Các khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo hoạt động ngoại giao văn hóa của việt nam với liên minh châu âu ( EU) từ năm 2000 đến năm 2014 (Trang 20 - 24)

Chương 1: ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO VĂN HÓA CỦA VIỆT NAM VỚI LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2005

1.1. Khái quát chung về ngoại giao văn hóa

1.1.1. Các khái niệm cơ bản

Văn hóa

Khái niệm “văn hoá” đã được bàn luận từ xa xưa. Các học giả, nhà nghiên cứu với các góc nhìn khác nhau đã đưa ra rất nhiều khái niệm của riêng mình. Đặc biệt, khi quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời với đó là việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng. Vấn đề văn hoá càng được quan tâm rộng rãi và sâu sắc. Có thể kể đến một số định nghĩa tiêu biểu như:

Trên thế giới, ở phương Tây, trong tiếng Anh, văn hóa là culture, trong tiếng Đức là kultur, trong tiếng Nga là kultura. Những chữ này có chung gốc Latinh là cultus animi có nghĩa là trồng trọt tinh thần. Như vậy, cultus có nghĩa là văn hóa được hiểu với hai khía cạnh: trồng trọt, thích ứng với tự nhiên, khai thác tự nhiên và giáo dục, đào tạo cá thể hay cộng đồng đề họ phát triển những giá trị nhân văn và có những phẩm chất tốt đẹp.

Trong công trình Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh quan niệm: “Văn hóa là cách sinh hoạt của con người.” [1; tr.10] Hiểu theo định nghĩa này tức là tất cả các mặt ăn, ở, đi lại, đến cách cư xử của con người đều tựu chung lại là văn hóa.

Là người am hiểu đồng thời văn hóa phương Đông và phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [144; tr.20]. Như vậy, theo khái niệm này, dấu ấn của văn hóa xuất hiện trên mọi mặt của đời sống cộng đồng, bao gồm cả đường lối đối ngoại của mỗi quốc gia sau này.

Có thể nói, mỗi định nghĩa kể trên đều góp phần làm rõ những khía cạnh khác nhau của khái niệm văn hóa nhưng không phải định nghĩa nào cũng được chấp nhận một cách rộng rãi.

Hiện nay, định nghĩa được nhiều người chấp nhận được đưa ra bởi Liên hợp quốc. Tháng 8 năm 1982, Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa UNESCO đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “Theo nghĩa rộng nhất của nó, ngày nay văn hóa có thể được xem là toàn bộ phức thể những nét nổi bật về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Nó không chỉ gồm nghệ thuật, văn học mà còn cả lối sống, các quyền lợi cơ bản của con người, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng.”[111, tr.20]

Như vậy, có thể khái quát văn hóa là sự kết hợp của cả các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Mỗi dân tộc trong quá trình hình thành và phát triển theo thời gian sẽ sáng tạo ra nền văn hóa riêng của mình, khẳng định bản sắc của dân tộc đó.

Giao lưu văn hóa

Nhắc đến văn hóa đồng thời phải nhắc đến một khái niệm khác: “giao lưu văn hóa”. Giao lưu văn hóa bao hàm trong đó sự chung sống của ít nhất hai nền văn hóa. Trong quan hệ giữa các quốc gia dân tộc, qua giao lưu tiếp xúc với những nền văn hóa bên ngoài, người bản địa không những quảng bá được những nét đặc sắc riêng trong nền văn hóa của mình, phát huy được những lợi thế sẵn có của mình trong hợp tác kinh tế quốc tế, mà còn làm quen với những yếu tố văn hóa ngoại lai và nhận biết những yếu tố nào trong số đó có ích lợi có thể bổ sung những mặt còn chưa phát triển đầy đủ hoặc chưa có trong nền văn hóa bản địa để sử dụng và những yếu tố nào thì không.

Lợi ích căn bản và lâu dài mà giao lưu văn hóa đem lại là thúc đẩy sự phát triển của mỗi nền văn hóa. Lịch sử cho thấy, không một nền văn hóa nào

có thể phát triển nhanh hoặc vượt bậc mà không có sự giao lưu với nền văn hóa khác. Giao lưu văn hóa làm cho những cộng đồng, những quốc gia dân tộc đóng kín trở nên mở hơn, đã mở trở nên ngày càng mở hơn. Giao lưu văn hóa là cơ sở bước đầu để thực hiện ngoại giao văn hóa sau này.

Nếu như trong quá khứ, giao lưu văn hóa chủ yếu thể hiện qua sự tác theo chiều từ Tây sang Đông mà ít có ảnh hưởng ngược lại. Thì đến thế kỷ XXI, các nền văn hóa phương Đông đã có tác động mạnh hơn, thể hiện trong khái niệm “đối thoại văn hóa”.

Văn hóa ngoại giao

Văn hóa ngoại giao nặng về cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh, đồng thời thể hiện thuần phong mỹ tục. Còn có thể gọi đó là phong thái ngoại giao. Đó là một yêu cầu trước hết đối với cán bộ ngoại giao, đó cũng là yêu cầu đối với mọi người từ lãnh đạo đến cán bộ trong tiếp xúc đối ngoại.

Ngoại giao văn hóa

Giống như văn hóa, khái niệm ngoại giao văn hóa đến nay vẫn chưa được thống nhất. Theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia: ngoại giao văn hóa là thuật ngữ để chỉ “một hình thức ngoại giao với một loạt những phương sách làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn một cách hiệu quả; những phương sách này bao gồm sự thừa nhận và hiểu biết rõ ràng về động lực văn hóa của nước ngoài và sự tuân thủ những nguyên lý phổ biến chỉ đạo quá trình đối thoại cơ bản” (“Cultural diplomacy specifies a form of diplomacy that carries a set of prescriptions which are material to its effectual practice;

these prescriptions include the unequivocal recognition and understanding of foreign cultural dynamics and observance of the universal tenets” that govern basic dialogue).

Nhà học giả Nicholas J.Cull cho rằng: “Ngoại giao văn hóa là những nỗ lực của một chủ thể nhằm tác động đến môi trường quốc tế thông qua việc tận

dụng những nguồn lực về văn hóa và những thành tựu được bên ngoài biết đến và thúc đẩy phổ biến văn hóa ở nước ngoài. Trong lịch sử, ngoại giao văn hóa từng được hiểu là chính sách của một quốc gia nhằm thúc đẩy xuất khẩu những đặc trưng văn hóa của mình” [144].

Theo trang web chuyên về ngoại giao văn hóa Cultural Diplomacy.org, thành công của ngoại giao văn hóa phụ thuộc vào sự đối thoại và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Như vậy, ngoại giao văn hóa luôn có tính hai chiều. Trong khi nhấn mạnh vào khả năng xây dựng hình ảnh tốt đẹp về một quốc gia đối với các nước khác, ngoại giao văn hóa cũng phải chú ý đến bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc mình đang hướng tới.

Có thể sử dụng bốn tiêu chuẩn sau đây để đánh giá một hoạt động đó có thuộc phạm trù ngoại giao văn hóa hay không. Một là, có mục đích ngoại giao rõ ràng hay không. Hai là, chủ thể thực thi có phải là quan chức hoặc được sự ủng hộ và khuyến khích của quan chức hay không. Ba là, có nhằm đúng đối tượng đặc biệt trong một thời gian dài hay không. Bốn là, có phải là hoạt động quan hệ công được triển khai qua hình thức biểu hiện của văn hóa không.

Về nội hàm, nhà nghiên cứu Milton C. Cumming cho rằng: ngoại giao văn hóa là sự giao lưu ý tưởng, thông tin, giá trị, hệ thống, niềm tin và các khía cạnh văn hóa khác, với mục đích tăng cường hiểu biết lẫn nhau [164]

Việt Nam xác định nội hàm của ngoại giao văn hóa là “bông hoa đào năm cánh” bao gồm năm yếu tố Mở đường- Xúc tác- Quảng bá- Vận động- Tiếp thu. Các yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại nhau. “Mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ với Việt Nam; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia;

quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.” [6]

Tựu chung lại, ngoại giao văn hóa có thể được xem như một trong ba trụ cột của nền ngoại giao hiện đại, xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia đến thế giới nhằm tăng cường hiểu biết, quan hệ với nước ngoài, nâng cao vai trò, vụ thế của quốc gia dân tộc. Đồng thời thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa, quốc gia cũng tiếp thu văn hóa, văn minh quốc tế làm giàu, bổ sung cho văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo hoạt động ngoại giao văn hóa của việt nam với liên minh châu âu ( EU) từ năm 2000 đến năm 2014 (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)