TƯƠNG TÁC HỘI THOẠI
3.2. VAI TRÒ CỦA CÁC CẤU TRÚC THÔNG TIN CÂU HỎI TRONG HỘI THOẠI
Nghiên cứu hoạt động giao tiếp với nhiệm vụ phát hiện ra đặc điểm cấu trúc, ngữ pháp, chức năng, … của các cuộc thoại, phục vụ việc dạy tiếng ,giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là một việc làm lý thú và bổ ích. Trong mục này, chúng tôi tập trung trình bày vai trò của câu hỏi trong tương tác HT. Vấn đề khá rộng, chúng tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề hữu quan như câu hỏi trong quan hệ với các yếu tố phi ngôn ngữ chi phối HT, câu hỏi với chức năng ngữ pháp HT và vai trò triển khai đề tài và nội dung cuộc thoại và cuối cùng là phần trình bày kết quả của việc phân tích cuộc thoại. Đây không phải là một đề tài mới, song vì tính hấp dẫn và giá trị thực tiễn của nó, chúng tôi mong muốn được đóng góp một ý kiến cho việc nghiên cứu HT tiếng Việt hiện nay.
3.2.1. Câu hỏi trong quan hệ với yếu tố phi ngôn 3.2.1.1. Câu hỏi và ngữ cảnh rộng của giao tiếp
Sự hành chức của ngôn ngữ, như đã nói, bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của hệ thống cấu trúc ngôn ngữ, còn phải chịu sự chi phối của nền văn hóa mà ngôn ngữ là một thành tố. Văn hóa tiềm tàng trong mỗi cá nhân, tạo nên khối tiền giả định bách khoa – bức tranh thế giới, quy định lối sống, cách suy nghĩ, cách cư xử của mỗi cá nhân với cộng đồng.
Đối với ngôn ngữ, văn hóa quy định cách mã hóa và giải mã thông điệp trong giao tiếp, làm tiền đề cho HT vận động và phát triển. Văn hóa chính là ngữ cảnh lớn nhất mà ở đó người bản ngữ tương tác với nhau. Thay vì dùng một câu trần thuật, cảm thán hay cầu khiến để nhận định, yêu cầu hay đánh giá, Sp1 có thể dùng một câu hỏi mà vẫn đảm bảo được TT cần truyền đạt, bên cạnh đó còn giữ được thể diện của đối tượng giao tiếp. Do đặc tính xã hội với các vấn đề liên nhân và lịch sự, câu hỏi được sử dụng với một tần số khá cao trong HT. Theo thống kê của chúng tôi trên tư liệu 532 cuộc thoại, câu hỏi xuất hiện 822 lần trong 1668 tham thoại, chiếm tỉ lệ 49,28%, trong đó HV hỏi thể hiện giá trị ở lời trực tiếp là 354, chiếm tỉ lệ 43,56% và HV hỏi có giá trị ở lời gián tiếp là 468, chiếm tỉ lệ 56,93%.
Cá biệt có những đọan HT chỉ có HV hỏi, nghĩa là hỏi vừa có thể dùng để dẫn nhập vừa có thể dùng để hồi đáp.
(183) - Sao cậu nhìn mình dữ vậy?
- Lạ à? Không nhìn người ta sao biết người ta nhìn mình?
- Cậu muốn hỏi mình điều gì phải hôn?
- Trời ơi, nhìn thôi cũng không được nữa hả trời?
Cuộc thoại trên gồm bốn tham thoại chia thành hai cặp kế cận. Tham thoại thứ nhất có một HV chủ hướng hỏi yêu cầu cung cấp TT. Tham thoại thứ hai gồm một HV phụ thuộc thể hiện sự ngạc nhiên và một HV chủ hướng nhằm chỉ ra sự vô lý trong việc “kết tội” của Sp1. Tham thoại thứ ba chỉ có một HV chủ hướng, chức năng vừa là tái dẫn nhập việc yêu cầu cung cấp TT vừa ngầm ẩn thông báo cho Sp2 biết câu hỏi của mình là nghiêm túc. Tham thoại cuối cùng tái khẳng định nội dung đã trình bày ở tham thoại thứ hai. Nội dung đoạn thoại trên là Sp1 hỏi Sp2 lý do tại sao nhìn Sp1, Sp2 tìm cách thoái thác vì cho rằng Sp1 đang chất vấn mình, Sp1 không chịu, đề nghị Sp2 nói. Sp2 khẳng định đây chỉ một hành động hoàn toàn mang tính hiển ngôn.
3.2.1.2. Câu hỏi và tính liên nhân của HT
Ngoài hiệu lực ở lời trực tiếp, HV hỏi còn được sử dụng như một HV ở lời gián tiếp và tạo cho các HV này một sắc thái tu từ nào đó để xử lý một cách có hiệu quả tính liên nhân trong hoạt động giao tiếp. Ví như, trong nhiều trường hợp, thay vì nói “Anh sai rồi.” được xem chỉ là nhận định một chiều, dễ dồn ép Sp2 vào sự phản kháng hay bác bỏ, Sp1 có thể nói “Anh không thấy thế là sai sao?” như một sự nhắc nhở khéo, từ đó Sp2 tự ý thức mà sửa đổi. Sử dụng HV hỏi như một cách chia sẻ và nhắc nhở những gì cả hai cùng biết, cùng quan tâm, cùng có trách nhiệm giải quyết thì bao giờ tính thuyết phục cũng cao hơn.
Vì “hỏi” là một HV mang tính tương tác cao, luôn hướng trực tiếp đến Sp2, đòi hỏi sự hợp tác cao độ của Sp2, để ngỏ sự lựa chọn cho Sp2, …. nên trong khung tình thái của câu hỏi luôn có sự hiện diện hoặc một cách hiển ngôn hoặc một cách ngầm ẩn hai nhân vật giao tiếp. Khi hỏi, người hỏi đồng thời giới thiệu một cách ngầm ẩn luôn những đặc điểm về bản thân mình với Sp2, như vị thế xã hội, mục đích giao tiếp, ý định nói năng, vốn tri thức nền, cách thức đánh giá, quan niệm sống, những đặc điểm tâm lý-xã hội cố hữu và tạm thời, sự hình dung tạm thời về hình ảnh tinh thần Sp2,…Khi trả lời, người trả lời cũng đồng thời thông báo
luôn những đặc điểm về cá nhân mình, trên cơ sở của sự sẻ chia TT TGĐ ND và sự hồi đáp tương hợp TT XN ND. Trong suốt quá trình giao tiếp, cả hai sẽ dùng một số chiến lược để thu hẹp khoảng cách này đưa HT vận động theo hướng tích cực.
Đối với câu hỏi chính danh, khi đưa ra câu trả lời theo hướng hồi đáp TT thì người trả lời đã chấp nhận hết mọi tiền giả định trong câu hỏi và xác định được bộ phận nào là TT quan yếu cần cung cấp. Sự hồi đáp tích cực của Sp2 là điều kiện cho sự phát triển của HT và cho việc giải quyết các vấn đề thuộc quan hệ liên nhân.
Đối với câu hỏi phi chính danh, căn cứ vào ngữ cảnh giao tiếp, thái độ Sp1, sự vi phạm các quy tắc HT, những cấu trúc quy ước của ngôn ngữ, …. Sp2 có thể biết được hàm ý của Sp1. Sự trả lời đúng với hàm ý của câu hỏi chẳng những chứng tỏ khả năng giải mã mà còn cho thấy năng lực ngữ dụng và tầm nhận thức của Sp2. Mối quan hệ liên nhân được thiết lập trên cơ sở hoặc tôn trọng thể diện hoặc xúc phạm thể diện của nhau, có điều một khi đã có vấn đề về liên nhân thì cuộc thoại chắn chắn sẽ bị phá vỡ.
3.2.2. Các chức năng câu hỏi đảm nhận trong HT
Cách sử dụng câu hỏi trong HT có thể nói khá đa dạng. Chỉ với một vài cấu trúc (xin xem thêm ở mục 2.2.3.), câu hỏi đã có thể thực hiện được vô số HV ở lời, kể cả trực tiếp và gián tiếp, tạo nên tính đa trị phong phú. Một câu hỏi, nếu được sử dụng ở những hoàn cảnh khác nhau, cũng có thể cho những giá trị khác nhau.
Ví dụ:
(184) a- Mày đi đâu vậy?
- Đi uống cà phê.
- Sắp thi rồi mà uống gì mậy?
b- Đi uống cà phê không?
- Sắp thi rồi mà đi uống gì mậy?
Ở (184)a, HV hỏi có giá trị nhắc nhở: sắp đến thi rồi không nên chơi nữa; Ở (184)b, HV hỏi có giá trị từ chối: không thể đi được vì phải học thi. Cả hai trường hợp trên, hành vi ở lời gián tiếp đều được hiển thị bằng một bề mặt ngôn ngữ “Sắp thi rồi mà đi uống cà phê gì mậy?”
Nhờ sự đa trị trong cách thể hiện mà câu hỏi đảm nhận được nhiều chức năng quan trọng trong ngữ pháp HT.
3.2.2.1. Chức năng của câu hỏi trong ngữ pháp HT Chức năng tiền dẫn nhập
Gọi là tiền dẫn nhập vì bản thân tham thoại này không chứa HV chủ hướng liên quan đến đề tài được mang ra thảo luận trong cuộc thoại mà chỉ được dùng để mở thoại. Hầu như tham thoại này không có giá trị gì đối với nội dung TT, nhưng lại rất có giá trị đối với nội dung liên nhân. Trong 3 HV hô gọi, rào đón, tạo sự chú ý mà tham thoại này thể hiện, ngoài HV hô gọi là HV do đại từ nhân xưng kết hợp với hô ngữ tạo nên, hai HV còn lại có thể diễn đạt bằng các phát ngôn hỏi. Chẳng hạn như HV tạo sự chú ý:
(185) a- Mày nghe chuyện gì chưa?
b- Mày biết không?
c- Có biết gì chưa?
Tuy chỉ có thể dùng mở thoại, song, khi thực hiện chức năng tiền dẫn nhập, HV hỏi tạo ra tính hấp dẫn của nội dung cuộc thoại và sự chờ đợi của Sp2, tạo điều kiện cho cuộc giao tiếp đạt kết quả mong muốn.
d- Tụi bây hay tin gì chưa? Có học bổng rồi đó.
- Thiệt hôn mậy?
- Tao mới lãnh rồi nè.
- Tháng này được bao nhiêu?
- Thì như tháng trước thôi.
Chức năng dẫn nhập
Chức năng dẫn nhập là chức năng chính của câu hỏi, vì suy cho cùng giao tiếp là quá trình tương tác để hiểu nhau, để học hỏi lẫn nhau của các nhân vật giao tiếp. Không chỉ xuất hiện với tần số khá cao khi thực hiện chức năng này, câu hỏi còn đa dạng trong HV thể hiện mà mục đích chính là xác lập đề tài và định hướng cho sự phát triển cuộc thoại. Ví dụ, hỏi thể hiện sự thắc mắc:
(186) a- Biển ở đâu ông nội?
- Đằng xa kia, xanh xanh đó!
Hỏi để thăm dò:
b- Tôi thấy quan hệ của anh với cô Dung hình như không bình thường?
- Có gì đâu, cô ấy là em của người bạn thân nhất của tôi.
Hỏi để rủ rê:
c- Đi uống cà phê không?
- Sắp thi rồi mà đi cái gì?
Hỏi để than thở:
d- Sao hôm nay mệt quá?
- Mày thức khuya quá mà.
- Tại mấy thằng phòng tao nhậu tới sáng luôn.
- Mày có nhậu hôn?
- Nói sao mà không? Tụi nó kêu hoài, tao phải uống mấy ly.
- Nhức đầu đúng rồi, không quen nhậu thì đừng có nhậu.
Tham thoại dẫn nhập là cơ sở để phát triển cuộc thoại, chỉ cần một tham thoại dẫn nhập và một tham thoại hồi đáp là đã có thể tạo ra một cuộc thoại ngắn.
Hiệu lực của các HV trong 2 tham thoại này phải tương ứng với nhau, là điều kiện hình thành nhau, muốn xác định được giá trị HV dẫn nhập phải dựa vào giá trị HV hồi đáp và ngược lại. Trong một vài trường hợp, tham thoại dẫn nhập có chức năng như những luận cứ (đại tiền đề) và những bằng chứng (tiểu tiền đề) để Sp1 thực hiện các chiến lược giao tiếp nhằm một mục đích nhất định nào đó.
Chức năng phản hồi (hồi đáp)
Có tham thoại dẫn nhập thì cũng có tham thoại hồi đáp, hơn thế nữa, hai tham thoại này, trong đa phần trường hợp, đều tạo nên một cặp kế cận được ưa thích trong HT. Tham thoại phản hồi của Sp2 là dấu hiệu cho thấy HT đang vận động, là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến HT như tính liên nhân, phép lịch sự. Vì câu hỏi, ngoài việc dùng để hỏi ra, còn thực hiện được nhiều mục đích khác hỏi, nên vẫn thường được sử dụng để trả lời:
(187) a- Đố mày biết con vịt ăn gì?
- Ăn lúa chứ gì mậy? [truyện cười, st Internet]
b- Làm gì mà nhìn tui dữ vậy?
- Nhìn cũng không được nữa hả?
c- Ê, đi đá banh hôn?
- Chân vầy sao mà đi?
Khi tham thoại dẫn nhập là câu hỏi chính danh, câu hỏi hồi đáp có thể có giá trị như khẳng định, phủ định, phản bác, chất vấn, …:
d- Anh lấy tiền của ông A rồi giấu ở đâu?
- Tôi có lấy tiền ông A đâu? Sao anh hỏi kỳ vậy?
Khi tham thoại dẫn nhập là câu khác hỏi hoặc câu hỏi phi chính danh thì câu hỏi hồi đáp cũng sử dụng cái giá trị chiều sâu mà hồi đáp lại, ví như đề nghị thì từ chối hoặc đồng ý; yêu cầu thì đánh giá yêu cầu “Nói vậy cũng nói?”, “Nói gì vậy?”, “Hay nhỉ?”, chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu; thông báo thì yêu cầu xác định lại; chê thì đồng tình, khuyên, phản đối, phản bác, xin lỗi, cam kết, bào chữa, chấp nhận, hứa, sửa chữa, an ủi, …
(188) a- Tao thấy dạo này tao học làm sao đó mày ơi? Rớt 2 môn nữa rồi.
- Mày vậy mà còn than? Mày biết kỳ này tao rớt mấy môn không?
- Mấy môn?
- 4 môn.
- Trời, thi có 5 môn mà mày rớt hết 4 môn rồi! Hết nói mày luôn.
b- Có học bổng rồi.
- Thiệt hôn mậy?
- Tao gạt tụi bây làm chi?
Chức năng tái dẫn nhập
Sp1 thực hiện tái dẫn nhập hoặc vì dẫn nhập không thành công hoặc vì đề tài HT bị lệch hướng, có nguy cơ chuyển hẳn sang đề tài mới, … Tham thoại tái dẫn nhập, vì thế, có chức năng dẫn lại đề tài cũ hoặc nhắc nhở mọi người đừng đi quá xa trong đề tài mới.
(189) - Làm gì mà nhìn tui dữ vậy?
- Nhìn cũng không được nữa hả?
- Hỏi thiệt đó, có chuyện gì hôn?
- Thấy bà bữa nay lạ thì nhìn thôi chứ có chuyện gì?
Chức năng dẫn nhập ngược
Dẫn nhập ngược ở đây được hiểu là dẫn nhập không theo chiều thuận, tức là sau khi trả lời Sp1 thì Sp2 sẽ hỏi ngược lại như “Còn anh?”, “ Anh thì sao?”, “Anh thế nào?”, …
Chức năng tái phản hồi
Tái phản hồi để tái khẳng định, phủ định, chấp nhận, từ chối, hoặc phản hồi ngược lại với phản hồi trước… nghĩa là sau khi được Sp1 giải thích, Sp2 hiểu và trả lời theo hướng tích cực hơn.
(190) - Đất bây để không làm gì, cho tao cấy tao kiếm lúa ăn!
- Hổng được ông Tư ơi, Tía con nói để lên ao nuôi tôm.
- Nuôi tôm bây giờ cho lỗ sặc gạch.
- Dạ, nghe nói bên chú Tám mùa này trúng lắm ông Tư.
- Mày đi tin lời cái thằng Tám? Đồ ba xạo.
- Chứ không nuôi tôm nữa biết làm gì ông Tư?
- Để tao cấy lúa, cuối mùa tao chia cho ăn.
- Cũng hay ha! Ông chờ con về con hỏi Tía con được hông?
3.2.2.2. Vai trò của câu hỏi trong việc triển khai đề tài và nội dung HT - Vai trò của câu hỏi trong phần mở thoại
Cuộc thoại được mở ra bằng các tham thoại như chào hỏi, thăm hỏi, giới thiệu, … chủ yếu để phục vụ việc xây dựng mối quan hệ liên nhân và tạo không khí cần thiết cho cuộc giao tiếp. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Trần Ngọc Thêm (1996), Phạm Thị Ly (1997), Tôn Diễn Phong (1999), .v.v. đã nhận xét, HV chào trong tiếng Việt thường được thực hiện dưới hình thức một câu hỏi và có giá trị mở thoại. Trong đó, có những câu hỏi hoàn toàn mang tính nghi thức, chỉ có giá trị xác lập hiện trạng, lấy lệ, có những câu hỏi có giá trị thăm dò để xác lập vị thế đối thoại, tạo điều kiện phát triển cuộc thoại và cũng có câu hỏi đặt tiền đề cho một hàm ý HT, có giá trị xác lập cuộc thoại:
(191) a- Anh có phải là Nguyễn Văn Đặng không?
b- Chiều nay chị có rảnh không?
c- Làm gì mà đứng thẫn thờ vậy? Nhớ người yêu hả?
d- Sao hôm nay đi làm trễ vậy? Có hay tin gì chưa?
- Vai trò của câu hỏi trong phần thân thoại: Thân thoại là phần quan trọng nhất của hội thoại. Một cuộc thoại có thể không có mở thoại và kết thoại nhưng nhất thiết phải có phần thân thoại. Phần này sẽ giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến HT, gồm cả nội dung và hình thức.
Câu hỏi với vai trò xác lập đề tài HT
Chức năng xác lập đề tài cuộc thoại chủ yếu thuộc về tham thoại dẫn nhập với các HV cụ thể như kể, thông báo, rủ rê, than vãn, yêu cầu, hỏi, … và thường được diễn đạt bằng các phát ngôn hỏi:
(192) a- Thằng Tư coi vậy mà biết xài tiền ghê hả ông ha?
b- Không biết chừng nào được lãnh học bổng ta?
c- Đi chơi đâu vậy?
d- Ở ngoài giờ còn bán gì ăn không?
e- Chiều nay đi chùa với tao không?
f- Hồi tối mày có đi xem đá banh không?
g- Có chuyện gì gấp vậy Nam? [Nguyễn Quang Sáng, “Con mèo của Foujita”]
Sau phần mở thoại (191)a, thân thoại có thể được phát triển theo hướng sau:
a’- Anh có biết đất này có từ bao lâu?
- Từ lâu lắm.
- Anh đã ở đất này lâu mà có giấy tờ gì làm bằng chứng không?
- …
- Sao, anh có giấy tờ gì chứng tỏ đã mướn miếng đất này của chủ không?
- …….
- Tôi là chủ miếng đất này. Hôm nay tôi đến cho anh hay tôi cần lấy miếng đất này lại để cất nhà. [Trúc Lan, “Một cuộc tàn sát”]
Sau phần mở thoại (191)b, HT phát triển với các tham thoại dẫn nhập và hồi đáp sau:
b’- Đi siêu thị với em nha?
- Ừ. Tính mua gì vậy?
- Hết mì gói rồi.