Chương 1: NHỮNG CƠ SỞ LÍ LUẬN CHUNG 1.1. Khái niệm vị từ và phân loại vị từ
1.1.2. Phân loại vị từ
VT có thể được phân loại dựa vào nghĩa biểu hiện, vào số lượng diễn tố mà nó chi phối, sự kết hợp cả tiêu chí ý nghĩa và chức năng hay sự có mặt hoặc vắng mặt của BN trực tiếp.
1.1.2.1. Phân loại VT theo nghĩa biểu hiện
Phân loại VT theo nghĩa biểu hiện sự tình là lối phân loại chú ý đến mối quan hệ giữa VT với thế giới bên ngoài6. Đây là lối phân loại có lẽ xuất hiện sớm nhất. Lối phân loại này vẫn được nhiều nhà ngôn ngữ học sử dụng với một số chỉnh sửa, bổ sung.
W. Chafe sau khi chia VT thành hai nhóm lớn (VT trạng thái và VT phi trạng thái) đã đưa ra một bảng phân loại VT gồm 6 tiểu loại: (i) VT trạng thái, (ii) VT quá trình, (iii) VT hành động, (iv) VT quá trình hành động, (v) VT trạng thái hoàn cảnh, (vi) VT hành động hoàn cảnh [10, tr.131].
R. Dixon cho rằng vốn từ trong tất cả các ngôn ngữ đều có thể được phân loại dựa vào một số kiểu ngữ nghĩa (semantic types) nhất định. Theo tác giả có khoảng trên 30 kiểu ngữ nghĩa phổ biến. Trong đó riêng VT có khoảng 20 kiểu, chẳng hạn:
VT chỉ sự chuyển động (motion), cho tặng (giving), yêu thích (liking), v.v. Tuy nhiên ông cũng nhận thấy trong các ngôn ngữ thường có hiện tượng một số VT cùng chia sẻ đặc tính cú pháp nhưng ý nghĩa có thể lại rất khác nhau [139, tr.93-97].
Cũng căn cứ vào nghĩa của VT, R. Quirk et al (1972) sau khi chia VT thành hai nhóm lớn: động (dynamic) và trạng thái (stative) đã tách tiếp VT thành 7 nhóm nhỏ trong đó có 5 nhóm thuộc về VT động (VT hành động ‘activity verbs’, VT quá trình ‘process verbs’, VT chỉ cảm giác cơ thể ‘verbs of bodily sensation’, VT chỉ sự di chuyển ‘transitional event verbs’, VT chỉ hành động tức thời ‘momentary verbs’) và 2 nhóm thuộc về VT trạng thái (VT chỉ nhận thức và cảm nhận nội tâm ‘verbs of inert perception and cognition’, VT chỉ quan hệ ‘relational verbs’) [189, tr. 46-47].
Phát triển, mở rộng hướng phân loại này, I. Schlesinger (1995) đã chia VT thành 11 nhóm bằng cách phân loại chi tiết hơn một số tiểu loại mà R. Quirk et al đã nêu ra (chẳng hạn chia VT chỉ sự di chuyển thành di chuyển có ý định và di chuyển không ý
6 Một số tác giả, chẳng hạn H. Sweet [206, tr.89], đã có lối phân loại VT dựa theo nghĩa rất đáng lưu ý. Căn cứ vào nghĩa, VT có thể được chia thành: NgĐ, NĐ, phản thân, tương hỗ và vô nhân xưng (impersonal).
Cách phân loại này phản ánh quan niệm xem NgĐ và NĐ là phạm trù thuộc về bình diện nghĩa.
Xét từ góc độ từ nguyên, ‘transitve’ (NgĐ) bắt nguồn từ tiếng La Tinh: ‘transire’ nghĩa là ‘chuyển ngang qua’ (to go across) [192, tr.117] – một thuật ngữ gợi nhiều liên tưởng về phương diện nghĩa.
định) và bổ sung thêm một nhóm mới (VT chỉ tư thế ‘stance’) [194, tr. 181-183].
Bằng việc mô tả câu ở bình diện nghĩa thể hiện, M. Halliday phân loại quá trình (quá trình được thể hiện là VT ở bình diện hình thức cú pháp) thành 3 kiểu cơ bản (quá trình vật chất, quá trình tinh thần, quá trình quan hệ) và 3 kiểu trung gian (quá trình hành vi, quá trình phát ngôn, quá trình hiện hữu) [29, tr.205-207].
T. Givón (1984) không chỉ vận dụng tiêu chí mức độ ổn định về mặt thời gian (degree of time stability) để định nghĩa các từ loại (x. mục 1.1.1), mà còn dùng tiêu chí này để phân chia các tiểu loại trong nội bộ từ loại VT. Căn cứ vào tiêu chí này, VT có thể chia thành ba loại: (i) VT cấp thời (instantaneous verbs) – dùng để diễn tả những thay đổi rất nhanh (kiểu: hit ‘đánh’, shoot ‘bắn’, kick ‘đá’);
(ii) VT hành động/ quá trình (activity/ process verbs) – dùng để diễn tả những thay đổi chậm hơn (kiểu: sing ‘hát’, work ‘làm việc’, eat ‘ăn’ hoặc read ‘đọc’); và (iii) VT trạng thái (stative verbs) – dùng để diễn tả những hiện tượng thay đổi rất chậm hoặc không thay đổi (kiểu: know ‘biết’, understand ‘hiểu’, hoặc like ‘thích’) [152, tr.52]. Khái quát và rút gọn hơn, một số tác giả chỉ lưỡng phân VT thành VT động (active verbs) và VT trạng thái (stative verbs) ([166, tr.62]; [189, tr.22]; [193, tr.11]). Mặc dù lối phân loại này dựa trên tiêu chí nghĩa nhưng nó ít nhiều có tính chất ngữ pháp bởi tiêu chí nhận diện các VT động là khả năng tham gia vào cấu trúc tiếp diễn còn VT trạng thái thì không có khả năng này.
Cũng dựa vào nghĩa biểu hiện, VT có thể chia thành hai loại: VT biểu thị nội dung sự tình và VT tình thái.
(1) VT biểu thị nội dung sự tình
Đây là những VT biểu thị những đặc tính, những biểu hiện và những mối liên hệ của các thực thể ở thế giới bên ngoài. Nhóm VT này có thể tiếp tục được phân loại chi tiết hơn dựa vào một số tiêu chí ngữ nghĩa cụ thể. S. Dik đã kết hợp hai tiêu chí Động (dynamism) và Chủ ý (control) để xác định 4 kiểu sự tình – cũng là 4 kiểu VT cơ bản:
Sự tình + Động
BIẾN CỐ - Động
TÌNH TRẠNG
+ Chủ ý Hành động Tư thế - Chủ ý Quá trình Trạng thái
[137, tr.34]
Trong việc phân loại VT và câu tiếng Việt, một số tác giả đã vận dụng, phát triển thành công mô hình này ([32], [72]).
(2) VT biểu thị tình thái (modality verb)
Khác với VT biểu thị nội dung sự tình, VT tình thái cho biết cách thực hiện các mối liên hệ giữa các thực thể trong thế giới là có thật hay không, là tất yếu hay không, có thể có hay không. Ngoài ra chúng còn phản ánh thái độ, cách đánh giá của người nói hay chủ thể sự tình được nói ra về các dạng thức thể hiện sự tình.
Trước cùng một sự tình, bằng những yếu tố tình thái (trong đó chủ yếu là VT tình thái) người nói có thể tạo ra những phát ngôn khác nhau nhờ ý nghĩa tình thái thêm vào nội dung miêu tả sự tình ấy.
1. a. Nam muốn đến trường.
b. Nam có thể đã đến trường.
c. John managed to escape.
‘Anh ta đã [tìm cách] trốn thoát’
d. He wanted to leave.
‘Anh ta muốn đi’
Xuất hiện trong chuỗi VT, VT tình thái bao giờ cũng đứng ở vị trí đầu tiên và giữ vai trò trung tâm về ngữ pháp. Theo T. Givón, VT tình thái và VT đứng sau nó bao giờ cũng phải cùng một chủ ngữ (equi-subject). Sở dĩ chủ ngữ của VT đứng sau VT tình thái không xuất hiện, theo quan niệm của ngữ pháp tạo sinh, là do nó bị lược bỏ. Chẳng hạn, (a) là một hình thức lược của “Nam muốn rằng Nam/ cậu ta đến trường”; (c) là hình thức lược của “He managed that he would escape” (Anh ta đã xoay sở/ tìm cách để anh ta trốn thoát). Việc đưa ra tiêu chí cùng một chủ ngữ sẽ
phân biệt được VT tình thái với VT thuộc một số nhóm, chẳng hạn VT phát ngôn-tri nhận (cognition-utterance). Dù sao, trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong câu (a) và (d) vừa đề cập, VT có nghĩa tình thái trong hình thức tỉnh lược có thể coi là mơ hồ hoặc giao thoa (overlap) với nhóm VT phát ngôn-tri nhận ((a) có thể được hiểu là: Nam muốn cô ta (hoặc ai đó) đến trường; tương tự (d) có thể được hiểu là:
He wanted that she would leave) [153, tr.533-534].
Trong những ngôn ngữ thiên chủ đề như tiếng Việt, nơi mà sự qui định đặc tính vai nghĩa không chặt chẽ như trong các ngôn ngữ thiên chủ ngữ (như tiếng Anh), có thể xuất hiện nhiều trường hợp VT tình thái không nhất thiết phải cùng với VT ngôn liệu bị chi phối bởi Đề7 mà có thể gắn với người nói (kiểu: Căn nhà này có lẽ sẽ bị sập).
Dựa vào tính chất hàm ý (implicativity) – tích cực (positive) hay tiêu cực (negative) cũng như dựa vào một số tiêu chí khác, VT tình thái có thể được chia thành nhiều tiểu loại ([32, tr.50-54]; [99]; [152, tr.117-119], [153, tr.532-537]).
Nhìn chung, lối phân loại VT dựa vào nghĩa biểu hiện có thể áp dụng cho mọi ngôn ngữ.
1.1.2.2. Phân loại VT theo số lượng diễn tố
VT, về mặt bản chất, quy định sự hiện diện của các thành phần còn lại của câu – nghĩa là quy định số lượng và kiểu ngữ nghĩa của những ngữ đoạn danh từ bắt buộc hoặc có thể xuất hiện trong câu [10, tr.124]. Những ngữ đoạn bắt buộc phải xuất hiện do ý nghĩa của VT quy định gọi là diễn tố8. Số lượng các diễn tố của một VT là diễn trị. Dựa vào tiêu chí diễn trị, VT được chia thành VT vô trị, đơn trị, song trị, tam trị.
(1) VT không có diễn tố/ vô trị (avalent). Những VT vô trị chủ yếu thể hiện những hiện tượng, trạng thái phổ biến như thiên nhiên, thời tiết. Lúc này không có một tham tố bắt buộc nào tham gia vào sự tình. Theo W. Chafe, VT loại này thường gắn với kiểu câu mà dường như “không chứa đựng một cái gì khác ngoài VT và
7 ‘Đề’, ‘Thuyết’, v.v. được chúng tôi xem là các đơn vị chức năng cú pháp.
8 Chi tiết về diễn tố, x. mục 1.2.
trong đó không có một đối tượng nào để tiến hành VT hóa” [10, tr.130]. Trong một số ngôn ngữ, như tiếng Việt, VT vô trị có thể một mình hoặc kết hợp với các chu tố mở rộng (làm trạng ngữ) để tạo câu.
2. a. Mưa!
b. Mưa tầm tã suốt ngày.
c. It’s raining.
‘Trời mưa’
Cả ba câu trên không có diễn tố nào tham gia sự tình9.
(2) VT một diễn tố/ đơn trị (monovalent). Đây là những VT có một tham tố bắt buộc. Căn cứ vào nghĩa, VT một diễn tố có thể thuộc vào nhiều tiểu loại khác nhau: VT hành động, VT quá trình, VT trạng thái, VT tư thế. Trong phần lớn các câu đơn giản, VT này đi sau diễn tố đóng vai trò Đề/ chủ ngữ của câu. Diễn tố duy nhất này có thể mang các vai nghĩa khác nhau. Ví dụ với VT hành động, diễn tố này là Hành thể (actor), với VT trạng thái diễn tố này là Nghiệm thể (experiencer)...
3. a. Nam chạy.
b. Nam ngủ suốt ngày.
c. John died.
(John [đã] chết)
(3) VT hai diễn tố/ song trị (bivalent). Đây là những VT đòi hỏi phải có hai tham tố tham gia vào sự tình. Một diễn tố xuất hiện trên bề mặt cú pháp là Đề/ chủ ngữ, diễn tố kia là BN. Xét về đặc tính ngữ nghĩa, phần lớn VT hai diễn tố thuộc loại VT hành động tuy nhiên chúng cũng có thể thuộc các loại VT khác. Hai diễn tố này có thể mang vai ngữ nghĩa khác nhau tùy thuộc vào nghĩa của VT chi phối chúng. Ví dụ tham gia vào khung vị ngữ có VT trung tâm là VT hành động, hai diễn tố thường là Tác thể và Đối thể/ Đích (goal); nếu VT trung tâm là VT trạng thái, đó là Nghiệm thể và Hiện tượng (phenomenon).
9 Ví dụ trên cho thấy có chút khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Cùng thể hiện một sự tình (hiện tượng thời tiết), tiếng Anh chỉ sử dụng cấu trúc vô trị (it được xem là chủ ngữ hình thức chứ không phải là một diễn tố), trong khi đó, tiếng Việt sử dụng hai cấu trúc: cấu trúc vô trị (ví dụ a, b) và cấu trúc đơn trị (như phần dịch ví dụ c: trời mưa). Người Việt tri nhận trời như một thực thể – do đó nó được xử lí là một tham tố.
4. a. Nam yêu Lan.
b. John killed Bill.
(John [đã] giết Bill)
(4) VT ba diễn tố/ tam trị (trivalent). Các VT loại này đòi hỏi phải có ba diễn tố. Một diễn tố xuất hiện trên bề mặt cú pháp là Đề/ chủ ngữ, hai diễn tố còn lại thường là một BN trực tiếp và một BN gián tiếp. Hầu hết VT tam trị thuộc VT hành động và các diễn tố của VT loại này thường mang các vai nghĩa: Tác thể, Đối thể và Tiếp thể (recepient).
5. a. Nam gửi thư cho Lan.
b. Cô ta đặt cuốn sách lên bàn.
c. He asked me a question.
(Anh ta hỏi tôi một câu hỏi)
Ngoài bốn kiểu VT trên, một số VT có thể có bốn diễn tố, tuy nhiên nhóm VT này có số lượng không đáng kể. Trong thực tế sử dụng ít khi cả bốn diễn tố này được hiện thực hoá, nghĩa là tùy mục đích giao tiếp cụ thể, một (vài) diễn tố thường bị lược bỏ.
6. a. Nam đổi tờ tiền rách cho người thu ngân để lấy tờ tiền mới.
a’. Nam đổi tiền mới.
b. Pat sold a lawnmower to Chris for $20.
‘Pat bán một cái máy xén cỏ cho Chris giá 20 đô’
Trong ví dụ trên, câu (a) là dạng đầy đủ. Ở câu này tất cả các diễn tố đều được hiện thực hoá. Trong khi đó, ở câu (a’) hai diễn tố (vật đem đổi và người cho đổi) bị lược bỏ.
Gắn với hướng phân loại dựa vào diễn trị nhưng một số tác giả khác đưa ra kết quả phân loại có ít nhiều dị biệt. Chẳng hạn, Ch. Li & S. Thompson chia VT tiếng Hán thành (i) VT NĐ (không có BN); (ii) VT NgĐ (có một BN trực tiếp); (iii) VT song chuyển (có một BN trực tiếp và một BN gián tiếp). Các tác giả đã xếp VT trợ (copula) vào nhóm VT NĐ [178, tr.141]. Như vậy lối phân loại của các tác giả này
là sự kết hợp của lối phân loại dựa vào diễn trị kết hợp với tiêu chí sự có mặt/ vắng mặt của BN.
R. Dixon, cũng dựa vào diễn trị và đưa ra kết quả các tiểu nhóm là VT NĐ (nhận một vai nghĩa), VT NgĐ (nhận hai hoặc hơn hai vai nghĩa) [139, tr.95]. I.
Schlesinger cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng việc phân chia VT thành VT NĐ và VT NgĐ là căn cứ vào số lượng tham tố nòng cốt (core arguments) mà VT đòi hỏi [194, tr.180].
Việc đánh đồng giữa số lượng vai nghĩa với đặc điểm cú pháp như cách làm của các tác giả trên cần phải xem xét lại vì trong nhiều ngôn ngữ, một số VT có hai hoặc hơn hai diễn tố nhưng thể hiện trên bình diện cú pháp vẫn không có BN trực tiếp do đó vẫn không thể xếp chúng vào nhóm VT NgĐ. Trong tiếng Việt cũng tồn tại hiện tượng này (x. mục 2.1.2).
1.1.2.3. Phân loại VT dựa trên sự kết hợp ý nghĩa và chức năng
Kết quả của cách phân chia này tạo ra sự phân đôi hay phân ba các VT.
Theo lối phân ba, VT chia thành VT trợ/ VT nối (auxiliary/ linking/ copulative verb), VT NĐ (intransitive verb) và VT NgĐ (transitive verb) ([147, tr.343]; [185, tr. 64]; [195, tr.3]). Lối phân đôi giữ nguyên nhóm VT trợ và gom các VT NĐ và VT NgĐ vào một nhóm gọi là VT không nối/ VT miêu tả/ VT có nghĩa từ vựng (non-linking/ predicating/ lexical verb) ([11, tr.613-614]; [159, tr.9-10]; [192, tr.114-120]). Như vậy, ngoài một số khác biệt nhỏ, hai cách phân loại trên về cơ bản là thống nhất ở cách hiểu các khái niệm. Nói chung, các VT trong nhóm đầu là mờ nghĩa từ vựng hoặc trống nghĩa, chúng luôn đi trước VT từ vựng trong các VT chuỗi để thông tin về tình thái; hoặc, trong một số ngôn ngữ, chúng đi trước các từ loại khác để thông tin về thời, thể, ngôi... và cùng hợp thành vị ngữ, tạo tính hoàn chỉnh về ngữ pháp. Ngược lại, các VT thuộc nhóm hai (và nhóm ba trong cách phân ba) – bao gồm VT NĐ và VT NgĐ – có nghĩa từ vựng và có thể đảm trách chức năng cú pháp trong câu.
Lối phân loại trên thiếu tính triệt để trong việc sử dụng các tiêu chí. Sự đối lập VT nối với hai loại còn lại là dựa trên tiêu chí nghĩa, trong khi đó, sự phân biệt VT NĐ với VT NgĐ lại dựa trên tiêu chí ngữ pháp.
1.1.2.4. Phân loại VT dựa vào tiêu chí [±BN trực tiếp]
Đây là lối phân loại khá phổ biến có nhiều gần gũi với lối phân loại ở mục 1.1.2.3. Theo hướng này, VT được chia thành hai nhóm: VT có BN trực tiếp (tức VT NgĐ) và VT không có BN trực tiếp (VT NĐ). Khác với lối phân loại trên (kết hợp nhiều tiêu chí), lối phân loại này là lối phân loại có tính ngữ pháp (vì nó chú ý mối quan hệ của VT với các thành phần chức năng trong câu). Đây là lối phân loại có thể áp dụng cho hầu hết các ngôn ngữ ([189, tr.22]; [193, tr.10]). Hạn chế cơ bản của lối phân loại này là không tính đến hoạt động của nhóm VT nối – một nhóm phổ biến trong rất nhiều ngôn ngữ (tuy nhiên có một số tác giả, chẳng hạn Ch. Li &
S. Thompson [173, tr.141], E. Gordon & I. Krylova [156, tr.9], đã xếp VT nối vào nhóm VT NĐ).
Luận án chấp nhận (có một số bổ sung, điều chỉnh) hướng phân loại này và từ đó tiếp tục phân loại, miêu tả sâu hơn các tiểu loại VT trong tiếng Việt.