CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.3. Pháp luật Quốc gia về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
2.3.1. Khái niệm pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có HCĐB là tổng thể những qui định, qui tắc do nhà nước ban hành trên cơ sở khách quan của đời sống xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp của nhà nước và xã hội, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến trẻ em có HCĐB.
Xét một cách phổ quát nhất, pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có HCĐB là một bộ phận cấu thành trong hệ thống pháp luật nói chung nên nó cũng có những đặc trưng chung như các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật khác, đồng thời pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có HCĐB ở mỗi một nước lại có những đặc thù riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kinh tế, chính trị, lịch sử, vị trí địa lý... của đất nước đó, đặc thù riêng đó được xuất phát từ chính bản thân đối tượng này và những yếu tố xã hội khách quan tác động đến.
Bên cạnh khái niệm pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có HCĐB, một khái niệm cần làm rõ thêm đó là địa vị pháp lý của trẻ em có HCĐB. Địa vị pháp lý của trẻ em có HCĐB là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ-bổn phận pháp lý của các em cùng với những bảo đảm pháp lý thực hiện. Địa vị pháp lý của trẻ em có HCĐB thể hiện bản chất nhà nước và xã hội cùng với những điều kiện kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội và của nhân loại. Trong từng lĩnh vực pháp luật, địa vị pháp lý của trẻ em có HCĐB lại có những biểu hiện đặc thù. Chẳng hạn, trong lĩnh vực pháp luật Hôn nhân và Gia đình, địa vị pháp lý của trẻ em có HCĐB được thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ-bổn phận của các em với tư cách là thành viên trong đại gia đình.
Trong lĩnh vực pháp luật tố tụng hình sự-trẻ em có HCĐB với tư cách là bị can, bị cáo có những quyền tố tụng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình.
2.3.2. Một số đặc thù cơ bản của pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Xét về cấu trúc, pháp luật quốc gia về quyền trẻ em có HCĐB có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội, đến nhiều ngành luật khác nhau.
Mỗi ngành luật có những đặc thù riêng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có HCĐB. Luật Hiến pháp điều chỉnh các quan hệ về trẻ em có HCĐB trên những vấn đề mang tính nguyên tắc áp dụng như là cơ sở cho tất cả các ngành luật khác.
Mọi quy định pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB đều không được trái với hiến pháp. Mỗi ngành luật điều chỉnh về quyền trẻ em có HCĐB với các nét đặc thù riêng nhưng tập hợp lại đã tạo ra một hệ thống pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB thống nhất như trong pháp luật Việt Nam.
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em quy định địa vị pháp lý bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và các tổ chức xã hội thực hiện quyền của trẻ em, nghiêm cấm làm tổn hại đến thân thể, tinh thần, trí tuệ của trẻ (Điều 5, 7, 21); Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc chủ trì phối hợp, điều phối các hoạt động và chương trình dành cho trẻ em của Chính phủ và giám sát những tiến bộ trong quá trình thực hiện Công ước (Điều 8 khoản 2);
Xác định các quyền cụ thể của trẻ em trên mọi lĩnh vực và những việc TE không được làm, gắn rất chặt với những nguyên tắc và điều khoản của Công ước (Điều 11 đến 20); Quy định về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 40 đến 58).
Ngành luật hình sự, điều chỉnh quyền trẻ em có HCĐB trên hai phương diện:
khi trẻ em có HCĐB cùng với các quyền của các em là các đối tượng bị xâm hại, và cả khi các em có hành vi phạm tội.
Luật tố tụng hình sự, điều chỉnh các quan hệ xã hội về trẻ em có HCĐB theo cách riêng của mình. Đó là việc quy định cho các em những quyền tố tụng để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc họ có quyền được người khác bảo vệ khi tham gia các hoạt động tố tụng, đồng thời quy định những điều khoản nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, không để xảy ra, hạn chế việc xử lý oan sai.
Luật hôn nhân và gia đình, nơi trẻ em có HCĐB là thành viên của gia đình lại có cách điều chỉnh đặc thù được thể hiện ở địa vị pháp lý-các quyền và nghĩa vụ- bổn phận của các em cùng với các quyền và nghĩa vụ-bổn phận pháp luật-đạo đức của các thành viên khác trong đại gia đình... cũng như qui định việc xác định cha mẹ cho con, nuôi con nuôi, chế độ đỡ đầu trẻ em...
Quy định những điều cấm và thông qua đó để bảo vệ lao động trẻ em, qui định độ tuổi tối thiểu được tuyển dụng lao động-đó là nét đặc trưng của Luật lao động. Ngoài ra, luật lao động dành hẳn một chương để qui định về người chưa thành niên trong đó có quyết định về việc tuyển chọn, sử dụng lao động là người chưa thành niên.
Bên cạnh đó là việc qui định bảo vệ trẻ em có HCĐB thông qua một hệ thống các biện pháp xử phạt những hành vi xâm phạm quyền trẻ em và những biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật trên nguyên tắc nhân đạo, lấy giáo dục làm chính... đó là đặc thù của Luật hành chính cũng như Luật hình sự.
Luật Dân sự, xác định năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của trẻ em trong đó có trẻ em có HCĐB để giúp trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự; xác định trách nhiệm dân sự của cha mẹ, người giám hộ trong trường hợp trẻ em gây thiệt hại về tài sản; xác định các quyền về tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản của trẻ em (quyền sở hữu, thừa kế…). Xác định các quyền về nhân thân phi tài sản của trẻ em (quyền với họ tên, xác định dân tộc, quyền với danh dự, nhân phẩm…)
Luật Người khuyết tật, quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ và tạo điều kiện cho những người khuyết tật (trong đó có trẻ em) thực hiện các quyền chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội trên cơ sở bình đẳng với tất cả các thành viên trong xã hội. Quy định về các quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực. Quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.
Luật Phòng chống HIV/AIDS, qui định quyền của trẻ em nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử. Qui định quyền được học tập của trẻ em nhiễm HIV/AIDS...
Luật Giáo dục, qui định về quyền học tập của trẻ em trong đó có trẻ em có HCĐB và trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong việc bảo đảm quyền học tập của các em. Qui định chế tài đối với hành vi cản trở việc học tập của các em (Điều 10, Nghị định 71/2011)
Bảo vệ quyền trẻ em có HCĐB thường gắn với việc bảo vệ quyền người phụ nữ và các quan hệ gia đình [79, tr.45]. Trẻ em trong đó có trẻ em có HCĐB là chủ thể của sự điều chỉnh pháp luật từ rất sớm. Có thể chỉ ra những biểu hiện cơ bản như: theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em do còn non nớt về thể chất và trí tuệ và vì thế cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Hiến pháp đã gắn nhu cầu chăm sóc trẻ em bên cạnh nhu cầu chăm sóc người mẹ, Điều 58 quy định:“Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Bên cạnh đó, Điều 36 Hiến pháp còn quy định: “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
Xuất phát từ thực tế xã hội hiện nay, sự điều chỉnh pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB ngày càng mang tính toàn diện, cụ thể phù hợp với các loại đối tượng trẻ em. Trong nhóm trẻ em có HCĐB, sự điều chỉnh pháp luật đã cụ thể hóa theo 10 loại đối tượng chính như: trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng tình dục; trẻ em lao động làm thuê; trẻ em nghiện ma túy vv...
Tiếp đến là sự tác động to lớn của các yếu tố phong tục, tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đến pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB ở nước ta [59, tr.8]. Điều này được thể hiện trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của trẻ em đối với các thành viên gia đình và ngược lại. Pháp luật bao giờ cũng giành một sự lưu ý đặc biệt đến mối quan hệ giữa pháp luật và tập quán trong việc giải quyết các quan hệ hôn nhân-gia đình như trong việc đặt tên, họ cho đứa trẻ, trong việc giải quyết các quan hệ tài sản, thừa kế, quan hệ nhân thân… Đồng thời, một yếu tố nữa rất quan trọng tác động đến đó là các quy định pháp luật về phụ nữ và việc thực hiện chúng luôn chịu sự quy định, tác động của các yếu tố như: vị trí, vai trò gia đình trong xã hội, những quan niệm, tư tưởng chính thống và bất thành văn đối với con cái-con trai con gái; những cách ứng xử truyền thống, các giá trị đạo đức truyền thống, các chính sách của nhà nước...
Một đặc trưng nổi bật nữa liên quan mật thiết giữa pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB với đạo đức. Về nguyên tắc, mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức không chỉ có trong lĩnh vực quan hệ trẻ em, hôn nhân gia đình, mà còn có ở tất cả các lĩnh vực điều chỉnh khác của pháp luật. Nhưng ở các lĩnh vực pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB, nhất là trong quan hệ hôn nhân gia đình, mối quan hệ này được thể hiện sâu sắc và bao quát hơn, bởi ở đó có yếu tố tình cảm là sợi dây gắn kết các thành viên gia đình. Các quyền, bổn phận-nghĩa vụ của trẻ em và giữa các thành viên khác trong gia đình trước hết là những quyền và bổn phận đạo đức. Pháp luật đã thể chế hóa và qua đó mà củng cố các quyền và bổn phận đạo đức đó. Các quy định của Luật hôn nhân và gia đình đã thể hiện tương đối toàn diện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của cha mẹ và các con đối với nhau nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trong việc hình thành nhân cách của trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng của đạo đức và giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật với những hình thức thích hợp.