Quá trình nghiên cứu được tiến hành qua hai giai đoạn:
- Nghiên cứu sơ bộ: nhằm xây dựng bảng câu hỏi.
- Nghiên cứu định lượng: nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, đánh giá và kiểm định mô hình, xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố.
3.3.1 Nghiên cứu sơ bộ:
Xây dựng bảng hỏi từ nguồn dữ liệu thứ cấp nhằm bước đầu đo lường được các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB tại các trường THPT.
Số người tham gia cho nghiên cứu định tính là 14 người là Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác tại 11 trường THPT công lập trong Tỉnh Đồng Nai với hình thức phỏng vấn trực tiếp, trả lời qua email và trả lời trực tiếp trên bảng hỏi.
Từ kết quả nghiên cứu sơ bộ, tiến hành xem xét, đánh giá lại mức độ chính xác, hợp lý, và sự rõ ràng của các câu hỏi. Loại bỏ những câu hỏi không hợp lý, không rõ ràng. Xây dựng bảng câu hỏi chính thức ( Phiếu khảo sát).
Kết quả nghiên cứu sơ bộ:
Về môi trường kiểm soát:
- Sự liêm chính và giá trị đạo đức của BGH, GV và nhân viên
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy đa số GV có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của bản thân; không có ai không đồng tình hoặc ít đồng tình với việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cũng như các thức kiểm soát và việc xử lý của BGH đối với những hành vi vi phạm.
- Đánh giá về năng lực và chính sách nhân sự
Việc tổ chức đánh giá, xếp loại trong thi đua là vô cùng cần thiết nhằm tránh tư tưởng cào bằng, “bình quân chủ nghĩa”. Tuy nhiên với Quy định cách đánh giá như hiện nay đã tạo áp lực không nhỏ cho không chỉ GV mà còn cho cả BGH.
Các tiêu chuẩn thi đua chưa đáp ứng đúng yêu cầu thực tế mà cần phải điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Ở một số trường, kết quả thi đua cuối năm chưa nhận được sự đồng tình của tập thể Hội đồng sư phạm.
Việc tuyển dụng giáo viên THPT theo hướng giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng đã có một số tác động tích cực tới khả năng quản lý của hiệu trưởng và hiệu quả giáo dục của mỗi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số Hiệu trưởng chưa thực
hiện đúng trách nhiệm của mình: không công khai, minh bạch trong tuyển dụng, tuyển dụng người chưa đúng yêu cầu.
- Triết lý quản lý và phong cách điều hành của BGH
Mọi người đều đồng tình với tiêu chí Nội dung và hình thức họp Ban chuyên môn. Việc công khai, phổ biến nội dung và kết quả cuộc họp là điều cần thiết để mọi người thực hiện.
Đánh giá rủi ro
Sự cảnh báo của BGH đối với các rủi ro ở các lĩnh vực hoạt động chưa đầy đủ . Mặc dù vậy, khi có sự việc xãy ra, BGH cũng đã có biện pháp và cách thức ứng phó rủi ro kịp thời, giải quyết được vấn đề.
Về hoạt động kiểm soát
Cách thức quản lý điểm công khai, minh bạch ở hầu hết các trường được đánh giá cao nhất. Đứng ở mức độ trung bình là việc kiểm tra giờ giấc lên lớp của GV, HS và việc kiểm tra giờ dạy, chấm trả bài, tổ chức kiểm tra. Đạt kết quả thấp nhất chính là hoạt động Hội giảng và kiểm tra hồ sơ chuyên môn của cá nhân: giáo án, sổ điểm, sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm, sổ họp, phối hợp với PHHS. Việc tuyển dụng giáo viên THPT công lập tại tỉnh Đồng Nai trong nhiều năm qua đã theo hướng giao quyền cho Hiệu trưởng là một điều thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số Hiệu trưởng chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình: không công khai, minh bạch trong tuyển dụng, tuyển dụng người chưa đúng yêu cầu…dẫn đến dư luận xã hội không tốt.
Về hoạt động tài chính: tất cả các trường đều xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ khá tốt. Đảm bảo thực hiện đúng và đủ các khoản thu theo quy định.
Kế toán thực hiện đầy đủ các báo cáo theo đúng biểu mẫu quy định, có tiến hành đối chiếu với Kho bạc Nhà nước hàng tháng. Các khoản thu đều có biên lai, chứng từ thu cho người nộp. Quyết toán thu, số nộp đầy đủ, đối chiếu số thu nhập quỹ đúng với biên lai. Hạn chế: Việc thực hiện các khoản thu đa số là do GV chủ nhiệm thu hộ. Chưa đảm bảo nguyên tắc “ bất kiêm nhiệm” ở một số trường hợp. Trong Quy chế chi tiêu nội bộ còn một số nội dung chi hiện nay vẫn chưa có định mức chi phù hợp, có những định mức cần được quy định chi tiết, cụ thể hơn, cũng có những định mức cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc công khai tài chính chưa thực hiện thường xuyên, không đầy đủ.
Thông tin và truyền thông
Nhiều người đồng ý cho rằng hoạt động thông tin và truyền thông trong nhà trường đã giúp các bộ phận, cá nhân trong trường nhận được thông tin cần thiết, kịp thời, chính xác, bên cạnh đó BGH cũng được Tổ trưởng chuyên môn thường xuyên báo cáo về tình hình giáo viên. Việc sử dụng các phần mềm cho công tác kế toán, văn thư, lưu trữ là cần thiết.
100% các trường THPT trong Tỉnh Đồng Nai đều có trang web, nhưng thực tế trang web của nhiều trường còn đơn điệu, chưa cập nhật thông tin kịp thời, thiếu tính hấp dẫn.
Thực trạng về giám sát
Việc kiểm tra chéo giữa các tổ chuyên môn vẫn còn tình trạng nể nang, làm qua loa, chưa đánh giá một cách chính xác. Ở một số trường, hoạt động KSNB chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng thông đồng, lạm quyền. Đạt kết quả đồng tình cao nhất (84,5%) là ý kiến: các thành viên tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát (Ban Thanh tra nhân dân) phải là những người có đủ uy tín do Hội đồng giáo dục nhà trường bầu ra.
Đóng góp ý kiến của các chuyên gia:
Qua kết quả nghiên cứu và trả lời phỏng vấn, nhiều chuyên gia đã góp ý nên bỏ bớt một số câu hỏi có nội dung trùng lắp hoặc không cần thiết. Do đó, tác giả đã xây dựng lại bảng hỏi gồm 22 câu (19 biến độc lập và 3 biến quan sát)
3.3.2 Nghiên cứu định lƣợng:
Nghiên cứu định lượng nhằm để lượng hóa, đo lường, phản ảnh và diễn giải các mối quan hệ giữa cá nhân tố (các biến) với nhau. Trên cơ sở lý thuyết và kết quả nghiên cứu định tính, tác giả xây dựng Phiếu khảo sát và thang đo phù hợp với đề tài nghiên cứu. Phiếu khảo sát được thiết kế gồm 02 phần:
Phần I : Thông tin cá nhân
Gồm những thông tin chung liên quan đến người trả lời câu hỏi. Thang đo được sử dụng là thang đo định danh.
Phần II: Thông tin cụ thể
Gồm những câu hỏi liên quan đến 05 yếu tố cấu thành hệ thống KSNB:
- Môi trường kiểm soát - Đánh giá rủi ro
- Hoạt động kiểm soát - Thông tin và truyền thông - Giám sát
và một số câu hỏi về hiệu quả của hệ thống KSNB.
Thang đo được sử dụng là thang đo Likert 5 điểm : từ ít đồng tình đến rất đồng tình để đo lường các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB tại các trường THPT công lập.
Phân tích dữ liệu:
Phiếu khảo sát được xây dựng chủ yếu trên thang đo Likert 5 điểm: từ ít đồng tình đến rất đồng tình để đo lường các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB tại các trường THPT công lập trong Tỉnh Đồng Nai. Sau đó, sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để kiểm định độ tin cậy của thang đo. Tiếp đến, phân tích nhân EFA nhằm loại bỏ các nhân tố rác và gom nhân tố, xây dựng mô hình hồi quy đa biến. Cuối cùng, đánh giá độ mạnh của từng nhân tố và cho kết luận dựa trên số liệu thống kê.
Chọn mẫu nghiên cứu:
Theo Nguyễn Đình Thọ (2011, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, nhà xuất bản Lao động xã hội, trang 189): Trong nghiên cứu định lượng, mẫu thường có kích thước lớn và được chọn theo phương pháp xác suất để có thể đại diện được cho đám đông cần nghiên cứu.
Theo Bollen (1989, trích dẫn Nguyễn Đình Thọ, 2008, trang 118), để kiểm định mô hình nghiên cứu, kích thước mẫu được chọn dựa theo quy luật năm mẫu cho một tham số cần ước lượng. Như vậy, với 22 mẫu quan sát thì kích thước mẫu tối thiểu phải là 22 x 5 = 110.
Do số lượng trường THPT công lập trong Tỉnh Đồng Nai khá nhiều và ở rải rác các huyện (42 trường), nên để có kết quả chính xác và khách quan nhất, tác giả quyết định số lượng mẫu phải từ 150 mẫu trở lên. Để có thể đảm bảo số mẫu thu về đạt cả về số lượng lẫn chất lượng, tác giả phát ra 220 mẫu đến 22 trường (bình quân 10 mẫu một trường).
Thu thập dữ liệu:
Những mẫu đạt yêu cầu, hợp lệ là những mẫu trả lời đầy đủ các câu hỏi và đúng quy định có trong Phiếu khảo sát. Với 220 mẫu đã phát ra, sau khi thu về và
sàng lọc loại bỏ các phiếu không hợp lệ, số mẫu đạt yêu cầu là 173 mẫu (tỷ lệ 76,64%). Việc thu thập mẫu được tiến hành theo nhiều cách thức thuận lợi nhất.
Phân tích dữ liệu sau khi thu thập mẫu:
Việc phân tích dữ liệu sau khi thu thập mẫu được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Phiếu khảo sát được phát cho các Hiệu trưởng, giáo viên, kế toán, nhân viên đã và đang công tác tại 22/42 trường THPT công lập trong Tỉnh Đồng Nai. Sau khi thu thập, các Phiếu khảo sát được kiểm tra lại và loại bỏ những phiếu không hợp lệ. Kế tiếp, sử dụng phần mềm SPSS 22.0 để tiến hành mã hóa các biến quan sát, nhập liệu và làm sạch dữ liệu, tiến hành thống kê, phân tích dữ liệu đã thu thập được.
Bước 2: Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach alpha, các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại, tiêu chuẩn để chọn thang đo là khi giá trị Cronbach alpha lớn hơn hoặc bằng 0.6.
Bước 3: Sử dụng phân tích nhân tố EFA nhằm xác định các nhân tố và biến quan sát giải thích cho nhân tố và biến quan sát được chọn là biến có hệ số tải nhân tố lớn hơn hoặc bằng 0.45; kiểm định KMO với 0.5 < KMO <1 với mức ý nghĩa 90%
Bước 4: Xây dựng mô hình hồi quy đa biến. Trên cơ sở đó, đánh giá độ mạnh của từng nhân tố và đưa ra kết luận dựa trên các số liệu thống kê.