Chương 3: THỰC TRẠNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN THANH SƠN, TỈNH PHÚ THỌ
3.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện Thanh Sơn
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lí
Thực hiện Nghị định 61 NĐ/CP (ngày 09 tháng 4 năm 2007), của Thủ tướng Chính phủ "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thanh Sơn để thành lập huyện Tân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ", diện tích tự nhiên của Thanh Sơn còn lại là 62.357,44 ha, dân số 121.546 người có 22 xã và 1 thị trấn, 285 khu dân cư. Thanh Sơn nằm ở phía Nam tỉnh Phú Thọ và có vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc giáp các huyện Tam Nông; Yên Lập tỉnh Phú Thọ.
- Phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình.
- Phía Tây giáp huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ.
- Phía Đông giáp huyện Thanh Thuỷ tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình.
Huyện Thanh Sơn có đường Quốc lộ 32A từ Hà Nội đi Sơn La, Yên Bái. Trên địa bàn huyện Thanh Sơn có 7 tuyến đường tỉnh, huyện Thanh 313; 313D, 316, 316C, 316D, 317 và 317B. Với tuyến đường tỉnh, huyện Thanh Sơn ở vị trí khá thuận tiện về giao thông. Nơi đây là đầu mối giao thông quan trọng, nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng với trung du và miền núi. Từ đây có thể mở rộng giao thương với các huyện lân cận như Tam Nông, Thanh Thuỷ, Yên Lập, Tân Sơn; giao lưu với các tỉnh khác như Hoà Bình, Yên Bái, Hà Nội. Với vị trí đó, huyện Thanh Sơn thực sự là mối giao lưu quan trọng, cửa ngõ chuyển tiếp của khu vực trung du miền núi tạo những tiềm năng cho phát triển thị trường, giao lưu hàng hoá giữa các khu vực.
3.1.1.2. Địa hình, khí hậu thủy văn
* Địa hình
Huyện Thanh Sơn là đoạn cuối của dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều dãy núi nằm nhô trong hệ phức hợp vùng núi thấp có độ cao trung bình từ 500 đến 700m. Đây là vùng thượng lưu của sông Bứa địa hình nghiêng dần về vùng trũng phía Đông (Địch Quả; Sơn Hùng) rồi đổ ra sông Hồng ở địa phận huyện Thanh Sơn. Về cơ bản huyện Thanh Sơn là huyện miền núi với địa hình đặc trưng là núi, đồi có sườn dốc, bị phân cắt bởi nhiều thung lũng hẹp và trung bình. Địa hình đó tạo cho huyện Thanh Sơn có cơ cấu kinh tế nông, lâm đa dạng. Tuy nhiên địa hình bị chia cắt phức tạp, đồi núi dốc cũng gây cho Thanh Sơn nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế và xã hội.
Theo địa hình có thể chia Thanh Sơn thành 3 tiểu vùng:
- Tiểu vùng miền núi bao gồm các xã: Thượng Cửu, Đông Cửu, Khả Cửu, Yên Sơn… với những ngọn núi cao từ 500 - 700m và có độ dốc từ 250C.
- Tiểu vùng đồi núi cao xen lẫn đồi núi thấp: Tập trung ở các xã phía Bắc và Trung của huyện như Văn Miếu, Võ Miếu, Thục Luyện… với độ dốc trung bình từ 5 - 250C.
- Tiểu vùng đồng bằng xen lẫn đồi thấp tập trung chủ yếu ở những xã phía Đông và Đông Nam giáp với Thanh Thủy và Hòa Bình, tiểu vùng này có độ dốc dưới 50C.
* Khí hậu, thủy văn
Địa hình huyện Thanh Sơn rất đa dạng tạo ra các tiểu vùng khí hậu khác nhau:
Địa hình chia cắt, dốc kéo dài, phần lớn là rừng núi thấp, cấu tạo theo kiểu báp úp nằm trong vùng địa hình đồi núi thấp và trung bình thuộc lưu vực sông Bứa nơi kết thúc dãy Hoàng Liên Sơn.
Do địa hình chi phối khí hậu của huyện có những đặc trưng của khí hậu miền núi phía Bắc: Mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông lạnh, cuối đông ẩm ướt và mưa phùn, nhiệt độ thấp và nhiệt độ trung bình năm là 20 - 210C nhưng biên độ nhiệt giữa cực đại và cực tiểu tới gần 400C. Số giờ nắng trung bình qua các năm là 1.453 giờ, lượng mưa trung bình năm dao động từ 1850 - 1950 mm/năm. Độ ẩm không khí trung bình qua các năm là 86,8%, tốc độ gió trung bình 1,8m/s. Hướng gió chính: Đông, Đông Nam và Tây Nam.
Một số hiện tượng bất thường về thời tiết vẫn xảy ra tại Thanh Sơn như quá lạnh về mùa đông, thậm chí có băng giá và sương muối; ngược lại mùa hè nhiệt độ lại quá cao, khô nóng, hạn hán và thậm chí còn có gió Lào, gió bão thường xảy ra quanh năm. Tuy sức gió không lớn nhưng hay xảy ra hiện tượng lốc xoáy kèm theo mưa rất to và mưa đá... gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Thanh Sơn có nhiều con suối lớn, nhỏ đều tập trung đổ về sông Bứa, sông Dân, suối Cái xã Yên Lương, ngòi Lạt xã Lương Nha. Các dòng suối lớn, nhỏ chính là nguồn nước tự nhiên tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do lượng mưa tập trung vào mùa hè, địa hình dốc nên thường có hiện tượng mưa lũ lớn, xói mòn, rửa trôi đất và gây lụt lội cho một số vùng, phá hủy các tuyến đường, chia cắt hệ thống giao thông liên xã và liên huyện.
3.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên
* Tài nguyên đất
Tổng diện tích tự nhiên huyện Thanh Sơn là 62.357,44 ha, trong đó có 45.724,23 ha đất nông nghiệp, có 4.672,39 ha đất phi nông nghiệp và 11.960,82 ha đất chưa sử dụng. Ngoài diện tích đất dốc tụ và phù sa thích hợp với cây hàng năm huyện Thanh Sơn còn có tới 80% diện tích là đất Feralit phát triển trên phiến thạch sét có độ phì nhiêu tự nhiên khá và rất thích hợp đối với các loại cây lâu năm và cây
lâm nghiệp theo hướng hàng hoá, là cơ sở để xây dựng nên những thương hiệu hàng hoá nổi tiếng của quê hương như: Thương hiệu Chè Bảo Long, Cây công nghiệp Sơn (Khả Cửu, Sơn Hùng, Võ Miếu); chuối phấn vàng (Tân Lập, Tân Minh)... Quỹ đất hiện có của huyện Thanh Sơn khá thuận lợi cho việc quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, phát triển các khu du lịch sinh thái, các trung tâm thương mại dịch vụ.
* Tài nguyên nước
Hệ thống sông Bứa và các suối chảy về sông Đà cùng với hàng trăm con suối nhỏ là nguyên tài nguyên nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong huyện.
* Tài nguyên rừng
Đất lâm nghiệp của huyện có diện tích 45.377,1ha, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, độ che phủ rừng hiện tại là 62%. Diện tích rừng với nhiều cây công nghiệp tương đối phong phú, đa dạng như: Gỗ trai, cây sơn, cây bạch đàn, cây keo...có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, chống sói mòn, sạt lở. Diện tích rừng trồng (rừng kinh tế) phát triển tương đối mạnh, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp giấy và vật liệu xây dựng.
* Tài nguyên khoáng sản
Huyện Thanh Sơn có một số loại khoáng sản như: pizít; quắc zít, cao lanh, fenpats, sắt, than… Ngoài ra cón có nhiều mỏ đá tạo điều kiện cho công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.
* Cảnh quan môi trường
Thanh Sơn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và môi trường trong lành, dọc thị trấn là sông Bứa với cảnh quan rất hấp dẫn. Trên địa bàn huyện có nhiều khu vực có thể xây dựng các khu di tích sinh thái, có vườn rừng, có thảm thực vật phong phú với những thác nước nhỏ, những dòng suối trong vắt… Đó chính là những cảnh quan lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái - du lịch đồi rừng… Có thể nới Thanh Sơn là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, là nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển đô thị, du lịch sinh thái và mở mang các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ thương mại…
Tuy nhiên Thanh Sơn do có những vùng bị nhiễm phóng xạ, có những khu vực khai thác và sơ chế khoáng sản, chế biến nông sản (tinh bột sắn), do đó môi trường sinh thái cũng bắt đầu báo động, đòi hỏi khi quy hoạch phải quan tâm đến vấn đề môi trường sinh thái.
3.1.1.4. Đánh giá chung
*Thuận lợi:
- Thanh Sơn là một huyện miền núi có diện tích rộng, cơ cấu đất đai đa dạng về địa hình, chất đất, có điều kiện cho việc dành diện tích đất cho phục vụ các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phát triển công nghiệp, bố trí cây trồng, vật nuôi, phát triển dịch vụ, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng…
- Tài nguyên khoáng sản phong phú, cơ hội cho phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
- Khí hậu, thời tiết phức tạp cùng với cơ cấu đất đai đa dạng cho phép phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn diện; phát triển các loại đặc sản của nông, lâm nghiệp.
* Khó khăn:
- Địa hình chia cắt gây khó khăn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, trong giao thương với vùng sâu, vùng xa…
- Địa hình phức tạp, đồi núi dốc gây khó khăn trong quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
- Khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai thường xảy ra như lũ quét, úng, ngập, hạn hán, sương muối… ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống.