C. KIẾN NGHỊ, KẾT LUẬN
1.3. Đối với doanh nghiệp
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của công nghệ đối với sự phát triển của mình, đầu tư thích đáng cho việc đổi mới công nghệ và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cả về chuyên môn, nghiệp vụ đặc biệt là kiến thức pháp luật.
Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại trong cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước để đề xuất hướng giải quyết lên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cần chủ động tham gia vào các diễn đàn đối thoại, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương để phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo các quy định của nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ.
2. Kết luận
Khoa học và công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt trực tiếp của xã hội, là động lực cơ bản cho phát triển KT-XH. Sự gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu khoa học với ứng dụng vào sản xuất, sáng tạo ra công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Đối với nước ta, hoạt động KH&CN đang được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Việc đưa nhanh KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống là khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư đúng đắn cho KH&CN sẽ mang lại hiệu quả trước mắt và lâu dài.
Tại Lạng Sơn, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong ưu tiên đầu tư phát triển KH&CN. Bên cạnh việc triển khai thực thi những chính sách đầu tư phát triển KH&CN của cấp trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những bất cập trong các chính sách này đòi hỏi cần tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện.
Đề tài “Hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ ở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2020” đề cập tới vấn đề này. Trên cơ sở khung lý thuyết về chính sách đầu tư phát triển KH&CN đề tài đã tiến hành phân tích thực trạng chính sách này trong phạm vi tỉnh Lạng Sơn. Có thể thấy rằng, trong những năm qua, nguồn NSNN đầu tư cho KH&CN ở tỉnh Lạng Sơn đã được duy trì ổn định. Chính sách đối với nguồn vốn này từng bước được sử dụng hợp lý hơn thông qua việc xác định những chương trình ưu tiên đầu tư. Do vậy kết quả của hoạt động nghiên cứu KH&CN ở tỉnh đã góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Nhiều kỹ thuật tiến bộ, kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào thực tiễn góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều tổ chức KH&CN được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ
hoạt động nghiên cứu và triển khai. Tuy nhiên, so với mục tiêu của Đảng và Nhà nước về đầu tư NSNN cho KH&CN thì mức đầu tư còn rất thấp. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát chưa phù hợp dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn này còn nhiều bất cập.
Chính sách xã hội hóa hoạt động đầu tư cho phát triển KH&CN chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trên địa bàn tỉnh. Vốn đầu tư chủ yếu dựa vào NSNN, tuy nhiên phần NSNN cấp cho KH&CN còn thấp và chưa đảm bảo mục tiêu đề ra. Việc sử dụng vốn NSNN chưa thực sự có hiệu quả do đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, cơ chế gắn trách nhiệm với nguồn vốn sử dụng, cơ chế kiểm tra, giám sát ban hành chưa đồng bộ.
Đề tài cũng chỉ rõ những hạn chế trong chính sách khuyến khích đầu tư cho KH&CN từ khu vực doanh nghiệp. Mặc dù nhiều chính sách được ban hành nhưng lại chưa hiệu quả do tính khả thi của chính sách chưa cao. Các chính sách thiếu sự tham gia cần thiết của các doanh nghiệp nên không nắm bắt được thực tế nhu cầu của doanh nghiệp dẫn tới việc không giúp doanh nghiệp nhận thức được vai trò quan trọng của KH&CN cũng như không kích thích được doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển KH&CN. Chính sách thuế, lãi suất có xu hướng mở rộng nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Các ngân hàng thương mại chưa mặn mà với các khoản cho vay đầu tư phát triển KH&CN. Hình thức hỗ trợ lãi suất qua quỹ đầu tư phát triển mới được hình thành và cũng chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thì quá nhiều thủ tục, phức tạp nên cũng không thu hút được nhiều doanh nghiệp đăng ký thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
Trên cơ sở phương hướng, quan điểm hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển KH&CN, đề tài đã đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách
đầu tư phát triển ở tỉnh Lạng Sơn trong những năm tới. Theo đó, với chính sách đầu tư từ Nhà nước cho KH&CN, việc trước mắt là cần đảm bảo đầu tư đủ số lượng theo yêu cầu; tiếp theo cần có kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách thông qua xây dựng chiến lược phát triển, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, đảm bảo đầu tư đủ và đồng bộ; hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí đối với hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN; gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với việc sử dụng nguồn NSNN được giao. Đối với chính sách xã hội hóa hoạt động đầu tư, các giải pháp để hoàn thiện bao gồm: nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đầu tư đổi mới công nghệ để họ tự điều chỉnh hành vi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ; bên cạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ cần có biện pháp xử lý đối với các đối tượng sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án ưu tiên của địa phương; cụ thể hóa nhằm thực thi chủ trương đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN.
1. Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng NSNN.
2. Bộ Tài chính- Bộ Khoa học và Công nghệ (2006), Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng NSNN.
3. GS.TS. Lê Trần Bình (2008), “Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ”, Tạp chí Hoạt động khoa học, Số tháng 7/2008, Tr.26-27.
4. Vũ Cao Đàm (2009), Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Đăng Dậu, Nguyễn Xuân Tài (2008), Giáo trình Quản lý công nghệ, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
6. TS. Lê Đăng Doanh (2003), Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
7. Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2007), Giáo trình Chính sách kinh tế - xã hội, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
9. TS. Nguyễn Thị Anh Thu (2006), “Đổi mới chính sách tài chính đối với khoa học và công nghệ”, Tạp chí Hoạt động khoa học, Số tháng 3/2006, tr.18-21.