CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
4.4. Phân tích hồi quy đa biến
4.4.5. Kiểm tra hiện tƣợng đa công tuyến
Để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến, ta sử dụng nhân tử phóng đại phương sai (VIF). Nếu VIF > 10 thì xãy ra hiện tượng đa cộng tuyến mạnh.
Quan sát bảng Coefficientsa ta thấy giá trị VIF của các biến đều nhỏ [từ 0.2805 đến 0.5088] nên không xãy ra hiện tượng đa cộng tuyến. (Phụ lục 7)
Bàn luận:
Từ những phân tích nêu trên, ta thấy R2adjust(hệ số xác định hiệu chỉnh) giải thích được 56,7% biến phụ thuộc (như vậy, thực tế còn có những yếu tố khác có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc mà mô hình chưa giải thích được). Bên cạnh đó, với kết quả kiểm định không xãy ra hiện tượng đa cộng tuyến nên mô hình này là phù hợp.
Qua kết quả phân tích ta thấy mô hình giải thích được 56,7 % biến phụ thuộc. Trong đó nhân tố “Thông tin & truyền thông” được đánh giá là có tác động nhất, kế đến là các nhân tố “Hoạt động kiểm soát”, “Môi trường kiểm soát”,
“Đánh giá rủi ro”. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các thành viên trong nhà trường đối với năng lực quản lý và điều hành của BGH, đặc biệt là đối với việc thực hiện công khai, minh bạch rộng rãi mọi hoạt động trong nhà trường sẽ góp
phần rất tốt đến hiệu quả hoạt động của hệ thống KSNB trong nhà trường. Đây là những nội dung được mọi người cho là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn, có hiệu quả tích cực trong việc thực hiện hệ thống KSNB trong nhà trường.
Riêng đối với nhân tố và “Giám sát” thì được cho rằng ít ảnh hưởng hoặc đến hệ thống KSNB, bởi vì thực tế số lượng người tham gia khảo sát là GV, NV chiếm một tỷ trọng lớn hơn nhiều so với những người làm công tác quản lý nhà trường. Những người này cho rằng: hoạt động giám sát và kiểm soát là nhiệm vụ của BGH, họ là đối tượng bị “giám sát” và bị “kiểm soát”, do đó họ thường có tâm lý không thích, không hài lòng; bản thân họ chưa hiểu được rằng trong hệ thống KSNB, hoạt động giám sát và hoạt động kiểm soát là những hoạt động hai chiều giữa nhà quản lý và nhân viên nên họ không thấy vai trò giám sát và kiểm soát của họ đối với việc lãnh đạo của BGH. Thực tế, hoạt động kiểm soát ở đa số các trường THPT chưa thật sự phát huy hiệu quả mà đôi khi còn phản tác dụng nếu BGH thực hiện kiểm soát một cách máy móc, gây nhiều khó khăn, mất thời gian cho GV, NV. Hình thức kiểm tra hoạt động chuyên môn còn đơn điệu, rập khuôn, thực hiện qua loa mang tính chất đối phó, có hiện tượng thông đồng nhau trong quá trình thực hiện kiểm tra chéo nên kết quả kiểm tra là không chính xác, không phản ánh đúng thực trạng; trong lĩnh vực tài chính, những thành viên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (Ban Thanh tra nhân dân) đa phần là GV, họ thiếu kiến thức chuyên môn về quản lý tài chính, bản thân họ lại chịu sự quản lý của BGH nên họ vẫn còn tâm lý e ngại, cả nể, chưa thẳng thắn trong chỉ ra những sai trái của lãnh đạo trong quá trình quản lý. Hầu như trường nào cũng thực hiện tự thanh tra tài chính 2lần/năm nhưng chưa có trường nào bị Ban Thanh tra nhân dân phát hiện có sai phạm về tài chính, kết quả thanh tra không phản ánh đúng bản chất sự việc. Vì vậy, đôi khi tổ chức hoạt động kiểm soát sẽ phản tác dụng đến hiệu quả KSNB trong nhà trường nếu BGH không quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện hoạt động này một cách phù hợp, thiết thực.
Do đó, ta có thể kết luận rằng mô hình này đã phản ánh đúng thực tế hoạt động KSNB ở các trường THPT công lập. Nhưng để có sự phù hợp tốt hơn thì cần phải bổ sung những yếu tố khác vào mô hình này.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong chương bốn, chúng ta tiến hành trình bày và phân tích những thông tin liên quan đến kết quả khảo sát như sau:
Kết quả tiến hành kiểm định Cronbach’s Alpha, cả 22 biến quan sát đầu tiên với thang đo Likert 5 điểm đều thỏa mãn các yêu cầu về sự tương quan và chặt chẽ với nhau. Sau khi thực hiện phân tích nhân tố EFA đã rút trích thành 6 nhân tố gồm:
- 5 nhân tố độc lập: Môi trường kiểm soát (N1), Đánh giá rủi ro (N2), Hoạt động kiểm soát (N3), Thông tin và truyền thông (N4), Giám sát (N5)
- 1 nhân tố phụ thuộc: Hệ thống KSNB hiệu quả (N6).
Trong 5 nhân tố độc lập, nhân tố “Thông tin, truyền thông” được đánh giá quan trọng nhất, điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển phát triển của xã hội ngày nay; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch là một cách thức giúp cho nhà trường làm tốt công tác KSNB; cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc thông tin, truyền thông mọi hoạt động trong nhà một cách nhanh nhất, tốt nhất. Mức quan trọng kế tiếp thuộc về nhân tố nhân tố “Hoạt động kiểm soát” và “Môi trường kiểm soát”, các thành viên tham gia khảo sát cho rằng cách thức quản lý và điều hành của BGH đối với nhà trường sẽ có tác động tích cực đến Môi trường kiểm soát – một yếu tố quan trọng trong hệ thống KSNB – nếu BGH có cách thức quản lý điều hành hiệu quả sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống KSNB trong nhà trường và ngược lại, nó sẽ làm hệ thống KSNB giảm tác dụng, bởi vì trong xu hướng hiện nay, mọi người đòi hỏi nhà quản lý không chỉ biết hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn phải có tầm nhìn, phải có khả năng dự báo để có thể giải quyết kịp thời một cách hiệu quả mọi vấn đề xãy ra, Hiệu trưởng phải là người “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm”. Có ảnh hưởng không lớn lắm đến hiệu quả của hệ thống KSNB là 2 nhân tố “Đánh giá rủi ro” và “Giám sát”. Bởi vì thực tế số lượng người tham gia khảo sát là GV, NV chiếm một tỷ trọng lớn hơn nhiều so với những người làm công tác quản lý nhà trường. Với tâm lý là người “bị giám sát và bị kiểm soát” nên họ không chú trọng lắm đến 02 nhân tố này. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát và giám sát ở hầu hết các trường còn mang nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào nội dung cụ thể, đôi khi còn mang tính chiếu lệ, kết quả không đúng như thực tế. Ở
một số trường, kết quả này còn mang tính chung chung, cào bằng, chưa thể hiện đúng bản chất sự vật. Mặt khác, vai trò kiểm soát và giám sát ngược của các thành viên trong trường đối với BGH chưa được phát huy nên ảnh hưởng của 02 nhân tố này đến hệ thống KSNB trong nhà trường là chưa rõ ràng thậm chí còn có tác động nghịch chiều. Đây cũng là một nghịch lý trong thực tế hoạt động KSNB ở hầu hết các trường THPT.
Như vậy, tổng hợp các nhân tố nêu trên có thể đo lường sự ảnh hưởng của các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB trong nhà trường THPT công lập ở Tỉnh Đồng Nai theo thứ tự mức độ giảm dần như sau: Thông tin, truyền thông (1); Hoạt động kiểm soát (2); Môi trường kiểm soát (3); Đánh giá rủi ro (4); Giám sát (5).