Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.2. Cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới
1.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn ở một số nước trên thế giới
Vào những năm 1960, kinh tế nông thôn Hàn Quốc còn hết sức lạc hậu, đời sống nhân dân còn gặp muôn vàn khó khăn. Trong cả nước có 34% tỷ lệ dân thuộc vào nhóm nghèo đói và chỉ 20% có thể tiếp cận với điện. Dù đã đình chiến nhưng tình hình hai miền Nam - Bắc vẫn đang căng thẳng, do vậy không có đủ kinh phí để đầu tư phát triển nông thôn. Trước hoàn cảnh đó, bước vào những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện mô hình “Nông thôn mới” để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm bằng việc chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, chương trình tiến hành trong nhiều năm theo các bước từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp rồi đưa ra toàn quốc, từ nông nghiệp lan sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ...
Phương pháp tiếp cận: Phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng, nhằm khai thác tinh thần chịu khó, tự vượt khó và cùng hợp tác trong phát triển để xây dựng nông thôn thịnh vượng.
Nội dung chủ yếu của mô hình Saemaul Ungdong là: nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cải tạo môi trường sống của người dân, củng cố và khích lệ tinh thần cho người dân nông thôn. Chương trình được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chính phủ đã liên tục điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển để phù hợp với tình hình thực tiễn. Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai các dự án dễ thực hiện, nhìn thấy trước, và dự án khó mang tính dài hạn sau. Năm 1971, mỗi làng được Chính phủ hỗ trợ 350 bao xi măng, 500 kg thép, đất đai và công lao động do người dân trong chính các làng đó bỏ ra và giao quyền tự quyết định cho cộng đồng góp thêm công của và thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng cho từng hộ nông dân; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nông dân. Các làng thực hiện tốt các dự án ở giai đoạn 1 sẽ được lựa chọn thực hiện tiếp giai đoạn 2.
Để đánh giá kết quả của những chính sách này, dự án thực hiện việc đánh giá và xếp loại các làng theo 3 nhóm: nhóm làng tích cực nhất, nhóm trung bình và nhóm cơ bản. Bằng việc trao thưởng cho mỗi làng 2000$ nếu được thăng nhóm xếp hạng, chương trình đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc phân loại các nhóm làng trong vòng 3 năm sau đó.
Nhóm 1973 1976
Nhóm làng tích cực 6,7% 4,7%
Nhóm trung bình 40,4% 54,5%
Nhóm cơ bản 53,1% 0,9 %
Giai đoạn 2: là giai đoạn “nâng cao thu nhập của nông dân”, vừa phát huy tính cộng đồng trong nông thôn rất cao, vừa tăng thu nhập vừa hình thành và thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác liên kết. Sau kết quả đánh giá hàng năm, các làng được phân thành 3 loại:
- Loại không hoàn thành tốt các dự án cơ sở hạ tầng;
- Loại hoàn thành tốt các dự án cơ sở hạ tầng đơn giản nhưng chưa hoàn thành tốt các dự án cơ sở hạ tầng mang tính cộng đồng cao;
- Loại hoàn thành tốt các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được Chính phủ trợ giúp triển khai các dự án nâng cao thu nhập cho nông dân, bao gồm các nội dung như sau: tăng năng suất giống cây trồng, xây dựng các vùng công tác chuyên canh, thúc đẩy hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi, trồng rừng đa canh. Hỗ trợ của Nhà nước chuyển sang bằng tiền dưới hai dạng cho vay với lãi suất cực thấp hoặc cho không. Kỹ thuật mới đóng góp nhiều cho việc tăng thu nhập của người dân;
đưa giống lúa cao sản Tongil vào sản xuất, năng suất rau quả tăng nhanh. Tập trung phát triển sản xuất gia súc gia cầm, thịt bò, sữa bò đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm của dân thành thị tăng nhanh khi thu nhập tăng. Xây dựng mối liên hệ, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bằng cách thưởng phạt công minh để kích thích lòng tự tin trong từng cộng đồng làng xã đã tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ hướng về xây dựng nông thôn mới, thi đua làm giàu đẹp quê hương. Địa phương nào cũng muốn vươn lên thành điển hình tốt, chấm dứt hiện tượng tranh nhau nhận làng xã nghèo để được hỗ trợ, vì thế thái độ ỷ lại, tự ti bị loại bỏ ngay từ cách tiến hành chương trình. Cách đi từng bước đó vừa cho phép dưỡng sức dân tích lũy tăng thu nhập, tái sản xuất mở rộng, vừa cho phép huy động nội lực từ dân để xây dựng nông thôn. Mặt khác, Nhà nước tập trung nguồn tài nguyên có hạn của mình vào các mục tiêu phát triển cụ thể có hiệu quả như đến cuối năm 1970 và đầu những năm 1980, hầu hết các làng ở khu vực nông thôn Hàn Quốc đều tham gia vào các dự án nâng cao thu nhập cho nông dân. Chương trình làng mới này đã góp phần đưa đất nước Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trở thành một nước công nghiệp phát triển chỉ sau 20 năm.
Phong trào làng nông thôn sang hợp tác xã và doanh nghiệp được mở rộng. Khi phần lớn các làng xã đã bước sang giai đoạn thực hiện các chương trình tăng thu nhập, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn gắn chặt với phát triển các hợp tác xã góp phần vào tăng năng suất và sản lượng của các hộ gia đình nông thôn thì số lượng hợp tác xã tăng nhanh, hoạt động tốt, bình quân một hợp tác xã sau 10 năm tổng doanh thu tăng từ 43 triệu lên 2.300 triệu won. Chính phủ hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thành lập các xí nghiệp Seamaul ở nông thôn, ngân hàng nhà nước cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên cung cấp điện, hướng dẫn kỹ thuật và được Hiệp hội phát triển công nghiệp nhỏ quản lý, giúp đỡ tăng thu nhập phi nông nghiệp cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn. Nhờ vậy đã thúc đẩy hình thành các hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn phục vụ cho nhu cầu sản xuất mang tính thương mại của họ. Người nông dân đói nghèo đã bắt đầu trở nên đủ ăn, đủ mặc. Khu vực
nông thôn trở nên năng động, có khả năng tích luỹ, tự đầu tư và nhờ đó mà có khả năng phát triển.
- Trung Quốc: mô hình xây dựng nông thôn của Trung Quốc
Vào tháng 3/2006, Trung ương Đảng cộng sản và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã công bố Bản “tài liệu số 1” quyết tâm giải quyết vấn đề nông thôn;
chủ trương xây dựng “Nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” là nhiệm vụ chính của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Tài liệu này đề cập những chiến lược cơ bản trong đó chú trọng đến “Điều chỉnh mối quan hệ trong phân phối thu nhập, quy phạm, trật tự phân phối: thu nhập, tăng thu nhập cho tầng lớp người có mức sống trung bình và thấp.
Kiên trì “Cho nhiều, lấy ít, nuôi sống” đặc biệt là áp dụng nhiều biện pháp trong việc
“cho nhiều” đối với nông dân; đồng thời đưa ra các giải pháp nhiều mặt về xây dựng nông thôn, vấn đề xã hội và dân chủ. Khác với tài liệu các năm trước nói đến các vấn đề riêng biệt như sản xuất lương thực, thu nhập nông dân và khả năng sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc đã vào một thời kỳ mới.
Có 5 lý do để đặt vấn đề xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa mới:
Một là: nông nghiệp còn lạc hậu chưa đạt mức có thể làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao sinh kế của nhân dân.
Hai là: sản lượng lương thực đạt 484 triệu tấn năm 2005, chưa đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, so với năm cao nhất thấp hơn 30 triệu tấn.
Ba là: thiếu đất canh tác và nguồn nước tưới tiêu là cản trở cho việc phát triển nông nghiệp.
Bốn là: cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp để tăng việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.
Năm là: chênh lệch về tỷ lệ thu nhập giữa đô thị và nông thôn đang tăng thêm.
Thu nhập thuần đầu người của nông thôn Trung Quốc năm 2005 là 3.255 nguyên (402 USD), trong lúc của dân đô thị là 10.493 nguyên, cao hơn 322%. Nếu lấy sự khác nhau về cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa thì còn cao hơn nhiều. Một nông thôn định hướng xã hội chủ nghĩa mới cần cho sự tăng nhu cầu trong nước. Thu nhập và sức mua thấp của nông dân làm cho nhu cầu của tiêu dùng ở nông thôn không mở rộng, năm 2005 chỉ chiếm 32,9% của giá trị bán lẻ trong nước.
Xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa mới sẽ tạo ra một xã hội hài hòa, công bằng và có lợi cho toàn dân.
Năm mục tiêu chính của nông thôn xã hội chủ nghĩa là: Năng suất nông thôn, cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội, dân chủ và mức sống.
Đây không phải là xây dựng làng xã mới mà phải chú ý đến hiệu quả và hệ quả trước mắt hơn là vào bề ngoài. Phải sử dụng sự thương lượng dân chủ hơn là dùng chỉ thị. Nông thôn phải phát triển tùy theo khả năng và đặc điểm bản thân, Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng dự án và vốn đầu tư.
Trung Quốc đã đưa ra 7 nhiệm vụ chính để tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm gánh nặng cho họ và cụ thể hóa nhiệm vụ, chiến lược đề ra thành 32 biện pháp có lợi cho nông dân. Trong đó có phát triển nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập của nông dân và cải tiến cơ sở hạ tầng nông thôn. Nội dung các biện pháp bao gồm:
Nhà nước đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp: Ngân sách cho các dự án phát triển nông thôn tăng lên. Xây dựng một cơ chế đẩy mạnh công nghiệp và đô thị thúc đẩy phát triển nông thôn. Sự phân phối thu nhập quốc dân sẽ được điều chỉnh để cho việc tiêu thụ thuế, đầu tư ngân sách, tài sản cố định và tín dụng sẽ tăng để hỗ trợ cho nông nghiệp và nông thôn. Hỗ trợ từ vốn nhà nước sẽ lớn và tăng liên tục. Phần lớn trái phiếu nhà nước và vốn ngân sách sẽ đi về phát triển nông thôn. Đặc biệt đầu tư để cải tiến sản xuất và điều kiện sống sẽ trở thành một nguồn ổn định để tăng vốn cho xây dựng.
Về cơ sở hạ tầng: thu thuế trong việc sử dụng đất canh tác sẽ tăng lên và nhiều thứ thuế mới sẽ được áp dụng trong phát triển nông thôn bên cạnh đó sẽ có các quy định để đảm bảo, điều tiết thu nhập thuế đất cho việc phát triển đất nông nghiệp. Phí thu từ sử dụng đất sẽ được dùng chủ yếu vào các dự án phát triển đất nông nghiệp nhỏ và bảo vệ nguồn nước. Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cần cấp thiết cho đời sống nông dân. Chương trình nước sạch sẽ được thực hiện nhanh hơn, trước hết ở các vùng nước bị ô nhiễm nặng. Nguồn năng lượng sạch sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
- Nhật Bản: mô hình nông nghiệp của Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước có diện tích đất đai canh tác nông nghiệp hạn chế, số lượng người đông, đơn vị sản xuất nông nghiệp chính tại Nhật Bản vẫn là các hộ gia đình. Với đặc điểm tự nhiên kinh tế xã hội của mình, Nhật Bản đã đề ra một chiến lược hiệu quả là tăng năng suất nông nghiệp quy mô nhỏ bằng cách thâm canh tăng năng suất trên đơn vị diện tích và trên đơn vị lao động. Vì vậy nông nghiệp Nhật Bản đã cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu của nhân dân, tạo khả năng tích lũy và phát huy nội lực, thâm canh tăng năng suất, xuất khẩu nông, lâm sản, nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp hóa, đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn, gắn nông thôn với công nghiệp, gắn nông thôn với thành thị. Việc tạo tiền đề thích hợp chính là những điều kiện quan trọng đã đưa nông nghiệp, nông thôn Nhật Bản theo hướng hiện đại hóa.
Nhật Bản đã chú trọng phát triển, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống năng lượng và thông tin liên lạc hoàn chỉnh, phân bổ các ngành công nghiệp chế biến dùng nguyên liệu nông nghiệp (như gỗ, tơ tằm, dệt may...), các ngành cơ khí, hóa chất trên địa bàn nông thôn để tạo cơ sở thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng và phát huy tác dụng máy móc, thiết bị và hóa chất trong quá trình cơ giới hóa và hóa học hóa nông nghiệp, tạo năng suất lao động cao. Từ đó cũng đã tạo việc làm cho lao động nông thôn, ngăn chặn làn sóng lao động rời bỏ nông thôn ra thành thị. Chính phủ Nhật Bản thường xuyên có chính sách trợ giá nông sản cho các vùng nông nghiệp mũi nhọn.
Nhật Bản thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và hiện đại hóa, lấy nông nghiệp làm nền tảng ổn định xã hội và tích lũy cho công nghiệp, thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp hướng vào xuất khẩu...
làm tăng nhanh tiềm lực kinh tế đất nước. Bởi vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững của Nhật Bản là bài học kinh nghiệm để chúng ta tham khảo và học tập.
Từ năm 1979, Nhật Bản đã khởi xướng và phát triển phong trào "Mỗi làng, một sản phẩm" với mục tiêu phát triển vùng nông thôn dựa trên 3 nguyên tắc chính là: Địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được xác định là thế mạnh. Sau 20 năm áp dụng phong trào trên Nhật Bản đã có 330 sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao như như nấm hương Shitake, rượu Shochu lúa mạch, cam Kabosu,... giúp nâng cao thu nhập của nông dân địa phương.
Để đầu tư cho công nghệ cao đi theo hướng nông nghiệp xanh, sạch tạo giá trị sản phẩm cao hơn nhiều sản phẩm thông thường, Nhật Bản có chính sách cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển đồng đều giữa đô thị, nông thôn, đồng bằng và miền núi.