Khái niệm vị từ

Một phần của tài liệu PHẠM TRÙ NỘI ĐỘNG NGOẠI ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (Trang 27 - 32)

Chương 1: NHỮNG CƠ SỞ LÍ LUẬN CHUNG 1.1. Khái niệm vị từ và phân loại vị từ

1.1.1. Khái niệm vị từ

Một cách định nghĩa VT4 khá quen thuộc, thường được coi là cách định nghĩa truyền thống vì sự xuất hiện khá sớm cũng như ảnh hưởng lâu dài trong quá khứ của nó, là dựa trên tiêu chí ý nghĩa nội dung khái quát. Platon (khoảng 429-347 trước công nguyên) – người đầu tiên được coi là phân biệt một cách minh bạch từ loại (giữa danh từVT) – cho rằng VT là từ diễn đạt hành động hay phẩm chất [58, tr.27].

Aristotle (384-322 trước công nguyên) cũng tán đồng cách hiểu trên và coi VT là một trong mười ‘phạm trù’ (categories) cơ bản của ngôn ngữ [136, tr.132]. Như vậy, VT được xác định trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Cách định nghĩa giản đơn, nặng về phương diện lô gích này đã không bao quát được rất nhiều VT vốn trống nghĩa hoặc mờ nghĩa từ vựng và ngay cả khi có nghĩa từ vựng thì ý nghĩa ‘hành động’, ‘trạng thái’ của chúng cũng không rõ ràng. Hạn chế của lối định nghĩa này đã được nhiều người chỉ ra ([58, tr.502-513]; [148, tr.70-72]; ; [154, tr.115-117]; [192, tr.111-113]). Chẳng hạn, C. Fries sau khi đưa ra những dẫn chứng chứng minh tính thiếu nhất quán trong lối định nghĩa các từ loại, cũng như thiếu khả năng bao quát của một số định nghĩa về từ loại, đã kết luận: “Chúng ta không thể dùng ‘nghĩa từ vựng’

làm cơ sở cho định nghĩa một vài từ loại, dùng ‘chức năng trong câu’ cho một số loại khác, ‘tiêu chí hình thức’ cho những từ loại còn lại. Chúng ta cần phải tìm một tập hợp các tiêu chí có thể áp dụng triệt để cho việc phân chia các từ loại.” [148, tr.69].

Trong thực tế, hầu như ngôn ngữ nào cũng có hàng loạt từ được xếp vào các từ loại khác nhau nhưng cùng mang một kiểu ý nghĩa; và cũng không khó khăn gì trong việc

4 Kể từ đây chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ vị từ (VT) để chỉ động từ và tính từ theo cách gọi của một số tác giả. Chúng tôi cũng dùng nó để dịch thuật ngữ “verb” theo cách hiểu của giới ngôn ngữ học phương Tây.

đưa ra một danh sách dài các từ mà xét về mặt ý nghĩa chúng cần phải đưa vào từ loại khác so với cách xếp loại đã áp dụng cho chúng.

Cũng thuộc về lối phân chia từ loại gắn với ý nghĩa, một số tác giả thuộc trường phái Ngữ pháp Tư biện (Speculative) ở châu Âu khoảng nửa sau thế kỉ XIII đã phân loại các từ loại cơ bản dựa trên mức độ ổn định về thời gian (time-stability scale), nghĩa là dựa vào đặc tính của đối tượng (động hay tĩnh, biến đổi nhanh hay chậm, v.v) mà các từ loại phản ánh. Th. Erfurt cho rằng VT dùng để thể hiện các trạng thái mau lẹ, những đối tượng thiếu ổn định, và gián đoạn (x. [203, tr.16]).

Gần đây một số nhà ngôn ngữ học cũng đã dựa vào lối định nghĩa trên để xác định từ loại. Chẳng hạn, T. Givón đã cho rằng sự phân biệt các từ loại chỉ có tính chất tương đối, các từ loại được đặt trên một thang độ (gradience) – nghĩa là đứng ở một chỗ nào đó giữa hai thái cực – trong đó, VT nằm về thái cực ‘động, nhất thời, biến đổi nhanh chóng’ còn danh từ nằm về thái cực ‘ổn định’, ‘bền vững’. Hai từ loại này (danh từ và VT) cũng được ông xem là có tính phổ quát (có trong tất cả các ngôn ngữ), các từ loại còn lại tùy thuộc vào từng ngôn ngữ [152, tr.51-52]. Cách định nghĩa và phân loại này dù sao cũng vẫn không bao chứa được hết các từ loại (nó chỉ dùng để xác định các từ loại ‘từ vựng’ như danh từ, VT, trạng từ), hơn nữa lối phân loại này buộc phải chấp nhận sự tồn tại những vùng giao thoa lớn giữa các từ loại (hiện tượng trung gian).

Lối phân loại gắn với ngữ nghĩa như trên được xem là lối phân loại gắn với những yếu tố ngoài ngôn ngữ (language external). Nó khác với lối phân loại chú ý đến các tiêu chí thuộc về cấu trúc (structural) hay đặc điểm nội tại (internal) của ngôn ngữ như sẽ trình bày dưới đây.

Một số nhà ngôn ngữ học khi định nghĩa VT thường chỉ nêu ra tiêu chí hình thái hoặc xem đó là tiêu chí quan trọng. Với cách hiểu này, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã thấy trong ngôn ngữ biến hình của họ có những cơ sở ‘khách quan’,

‘khoa học’ cho sự phân biệt các từ loại. Sự khác biệt đó ở cả hình thức biến đổi phù hợp với các phạm trù ngữ pháp do quan hệ ngữ pháp trong câu quy định và cả ở

hình thức cấu tạo từ. D. Thrax (cuối thế kỉ II trước công nguyên) cho rằng: “VT là thành phần lời nói không có biến hình-cách mà chỉ có biến hình về thời, ngôi, số, có nghĩa là một hoạt động thường bị tác động đến” (x. [58, tr.504]). W. Croft cũng đã sử dụng phương pháp tương tự để xác định VT: “Nếu một thân từ từ vựng (root) có thể thích hợp trong một cấu trúc (câu đơn giản) mà lại nhận các biến tố chỉ số, ngôi, thời thì đó là VT”. [132, tr.7]. Lối phân loại dựa trên các dấu hiệu hình thái gắn với các từ rõ ràng là rất hữu ích về mặt sư phạm và thực hành tuy nhiên chúng chỉ có giá trị đối với một số ngôn ngữ biến hình (bởi các ngôn ngữ biến hình không nhất thiết đều phải có những đặc điểm biến hình gắn với tất cả từ loại). Phương pháp này sẽ hoàn toàn mất giá trị khi đem áp dụng vào các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, tiếng Hán. Khi định nghĩa về từ loại, L. Kelly, một trong các tác giả của

“Từ điển bách khoa về ngôn ngữ và ngôn ngữ học”, khẳng định: “Các ngôn ngữ có một tập hợp các từ loại khác nhau và đánh dấu chúng theo những cách khác nhau.

Trong các ngôn ngữ như Maori ‘từ loại’ đa phần lệ thuộc vào vị trí mà từ xuất hiện trong câu” [114, tr.4679].

Một số nhà ngôn ngữ học khác đã từ bỏ lối định nghĩa thuần túy dựa vào nghĩa hoặc hình thái của từ để đi tìm một hướng phân loại hoàn toàn dựa vào sự phân bố hình thức – tức dựa vào sự kết hợp các từ chứng (indicators) bao quanh từ đang xét. C. Fries (1952) đã lập ra một số mô hình để xác định các từ loại trong tiếng Anh (tác giả gọi là các nhóm: 1, 2, 3...) [148, tr.77-78]. Không đi theo hướng truyền thống tìm kiếm tiêu chí về nội dung rồi mới gán cho các đơn vị đó những thuật ngữ có tính kĩ thuật, C. Fries đã hiển ngôn phương pháp làm việc của mình như sau:

“[…] chúng tôi cố gắng trước hết tìm các đặc tính hình thức nhờ đó để nhận diện từng đơn vị và cấu trúc chức năng rồi sau đó mới đưa ra câu hỏi các cấu trúc này thể hiện những ý nghĩa gì.” (tr.175). Trong việc phân chia từ loại tiếng Việt, học giả Lê Văn Lý (1948) cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu này. Bằng việc xây dựng một tập hợp các từ chứng, tác giả đã phân chia được vốn từ tiếng Việt ra thành ba nhóm lớn (A, B, C). Ba nhóm trên, theo tác giả, nếu cần thiết có thể tách ra thành sáu nhóm gần gũi với cách gọi truyền thống: danh từ, động từ, tính từ, từ chỉ ngôi,

số từ tiểu từ [56, tr.153]. Chính bằng phương pháp này, tác giả nhận thấy rất nhiều điểm tương đồng (9 đặc điểm) giữa ‘động từ’ và ‘tính từ’ vì thế ông đã xếp chung hai ‘từ loại’ này vào một nhóm (nhóm B) (tr.142-149). Cũng với cách làm như trên, P. Honey [162, tr.13-22] đã chia từ tiếng Việt thành 12 loại, trong đó mỗi từ loại cũng được xác định dựa trên khả năng kết hợp với các từ chứng. Chẳng hạn, để xác định từ loại 2 (tương đương với VT), tác giả đã lập thức như sau: “Tất cả những từ tiếng Việt đứng ngay trước chứ không phải đứng sau một trong hai từ nhiều hoặc lắm và không bao giờ đứng ngay sau một trong hai từ hơi hoặc rất thì được xếp vào nhóm các từ loại 2” (tr.14-15). Với các từ loại còn lại tác giả cũng sử dụng phương pháp tương tự.

Chưa nói đến khó khăn trong việc tìm một số khuôn mẫu, từ chứng tiêu biểu để tránh sự tròng tréo, để hạn chế ngoại lệ, những mô hình này chỉ có tác dụng miêu tả từ loại cho từng ngôn ngữ cụ thể vì mỗi ngôn ngữ đều có những quy định về trật tự sắp xếp, kết hợp từ ngữ cũng như danh sách các từ chứng.

Theo một giải pháp khác, từ loại được xác định dựa vào chức năng cú pháp cơ bản của chúng. Cách định nghĩa này vừa phân biệt được động từ (verb) và tính từ (adjective) trong đa số ngôn ngữ Ấn-Âu5 lại vừa cho thấy nét chung rất cơ bản không thể bỏ qua giữa động từ và tính từ trong những ngôn ngữ như tiếng Việt. Một số nhà Hán học như A. Dragunov, A. Reformatskij đã phân loại tiếng Hán – một ngôn ngữ có nhiều nét tương đồng với tiếng Việt – dựa trên chức năng cú pháp, từ đó đã xếp chung tính từ và động từ vào một nhóm gọi là VT. Cũng dựa trên chức năng cú pháp, L. Thompson đã thấy ‘verbs’ trong tiếng Việt phải bao gồm cả một số lớn “các hình thức hầu như là thích hợp gán cho các tính từ tiếng Anh theo sau hình thức nào đó của động từ to be” [211, tr.217]. Tác giả Cao Xuân Hạo khi định nghĩa VT cũng chú trọng tiêu chí cú pháp khi cho rằng VT là một từ “có thể tự mình làm thành một vị ngữ (hay một ngữ đoạn biểu thị nội dung của cái sự tình được trần thuật trong câu)

5 M. Haspelmath [161] khi bàn về tiêu chí chức năng cú pháp trong các ngôn ngữ, cho rằng các động từ luôn có thể đảm nhiệm vị trí vị ngữ mà không cần bất kì từ nào thêm vào để đánh dấu, trong khi đó đó các danh từ và tính từ khi đảm nhiệm vị trí này lại phải cần có yếu tố đánh dấu và đó thường là một động từ nối [161, tr.16541].

hoặc làm trung tâm cho ngữ đoạn ấy” [33, tr.355]. Có thể nói, chức năng cú pháp đã được nhiều nhà ngôn ngữ học coi là tiêu chí duy nhất hoặc cơ bản để định nghĩa VT trong những ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt.

Lối phân định từ loại của Nguyễn Tài Cẩn (1975) được xem là lối phân loại có viện đến cả khả năng kết hợp và chức năng cú pháp khi ông cho rằng cần phải dựa vào đoản ngữ để phân loại. Theo ông, một từ loại sẽ được xác định dựa vào khả năng kết hợp và chức năng của nó trong việc tổ chức mệnh đề. Mặc dù có nói đến sự cần thiết phải bổ sung thêm tiêu chí “dựa vào mệnh đề” nhưng việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của của đoản ngữ trong việc xác lập tư cách từ loại của các VT cho thấy hướng đi của tác giả là nhất quán, có giá trị [12, tr.303-320].

Lưu Vân Lăng, dựa vào hoạt động cú pháp của từ trong ngữ đoạn tầng bậc hạt nhân, vào vai trò, vị trí, chức năng của từ trong ngữ đoạn đã chia vốn từ tiếng Việt ra thành hai loại lớn (từ nòng cốttừ phụ gia) trong đó VT (bao gồm động từ và tính từ) được đặt trong thế đối lập với nhóm thể từ (bao gồm danh từ và đại từ) và hai nhóm này xếp chung vào loại từ nòng cốt [47, tr.122]. Lối phân loại này thuận lợi trong thao tác (có lẽ ảnh hưởng bởi phương pháp phân tích thành tố đã được ngữ pháp miêu tả cấu trúc Mỹ đề cập từ lâu) nhưng thực ra vẫn phải dựa vào tiêu chí ý nghĩa trong tất cả các tầng bậc phân loại.

Cùng chú ý tới đặc điểm nội tại của ngôn ngữ, một số tác giả lại sử dụng cùng lúc nhiều tiêu chí. Theo P. Schachter, từ loại cần phải được định nghĩa dựa trên các tiêu chí ngữ pháp. Cụ thể tác giả nêu ra ba tiêu chí: (i) sự phân bố của từ (trong câu); (ii) phạm vi chức năng cú pháp mà từ đảm nhiệm; (iii) các phạm trù cú pháp hoặc hình thái mà từ thể hiện [193, tr.3]. Ba tiêu chí này có thể được minh họa như sau (ví dụ của tác giả). Theo tiêu chí (i) trong câu ‘Boys like girls’ (Trai thì thích gái), các từ boyslike có sự phân bố khác nhau (‘*Like boys girls’ là không đúng ngữ pháp); theo tiêu chí (ii) ta thấy boys có thể giữ chức năng chủ ngữ nhưng like thì không; theo tiêu chí (iii), boys có thể mang phạm trù số nhưng không thể mang phạm trù thì, trong khi đó like có thể mang cả hai phạm trù. Như vậy, boyslike

cần phải xếp vào hai phạm trù khác nhau (tr.4).

Một giải pháp trung dung hơn là sử dụng nhiều tiêu chí bao gồm cả những tiêu chí thuộc về ngữ nghĩa/ chức năng và cả những tiêu chí thuộc về cấu trúc nội tại của ngôn ngữ để phân chia từ loại ([120, tr.23-24]; [145, tr.129]; [149, tr.177]; [159, tr.8]; [191, tr.396]; [192, tr.112-113]). Chẳng hạn, E. Gorden và I. Krylova sau khi nêu ra ba tiêu chí chung cho việc phân chia từ loại trong các ngôn ngữ [159, tr.6], đã định nghĩa VT dựa trên ba tiêu chí: (i) nội dung (nghĩa từ vựng): dùng để chỉ các hành động, quá trình, quan hệ, v.v.; (ii) hình thức: thể hiện các phạm trù ngữ pháp như thì, thể, dạng, v.v.; (iii) chức năng: làm vị ngữ của câu (tr.8).

Trong giới Việt ngữ học một số tác giả cũng sử dụng nhiều tiêu chí để xác định từ loại, chẳng hạn, Lê Cận – Phan Thiều [14, tr.105] căn cứ vào chức năng cú pháp, ý nghĩa phạm trù và khả năng kết hợp, Đinh Văn Đức [25, tr.16-29] sử dụng ý nghĩa phạm trù, chức năng cú pháp và cả ý nghĩa từ vựng – ngữ pháp, Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung [4, tr.74-77] dựa vào các tiêu chí như ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp, chức năng cú pháp, v.v.

Chúng tôi cho rằng để có một định nghĩa về từ loại nói chung và VT nói riêng có thể áp dụng cho nhiều ngôn ngữ cần phải kết hợp nhiều tiêu chí. Việc sử dụng một tiêu chí duy nhất sẽ không phản ánh được đầy đủ bản chất cũng như hoạt động phức tạp của VT trong các ngôn ngữ thuộc những loại hình ngôn ngữ khác nhau. Về cơ bản, chúng tôi tán thành cách phân định từ loại của Nguyễn Tài Cẩn, theo đó VT là một từ loại có thể làm trung tâm của đoản ngữ, có khả năng kết hợp với một số thành tố phụ [12, tr.311-334]; tuy nhiên, chúng tôi không phân biệt ‘động từ’ với ‘tính từ’ mà cơ sở là sự tương đồng rất lớn giữa chúng ở chính hai tiêu chí mà tác giả đã nêu.

Một phần của tài liệu PHẠM TRÙ NỘI ĐỘNG NGOẠI ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(245 trang)