xuất: tổng diện tích khoai mì trên địa bàn tỉnh là 57.608 ha, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Gia Lai (62 ngàn ha). Phân bố ở các huyện: Tân Châu 29,92%, Tân Biên 24,99%, Châu Thành 19,54%, Dương Minh Châu 14,01%, và các
huyện khác <5%. Trong đó, 57 xã có quy mô tập trung trên 100 ha, đáp ứng tiêu chí về quy mô để xây dựng cánh đồng lớn.
- Năng suất bình quân toàn tỉnh đạt trên 31,7 tấn/ha, cao nhất cả nước; trong đó, cao nhất là huyện Tân Châu (37 tấn/ha); các huyện trọng điểm trồng khoai mì như Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành đều có năng suất trên 28 tấn/ha.
- Công suất của các cơ sở chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh lớn gần gấp 2 lần sản lượng sản xuất hàng năm. Các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh là những công ty hàng đầu về sản xuất tinh bột khoai mì tại Việt Nam, đặt tại trung tâm vùng nguyên liệu khoai mì cả nước, sản phẩm của các doanh nghiệp ngày càng đạt được tiếng tăm trong và ngoài nước, có thể làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất. Các doanh nghiệp chế biến đang từng bước tận dụng các sản phẩm phụ để nâng cao giá trị và thu nhập.
Những điểm yếu (hay nút thắt) của ngành hàng
- Một trong những hạn chế lớn nhất của ngành mì Tây Ninh là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chỉ có một phần nhỏ trong tổng sản lượng tinh bột mì sản xuất trong tỉnh được xuất đi nước khác. Một hạn chế song hành là phần lớn sản phẩm tinh bột mì được xuất khẩu qua đường ủy thác hoặc trung gian nên chưa mang lại giá trị kim ngạch lớn cho tỉnh.
- Một hạn chế khác là hiện các doanh nghiệp trong ngành mì cũng như nông dân trồng mì chưa có sự liên kết trong hoạt động sản xuất và chế biến. Tây Ninh cũng chưa hình thành được cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp đáp ứng việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến mì. Sau hàng chục năm hình thành và phát triển ngành mì, đến nay, các doanh nghiệp chế biến mì vẫn phụ thuộc thụ động vào nông dân.
- Do xuất khẩu tinh bột mì dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế mang lại từ hoạt động sản xuất chế biến mì chưa cao. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì hầu hết chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, điều đó khiến cho giá trị cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng còn hạn chế.
- Mức độ cơ giới hoá ở các khâu chăm sóc và thu hoạch khoai mì vẫn chủ yếu là thủ công làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Mặc dù hiện tại, thương lái đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng; nhưng, trong tương lai cần thay đổi sơ đồ chuỗi theo hướng thành lập các hợp tác xã, có tư cách pháp nhân để các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với hợp tác xã nhằm giảm chi phí trung gian, tăng tính chủ động của nông dân và doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất; tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng.
- Các doanh nghiệp cần hiện đại hóa công nghệ để chế biến sâu hơn, đa dạng hóa các sản phẩm sau tinh bột và sử dụng nhiều hơn nữa các phụ phẩm trong chế biến.
XII.2. Ngành hàng mía đường
+ Hiện trạng về quy mô ngành hàng: Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2015, tổng diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh là 14.245ha, giảm 11.233ha so với năm 2010; năng suất bình quân 73,43 tấn/ha tăng 10,34 tấn/ha so với năm 2010;
sản lượng 1.046.003 tấn, giảm 561.353 tấn so với năm 2010.
+ Hiện trạng về phân bố ngành hàng:
Bảng 22: Phân bố diện tích trồng mía theo các đơn vị hành chính
Huyện Diện tích
(ha) Tỷ lệ
(%) Huyện Diện tích
(ha) Tỷ lệ (%)
Thành phố Tây Ninh 76 0,53 Huyện Hòa Thành 17 0,12
Huyện Tân Biên 2.096 14,71 Huyện Gò Dầu 345 2,42
Huyện Tân Châu 4.509 31,65 Huyện Bến Cầu 1.180,55 8,29
Huyện Dương Minh Châu 602 4,23 Huyện Trảng Bàng 674,2 4,73
Huyện Châu Thành 4.746 33,32 Cộng 14.245 100
Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT
Qua khảo sát thực địa, có thể phân diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh thành 4 vùng tập trung như sau:
1. Vùng trồng mía tập trung huyện Châu Thành, tổng diện tích khoảng 5.700 ha, phân bố ở các xã: Ninh Điền (1.900 ha), Thanh Điền (1.860 ha), Biên Giới (466 ha), Hòa Hội (433 ha), An Cơ (220 ha), Trí Bình (193 ha), Hảo Đước (143 ha), Thành Long (113 ha), Hòa Thạnh (113 ha), Thái Bình (100 ha).
2. Vùng trồng mía tập trung huyện Tân Châu, tổng diện tích khoảng 5.800 ha, phân bố ở các xã: Tân Hội (2.254 ha), Tân Đông (1.050 ha), Tân Phú (687 ha), Tân Hà (760 ha), Tân Hưng (380 ha), Suối Dây (190 ha), Tân Thành (180 ha), Thạnh Đông (155 ha), Tân Hiệp (139 ha).
3. Vùng trồng mía tập trung huyện Tân Biên, tổng diện tích khoảng 3.000 ha, phân bố ở toàn bộ số xã trên địa bàn huyện.
4. Vùng trồng mía tập trung huyện Dương Minh Châu, tổng diện tích khoảng 1.100 ha, phân bố ở các xã: Phước Minh (409 ha), Phước Ninh (302 ha), Chà Là (245 ha), Cầu Khởi (193 ha).
+ Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao được ứng dụng trong sản xuất mía:
Về công tác giống: công tác khảo nghiệm giống và phát triển giống mía mới luôn được sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến Nông, Trung tâm Giống nông nghiệp phối hợp với các nhà máy đường thực hiện. Hiện nay, các giống mía được khuyến cáo sử dụng gồm: LK92-11; K93-219; ROC10; K84-200; K95-84;
Suphamburi 7 (K94-2-483); Khonkaen3; KPS01-25; NV84-4137; các công ty đang hợp tác với Viện Nghiên cứu Mía đường nuôi cấy mô giống chín sớm phục vụ nhu cầu ép sớm như giống JA 60-5 và giống VĐ00-236… Các giống mía mới được khuyến cáo sản xuất phù hợp với từng vùng đất, nhiều giống mía có khả năng tái sinh tốt, lưu gốc được nhiều năm, chịu hạn, kháng sâu bệnh và cho năng suất, chữ đường cao. Về cơ giới hóa: Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ và các sở ngành liên quan, các công ty, nhà máy đường trong tỉnh nghiên cứu ứng dụng các máy móc, thiết bị phục vụ cho cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía; Niên vụ 2014 – 2015 một số diện tích mía được cơ giới hóa đạt tỷ lệ khá cao (95%); điển hình là nông trường mía Biên Hòa – Thành Long và nông trường mía Hưng Thịnh; về kỹ thuật tưới mía: tưới mía là biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng mía, ở những nơi có điều kiện về công trình thủy lợi, nông dân đã áp dụng kỹ thuật tưới cho mía; diện tích mía được tưới bằng phương pháp tiết kiệm nước là 8.805 ha; trong đó, phương pháp tưới phun cục bộ 7.780 ha, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân 5,7 ha.