CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
4.2. Giải pháp bảo đảm quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay
4.2.1. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Vấn đề nhận thức luôn đóng vai trò quan trọng và là yếu tố thiết yếu làm nền tảng cho những hành động trên thực tế. Giải quyết được vấn đề nhận thức của các chủ thể trong phạm vi của quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB tức là giải quyết được bước căn bản, tạo tiền đề cho việc bảo đảm quyền của các em, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam vốn chưa cho rằng trẻ em là các chủ thể của quyền mà vẫn
tiếp cận phần lớn dựa theo góc độ đạo đức xã hội-trẻ em phụ thuộc vào người lớn và chịu sự bao bọc của người lớn. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động, giáo dục, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB chưa được quan tâm, đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu như chưa đầu tư nguồn lực, trí tuệ và sự sáng tạo cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nên chưa đủ sức đề kháng trước sự xâm hại đến quyền của các em. Kiến thức, trách nhiệm của những người chăm sóc trẻ, của gia đình, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và trẻ em có HCĐB chưa được đề cao.
Vì vậy, vấn đề nâng cao nhận thức của xã hội và trách nhiệm của cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em có HCĐB là rất quan trọng nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống nhân văn của dân tộc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ em có HCĐB, đồng thời xây dựng những giá trị mới, hội nhập quốc tế về văn hóa quyền trẻ em.
4.2.1.1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em có HCĐB chính là nâng cao nhận thức của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em hay các tổ chức, thiết chế xã hội ở chính môi trường sống của trẻ (gia đình, làng xóm, thôn bản, nhà trường) và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp… Bởi vì đây là nhóm chủ thể có nhiều điều kiện gắn bó và dễ dàng thực hiện, bảo đảm các quyền trẻ em có HCĐB. Giải quyết vấn đề nhận thức đối với nhóm chủ thể này chủ yếu cần tập trung vào việc thay đổi quan niệm truyền thống cho rằng trẻ em có HCĐB là những đối tượng phụ thuộc vào người lớn, ăn bám gia đình, không có giá trị, không có ích gì cho gia đình hay xã hội và thay vào đó là nhận thức về vai trò chủ thể quyền dành cho trẻ em có HCĐB như: các em có quyền tham gia và quyết định về các vấn đề liên quan đến bản thân mình, các em có quyền được học tập, quyền không bị phân biệt đối xử, không bị kỳ thị, không bị bóc lột, lạm dụng sức lao động, các em có những tài năng mà trẻ em bình thường khác không thể thực hiện được. Việc nâng cao nhận thức cho bản thân các em còn là cơ sở để các em biết cách phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân trước các mối nguy hiểm trong xã hội. Đối với gia đình (cha mẹ) giúp họ hình thành ý thức tôn trọng các quyền của con, lắng nghe con, tạo môi trường bình đẳng cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình, giúp trẻ tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân ở các môi trường khác nhau như nhà trường, cộng đồng và xã hội.
Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em có HCĐB có thể được tiến hành bằng nhiều cách thức khác nhau như:
Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, băng rôn, khẩu hiệu, palô, áp phích... về Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, về các quyền trẻ em có HCĐB và trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm quyền của các em.
Tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, trường học về các quyền của trẻ em như: tư vấn cho các Nhà trường có thể đưa nội dung môn học pháp luật về quyền trẻ em vào giảng dạy trong các Nhà trường; Nhà trường lồng ghép nội dung các môn học với giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em và trẻ em có HCĐB; tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về quyền trẻ em…
Chiếu các đoạn phim tư liệu, các chương trình biểu diễn của trẻ em có HCĐB trong cộng đồng hoặc trong các buổi tập huấn, hội thảo hoặc các bài giảng của giáo viên trong các nhà trường về quyền trẻ em có HCĐB.
Các hoạt động trên có thể thực hiện ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau (quy mô địa phương, vùng miền hoặc toàn quốc hay trong các nhà trường, cơ sở giáo dục) nhưng yếu tố bắt buộc phải làm nổi lên vai trò của trẻ em bằng cách thu hút chính các em tham gia và lấy ý kiến của các em về các chương trình, hoạt động đó. Ngoài ra, còn có thể có sự tham gia của làng xóm, các thành viên gia đình, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ làm công tác trẻ em…
4.2.1.2. Nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước ở địa phương về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Cơ quan nhà nước ở địa phương phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có thể kể đến đó là hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương (Uỷ ban nhân dân các cấp, sở, phòng, ban). Trong quá trình quản lý của mình các cơ quan này giao nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực trẻ em cho cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội. Để bảo đảm các quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB, trước hết các cơ quan này cần phải nắm rõ về chính sách, pháp luật qui định về quyền của các em. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc trong lĩnh vực trẻ em ở các cơ quan này.
Trong các cơ quan nhà nước ở địa phương, đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức (cán bộ cấp cơ sở) làm việc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ cơ cấu thực thi, bảo vệ các quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB. Cán bộ cấp cơ sở là chủ thể có sự thuận tiện trong việc tiếp xúc, nắm bắt được tình hình triển khai, thực thi các quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB trên thực tế. Do đó, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở là cần thiết. Hiện không có cán bộ làm việc chuyên trách về các vấn đề của trẻ
em ở cấp xã mà hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, cộng tác viên hoặc phụ trách chung trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội hoặc nhân viên công tác xã hội. Chính vì lẽ đó, việc nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở có thể được thực hiện bằng các cách thức như sau:
Tuyên truyền hoặc tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ nguồn/cán bộ cơ sở làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và trẻ em có HCĐB, nội dung là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như các kỹ năng làm việc với trẻ em và gia đình... Vì cán bộ cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đó vào trong đời sống của nhân dân. Đồng thời, cán bộ cơ sở cũng có vai trò kiểm tra, giám sát tính hiệu quả trong thực thi các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về quyền của các em bởicác chủ thể khác nhau.
Đồng thời, cán bộ cơ sở còn là người làm việc trực tiếp với trẻ em và gia đình nên việc phải sử dụng thành thạo các kỹ năng làm việc với các chủ thể đó là yêu cầu không thể thiếu để bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt hiệu quả cao. Trong vấn đề bảo đảmquyền của trẻ em, trẻ em có HCĐB do các hoạt động chính hỗ trợ quyền của các em thực chất được tiến hành tại cấp cơ sở, nếu phối hợp không tốt sẽ gây ra trùng lặp về nội dung hoạt động và sử dụng các nguồn lực công kém hiệu quả. Tình trạng này có thể được khắc phục nếu như chúng ta xây dựng được một hệ thống chuyên biệt đảm nhận vai trò điều phối các hoạt động liên quan đến bảo đảm các quyền của các em.
Tăng cường công tác tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em và trẻ em có HCĐB ở địa phương, trong các nhà trường hay các cơ sở chăm sóc thay thế. Khi tổ chức các hoạt động này phải lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em có HCĐB nhằm tuyên truyền về quyền của các em tới các đối tượng khác nhau. Thông qua đó khuyến khích các hoạt động thực hiện quyền của trẻ em có HCĐB hoạt động của các nhóm trẻ, các diễn đàn trẻ em, các câu lạc bộ trẻ em hoặc các hoạt động sinh hoạt hè, các hội thi văn hoá, văn nghệ của trẻ em, các hoạt động trong các ngày tết, lễ của trẻ em. Các hoạt động này được thực hiện bởi các đơn vị cấp cơ sở bởi đây là bộ phận có sự gắn bó mật thiết đối với người dân địa phương.
4.2.2. Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
4.2.2.1. Nguyên tắc hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB phải nhằm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trong đó trẻ em và trẻ em có HCĐB được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt chú ý đến vấn đề phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội như:
tạo việc làm, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB cần bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp là đạo luật gốc, đặt ra những qui định mang tính nền tảng của chế độ Nhà nước, xã hội cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta. Các qui định của pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB bắt buộc phải phù hợp với Hiến pháp, nếu không sẽ bị bãi bỏ.
Đồng thời, hệ thống pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB cần được hoàn thiện một cách đồng bộ và có hệ thống với các ngành luật khác liên quan đến việc điều chỉnh về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước tiên tiến trên thế giới và các chuẩn mực pháp lý quốc tế, nhằm bảo đảm tính kế thừa của việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các qui định pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB. Khi tham khảo để sửa đổi, bổ sung cần tính đến các điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế-xã hội cụ thể của nước ta và đặc biệt là tính đồng bộ với các văn bản và đạo luật khác liên quan đến việc điều chỉnh về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
4.2.2.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Pháp luật tuy không phải là tất cả trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em và trẻ em có HCĐB, song pháp luật là cơ sở pháp lý, là công cụ không thể thiếu trong sự nghiệp bảo vệ quyền của các em. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có HCĐB. Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về trẻ em và cần tổng rà soát, bãi bỏ những qui định của pháp luật lạc hậu, bất cập, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn xã hội.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền trẻ em có HCĐB theo định hướng phù hợp với các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người và
quyền trẻ em, đây được coi là một trong những điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sự bất cập, lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống và mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em và trẻ em có HCĐB còn là yếu tố tác động tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hệ thống pháp luật liên quan đến Quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB ở Việt Nam không chỉ được quy định trong các văn bản luật như Hiến pháp; Luật Giáo dục năm 2005; Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004; Luật Người khuyết tật; Luật Phòng, Chống HIV/AIDS, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật dạy nghề, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình… mà còn được qui định ở nhiều văn bản dưới luật khác nhau như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn… Do vậy, quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB được qui định tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, đó là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình thực hiện quyền của các em trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB là yêu cầu tất yếu, một nhiệm vụ quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em ở Việt Nam. Để làm được điều đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: Rà soát và hệ thống hóa các văn bản pháp luật có qui định về quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB. Hoạt động này nhằm phát hiện những nội dung văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có lộ trình để xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung các qui định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới qui định một cách đầy đủ và có hệ thống về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB.
Cần tiến hành sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản qui phạm pháp luật qui định về các quyền của trẻ em nói chung và trẻ em có HCĐB nói riêng cũng như các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến việc điều chỉnh và bảo đảm các quyền của trẻ em, cụ thể:
Thứ nhất, đối với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em hiện hành, những qui định trong luật này hiện nay chỉ mang tính chất định khung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em theo hướng “thân thiện với trẻ em và tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em và trẻ em có HCĐB một cách toàn diện”. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và cá nhân trong việc phối hợp bảo đảm các quyền của trẻ em và trẻ em có
HCĐB; qui định cụ thể về việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý những hành vi xâm hại hoặc bạo lực đối với trẻ em; quy định cụ thể biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm các quyền của trẻ em. Trước những yêu cầu đó, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em với một số vấn đề cụ thể sau:
Một là, tuổi trẻ em cần có sự nhất quán trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Quy định tuổi trẻ em là người dưới 18 tuổi cho phù hợp với Công ước Quyền trẻ em, qua đó có thể mở rộng đối tượng trẻ em được hưởng chính sách chăm sóc, bảo vệ của nhà nước. Do đó, sửa Điều 1 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 như sau: “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 18 tuổi”. Như vậy, việc thống nhất xác định độ tuổi trẻ em trong các qui định của pháp luật là cần thiết vì Nhà nước ta là một trong những nước sớm nhất công nhận và phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em, theo Công ước qui định, trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trong khi đó, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em hiện hành qui định trẻ em là người dưới 16 tuổi hoặc ở một số ngành luật cũng có những qui định khác nhau về độ tuổi của trẻ em như Luật Hôn nhân và Gia đình xác định độ tuổi con nuôi là 15 tuổi trở xuống, Bộ luật Hình sự qui định người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật Lao động qui định người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi và khái niệm trẻ em được hiểu là người chưa đủ 15 tuổi, Luật Xử lý vi phạm hành chính qui định người từ đủ 14 tuổi trở lên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính… Như vậy, chưa có sự thống nhất về độ tuổi cụ thể của trẻ em trong pháp luật quốc gia, để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp lý có liên quan, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em Việt Nam (độ tuổi 16 đến dưới 18 tuổi đang bị bỏ rơi), phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở của Hiến pháp, Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các ngành luật khác cần thống nhất và qui định độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi.
Hai là, trong thực tế, rất nhiều cá nhân có hành vi gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, sao nhãng đối với trẻ em nhưng họ không nhận biết được các hành vi của mình lại xâm hại đến quyền của trẻ em có HCĐB theo qui định của pháp luật. Do đó, cần bổ sung Điều 3 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 để giải thích rõ thế nào là hành vi gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, sao nhãng đối với trẻ em và trẻ em có HCĐB.