CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU
1.4. Quy định sản xuất rau an toàn
Trong những năm qua việc sản xuất và tiêu thụ rau, RAT của Hà Nội đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các vùng sản xuất rau, đặc biệt các vùng rau tập trung đã được đầu tư. Sản lượng rau của Thành phố sản xuất đã đáp ứng được 60% nhu cầu, trong đó rau sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn đã đáp ứng được 14% nhu cầu. Hiệu quả sản xuất rau của
nông dân đã được cải thiện với giá trị thu được từ sản xuất rau bình quân đạt 200 – 250 triệu đồng/ha/năm. Mạng lưới tiêu thụ RAT đã bước đầu hình thành và phát triển, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bước đầu đi vào thực hiện còn không tránh khỏi nhiều tồn tại khó khăn:
Sản xuất rau chưa có quy hoạch; quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các vùng sản xuất chuyên rau tập trung lớn, trong khi diện tích có thể sản xuất rau trên địa bàn Thành phố rất lớn, nhất là các vùng bãi ven sông Hồng, sông Đáy. Các địa phương khi xây dựng dự án phát triển vùng sản xuất RAT tập trung đều vướng mắc về quy hoạch chung của thành phố. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường nên nhận thức của một bộ phận người sản xuất còn hạn chế, một số hộ nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất RAT, chất lượng rau chưa đảm bảo, nên chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Vì vậy muốn phát triển các vùng chuyên sản xuất RAT quy mô tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu RAT của người dân, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chúng ta cần hiểu đầy đủ hơn về RAT để có thể hướng người dân thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn.
1.4.1. Khái niệm về rau an toàn
Những sản phẩm rau tươi bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng đúng với đặc tính giống của chúng, hàm lượng các hóa chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là “rau an toàn” [25]
1.4.2. Yêu cầu chất lượng rau an toàn - Chỉ tiêu nội chất
Chỉ tiêu nội chất được quy định bao gồm:
+ Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) + Hàm lượng nitrat (NO3-)
+ Hàm lượng một số kim loại nặng: As, Cd, Pb, Hg …
+ Mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (E.coli, Samonella, Colifrom..) và ký sinh trùng đường ruột (trứng giun đũa Ascaris sp).
Tất cả các chỉ tiêu trong sản phẩm của từng loại rau an toàn đều phải nằm dưới mức cho phép theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hoặc theo tiêu chuẩn của tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO), tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc một số nước tiên tiến trên thế giới.
- Chỉ tiêu về hình thái
Sản phẩm thu hoạch đúng lúc, đúng yêu cầu từng loại rau (đúng độ già kỹ thuật hay thương phẩm), không dập nát, hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp.
1.4.3. Hướng dẫn thực hàng VietGAP trên rau
VietGap (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ NN và PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng;
đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. [3]
- Đánh giá đất trồng
Đất trồng rau phải đảm bảo điều kiện sinh thái tối ưu cho mỗi loại, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của chất thải công nghiệp, bệnh viện... Tổ chức lấy mẫu đất, nước theo tiếu chuẩn hiện hành (TCVN 5297 – 1995). Mẫu được phân tích các chỉ tiêu về hóa học, sinh học, kết quả phải nhỏ hơn mức tối đa cho phép về điều kiện sản xuất rau an toàn lại phụ lục 1(đối với đất) và phụ lục 2(đối với nước).
- Giống rau
Giống sử dụng cho sản xuất rau an toàn phải có nguồn gốc rõ ràng không dùng những giống trôi nổi trên thị trường.
- Phân bón và chất phụ gia
Các loại phân bón và chất phụ gia cần phải được chọn lọc để giảm thiểu các mối nguy hại hóa học, sinh học cho sản phẩm rau. Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất
phụ gia có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng được giới hạn cho phép về hàm lượng kim loại nặng, có mức tạp chất thấp. Đối với phân bón, chỉ sử dụng loại phân có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT ban hành. Đối với phân hữu cơ trực tiếp bón vào đất, bón sớm, vùi kín đất và không để phân tiếp xúc trực tiếp với phần ăn được của rau. Chỉ bón phân bón hữu cơ được xử lý triệt để và dừng bón trước thời điểm thu hoạch it nhất 2 tuần. Đối với phân vô cơ cần bón đủ liều lượng phân đạm theo quy trình kỹ thuật cho mỗi loại rau, tránh bón phân đạm quá mức; dừng bón đạm trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày.
- Nước tưới
Nước tưới cho vùng sản xuất rau bao gồm nước sông, suối, ao, hồ… và nước giếng khoan. Nước tưới phải đảm bảo giới hạn cho phép về kim loại nặng theo phụ lục 2 và các tiêu chuẩn khác cho nước dùng trong thủy lợi TCVN 6773: 2000.
Tuyệt đối không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất rau và các công đoạn xử lý sau thu hoạch.
- Hóa chất BVTV và hóa chất khác
Sử dụng hóa chất BVTV và hóa chất khác an toàn và hiệu quả (sử dụng hóa chất BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc,đúng liều lượng, đúng cách).
Cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất BVTV:
+ Sử dụng tối đa và hài hòa các biện pháp phi hóa học trong quản lý dịch hại (biện pháp giống chống chịu, biện pháp canh tác, biện pháp thủ công cơ giới, biện pháp sinh học);
+ Khi cần thiết phải sử dụng hóa chất BVTV cần sử dụng các thuốc có tính chọn lọc, độ độc thấp, nhanh phân giải trong môi trường và thời gian cách ly ngắn;
+ Đặc biệt đối với các loại rau ngắn ngày (cải xanh, cải ngọt, cải cúc,..) và các loại rau thu hoạch liên tục (cà chua, dưa chuột, mướp đắng, đậu quả,..) phải chú trọng chọn thuốc nhanh phân giải, chỉ nên dùng thuốc sinh học, thảo mộc để xử lý dịch hại vào thời kỳ gần thu hoạch phải triệt để đảm bảo thời gian cách ly;
Chỉ sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng cho từng loại rau tại Việt Nam theo quyết định hàng năm của Bộ NN&PTNT. Chỉ mua các hóa chất BVTV ở những cửa hàng có giấy phép kinh doanh.
Lấy mẫu rau phân tích dư lượng thuốc BVTV trong rau quả phải nằm trong ngưỡng an toàn theo phụ lục 3.
- Thu hoạch, bao gói
Rau được thu hoạch phải đúng độ chín, loại bỏ lá già, héo, quả bị sâu, dị dạng…Rau được rửa kỹ bằng nước sạch , để ráo nước rồi cho vào bao , túi sạch trước khi đem tiêu thụ trên thị trường. Trên bao bì có dán tem nhãm để truy nguyên nguồn gốc rau nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng [25]