Chương 1: ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO VĂN HÓA CỦA VIỆT NAM VỚI LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2005
1.2. Chủ trương và sự chỉ đạo ngoại giao văn hóa của Đảng từ năm
1.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện
Thực chất, bản chất của ngoại giao đã là hoạt động văn hóa; và trên thực tế ngoại giao văn hóa có lịch sử phát triển lâu đời, xuất phát từ đặc trưng văn hóa hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, từ nhu cầu trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong xây dựng và phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các quốc gia.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam mở rộng cửa theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, muốn là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng động thế giới. Dù thời gian này, cụm từ “ngoại giao văn hóa”
chưa xuất hiện trong các văn kiện của Đảng, nhưng dựa vào sự định hướng chỉ đạo của Đảng về đường hướng phát triển của ngoại giao, văn hóa, trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành hoạt động này.
Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng IX về mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại trên nhiều địa bàn, châu lục, tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam-EU đến năm 2010 và định hướng đến 2015, chủ trương xây dựng "Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của thế kỷ 21."
Mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của thế kỷ XXI.
Việc Đề án này được phê duyệt đã nâng tầm quan hệ Ngoại giao Việt Nam – EU lên một tầm cao mới. Các hoạt động hợp tác, trao đổi trong lĩnh
vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ ngày càng phong phú và đa dạng, đưa quan hệ hai bên phát triển một cách toàn diện. Chính phủ Việt Nam chủ trương tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hoá nghệ thuật với các nước thành viên EU, nhất là với các nước mà Việt Nam đã kí hiệp định hợp tác văn hoá. Trong đó Chính phủ, đại diện là Bộ Văn hoá chú trọng công tác thông tin đối ngoại, giới thiệu quảng bá hàng hoá, dịch vụ, du lịch, văn hoá nghệ thuật, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, pháp luật và môi trường đầu tư của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam nhấn mạnh tới việc chủ động, tích cực khai thác những tinh hoa văn hoá của các nước EU, cử người đi đào tạo cơ bản ở những nước này.
Đây là một cơ sở quan trọng giúp Việt Nam và EU có được mối quan hệ đối tác toàn diện, then chốt. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á chủ động triển khai chiến lược hợp tác tổng thể với EU và EU là đối tác đầu tiên của Việt Nam có chiến lược tổng thể về hợp tác. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để hoạt động ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và EU phát triển sau này.
Trong giai đoạn này, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt văn bản như: Chỉ thị số 10/2000/CT – TTg về tăng cường quản lý đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại; Nghị định số 72/2000/NĐ – CP về công bố phổ biến tác phẩm ra nước ngoài; Quyết định số 37/2001/QĐ-BVHTT ngày 05 tháng 7 năm 2001 vê hoạt động ban hành xuất bản phẩm; Nghị định số 88/2002/NĐ- CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa không nhằm mục đích kinh doạnh; Luật số 28/2001/QH10 về di sản văn hóa; Quyết định thành lập Tạp chí Di sản Văn hóa thuộc Cục Bảo tồn Bảo tàng; Quyết định số 19/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2005”. Những văn bản này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi, dần hoàn thiện về cơ sở pháp lý đến việc thực hiện chủ trương giới thiệu văn hóa, đất nước con người Việt Nam đến thế giới.
Cụ thể, Nghị định số 72/2000/NĐ – CP của Chính phủ về công bố phổ biến tác phẩm ra nước ngoài quy định chi tiết các loại hình tác phẩm được phổ biến ra nước ngoài.
Xuất bản phẩm từ lâu đã là công cụ, phương tiện hữu ích trong giao lưu văn hóa của nhân loại. Đây là một dạng tác phẩm, tài liệu về chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học – nghệ thuật được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam. Năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin ban hành Quy chế số 37/2001/QĐ-BVHTT về hoạt động ban hành xuất bản phẩm trong đó nhấn mạnh: “Phát hành xuất bản phẩm là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng không phải là hoạt động đơn thuần kinh doanh, thông qua việc phổ biến xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế [15]. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam về việc đưa nền văn hóa Việt Nam đến với thế giới.
Một trong những nội hàm của ngoại giao văn hóa chính là “vận động”.
Luật số 28/2001/QH10 về di sản văn hóa khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. [9]
Điều 11 của Luật này ghi rõ: “Các cơ quan văn hóa thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.” [9] Luật di sản văn hóa cũng quy định chặt chẽ về việc tổ chức và hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cũng như những nội dung hợp tác quốc tế về di sản văn hóa. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tiến hành vận động UNESCO công nhận các di sản của Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tiến hành vận động UNESCO công nhận các di sản thế giới. Đến năm 2005, Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với những di sản thế giới được UNESCO công nhận như: kinh đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994 và 2000), khu di tích Mỹ Sơn (1999) từ đó quảng bá, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Với sự vận động của Việt Nam, UNESCO đã tôn vinh Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa; tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng Dân tộc, Danh nhân văn hóa và Con người Hòa Bình (2003). Thủ đô Hà Nội được danh hiệu “Thành phố vì Hòa Bình” (1999) đồng thời nơi này cũng được chọn để tổ chức lễ phát động năm quốc tế văn hóa hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Để tăng cường việc giới thiệu văn hóa đất nước và con người Việt Nam với nhân dân các nước, Việt Nam đã cử nhiều đoàn văn hóa – nghệ thuật đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thuộc EU như Đức, Áo, Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Các đoàn này đa dạng về loại hình cũng như quy mô tổ chức, không chỉ tập trung vào loại hình nghệ thuật biểu diễn như trước mà còn kế hợp các loại hình văn hóa dân gian độc đáo như múa rối nước, nặn đồ chơi tò he; giới thiệu mỹ thuật Việt Nam truyền thống và đương đại như tranh sơn mài, tranh Hàng Trống; tranh Đông Hồ; giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ngoài ra còn trưng bày và trình diễn thời trang, trang phục các dân tộc Việt Nam, trang phục áo dài và giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Đặc biệt, thời gian này Việt Nam đã chú ý đến việc nghiên cứu địa bàn để lựa chọn các loại hình văn hóa nghệ thuật phù hợp với từng nước. Qua đó, chất lượng nghệ thuật và hiệu quả hoạt động của các đoàn ra cao, có sức hấp dẫn và thu hút được khán giả quốc tế. Điều này thể hiện rõ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, kết hợp giữa hợp tác song phương với hợp tác đa phương, giữa mở rộng địa bàn hợp tác với ưu tiên khu vực.
Các đoàn ra nước ngoài là dịp tốt để cho đội ngũ những người làm văn hóa tìm hiểu thực tế tại các nước, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn phục vụ cho thực hiện hoạt động ngoại giao văn hóa các giai đoạn sau này. Để khuyến khích hoạt động này, ngày 24 tháng 12 năm 2001, Thông tư liên tịch số 103/2001/TTLT/BTC-BVGCP-BVHTT- BNG đã được ban hành, trong đó hướng dẫn thực hiện trợ giá đối với cước vận chuyển ấn phẩm văn hóa và giá vé máy bay các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cơ quan trong nước và các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước EU, vốn được đánh giá là một địa bàn phức tạp đã góp phần đảm bảo cho thành công của các hoạt động giới thiệu văn hóa của Việt Nam.
Trong giai đoạn này, đã có một số Hiệp định, văn bản hợp tác văn hóa – thông tin được ký với các nước trong khối EU như: Hiệp định hợp tác văn hóa Việt Nam – Tây Ban Nha; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác văn hóa Việt Nam – Luxemburg… Ngoài ra Trung tâm Văn hóa – thông tin Việt Nam tại Pháp cũng được tiếp tục nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn này.
Điểm trọng tâm của ngoại giao văn hóa là thông qua các hoạt động văn hóa để khắc họa hình ảnh của Việt Nam trong lòng người dân thế giới nói chung, EU nói riêng. Vì vậy vai trò của công tác thông tin đối ngoại càng trở nên quan trọng, nhất là trong thời đại thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đã và sẽ du nhập văn hóa thế giới đến từng căn nhà. Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khẳng định “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta”. Trong đó, phương châm triển khai thông tin đối ngoại được nhấn mạnh là toàn diện, rộng khắp song có trọng tâm, trọng điểm trước hết là đối với các nước láng giếng và trong khu vực.
Chỉ thị đồng thời đưa ra hai nội dung có liên quan đến việc đẩy mạnh giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới. Một là, Bộ Văn hóa – Thông tin chủ trì, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao vạch kế hoạch cử tùy viên văn hóa ở một số cơ quan đại diện ngoại giao tại một số địa bàn cần thiết và kế hoạch xây dựng các cơ quan thường trú một số báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Hai là Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với các các Bộ ngành liên quan xây dựng chính sách trợ giá, trợ cước cho việc in ấn, phát hành các tài liệu (bao gồm cả sách) dùng cho thông tin đối ngoại.
Các sản phẩm thông tin đối ngoại đa dạng, phong phú về chủng loại, được đầu tư về nội dung và hình thức, phù hợp với mục đích. Nhà xuất bản Thế giới của Việt Nam đã xuất bản nhiều bộ sách của Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ thông dụng trong đó có tiếng Anh tại nhiều nước thuộc khối EU. Để quảng bá, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đảng chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế nhằm khuyến khích đưa sách của Việt Nam ra thế giới. Nhà nước có chính sách tài trợ để xuất bản bằng tiếng nước ngoài một số đầu sách có giá trị của các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Đồng thời, Việt Nam cũng bổ sung các quy định pháp lý, chính sách để các nhà xuất bản chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, xuất bản điện tử.
Nhiều sách báo, tạp chí đối ngoại; các loại phim tài liệu nghệ thuật, phim giới thiệu văn hóa đã được sản xuất và chuyển cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài làm tài liệu tuyên truyền giới thiệu Việt Nam. Trong giai đoạn này đã có nhiều bộ ảnh khổ lớn, có chất lượng giới thiệu về văn hóa, con người Việt Nam, như các bộ ảnh: “Việt Nam tiến vào thiên niên kỷ mới”, “Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa Việt Nam”, “Việt Nam – 30 năm thống nhất đất nước”,…
Giai đoạn này đã có manh nha sự kết hợp giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Trong các hoạt động văn hóa – nghệ thuật nhằm quảng bá
hình ảnh đất nước đã có sự kết hợp, lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại, và triển lãm hội chợ, qua đó cũng thu hút đầu tư nước ngoài. Sự kết hợp này bước đầu đem lại kết quả tốt cho việc quảng bá Việt Nam, giới thiệu các tiềm năng đầu tư, thương mại của Việt Nam.
Một trong những kênh để quảng bá Việt Nam đó là thông qua du lịch.
Ngày 22 tháng 7 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001-2010”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: “Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch với các hình thức linh hoạt; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; tranh thủ hợp tác quốc tế trong hoạt động xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước”. Nhiệm vụ được đặt ra với du lịch Việt Nam là tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế về du lịch nhằm tăng cường củng cố; mở rộng hợp tác song phương và hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế. Thực hiện các cam kết và khai thác quyền lợi trong hợp tác du lịch với tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), Hiệp hội du lịch Đông Nam Á (ASEANTA), Liên minh châu Âu (EU)…
Nội hàm của ngoại giao văn hóa còn bao gồm “tiếp thu”. Tiếp thu được hiểu là sự chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam để làm phong phú hơn kho tàng văn hóa Việt Nam, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới định hướng phát triển cho một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Việt Nam luôn tạo điều kiện để EU nói chung và các nước thành viên EU nói riêng được giới thiệu văn hóa của mình tại Việt Nam qua các kế hoạch, chương trình và dự án hợp tác trao đổi văn hóa mà Việt Nam đã ký với các nước; qua các cơ quan ngoại giao của các nước tại Việt Nam nhân dịp các sự kiện ngoại giao quan trọng. Tiêu biểu như năm 2004 Phái đoàn Ủy ban châu Âu đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi tìm hiểu EU trên Quizshow Hành trình văn hoá. Năm 2005, kỉ niệm 15 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam – EU, phái đoàn của Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam đã chọn Ngày châu Âu 9 tháng 5 làm ngày Văn hoá Châu Âu. Phái đoàn đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về EU và phát trên Đài Phát thanh với 12 chương trình phát sóng nhằm vào 12 chủ đề khác nhau; những hoạt động này giúp cho người dân Việt Nam hiểu biết hơn về EU.
Ngoài ra qua các công ty, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật với mục đích chủ yếu là quảng bá kinh doanh thông qua hoạt động văn hóa; văn hóa của các nước khối EU cũng được quảng bá đến Việt Nam.
Trong giai đoạn này, tuy hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam và liên minh châu Âu mới manh nha, còn rất sơ khai nhưng những hoạt động này đã giới thiệu với nhân dân các nước EU về một nước Việt Nam có nền văn hóa độc đáo, mang bản sắc truyền thống hòa cùng dấu ấn hiện đại.
Tiểu kết chương 1
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngọai giao văn hóa là một dạng sức mạnh mềm. Khác với giao lưu văn hóa hay văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa là tổng hòa của quan hệ văn hóa đối ngoại mà chính phủ một nước theo đuổi, nói cách khác là quan hệ văn hóa chính thức của quốc gia chủ quyền với tư cách là chủ thể, thực thi chủ quyền đối ngoại. Nội hàm của ngoại giao văn hóa rất rộng, bao gồm năm yếu tố: mở đường, xúc tác, quảng bá, vận động, tiếp thu.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đa phương theo cả bề rộng và chiều sâu, ngoại giao văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia. Ngoại giao văn hóa có thể góp phần tăng cường an ninh quốc gia theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu một cách bền vững. Thông qua tuyên truyền, quảng bá hình ảnh góp phần làm nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.