2. Nội dung thực hiện của đề án
2.1. Bối cảnh thực hiện đề án
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua đã tạo cho Lạng Sơn những lợi thế mới về vị trí địa lý kinh tế. Tỉnh Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung
Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; có 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị - đường bộ; Đồng Đăng - đường sắt), 2 cửa khẩu chính (Chi Ma - Lộc Bình, Bình Nghi - Tràng Định) và 7 cửa khẩu phụ (trong đó có Tân Thanh, Cốc Nam, Bản Chắt, Quốc Khánh,...); có các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ: 1A, 1B, 3B, 4A, 4B, 31, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung (Hà Nội - Lạng Sơn - Trung Quốc). Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế, cải thiện các lĩnh vực xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) bình quân hằng năm thời kỳ 2001 - 2010 đạt 10,2%, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 đạt 10,04%, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10,36%; GDP năm 2011 tăng 9,18%, năm 2012 tăng 7,32%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2010 đạt 16,3 triệu đồng (năm 2012 đạt 23,7 triệu đồng), gấp 2,68 lần so với năm 2005 và gấp 5,17 lần so với năm 2000.
Hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư hiện đại là những tuyến chính gắn kết quan hệ toàn diện của Lạng Sơn với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
Với vai trò ngày càng quan trọng của KH&CN tới phát triển KT-XH, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN nói chung và đầu tư phát triển KH&CN nói riêng đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi tiến hành các hoạt động KH&CN.
Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN ở Việt Nam năm 2004 đưa ra các giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN. Tập trung vào việc đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho KH&CN và đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN. Theo đó phấn đấu đạt tỷ lệ 50/50 giữa kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn
ngoài ngân sách nhà nước thông qua các biện pháp như: khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN; doanh nghiệp được khấu hao nhanh đối với tài sản, thiết bị, máy móc; được vay vốn với lãi xuất ưu đãi tại Quỹ phát triển KH&CN để tiến hành hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Các tổ chức KH&CN có thể khai thác nguồn vốn ngoài nước từ hoạt động hợp tác quốc tế khác nhau (hợp tác nghiên cứu, đào tạo song phương, đa phương). Đối với phần NSNN sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách và những lĩnh vực công ích do Nhà nước quy định…
Bên cạnh đó nhiều chủ trương chính sách khác cũng đã được ban hành như: Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức này được quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, về tổ chức cán bộ và hợp tác quốc tế đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình. Nghị định 80/2007/NĐ-CP về thành lập doanh nghiệp KH&CN; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ. Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BKHCN-BTC ngày 7/5/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước;
Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BKHCN-BTC ngày 4/10/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước…
Quán triệt chủ trương, chính sách phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng và những ban hành những chính sách cụ thể để phát triển KH&CN. Những văn bản pháp lý đã được ban hành là cơ sở cho việc đầu tư nghiên phát triển khoa học và công nghệ nhằm
nâng cao tiềm lực KH&CN, phát huy vai trò to lớn là động lực phát triển KT- XH của tỉnh tuy nhiên trong giai đoạn 2000-2014 các chủ trương, văn bản của tỉnh Lạng Sơn ban hành vẫn chưa tạo được sức hút cần thiết để phát triển, khai thác hết tiềm năng vốn có.