CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BẢO ĐẢM QUYỀN TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
3.2. Thực trạng qui định và thực hiện pháp luật về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay
3.2.1. Thực trạng qui định và thực hiện pháp luật về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
3.2.1.1. Thực trạng qui định của pháp luật về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Công ước quyền trẻ em, trong phần I, điều 7, mục 1 qui định: "Trẻ em phải được đăng ký khai sinh ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền ngay từ khi ra đời, có họ tên, có quốc tịch và trong chừng mực có thể có quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ chăm sóc” [17, tr.20].
Cụ thể hoá qui định của CRC về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em, Việt Nam, trong những năm gần đây đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật qui định về đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB. Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định: “cá nhân sinh ra có quyền được khai sinh” (Điều 29); “cá nhân có quyền có họ, tên.
Họ tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó” (Khoản 1, Điều 28); “Cá nhân có quyền có quốc tịch” (Điều 45). Trên cơ sở đó, Điều 11 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em qui định “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch (Khoản 1). Trẻ em chưa xác định được cha mẹ, nếu có yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ để xác định cha, mẹ theo qui định của pháp luật (Khoản 2)”. Luật Quốc tịch Việt Nam, tại điều 16, 17, 18, 19 đã qui định một số vấn đề cơ bản về Quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nghị định 83/1998/NĐ-CP, ngày 10-10-1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT-BTP, ngày 25-6-1999 hướng dẫn thi hành một số qui định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa một số vấn đề đăng ký hộ tịch, trong đó có đăng ký khai sinh cho trẻ em. Tiếp đó, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02-02-2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực và mới đây nhất là Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ Tư pháp hợp nhất Nghị định về đăng ký quản lý hộ tịch (“Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP”) qui định: Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân sau này mà có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán;
quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh.
Đăng ký khai sinh nhằm xác định rõ mỗi cá nhân là một chủ thể riêng biệt trong xã hội. Trong giấy khai sinh xác định rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới
tính, dân tộc, quốc tịch của người được khai sinh nhằm làm căn cứ pháp lý phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác. Đồng thời, trong phần khai về cha, mẹ của người được khai sinh còn là cơ sở pháp lý xác định quan hệ cha-con, mẹ-con. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của một cá nhân. Quyền được khai sinh và có quốc tịch là quyền cơ bản của trẻ em nhưng quyền này được bảo đảm bằng hành vi của người khác. Để bảo đảm quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em, khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “ôỦyban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Cụ thể hóa qui định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004, văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ Tư pháp hợp nhất Nghị định về đăng ký quản lý hộ tịch qui định như sau: Đăng ký khai sinh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh (Điều 14). Nếu quá thời hạn nêu trên thì phải đăng ký khai sinh theo thủ tục quá hạn; Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (“UBND cấp xã”) có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, vận động cha, mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng hạn (Điều 13).
Như vậy, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch qui định việc đăng ký khai sinh cho trẻ em thuộc trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em và vận động cha, mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn. Cán bộ Tư pháp hộ tịch là người trực tiếp thực hiện đăng ký khai sinh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người đi khai sinh cho trẻ em hoàn thiện hồ sơ, xác minh, kiểm tra những giấy tờ đã được cung cấp và đăng ký khai sinh kịp thời.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em nói chung, việc bảo đảm quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em có HCĐB được thể hiện thông qua việc Nhà nước có chính sách ưu tiên cho những trẻ em thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh (Khoản 3 Điều 23 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004).
Bên cạnh đó, pháp luật còn qui định quyền khai sinh cho những trẻ em là con ngoài giá thú và trẻ em bị bỏ rơi.
Con ngoài giá thú là con của người cha và người mẹ không đăng ký kết hôn với nhau. Việc đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú vẫn được thực hiện như đối với khai sinh cho con trong giá thú.
Nhằm thực hiện nguyên tắc “mọi trẻ em sinh ra đều phải được đăng ký khai sinh đúng hạn”, đồng thời, xuất phát từ quan điểm đối xử bình đẳng về quyền đăng ký khai sinh không kể con sinh ra trong giá thú hay ngoài giá thú, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP), Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ Tư pháp hợp nhất Nghị định về đăng ký quản lý hộ tịch quy định: Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chỉ phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ khi cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn. Trong trường hợp trẻ em là con ngoài giá thú thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ, chỉ cần có Giấy chứng sinh là có thể khai sinh cho trẻ theo diện con ngoài giá thú. Mặt khác, khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, pháp luật không cho phép cán bộ Tư pháp hộ tịch được gặng hỏi, tìm hiểu về quan hệ hôn nhân của người mẹ. Đây là vấn đề thuộc về bí mật đời tư của cá nhân. Do đó, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) quy định, trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống.
Khi con sinh ra, việc xác định họ cho con có thể xác định theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với trẻ là con ngoài giá thú, không xác định được người cha nên họ của trẻ đương nhiên sẽ được xác định theo họ của người mẹ. Điều 15, Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP còn qui định “Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Trẻ bị bỏ rơi bao gồm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh. Khoản 3, Điều 13, Nghị định 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) và Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ Tư pháp hợp nhất Nghị định về đăng ký quản lý hộ tịch có quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi như sau: Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người
phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại UBND cấp xã, nơi lập biên bản, một bản giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ; Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh; Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”. Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu;
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện như trên. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh;
quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".
Ngoài những qui định của pháp luật về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em, trẻ em có HCĐB và trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm quyền được khai sinh và có quốc tịch của các em, pháp luật Việt Nam còn qui định các chế tài xử lý khi có hành vi vi phạm quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em, trẻ em có HCĐB. Cụ thể, tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã qui định các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh như sau: Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định; Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Làm chứng sai sự thật về việc sinh; Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh; Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh; Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi làm giả giấy tờ và sử dụng giấy tờ giả.
3.2.1.2. Thực trạng việc thực hiện pháp luật về quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Có thể khẳng định, tình hình đăng ký khai sinh trẻ em nói chung và trẻ em có HCĐB nói riêng ở Việt Nam có những cải thiện và thành công rất đáng khích lệ (từ xấp xỉ 70% trẻ em được đăng ký khai sinh trước năm 2010 lên 94,85% vào năm 2014 tính trên tổng số trẻ em chưa đăng ký khai sinh thuộc diện rà soát, lập danh sách). Sau khi có Nghị định 83/1998/NĐ-CP, Thông tư số 12/1999/TT- BTP và Đề án 278/TP-HT của Bộ Tư pháp, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ- CP), Văn bản hợp nhất số 8013/VBHN-BTP,Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã qui định các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh và hàng loạt các văn bản pháp luật khác, Việt Nam đã tích cực triển khai công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB trong phạm vi cả nước như: Hầu hết các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB theo đúng qui định của pháp luật trên cơ sở các văn bản qui phạm pháp luật do nhà nước ban hành, chẳng hạn, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB được các địa phương thống kê theo mẫu chi tiết.
Bảng 3.3: Mẫu Báo cáo thống kê số liệu đăng ký khai sinh SỰ KIỆN HỘ TỊCH Tổng số Nam Nữ
Trong đó Đăng ký
đúng hạn
Đăng ký quá hạn
Đăng ký lại
I. SINH
1. Con trong giá thú
2. Con ngoài giá thú
3. Trẻ bị bỏ rơi
Các địa phương đã tiến hành đăng ký khai sinh được số lượng đáng kể cho trẻ em và trẻ em có HCĐB còn tồn đọng chưa được đăng ký khai sinh trong nhiều năm. Trên phạm vi quốc gia, tính đến tháng 12/2012, thông qua việc thực hiện các qui định về đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB, các tỉnh/thành đã tiến hành rà soát, lập danh sách số trẻ em chưa được đăng ký khai sinh là 1.634.840 em trong đó có 748.230 trẻ em có HCĐB và tính đến tháng 12/2013 đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 208.314 trẻ em có HCĐB, tháng 12/2014 có 235.675 trẻ em có HCĐB. Vậy, cho đến thời điểm tháng 12/2014 số trẻ em có HCĐB chưa đăng ký khai sinh còn lại là 304.241 em.
Bảng 3.4: Trẻ em và trẻ em có HCĐB chưa được đăng ký khai sinh tháng 12/2012 Phạm vi
Số trẻ chưa ĐKKS được
rà soát
Trong đó Số trẻ em chưa được
ĐKKS
Số trẻ em có HCĐB chưa được ĐKKS
Toàn quốc 1.634.840 em 886.610 em 748.230 em
Nguồn: Báo cáo của Bộ Tư pháp, 10/12/2012 về Tổng kết công tác đăng ký khai sinh
Bảng 3.5: Trẻ em có HCĐB đã được
đăng ký khai sinh từ năm 2013 đến tháng 12/2014 Phạm vi Số trẻ em có HCĐB chưa được
ĐKKS được rà soát
Số trẻ em có HCĐB đã được ĐKKS
Năm 2013 Năm 2014
Toàn quốc 748.230 em 208.314 em 235.675 em
Nguồn: Báo cáo của Bộ Tư pháp, 8/12/2014 về Tổng kết công tác đăng ký khai sinh
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, gia đình và cộng đồng có chuyển biến trong nhận thức, sự quan tâm và hành động trong việc thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB. Nhất là cán bộ lãnh đạo của một số ngành như: Tư pháp, Dân số-Gia đình-Trẻ em, Công an, Y tế, Phụ nữ, Giáo dục, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Chữ Thập đỏ, Văn hóa-Thông tin v.v... đã tham gia phối kết hợp với nhau trong việc triển khai đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB, triển khai một số hoạt động truyền thông về đăng ký khai sinh và một số vấn đề có liên quan đến quyền trẻ em và trẻ em có HCĐB với nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, báo chí, v.v... cùng những nội dung cần thiết về đăng ký khai sinh cho trẻ em và trẻ em có HCĐB.