CẤU TRÚC TƯƠNG THÍCH CỦA CÂU HỎI

Một phần của tài liệu Câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 20 - 28)

CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.2. CẤU TRÚC TƯƠNG THÍCH CỦA CÂU HỎI

Việc nghiên cứu ngôn ngữ theo quan điểm động, xem hoạt động giao tiếp là một hoạt động xã hội có tính tương tác cao, đứng ở góc độ của người tạo lập văn bản, có tính đến yếu tố hoàn cảnh và năng lực của Sp2, đã giúp tác giả Mai Thị Kiều Phượng (2007) tìm ra một cấu trúc rất thỏa đáng cho phát ngôn: cấu trúc lựa chọn. Cấu trúc này vốn có cơ sở từ những vấn đề lựa chọn ngôn từ sao cho đạt hiệu quả giao tiếp do các nhà ngôn ngữ học như L.Wittgenstein (1962), C.W.Morris (1938), K.Carnap (1942), J.Bar Hiller (1954), J.Austin (1962), R.Mongtague (1968), J. Searle (1969), …xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, được xem là lý thuyết nền tảng của ngữ dụng học. Cấu trúc lựa chọn có thể hiểu là một sự lựa chọn mang tính chiến lược các yếu tố ngôn ngữ để tạo thành các tổ hợp phù hợp với hoàn cảnh, mục đích giao tiếp nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất.

Thực chất và cái đích của cấu trúc lựa chọn là xác lập hiệu lực giao tiếp theo hướng hiển ngôn và hàm ngôn, lấy cấu trúc hiển ngôn làm hình thức cho cấu trúc hàm ngôn. Đồng thời là sự chú ý mối quan hệ giữa phạm trù ngôn ngữ và phạm trù phi ngôn ngữ” [117, tr.25].

Tuy rất tâm đắc với cấu trúc lựa chọn nhưng chúng tôi lại đề cao tính phù hợp (compatibility) với hoàn cảnh giao tiếp của phát ngôn hơn – chúng tôi tạm gọi là cấu trúc tương thích. Lựa chọn có thể xem như một thao tác bắt buộc khi sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc lựa chọn là một cấu trúc hiển nhiên tồn tại trong ngôn ngữ vì hầu như nói bất cứ điều gì, Sp1 cũng đã trải qua thao tác lựa chọn. Song đứng từ góc độ ngữ cảnh, cấu trúc ấy có tương thích với những yêu cầu của ngữ cảnh hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có năng lực ngữ dụng của những người tham gia giao tiếp.

1.2.1. Vai trò của ngữ cảnh trong việc xác định nghĩa của câu

Ngữ cảnh, bao gồm ngữ cảnh rộng (nền văn hóa, kiến thức khoa học, bức tranh thế giới, các chuẩn tắc xã hội, …) và ngữ cảnh hẹp (không gian và thời gian,

tính chính thức, nghi thức hay không chính thức, nghi thức của cuộc thoại, …), là yếu tố phi ngôn nhưng giữ vai trò rất quan trọng đối với sự lựa chọn các cấu trúc ngôn ngữ. Khác với ngữ cảnh, ngôn bản là một chuỗi câu tạo nên diễn ngôn và chuỗi câu ấy “không phải đơn giản chỉ được xếp cạnh nhau trên chuỗi mà phải gắn bó với nhau theo một cách thức thích hợp nào đó về ngữ cảnh. Ngôn bản, với tư cách là một thể toàn vẹn cần thể hiện các đặc trưng có liên quan, song có thể phân biệt được với nhau căn cứ vào tính liên kết và tính mạch lạc” [87, tr.274]. Để tạo nghĩa và xác định nghĩa cho phát ngôn “ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau, cái này tiền giả định cái kia. Ngôn bản là thành tố của cái ngữ cảnh mà nó được sản sinh ra, còn ngữ cảnh được tạo ra liên tục biến cải và thay đổi diện mạo nhờ vào những ngôn bản mà Sp1 nói/ viết trong những tình huống cụ thể.” [87, tr.275]

Về vai trò của ngữ cảnh và ngôn cảnh đối với việc xác định nghĩa của phát ngôn, cũng theo J.Lyons (2006), ngữ cảnh quy định nghĩa của phát ngôn ở ba mức độ phân biệt:

- Cho biết câu nào được nói ra

- Làm rõ mệnh đề được thể hiện (nếu có một mệnh đề được thể hiện) - Cho biết rõ mệnh đề đang xét ấy thể hiện lực ngôn trung cụ thể nào Như vậy, chính ngữ cảnh đã mang đến cho phát ngôn một lượng không nhỏ TT và cũng chỉ có ngữ cảnh mới cho biết được hiện dạng (tokens) nào là tương thích còn hiện dạng nào là không tương thích. Thực tế cho thấy, việc mã hóa và giải mã TT, đặc biệt đối với những CTTT mang tính đa tầng, nếu không đạt được sự thống nhất thì chủ yếu là do các nhân vật giao tiếp không chia sẻ được với nhau TT nền từ ngữ cảnh và ngôn cảnh.

T.Givón (1989) cũng cho rằng ngữ cảnh quyết định hai yếu tố nghĩa và tính hữu dụng của câu. Tạo lập và truyền đạt câu là để cung cấp hoặc tiếp nhận một nội dung mới (nhận thức, hành động, tình cảm) song cần lưu ý rằng, lượng TT mới thêm vào tính theo tỉ lệ TT trong mệnh đề là rất nhỏ còn lượng TT liên quan làm nền giúp ta hiểu được TT mới là rất lớn. Những TT nền này do ngữ cảnh rộng và hẹp quy định, phần lớn trong số chúng nằm trong bức tranh chung về thế giới của chúng ta.

1.2.2. Khái niệm cấu trúc tương thích

Có thể hiểu cấu trúc tương thích là kết quả của quá trình lựa chọn và cấu trúc hóa các yếu tố ngôn ngữ, xác lập hiệu lực giao tiếp dựa trên mối quan hệ suy ý của TT hiển ngôn và hàm ngôn, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp và phù hợp với năng lực ngữ dụng của người tiếp nhận, phục vụ cho những chiến lược giao tiếp nhất định.

Mối quan hệ logic của cấu trúc tương thích và ngữ cảnh là mối quan hệ mang tính điều kiện – kết quả. Ngữ cảnh giữ vai trò quyết định cho sự hình thành và sử dụng của cấu trúc tương thích, ngược lại, một cấu trúc chỉ được xem là tương thích khi phù hợp và hữu dụng với ngữ cảnh và nhân vật giao tiếp. Vì thế, một cấu trúc có thể tương thích với ngữ cảnh và đối tượng này nhưng không tương thích với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp khác, đồng thời, một ngữ cảnh chỉ có thể chấp nhận một số lượng cấu trúc tương thích hữu hạn.

1.2.3. Đặc điểm của cấu trúc tương thích 1.2.3.1. Tính phù hợp

Tính phù hợp là đặc điểm quan trọng nhất của cấu trúc tương thích, bao gồm phù hợp với yêu cầu ngữ cảnh, ngôn bản và Sp2. Đối với ngữ cảnh, đó là sự phù hợp với đặc điểm nền văn hóa, đặc tính tư duy dân tộc, các chuẩn mực đạo đức xã hội, kiến thức nền và hiện thực đang được phản ánh trong diễn ngôn. Đối với ngôn bản, đó là sự liên kết và mạch lạc với các phát ngôn đứng trước, là điều kiện hình thành các phát ngôn đứng sau, trở thành một lập luận phục vụ một chiến lược giao tiếp nhất định. Đối với Sp2, đó là sự phù hợp với năng lực tiếp nhận và tính quan yếu của TT được truyền đạt. Tóm lại, một phát ngôn được xem là tương thích (không phân biệt phát ngôn đó phải được hiểu theo nghĩa hiển ngôn hay hàm ngôn) là một phát ngôn đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phù hợp với bức tranh chung về thế giới của các nhân vật tham gia giao tiếp

- Phù hợp với tính liên kết và mạch lạc của ngôn bản

- Phù hợp với vai giao tiếp, có tính đến đặc điểm tâm lý, trạng thái tình cảm, trình độ hiểu biết, kinh nghiệm sống, năng lực tiếp nhận, đặc tính vùng miền của đối tác giao tiếp

- Là một lập luận trong chiến lược giao tiếp (đối với những cuộc giao tiếp có chiến lược) cùng hướng đến một mục đích giao tiếp nhất định

- Thể hiện được tính liên nhân và tính lịch sự - Truyền tải được nội dung giao tiếp

Cấu trúc tương thích chẳng những chứa đựng được TT cần truyền đạt mà quan trọng hơn là còn đảm bảo cho TT ấy được truyền đạt một cách có hiệu quả nhất. Mức độ tương thích với ngữ cảnh giao tiếp và đối tượng tiếp nhận của cấu trúc ngôn ngữ có thể xem như chỉ tố đánh giá năng lực ngữ dụng của người tạo lập ngôn bản. Năng lực ngữ dụng của người tạo lập càng cao thì tính tương thích ngữ cảnh của phát ngôn càng cao và càng đảm bảo hiệu quả của hoạt động giao tiếp.

Tuy nhiên, đạt độ tương thích hoàn toàn đến mức độ lý tưởng thì khó, còn tương thích ở mức độ chấp nhận được thì hầu như người bản ngữ nào cũng thực hiện được. Từ nhỏ họ đã được học và làm quen các cấu trúc phù hợp với những hoàn cảnh nhất định. Thói quen tạo nên tính khuôn mẫu ấy là điều kiện để họ nhận ra những cấu trúc không phù hợp. Việc sử dụng những cấu trúc không phù hợp dễ làm cho Sp1 bị đánh giá thấp về trình độ, tính cách, lối sống, …từ đó là những ảnh hưởng không nhỏ cho không khí của cuộc thoại. Ví dụ những phát ngôn sau đây có những yêu cầu rất khắt khe về mặt ngữ cảnh giao tiếp:

(3) a- Bộ ăn thịt hoài không thấy chán hả?

b- Đi mua hay đi dọ giá vậy cô?

Nếu không cố tình xúc phạm Sp2 thì chắc chắn Sp1 không bao giờ sử dụng những câu như thế. Như ta đã biết, điều kiện tiên quyết đảm bảo cho một cuộc giao tiếp đạt hiệu quả mong muốn là sự tôn trọng thể diện của đối tượng giao tiếp.

1.2.3.2. Tính khuôn mẫu và tính sáng tạo

Ngôn ngữ vừa có những yêu cầu chung mang tính quy tắc mà cộng đồng sử dụng ngôn ngữ phải tuân theo để đảm bảo cho việc sử dụng ngôn ngữ diễn ra bình thường, vừa chấp nhận những sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, thể hiện năng lực và tính cách riêng của nhân vật giao tiếp. Như vậy, có thể hiểu, tính khuôn mẫu và tính sáng tạo là tính hợp chuẩn và tính chệch chuẩn. Đây cũng là một tiêu chí để phân biệt ngôn ngữ và lời nói – một hệ thống mang tính chuẩn mực và một sản phẩm mang tính sáng tạo.

Tính khuôn mẫu

Tính khuôn mẫu được hình thành trên cơ sở tuân thủ hệ thống các quy tắc chi phối việc sử dụng ngôn ngữ. Tính khuôn mẫu đi liền với thói quen mà kết quả là ngữ pháp hóa một số cách diễn đạt giúp người bản ngữ ứng phó nhanh trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Chẳng hạn, khi cần trình bày một vấn đề gì, người ta hay dùng câu trần thuật; khi cần hỏi một vấn đề gì, người ta hay dùng câu hỏi; khi cần yêu cầu điều gì, người ta hay dùng câu cầu khiến.

Tính sáng tạo

Bên cạnh tính khuôn mẫu, cấu trúc tương thích còn có tính sáng tạo. Việc xác lập hiệu lực giao tiếp theo hướng hiển ngôn và hàm ngôn trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và khả năng của đối tượng tiếp nhận là một trong những lý do để người tạo lập văn bản phá vỡ khuôn mẫu có sẵn, tạo nên những cấu trúc đa tầng TT, trong đó có những TT mà nếu không có sự chia sẻ về những điều kiện ngữ cảnh thì Sp2 sẽ không xử lý được. Ví dụ, để yêu cầu đóng cửa, người Việt có thể linh hoạt sử dụng các phát ngôn sau:

a- Đóng cửa lại!

b- Làm ơn đóng cửa lại!

(4) c- Anh đóng cái cửa hộ tôi với!

d- Anh có thể đóng cửa lại không?

e- Anh đóng cửa lại được không?

g- Không thấy là cửa đang mở à?

h- Hôm nay sao mà nhiều gió quá?

i- Gió thế này không nấu cơm được đâu.

k- Để cửa thế này người ta hay nhòm vào lắm đấy.

Nếu câu cầu khiến (4)a, b, c cho phép Sp1 trực tiếp nêu ra yêu cầu để Sp2 phải thực hiện việc đóng cửa thì câu tường thuật (4)h, i, k chỉ là một gợi ý bóng gió xa xôi. Vì là gợi ý bóng gió xa xôi nên Sp2 có thể làm ngơ và Sp1 cũng có thể chối cãi điều mình mong muốn. Cái hiển thị trên bề mặt ngôn ngữ ít hơn nhiều so với cái được chuyển tải từ những yếu tố hiển thị đó cộng thêm một phép suy diễn trên cơ sở của sự liên tưởng. Riêng các phát ngôn hỏi (4)d, e, g chủ yếu biểu thị thắc mắc của người hỏi, thắc mắc về những điều nên làm nhưng chưa được làm. Câu

(4)d có thể xem như một yêu cầu đóng cửa. Câu (4)g mang tính gợi ý và cũng có thể có giá trị như một lời khuyên hoặc nhắc nhở. Câu (4)h nằm ở ranh giới của câu hỏi và câu cảm. Chỉ một lời than phiền của Sp1 cũng đủ thông báo cho Sp2 biết Sp1 muốn gì và Sp2 phải làm gì. Câu này cũng gần với câu tường thuật (4)h, i, k ở cách nói bóng gió xa xôi.

Hoặc chỉ sử dụng một câu nhưng Sp1có thể truyền đạt được nhiều TT khác nhau, phục vụ cho những đích ngữ dụng khác nhau:

(5) Hôm qua đám cưới cô Dung có đông không?

- Hỏi để biết đám cưới cô Dung có đông không - Hỏi để báo tin cô Dung đã cưới

- Hỏi để thăm dò xem cô Dung có mời Sp2 đi dự đám cưới không - Hỏi để biết Sp2 có đi đám cưới cô Dung không

- Hỏi để trách Sp2 không đi đám cưới cô Dung mà dám đi khoe với mọi người đám cưới cô Dung đông lắm

Ngữ cảnh giao tiếp sẽ giúp Sp2 hiểu được hàm ý của Sp1 và hồi đáp đúng vào cái hàm ý đó bằng những cấu trúc tương thích:

(a) Đông lắm. Em chưa thấy đám cưới nào đông như vậy.

(b) Cũng không đông lắm, khoảng 20 bàn.

(c) Thấy cũng không đông vì nghe nói cô ấy đã làm trước ở dưới quê.

(d) Hôm qua bận đi đám cưới đứa cháu nên em chỉ gửi quà mừng cho cô ấy thôi.

(e) Em không đi nên cũng không biết.

(g) Bận quá nên em không đi được.

(h) Ủa, đám cưới cô Dung à?

(i) Cô ấy không mời em.

(k) Cô Dung cưới rồi à?

(l) Cô Dung nào vậy?

(m) Em đâu có quen cô nào tên Dung.

(n) Anh không đi đám cưới đó à?

(o) Sao anh không đi đám cưới cô Dung?

(p) Xin lỗi anh, tại hôm qua mọi người hỏi quá, cũng ngại nên em mới nói vậy.

(q) Em nói vậy chứ em đâu có biết. Cô ấy đâu có mời em.

1.2.3.3. Tính dự đoán

Năng lực ngôn giao tồn tại một cách tiềm tàng trong thế giới tinh thần của người bản ngữ. Chỉ cần một vài chỉ dẫn của ngữ cảnh giao tiếp, dựa trên tính tương thích của phát ngôn, Sp2 đã có thể xử lý được TT mà Sp1 muốn truyền đạt, đồng thời cũng dự đoán được những gì sẽ xảy ra kế tiếp. Tính dự đoán này chẳng những giúp các nhân vật giao tiếp chuẩn bị một phát ngôn tương thích mà còn chủ động hướng cuộc thoại hoặc điều chỉnh cuộc thoại theo ý muốn của mình để đạt được mục đích giao tiếp. Ví dụ, một đoạn thoại mời thường có bố cục như sau mà nếu nắm được các nhân vật giao tiếp sẽ dễ dàng tạo ra được các cấu trúc tương thích:

- Sp1 mời (có thể diễn đạt hàm ẩn bằng cách nêu một câu hỏi) - Sp2 chấp nhận (tích cực) hoặc từ chối (tiêu cực)

- Nếu Sp2 chấp nhận thì Sp1 dặn dò hoặc hẹn hò - Nếu Sp2 từ chối thì Sp1 sẽ hỏi lý do

- Sp2 cho biết lý do

- Sp1 thuyết phục Sp2 bằng cách chỉ ra sự vô lý của lý do hoặc đề xuất hướng giải quyết cho Sp2

- Sp1 tái dẫn nhập lời mời - Sp1 thúc giục Sp2 nhận lời - Sp2 có thể nhận lời

Những cấu trúc bất thường dễ gây nên tình huống có vấn đề tạo điều kiện nảy sinh các hàm ý. Đó cũng là thủ pháp gây cười thường thấy trong các truyện cười.

Ví dụ:

(6) - Bố thấy đàn ông thời nay thế nào?

- Giống như máy ATM vậy?

- Sao lại thế?

- Vì đến kỳ lương là bị rút một cách không thương tiếc chỉ với một câu mật khẩu “Ông đưa lương tháng này đây để tôi còn lo mọi chuyện”.

[Truyện cười, st từ Internet]

1.2.4. Một số hệ quả của việc sử dụng cấu trúc tương thích

Yêu cầu sử dụng cấu trúc tương thích trong giao tiếp ngôn ngữ, mà theo đó là tính khuôn mẫu và sáng tạo, tính dự đoán, tính phù hợp….là một yêu cầu mang tính bắt buộc. Vẫn TT đó, mục đích đó, nhưng ở ngữ cảnh này, Sp1 có thể nói theo cách này, còn ở ngữ cảnh khác, Sp1 phải nói theo cách khác. Hoạt động giao tiếp chẳng những đảm bảo được diễn ra theo cơ chế cái được truyền đạt bao giờ cũng nhiều hơn cái truyền đạt mà còn cho phép Sp2 dự đoán được diễn biến của HT để có thể chuẩn bị cho một cấu trúc tương thích tiếp theo “nếu không có bất kỳ dấu hiệu ngữ cảnh nào để hiểu trái ngược thì điều đang nói đến trong bất kỳ một ngôn bản nào đó sẽ được giả định là quan yếu (relevant) đến những gì vừa được nói đến trong những đơn vị ngôn bản đi trước” [87, tr.138]. Hai hệ quả mà ta thường thấy rõ nhất trong việc sử dụng cấu trúc tương thích là:

Thứ nhất, một bề mặt ngôn ngữ có thể hiển thị nhiều nghĩa hàm ẩn khác nhau mà sự xác định nó cần căn cứ vào tham thoại ở trước. Với hai cuộc thoại:

(7) a- Mày đi đâu vậy?

- Đi uống cà phê.

- Sắp thi rồi mà đi uống gì mậy?

b- Đi uống cà phê không?

- Sắp thi rồi mà đi uống gì mậy?

Ở (7)a, HV hỏi có giá trị nhắc nhở: sắp đến thi rồi không nên chơi nữa; Ở (7)b, HV hỏi có giá trị từ chối: không thể đi được vì phải học thi.

Thứ hai, một cấu trúc hỏi thể hiện 2, 3 HV hàm ẩn, trong đó HV này có thể là điều kiện hình thành của HV kia, như chất vấn để phủ định, để khẳng định, bác bỏ

(8) a- Sao không nói gì trước hết vậy?

b- Ai biết?

c- Tôi nói hồi nào, với ai, ở đâu?

Các HV chất vấn để bác bỏ bao giờ cũng kèm theo thái độ thách thức: hãy chỉ ra nguyên nhân, người, thời gian, địa điểm diễn ra sự việc mà anh đang nói đến, bởi vì người hỏi tin rằng những điều đó là vô lý hoặc không có trong thực tế.

Một phần của tài liệu Câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 20 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)